Ngày Sau Cùng
Theo thống kê từ Wikidipea (Bách khoa toàn thư), cơn bão Haiyan (theo tiếng việt gọi Hải Yến) đã cướp đi 3.660 người, chứ không phải con số 10.000 đưa ra trước đó. Cơn bão Haiyan là một trong những cơn bão kỷ lục có sức tàn phá mạnh nhất đã được ghi nhận. Tốc độ gió tối đa duy trì trong 10 phút (JMA đánh giá) là 315 km/h (1 phút) đứng thứ hai sau siêu bão Siêu bão Violet năm 1961 (335 km/h) trong lịch sử mạnh nhất thế giới. Số người rơi vào cảnh không gia cư ước tính khoảng 620.000 người và 9,5 triệu người bị ảnh hưởng. Thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu có thể lên đến 14 tỷ USD.
Trước tang thương, đau đớn và mất mác to lớn của người dân bị bão lụt Philippines, Đức Thánh Cha kêu gọi sự giúp đỡ và đã gởi các nạn nhân tại Phi Luật Tân 150,000 Mỹ Kim. Ngài nói: "Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Phi Luật Tân và dân chúng tại miền này bị bão kinh khủng. Rất tiếc là con số các nạn nhân rất cao và thiệt hại rất lớn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người anh chị em chúng ta bị nạn, và tìm cách chuyển sự trợ giúp cụ thể của chúng ta cho họ" (VietCatholic.net).
Khi xem những những hình ảnh những xác chết nằm la liệt trên các con đường, cảnh tang hoang nhà cửa, nhiều người đang đói ăn vì thiếu lương thực, trẻ em và người già đang khóc vì mất người thân, họ bơ vơ không nơi nương tựa. Họ chịu quá nhiều đau thương cả tinh thần lẫn vật chất. Điều mà họ chẳng bao giờ nghĩ tới trước đó, ngày đau khổ cùng cực này đã xẩy ra cho họ. Chỉ trong thời gian ngắn, cơn bão đã phá hủy đi nhiều thành phố, làng quê tại các hòn đảo của đất nước này. Chứng kiến trước sự khốn khổ và đau thương, chúng ta ngậm ngùi rơi lệ và cảm thông với họ bằng lời cầu nguyện và chia sẻ vật chất với họ để sớm vượt qua nỗi đau thương và mất mác này.
Liên hệ với Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe những điềm lạ về ngày quang lâm khi Con Thiên Chúa đến lần thứ hai. Theo tường thuật sách Tin mừng của thánh Luca:" Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét" (Lc, 21, 25). Những gì chúng ta đang có đó sẽ bị tàn phá hết. Lúc đó con người sẽ chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa. Khi nghe đoạn Tin mừng này, chúng ta sẽ nghĩ gì khi ngày ấy sẽ xẩy đến với chúng ta?. Có lẽ, mọi người chúng ta cũng tự tìm cho mình câu trả lời về ngày sau cùng khi chúng ta ra trước tòa Thiên Chúa. Nhưng với niềm tin của người Ki-tô hữu, chúng ta đặt niềm tin vào lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vì sự sống chỉ là bắt đầu sau khi chết, chúng ta luôn đặt niềm tin vào đời sau, ngày kết thúc cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật tại quảng trường Thánh Phêrô rằng:" Sự phục sinh và thế giới bên kia là vĩnh cửu và mang lại hy vọng cho mọi cuộc sống con người trên trái đất." Ngài đã giải thích về quan niệm của Kitô Giáo đối với cái chết. Không phải cái chết đón đầu chúng ta, nhưng là một sự sống mới, vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Vì thế, cái chết nằm ở sau, chứ không phải ở trước chúng ta. Phía trước chúng ta là một vị Thiên Chúa của kẻ sống, là một sự chiến thắng chung cuộc tội lỗi và cái chết, là khởi đầu của một kỷ nguyên mới của niềm vui và ánh sáng không bao giờ tàn. Cũng như Chúa Giê-su nói với chúng ta trong đoạn Tin mừng hôm nay: " Khi có những biến cố ấy bắt đầu xẩy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc" (Lc 21,28).
Là người Ki-tô hữu, chúng ta đừng thất vọng trước những đau thương và biến cố và cái chết của cuộc đời, nhưng hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Ngài là Sự sống cho kẻ chết. Niềm tin Chúa Phục sinh của Đức Ki-tô, Ngài là Đấng toàn năng vượt lên trên đau khổ và sự chết. Ngài đã đi qua con đường đau khổ của thập giá để đến vinh quang. Ngài mở ra cho chúng ta con đường hy vọng và cho những ai tin vào Ngài thì sẽ được sống đời đời.
Với niềm xác tín đó, chúng ta xin Chúa nâng đỡ sự yếu đuối do bản tính con người của chúng ta, cho những gia đình đang bị mất người thân và nhà cửa do cơn bão Haiyan gây ra. Và xin Chúa cho họ có đủ can đảm để vượt qua sự thử thách và đau khổ này. Đau khổ là thước đo sức mạnh của niềm tin, là thanh luyện tội lỗi và là ân phúc cho chúng ta để nhận ra Thiên Chúa là Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót. Và nhờ đó, chúng ta biết cảm thông, yêu thương và xót thương với tha nhân để ngày sau chúng ta được vào hạnh phúc muôn đời. Amen. Rev.John Nguyen
St.John's Church 240 Bleecker St, Utica, NY 13501 Tel: 315-724-6150 Cell: 315-734-5209 http://www.congdoanutica.com/ http://www.congdoanutica.org/
|