Vương quốc Đức Kitô - ĐTGM. Jos Ngô Quang
Kiệt
Nghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ
nhiều người
thắc mắc: Giáo Hội có nhầm không?
Ngày lễ Chúa làm Vua
mà lại đọc bài tường thuật cái chết tủi nhục của Chúa. Thật khó hiểu.
Ta không hiểu, vì trí ta
luôn vẽ ra hình ảnh
một ông Vua theo kiểu
trần gian. Trong khi Chúa
Giêsu đã cho biết: “Nước tôi không thuộc trần gian này” (Ga 18,36). Bài Tin Mừng hôm nay cho ta
thấy ba tính cách của
Vương quốc Đức Kitô.
Đó là Vương quốc của lòng hiếu thảo. Thiên Chúa muốn
thiết lập Vương quốc này ngay từ
buổi sơ khai. Nhưng ma quỷ phá hoại
bằng cách xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu
xuống thế để tái lập mối liên hệ Cha-Con giữa Thiên Chúa với loài người. Người đã sống như một người Con Hiếu Thảo của Đức Chúa Cha. Sống kết hiệp với Đức Chúa Cha. Trong Phúc Âm, lời
đầu tiên Người nói là nói về
Đức Chúa Cha:
“Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con
ư?” (Lc 2,49). Lời
cuối cùng của Người cũng hướng về Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn
con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trọn cuộc đời Người luôn thi hành thánh
ý Cha, cho dù có những lúc phải đổ mồ hôi máu mới
bỏ được
ý riêng mình. Người đã sống đến cùng tâm tình
của người
con hiếu thảo. Trên thập giá, Người đã hoàn tất
việc thiết lập Vương quốc ban đầu theo ý định của Thiên Chúa; quy tụ
những người
con hiếu thảo trong nhà Cha trên
trời.
Đó là Vương quốc của sự tự do. Con người rời xa Thiên
Chúa rơi vào vòng tay
ma quỷ. Ma quỷ trói buộc con người bằng những sợi dây nô lệ:
nô lệ cho danh vọng,
nô lệ cho tiền bạc, nô lệ
cho thú tính.
Đức Giêsu xuống trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ
ma quỷ. Người
cứu con người
khỏi mọi thứ sợ hãi. Người giải phóng ta khỏi mọi
áp lực, mọi mặc cảm. Trọn đời Người nêu gương một đời sống tự do. Thoát khỏi sự ràng buộc
của của cải vật chất, Người sống như một người nghèo: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không có hòn
đá gối đầu” (Mt 8,20). Người
đã chống lại những cơn cám dỗ
về quyền lực từ ngày đầu tiên trong sa
mạc cho đến phút cuối đời trên thập giá: “Nếu Ông là Con Thiên
Chúa, hãy biến đá thành bánh mà
ăn” (Mt 4,3). “Nếu
Ông là Đức
Kitô, hãy xuống khỏi thập giá, chúng tôi sẽ
tin”. Rất tự
do, Người đã
đi vào cái chết. Chính khi bị
treo trên thập giá, thân trần trụi, mất hết mọi uy tín, danh
dự, Người đã phá tung
hết mọi thứ xiềng xích nô lệ,
khai mạc một triều đại tự do cho con người.
Đó là Vương quốc của tình yêu. Chúa Giêsu
xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao
giảng, thi ân, tha thứ.
Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối
đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn
đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ
đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ
phản bội, và nhất là
khi Người cầu xin Đức
Chúa Cha tha thứ cho những
kẻ giết Người. Thật là một tình
yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao
la lan tới mọi góc biển
chân trời. Một tình yêu cao cả
đáp lại hận thù. Thánh giá diễn
tả tình yêu Chúa Giêsu
dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn
tả tình yêu Chúa Giêsu
dành cho nhân loại. Thánh giá diễn
tả tình yêu tha thứ
Chúa Giêsu dành cho những
kẻ thù ghét Người.
Cái chết trên thập giá là một cuộc
chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình
hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính
trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã
lên ngôi vua. Chính khi
hứa cho người trộm lành vào thiên
đàng, Chúa Giêsu đã khai
mạc vương quốc của Người.
Vương quốc Đức
Kitô đã rộng mở chào đón tất
cả mọi người. Chúng ta hãy mặc
lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục
thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống
tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng
trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng
đáng trở thành công dân
trong Nước Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là
Vua của tâm hồn con, xin nhận con vào Vương quốc của Người. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Đã bao giờ
bạn cảm nghiệm được
sự tự do hoàn toàn, không
còn ham hố tiền tài, danh vọng, lạc thú chưa?
Nếu có, bạn cảm thấy thế nào?
2) Hình ảnh về Vua Giêsu
nghèo hèn, khiêm nhường, chịu thiệt thòi, luôn tha
thứ gợi lên trong bạn
tâm tình nào?
3) Tuần này bạn
sẽ làm gì để Vương quốc Chúa Giêsu lan
rộng tới những người chung quanh?
|