NIỀM HY VỌNG (CN 32 QN.C)
(1Mac 7, 1-2. 9-14; 2Thess 2, 15-3, 5; Lc 20, 27-38).
Sáng hôm nay, tôi đi thăm một cụ bà tuổi đã ngoài 90 tuổi, tên bà là Margaret Grossenbacher. Trước khi rước Mình Thánh Chúa, bà thường xin xưng tội. Xong xuôi mọi nghi thức, cụ bà mời tôi ngồi và kể lể vài tâm sự. Bà sống một cuộc đời khá dài nhưng cũng hơi đơn côi. Bà không lập gia đình, nên không có chồng con chi cả. Ông bà nội ngoại chết trước khi bà sinh ra. Cha mẹ theo đạo Tin Lành và đã chết. Người thân còn lại là gia đình của người chị. Họ chỉ có một đứa con nuôi và vài đứa cháu. Bà trở lại đạo Công Giáo khi còn trẻ và cả đời làm cô giáo dạy học. Tuy 91 tuổi, bà còn rất tỉnh táo. Tính đếm tiền bạc để dâng cúng đều đặn cho nhà thờ và việc bác ái. Bà không sợ chết và luôn phấn chấn hy vọng vào sự sống ngày sau. Sáng nay bà nói: Đêm qua bà nằm mơ là sau khi chết, chẳng có gì ở thế giới bên kia. Bà hỏi tôi: Không biết giấc mơ có thật hay không? Tôi chỉ biết trả lời: Hãy tin vào Chúa Kitô phục sinh là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc.
Niềm hy vọng vào sự sống đời sau là niềm hy vọng tuyệt đối. Đánh đổi bằng nhiều hy sinh của cuộc đời trên trần thế để mong đạt vinh quang sự sống lại. Trong sách Macabêô quyển thứ hai kể câu truyện bảy anh em bị bắt cùng với mẹ mình. Vua ép họ ăn thịt heo, lỗi phạm lề luật Thiên Chúa đã cấm. Từ anh lớn đến người em nhỏ đều khẳng khái trung kiên một lòng thà chết không hề lỗi luật. Động lực lớn nhất trong tâm trí là tin tưởng vào phần thưởng sự sống đời đời: Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì luật pháp của vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mac 7, 9). Niềm tin tưởng tuyệt đối đánh đổi bằng cả mạng sống mình.
Chúng ta biết rằng người đời có thể dùng sức mạnh để hủy diệt mạng sống của nhau. Tổ chức xã hội con người có thể cầm tù, đánh đòn, làm khổ thân xác và khủng bố tinh thần nhưng họ không thể tước đoạt ý chí và sự tự do lương tâm của con người. Không ai có thể phủ nhận niềm tin trong tâm hồn người khác. Sức mạnh của niềm tin vững vàng nơi bảy anh em đã vượt trên sự đau khổ và sự chết: Khi sắp tắt thở, anh nói như sau: “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu” (2Mac 7, 14). Cả bảy anh em can đảm đối diện với cái chết. Chết để được sống. Vui hưởng sự sống đời đời.
Câu truyện cưới vợ gả chồng của bảy người anh em trong bài phúc âm bàn về sự sống lại ngày sau. Các thầy Sa-đốc dựa vào lý luận của cuộc sống vợ chồng đời này để kết luận sự việc đời sau. Các thầy từ chối tin vào sự sống lại ngày sau. Chúa Giêsu giải thích rất rõ ràng:“Con cái đời này cưới vợ gả chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc 20, 34-35). Không có một ai đang sống trên đời có kinh nghiệm hay sự hiểu biết gì về đời sau. Đây là vấn đề của niềm tin. Thiên Chúa đã từng bước mạc khải cho con người về mầu nhiệm sự sống và sự chết qua Chúa Giêsu Kitô. Đời sống con người có mục đích và có cùng đích. Sinh ra là khởi đầu. Sống là cuộc lữ hành. Chết là điểm đến.
Mỗi người có một cuộc đời dương thế. Khi đã kết thúc cuộc đời dương thế là bước sang một cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta về điểm đến: Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại (Lc 20, 36). Những người đã chết, thân xác bị hủy diệt và linh hồn tiếp tục hiện hữu. Chúa Giêsu khai mở một chân lý vĩnh cửu là linh hồn hiện hữu ngang hàng với các thiên thần. Thiên thần hiện hữu nhưng vô hình. Đây là thế giới của những kẻ đã mãn cuộc đời dương thế. Thiên Chúa không sáng tạo vũ trụ con người để bị hủy diệt trở về hư không. Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Chúa Giêsu xác tín về sự sống lại ngày sau: Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống (Lc 20, 38).
Người tôi tớ Chúa, Đức cố Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn văn Thuận, là tấm gương sáng ngời cho những ai bị lung lạc niềm tin và sự hy vọng. Trong thời gian bị cải tạo tù đầy, niềm hy vọng vào Chúa Kitô phục sinh đã chiếm trọn trái tim của ngài. Dù trong tù, mỗi ngày ngài dâng thánh lễ tạ ơn. Ngài nêu gương hiền hòa và khiêm nhường. Không ai là kẻ thù trong tim ngài. Ngài dạy cho các anh cai tù học biết ngọai ngữ Anh và Pháp, dạy hát thánh ca bằng tiếng Latinh. Chính các cán bộ nhân viên cai tù hát kinh ‘Veni Creator’ của đạo Công Giáo. Người bị tù đã cải tạo những người cai tù bằng đức tin và niềm hy vọng. Nơi nhà giam, Đức Cố Hồng Y đã sống trong hy vọng và đã viết cuốn ‘Con Đường Hy Vọng’. Hy vọng là lối bước vào tương lai. Niềm hy vọng sẽ làm cho đời sống vui tươi, phấn khởi và an bình.
Khi tôi đang viết bài suy niệm này, có phôn reo. Người thơ ký báo là có hai người muốn gặp việc khẩn cấp. Tôi xuống văn phòng gặp một người đàn bà lớn tuổi và một ông trẻ hơn. Cả hai chị em đều là người công giáo. Bà bắt đầu khóc lóc và kể lể mọi khó khăn đang gặp phải. Bà đang đối diện với quá nhiều khổ đau chồng chất. Một người em và mẹ mới qua đời tuần qua. Người con gái mới bỏ nhà ra đi sống với bạn gái (Lesbian). Một đời chắt chiu tiền bạc của cải, giờ đây tất cả dũ cánh ra đi. Bà còn phải mang căn bệnh hiểm nghèo, lục phủ ngũ tạng đều nhiễm bệnh. Bà sợ phải mổ xẻ và sợ chết. Ngồi bên cạnh bà là người em 51 tuổi mới vừa trở về sau 31 năm ở trại tù giam. Bà nói rằng chú em mãn ở trong khám tù, nay lại vào khám lo. Bà đang mất niềm hy vọng. Không biết bám víu vào đâu. Sầu khổ, khóc lóc và sợ hãi tràn ngập tâm hồn. Bà đang tự đóng khung cuộc đời. Của cải niềm vui trần đời không thể cứu vãn. Một lời khuyên, chỉ có một lối thoát duy nhất là đặt niềm hy vọng vào Chúa Kitô phục sinh.
Thơ gởi cho giáo đoàn Thessalônica, thánh Phaolô nói đến niềm vui và niềm cậy trông vào Thiên Chúa. Mọi thú vui của thế gian rồi cũng sẽ trôi qua, chỉ có ân sủng của Chúa là niềm an ủi bất diệt: Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp (2Thes 2, 16). Chúa Kitô đã phục sinh từ cõi chết, Ngài là trưởng tử của những kẻ yên giấc. Ngài đã sống lại và đã hiện ra nhiều lần với nhiều người. Người vẫn đang sống. Đây là niềm hy vọng tuyệt đối cho tâm hồn. Chúng ta tin tưởng vào Chúa Kitô. Chúng ta có Lời để sống, có đường để dõi theo, có cùng đích để hướng tới và có nhà để về. Chúa Giêsu phán rằng nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở, Chúa sẽ trở lại đón chúng ta về.
Muốn hưởng sự sống đời đời, chúng ta phải dõi bước theo Chúa Kitô và cùng chịu đựng với Ngài. Con đường duy nhất dẫn tới sự sống đời đời là con đường thập giá của Đức Kitô: Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Kitô (2Thess 3, 5). Theo Chúa, vào qua cửa hẹp đòi hỏi sự hy sinh, từ bỏ và chịu thiệt thòi vì danh Chúa. Với tha nhân, thực hành bác ái yêu thương. Cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp ngày nay để mai sau cùng chung hưởng hạnh phúc muôn đời. Mỗi ngày nối kết bậc thang đi lên bằng những việc tốt và việc thiện nho nhỏ. Con đường lên thiên đàng là thiên đàng rồi.
Lạy Chúa, Chúa là sự sống lại và là sự sống. Chúa là Alpha và Ômega, là đầu và là cùng đích. Chúng con đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa Kitô. Xin Chúa đón nhận chúng con vào Nước Chúa. Chúng con sẽ được ngang hàng với các thiên thần. Hạnh phúc ngàn đời bên Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng Bronx, New York
|