THÁNH GIU-SE LÊ ĐĂNG THỊ
Cai Đội Tử Đạo
* Gương Thánh nhân
Vua Tự Đức đã ra sắc chỉ bách hại đạo Công giáo trên toàn quốc, nhưng nhiều nơi không thi hành đúng lệnh vua, vì trong hàng ngũ các quan có người theo đạo và họ bao che cho nhau. Thế nên ngày 15 tháng 12 năm 1859, vua ban thêm một chiếu chỉ khác, đại để như sau:
“Cần phải điều tra cẩn thận, để biết được những viên chức triều đình nào theo tà đạo mà xử phạt, dù họ có bỏ đạo cũng phải truất chức. Những ai không tố cáo hoặc chứa chấp họ cũng bị trừng phạt như họ”.
Chính vì sắc lệnh nầy mà cai đội Giu-se Lê Đăng Thị và nhiều đồng nghiệp bị bắt và bị giết.
Giu-se Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Vì cha làm cai đội trong quân đội triều đình, nên khi lớn lên, cậu Thị cũng theo nghề cha, xin gia nhập quân ngũ. Sau một thời gian phục vụ đắc lực, cậu được thăng chức đội trưởng, trong coi 50 lính ở Hà Tĩnh, sau đó đổi về Nghệ An. Và cậu đã lập gia đình tại đây.
Đang lúc gia đình cai Thị sống đầm ấm hạnh phúc thì nhà vua ra chiếu chỉ bắt tất cả các quan quân có đạo. May nhờ quan trấn thủ thương, khuyên ông viện cớ bệnh hoạn làm đơn xin xuất ngũ. Đơn ông xin được chấp thuận. Thế là ông để vợ con ở lại Nghệ An, còn ông trở về quê cũ, tại làng Văn Quy. Tháng giêng năm 1860, vì có kẻ ghét đạo tố cáo, ông cùng một số đồng nghiệp bị bắt giải về Quảng Trị. Tất cả đều bị tống giam chờ ngày xét xử. Ông bị đưa ra xử nhiều lân, lần nào ông cũng can đảm xưng mình là Ki-tô hữu. Khi quan bắt ép bước qua Thánh giá, ông luôn cương quyết từ khước, do đó ông phải chịu nhiều đòn vọt đau đớn. Sau nhiều lần tra tấn cũng như dụ dỗ mà thấy vị anh hùng đức tin vẫn nhất quyết trung thành theo Chúa, các quan buộc lòng làm án xử giảo gởi về kinh. Vua Tự Đức chấp thuận y án, nhưng bảo để tới cuối tháng 10 mới thi hành, cố ý hành khổ ông thêm, hy vọng ông sẽ sờn lòng bỏ đạo. Và trong thời gian chờ đợi, ông được đưa về giam ở khám đường Huế. Suốt gần 07 tháng ở trong ngục, ông phải mang xiềng xích nặng nề, và bị tra tấn đánh đập nhiều hơn các người khác, vì ông thuộc cấp cao trong quân ngũ, hơn nữa các quan muốn dùng cực hình để khuất phục người chiến sĩ của Chúa. Nhưng càng bị tra tấn đau đớn, ông càng kiên quyết giữ vững đức tin, không hề nao núng, cũng chẳng than van kêu trách. Dù vậy, ông bị kiệt sức và ngã bệnh. Ông sợ không sống nổi đến ngày tử đạo, nên than thở với bạn tù:
- Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm, không được sống tới ngày lãnh phúc tử đạo. Xin các ông thương giúp cầu nguyện cho tôi… Đối với các bạn tù, ông luôn an ủi khích lệ họ trung thành bền đỗ theo Chúa. Đặc biệt, ông dùng đời sống can đảm hy sinh của ông để nêu gương cho họ. Nhờ ông mà nhiều đồng đạo nhát đảm giữ được niềm tin đến phút cuối cùng.
Ngày 24 tháng 10 năm 1860, quân lính dẫn ông ra pháp trường An Hòa (Huế). Dọc đường, ông được một Linh mục đứng lẫn trong dân chúng ra hiệu cho ông biết, và giải tội cho ông lần sau hết. Đến nơi, ông quỳ cầu nguyện hồi lâu rồi yêu cầu lý hình thi hành bản án. Lý hình tròng dây vào cổ ông, chia ra hai bên đầu dây kéo siết tới lúc vị anh hùng đức tin tắt thở.
Đức Thánh Cha Pi-ô 10 tôn phong ông lên Chân phước ngày 02 tháng 05 năm 1909. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 suy tôn ông lên Hiển Thánh. * Quyết tâm
Sẵn sàng bền đỗ tin thờ Chúa, và hy sinh chịu khổ vì Chúa đến cùng theo gương thánh Giu-se Thị tử đạo. * Lời nguyện
Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
|