Khoảng đưa đón
Lễ Giáng Sinh vừa qua. Hình như dịp Noel là thời điểm “lạ” và nhắc nhở người ta về “cái gì đó”: Kết thúc năm cũ và khởi đầu năm mới, đưa tiễn năm cũ và đón tiếp năm mới. Ý Chúa kỳ diệu thật!
Với Tây phương Noel và Năm Mới “gắn liền” với nhau. Với Việt Nam nói riêng, và Á Đông nói chung, hai “thời điểm” cũng nối kết ít nhiều. Sau Noel, Tết Á Đông thường chỉ cách sau đó khoảng 30 hoặc 45 ngày. Thời gian không dài. Ý Chúa lại tiếp tục kỳ diệu!
Cuộc đời có nhiều cái khởi đầu và kết thúc. Thời gian cũng được quy ước từng “khoảng” ngắn hoặc dài: Giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm, mùa, thế kỷ,... Nghĩa là thời gian cũng có “mở” và “kết”. Tất cả có vẻ đơn giản như một sợi dây có hai đầu – đầu mở và đầu kết. Niềm vui nào cũng tàn, nỗi buồn rồi cũng hết (dù khó có thể chấm dứt, nhất là đối với những nỗi buồn “lớn”), ngay cả cuộc sống riêng của mỗi người cũng không trường sinh. Nói thẳng ra là CHẾT, tức là vừa hết vừa chấm dứt. Đó là quy luật muôn thuở. Nói chung, mọi thứ đều có khởi đầu và kết thúc – trừ Thiên Chúa, vì chính Ngài xác định:
– Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng (Kh 1:8).
– Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 21:6).
– Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 22:13).
Chia tay nào cũng tạo cảm giác khác thường: Vương vấn, lưu luyến, bịn rịn, nuối tiếc, bâng khuâng, buồn,... Tuy nhiên, có lẽ khoảng giao thừa là khác lạ nhất, đặc biệt nhất, người ta thường không có cảm giác buồn mà lại vui, vì từ biệt năm cũ để khởi đầu năm mới.
Trong khoảng “giao thoa” đó, ai cũng muốn loại bỏ những cái cũ xấu và xui, để đón những cái mới tốt và đẹp. Sửa soạn và đổi mới ngoại tại thì cũng phải canh tân tinh thần, vì tinh thần cũng cần “tống cựu” để “nghinh tân”. Bất kỳ cái gì, dù xấu hay tốt, cũng đều là bài học quý giá (thậm chí là “vô giá”) mà người ta thường gọi chung là “rút kinh nghiệm”. Nhưng hãy coi chừng, đừng chỉ “rút kinh nghiệm” cho qua lần rồi... để đấy, đâu lại vào đấy. Như vậy thì rất nguy hiểm cho chính mình (chứ chưa nói hại người khác), nếu cứ tiếp tục “khoác” cho mình những cái tên thật đẹp: Vũ Như Cẩn hoặc Nguyễn Y Vân – vẫn như cũ, vẫn y nguyên!
Ngày nay, người ta có QUEN với khuynh hướng “rút kinh nghiện”, nhưng chỉ để “cho vui”, cho có “văn bản”, cho có “phong trào”, chứ thực tế chẳng “ăn thua” gì. Ngay cả giáo dục là việc cần thiết mà người ta cũng chỉ làm cho có “phong trào”, theo “chiến dịch”, để “lấy điểm”, xong rồi thôi – gọi là “bệnh thành tích”. Ngày nay người ta quen giả dối đến nỗi cứ “làm láo” nhưng “báo cáo” vẫn đâu ra đấy. Thế là OK. Và cùng nhau… “ăn mừng”!
Làm sao “rút kinh nghiệm” cho có hiệu quả? Muốn vậy, thiết nghĩ phải biết “học tập từ quá khứ”, “cố sống với hiện tại” và “hy vọng vào tương lai”. Mọi người, dù người đó là ai, đều có ba khoảng thời gian: Quá khứ (dĩ vãng), hiện tại, và tương lai. Mỗi “khoảng” đều có mức độ quan trọng riêng biệt, không thể nói cái này hơn cái kia.
Trong cảm giác “tống cựu, nghinh tân”, hai nhạc sĩ LARSON và JONATHAN đã đồng soạn ca khúc “Happy New Year”, album “Super Trouper”. Mới đầu, ca khúc này có tựa đề là “Daddy, Don't Get Drunk on Christmas Day” (Bố ơi! Đừng Uống Say Dịp Lễ Giáng Sinh).
Giai điệu ca khúc này không rộn ràng, được viết ở âm thể thứ (phiên khúc) rồi chuyển sang trưởng (điệp khúc), thậm chí ca từ còn có vẻ “buồn” một chút, nhưng từ năm 1980 tới nay, hầu như không có giai điệu nào thay thế được giai điệu của ca khúc này. Chỉ cần nghe nhạc dạo thì dù ai cũng có thể biết ngay đó là ca khúc “Happy New Year” của ban nhạc Abba. Sức sống của ca khúc này “mạnh” thật. Độc đáo quá chừng!
1. No more champagne And the fireworks are through Here we are, me and you Feeling lost and feeling blue
It's the end of the party And the morning seems so grey So unlike yesterday Now's the time for us to say...
Không rượu sâm-banh, không pháo hoa, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy trống vắng và buồn. Tiệc tàn, buổi sáng ảm đạm, không như hôm qua, nhưng đã đến lúc chúng ta nói: “Chúc mừng năm mới”...
HAPPY NEW YEAR HAPPY NEW YEAR MAY WE ALL HAVE A VISION NOW AND THEN OF A WORLD WHERE EVERY NEIGHBOUR IS A FRIEND HAPPY NEW YEAR HAPPY NEW YEAR MAY WE ALL HAVE OUR HOPES, OUR WILL TO TRY IF WE DON'T WE MIGHT AS WELL LAY DOWN AND DIE YOU AND I...
Đó là lời chúc Xuân tới mọi người, và cũng là điệp khúc được lặp đi lặp lại sau mỗi phiên khúc. Cầu chúc mọi người nhìn nhau như bạn bè, hy vọng, không thất vọng và không... chết. Cả bạn và tôi đều hy vọng như vậy – nhưng chắc chắn sẽ chết. Dù sao thì lời chúc đó vẫn đẹp biết bao!
(Xin mở ngoặc: Anh ngữ có cài “kiêu sa” là ngôi thứ nhất luôn luôn viết hoa, dù đứng ở vị trí nào trong câu. Nhưng Anh ngữ lại có cái hay là ưu tiên người khác trước chính mình, họ nói “You and I” [(các) bạn và tôi] chứ không nói “I and You” [tôi và (các) bạn] như trong Việt ngữ. Một bài học về sự khiêm nhường đấy!).
Hai lời ca tiếp theo của ca khúc “Happy New Year” là những suy nghĩ tích cực về một thế giới tốt đẹp, yêu thương, đoàn kết, hạnh phúc,... Có lẽ “sức sống” của ca khúc này nằm ở chính “điểm tích cực” như vậy. Hồi đó là thời điểm 1980, hai nhạc sĩ LARSON và JONATHAN cũng chỉ dám hướng tới năm 1989, tức là khoảng một thập niên mà thôi, nhưng hy vọng vẫn tràn trề...!
2. Sometimes I see How the brave new world arrives And I see how it thrives In the ashes of our lives
Oh yes, man is a fool And he thinks he'll be okay Dragging on, feet of clay Never knowing he's astray
Keeps on going anyway... 3. Seems to me now That the dreams we had before Are all dead, nothing more
Than confetti on the floor It's the end of a decade In another ten years time Who can say what we'll find
What lies waiting down the line In the end of eighty-nine...
Còn chúng ta đã may mắn sống tới nay, Tân Niên 2014, năm Giáp Ngọ cầm tinh con Ngựa! Như vậy, không có lý do gì mà chúng ta lại không chân thành cầu chúc nhau khi Nàng Xuân đến trong dáng vóc kiều diễm. Vâng, không thể nào lại hoãn “cái sự sung sướng” đó. Nào, hãy tươi cười và trao nhau điều ước tuyệt vời nhất cùng với mọi người trên khắp thế giới này:
Cung Chúc Tân Xuân – Chúc Mừng Năm Mới Happy New Year (tiếng Anh) Feliz Año Nuevo (tiếng Tây Ban Nha) Feliz Ano Novo (tiếng Bồ Đào Nha) Bonne Année – Heureuse Nouvelle Année (tiếng Pháp) Felix Novus Annus (tiếng Latin)
Bonan Novjaron (tiếng Esperanto, Quốc tế ngữ) Frohes neues Jahr (tiếng Đức) Manigong bagong taon (tiếng Philippines) Szczęśliwego nowego roku (tiếng Ba Lan) Gelukkig nieuwjaar (tiếng Hà Lan)
Hyvää uuttavuotta (tiếng Phần Lan) Godt nytt år (tiếng Na Uy) Godt nytår (tiếng Đan Mạch) Buon anno (tiếng Ý)
明けましておめでとうございます (tiếng Nhật) 새해 복 많이 받으세요 (tiếng Hàn) 新 年 快 乐 (tiếng Trung [Giản Thể, Đài Loan]) 新 年 快 樂 (tiếng Trung [Phồn thể, Trung Hoa]) كل عام وأنتم بخي (tiếng Ả Rập)
Ευτυχισμένο το νέο έτος (tiếng Hy Lạp) Laimingų Naujųjų metų (tiếng Lituani) С Hовым годом (tiếng Nga) Sabai dee pee mai (tiếng Lào)
Riêng các Kitô hữu còn có bổn phận đối với Chúa: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (1 Sbn 16::34; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1; Tv 118:29; Tv 136:1-3; Tv 136:26).
Năm cũ qua, năm mới tới. Muốn “nghinh tân” thì phải “tống cựu”, nghĩa là phải THA THỨ cho tha nhân thì mới xứng đáng được Thiên Chúa tha thứ: “Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ” (Kinh Hòa Bình của Thánh “nghèo” Phanxicô Assisi). Nhưng đó cũng chỉ là theo mệnh lệnh của Thiên Chúa truyền qua Thập Giới (Mười Điều Răn), và cũng là một trong Bát Phúc (Tám Mối Phúc, Bài Giảng Trên Núi, Hiến Chương Nước Trời) do chính Đại Sư Giêsu truyền: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).
Liệu chúng ta có dám “thẳng thắn” với Chúa về các động thái thương xót mà chúng ta (đã, đang, sắp và sẽ) thể hiện với tha nhân? Có thực sự “đúng mức” theo Lòng Chúa Thương Xót chưa? Vâng, nếu nghiêm túc “xét mình”, chắc hẳn chúng ta PHẢI “đấm ngực” nhiều chứ không thể dám “vỗ ngực” đâu. Thế nhưng, đáng tiếc thay, chúng ta lại đang ảo tưởng và hành động ngược lại!
Xuân về, tết đến, chúng ta hãy cùng cầu chúc nhau theo lời Chúa dạy: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10:12). Có thể nói rằng sự bình an quan trọng nhất – bình an tâm hồn và bình an thể lý, vì cuộc sống có bình an thì rồi sẽ có những thứ khác.
Giao thừa cũng nhắc nhở chúng ta về niềm tin – tự tin và tin tưởng, với Kitô hữu còn có “khoảng” Đức Tin. Lòng ttự tin và in tưởng rất cần thiết trong cuộc sống: Tự tin để có thể cương quyết là chính mình chứ không bắt chước người khác hoặc là “bản sao” của người khác, nhờ tự tin mà người ta có thể làm mọi thứ mà không run sợ trước bất kỳ thế lực nào; và tin tưởng để không suy diễn theo ý mình, không nghi ngờ người khác – dù họ là bất kỳ ai, là người tốt hay xấu.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý: “Thái quá bất cập”. Tự tin quá hóa nghi ngờ, càng nghi ngờ thì càng thất vọng. Như vậy, lòng tự tin sẽ phản tác dụng, thậm chí là nghi ngờ chính mình. Nếu như vậy sẽ rất nguy hiểm!
Chính nhờ tin mà được nên công chính (Cv 13:39; Rm 3:22; Rm 3:26; Rm 4:1; Rm 4:5; Rm 4:11; Rm 4:13; Rm 5:1) chứ không vì lề luật (Rm 3:28), ai chân thành thú nhận tội lỗi cũng được nên công chính (Lc 18:14), được nên công chính nhờ ân huệ Thiên Chúa ban, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu (Rm 3:24). Cuối cùng, bất kỳ ai được Chúa kể là công chính nhờ đức tin thì đều được cứu độ (Mc 16:16).
Con người rất yếu đuối, vì thế mà luôn phải cố gắng không ngừng, nhất là vào thời khắc chuyển giao khi chúng ta giã từ năm cũ để đón năm mới. Tuy nhiên, đừng nản chí sờn lòng: Nếu chưa làm được điều mình muốn thì cũng phải muốn điều mình quyết định làm. Một trong Bát Phúc cũng được Chúa Giêsu đề cập dạng “mong ước” này: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6).
Lạy Thiên Chúa, xin thương xót mà tha thứ những lỗi lầm năm cũ và xin thương giúp chúng con sống đúng những gì chúng con hứa với Ngài từ giây phút này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
|