Thánh Lễ Ngày Thánh Mẫu 13/10/2013 tại Quảng Trường Thánh Phêrô: Mẹ Maria - Một kỳ công của Thiên Chúa
Đức Giáo Hoàng Phanxico Ngày Thánh Mẫu, Bài giảng Ngày Chúa Nhật 13/10/2013
Chúng ta đọc trong bài Thánh Vịnh: "Hãy hát lên một bài ca mới mừng Chúa, vì Ngài đã thực hiện những điều kỳ diệu" (Ps 98:1).
Hôm nay chúng ta để ý tới một trong những điều kỳ diệu được Chúa thực hiện này, đó là Mẹ Maria! Một tạo vật bé mọn và yếu hèn như chúng ta nhưng Mẹ lại được chọn làm Mẹ của Thiên Chúa, làm Mẹ Đấng Hóa Công của mình.
Nhận định về Mẹ Maria theo ý nghĩa của các bài đọc chúng ta vừa nghe, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về 3 điều: thứ nhất, Thiên Chúa khiến chúng ta ngạc nhiên, thứ hai, Thiên Chúa muốn chúng ta trung thành, và thứ ba, Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta.
1- Trước hết, Thiên Chúa khiến chúng ta ngạc nhiên. Câu chuyện về Naaman, vị lãnh binh của vua xứ Aram, là những gì đáng chú ý. Để được lành sạch phong hủi, ông đã quay trở lại với vị tiên tri của Thiên Chúa là Elisha, vị đã không thực hiện bất cứ điều gì tà thuật hay đòi hỏi bất thường của ông, mà chỉ xin ông tin tưởng vào Thiên Chúa và xuống tắm dưới nước của một giòng sông. Tuy nhiên, tại sao không ở một trong những con sông lớn tại Damasco mà lại ở giòng suối nhỏ tại Jordan. Naaman đã cảm thấy ngỡ ngàng ngay cả khi thoái lui. Thiên Chúa này là ai vậy mà chỉ xin làm một điều quá ư là đơn giản như thế chứ? Ông muốn quay trở về nhưng rồi ông cứ thử, ông dìm mình xuống sống Jordan và liền được khỏi (cf. 2 Kg 5:1-4). Đó thấy không Thiên Chúa khiến chúng ta ngỡ ngàng. Chính ở nơi bần cùng, nơi yếu hèn và nơi khiêm hạ mà Ngài tỏ mình ra và ban cho chúng ta tình yêu của Ngài là những gì cứu độ chúng ta, chữa lành chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh. Ngài chỉ xin chúng ta hãy vâng theo lời của Ngài và tin tưởng vào Ngài.
Đó là cảm nghiệm của Trinh Nữ Maria. Trước sứ điệp của vị thiên thần, Mẹ không che giấu được sự ngạc nhiên của Mẹ. Thật là bàng hoàng khi nhận thấy rằng Thiên Chúa trong việc hóa thân làm người đã chọn Mẹ chỉ là một nữ tỳ quê mùa ở Nazarét. Chứ không phải là một ai đó sống ở trong một dinh điện đầy quyền năng và sang giầu, hoặc một người nào đó đã từng thực hiện những gì là phi thường, mà chỉ là một kẻ tầm thường cởi mở trước Thiên Chúa và tin tưởng vào Ngài, thậm chí không hiểu biết hết mọi sự: "Này tôi là đầy tớ của Chúa; xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài truyền" (Lk 1:38). Câu thân thưa của Mẹ là như thế. Thiên Chúa luôn khiến chúng ta phải ngỡ ngàng, Ngài làm tan vỡ những phạm trù của chúng ta, Ngài phá hủy đi những gì chúng ta hoạch định. Và Ngài nói với chúng ta rằng: Hãy tin vào Ta, đừng sợ, hãy tỏ ra bàng hoàng, hãy bỏ mình mà theo Ta!
Hôm nay tất cả chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta có tỏ ra sợ hãi về những gì Thiên Chúa có thể dòi hỏi chúng ta hay chăng, hay về những gì Ngài quả thực mong muốn. Tôi có tỏ ra kinh ngạc trước Thiên Chúa hay chăng, như Mẹ Maria đã trải qua, hay tôi vẫn cứ co quắp vào những gì là an toàn của mình, nơi các hình thức an toàn về vật chất, về lý trí hay về ý hệ, ẩn náu trong những thứ dự phóng và dự định của riêng mình? Tôi có thực sự để cho Thiên Chúa đi vào cuộc đời của tôi hay chăng? Tôi trả lời Ngài ra sao?
2- Trong đoạn thư của Thánh Phaolô chúng ta đã nghe, vị Tông Đồ này nói với người môn đệ Timothêu của ngài rằng: Hãy tưởng nhớ đến Chúa Giêsu Kitô; nếu chúng ta trung kiên với Người thì chúng ta cũng sẽ cai trị với người (cf. 2Tim 2:8-13). Đây là điều thứ hai, đó là hãy luôn tưởng nhớ đến Chúa Kitô - hãy nghĩ đến Chúa Giêsu Kitô - nhờ đó trung kiên trong đức tin. Thiên Chúa khiến chúng ta ngỡ ngàng trước tình yêu của Ngài, thế nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta phải trung thành theo Ngài. Chúng ta có thể bất trung nhưng Ngài lại không thể, ở chỗ Ngài là "Đấng trung thành" và Ngài đòi chúng ta cũng phải trung thành như vậy. Hãy nghĩ đến tất cả những lúc chúng ta cảm thấy hào hứng về điều này điều kia, một khởi động nào đó, một công việc nào đó, thế nhưng sau đó, vừa gặp khó khăn, chúng ta đã rút lui có trật tự. Thảm thương thay, điều này cũng xẩy ra cho cả những quyết định chính yếu, chẳng hạn như hôn nhân. Thật là khó khăn khi sống kiên trì, trung thành với các quyết định chúng ta đã thực hiện cũng như với các quyết tâm chúng ta đã bày tỏ. Thường là dễ dàng để nói "vâng" thế nhưng sau đó chúng ta không lập lại lời "xin vâng" này mỗi ngày và mọi ngày. Chúng ta không trung thành.
Mẹ Maria đã thưa "vâng" cùng Thiên Chúa, một tiếng "xin vâng" đã đẩy cuộc sống êm đềm giản dị của Mẹ ở Nazarét vào tình trạng xáo trộn, không phải chỉ duy một lần. Bất cứ là lần nào Mẹ cũng đã chân thành "xin vâng" trong những lúc vui và buồn, tột đỉnh của tiếng "xin vâng" được Mẹ đáp là ở dưới chân Thánh Giá. Ở đây hôm nay có nhiều người mẹ hiện diện; hãy nghĩ đến tất cả mức độ trung thành của Mẹ Maria với Thiên Chúa khi Mẹ thấy Người Con duy nhất của Mẹ trên Thánh Giá. Người nữ trung thành này, vẫn đứng vững, với tất cả đoạn trường, nhưng trung kiên và dũng mãnh.
Vậy tôi hãy tự vấn. Tôi là một Kitô hữu cầm chừng (a Christian by fits and starts), hay là một Kitô hữu toàn thời (a Christain full time)? Văn hóa phù du của chúng ta, thứ văn hóa tương đối, cũng chi phối đến cách thức chúng ta sống đức tin của chúng ta. Thiên Chúa đòi chúng ta phải trung thành với Ngài, hằng ngày, trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Ngài tiếp tục phán rằng, cho dù đôi khi chúng ta có bất trung với Ngài thì Ngài vẫn trung thành với chúng ta. Với tình thương của mình, Ngài không bao giờ thôi giang bàn tay của Ngài ra nâng chúng ta dậy, phấn khích chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta, khuyến khích chúng ta trở lại mà nói với Ngài về nỗi yếu hèn của chúng ta, nhờ đó Ngài có thể ban sức mạnh của Ngài cho chúng ta. Đó là cuộc hành trình thực sự, ở chỗ, luôn bước đi với Chúa, ngay cả những lúc yếu đuối, ngay cả khi chúng ta sa ngã phạm tội. Đừng bao giờ thích kiểu tạm bợ theo ý mình. Nó là những gì sát hại chúng ta. Đức tin là những gì tuyệt đối trung kiên, như đức tin của Mẹ Maria vậy
3- Điều cuối cùng: Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Tôi nghĩ đến 10 người tật phong trong Phúc Âm được Chúa Giêsu chữa lành. Họ tiến đến với Người, đứng ở xa xa, mà kêu lên rằng: "Lạy Thày Giêsu, xin thương đến chúng tôi" (Lk 17:13). Họ là những bệnh nhân, họ cần yêu thương và sức mạnh, và họ tìm đến một người nào đó để chữa lành họ. Chúa Giêsu đã đáp ứng bằng việc giải thoát họ khỏi bệnh nạn của họ. Tuy nhiên, lạ lùng thay, chỉ có một người duy nhất trong họ trở lại chúc tụng Thiên Chúa và lớn tiếng cảm tạ Người. Chúa Giêsu đã lưu ý đến điều này, đó là 10 người xin được chữa lành mà chỉ có một người duy nhất quay trở lại lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa và nhận biết rằng Người là sức mạnh của chúng ta. Hãy tìm cách dâng lời cảm tạ, dâng tiếng ngợi khen về tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng ta.
Nhìn vào Mẹ Maria. Sau biến cố Truyền Tin, tác động đầu tiên của Mẹ là một tác động bác ái đối với người chị họ lão thành Elizabeth của Mẹ. Những lời nói đầu tiên của Mẹ là "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa", nói cách khác, đó là một bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa chẳng những về những gì Ngài đã làm cho Mẹ mà còn về những gì Ngài đã làm suốt giòng lịch sử cứu độ nữa. Hết mọi sự đều là tặng ân của Ngài. Nếu chúng ta có thể nhận ra rằng hết mọi sự đều là tặng ân của Thiên Chúa thì lòng chúng ta sẽ cảm thấy hân hoan sung sướng biết bao! Hết mọi sự đều là tặng ân của Ngài. Ngài là sức mạnh của chúng ta! Việc nói lời "cám ơn" dễ dàng như thế đó nhưng lại rất ư là khó! Biết bao lần chúng ta "cám ơn" nhau trong gia đình của chúng ta? Đó là những lời thiết yếu đối với đời sống chung của chúng ta. "Xin lỗi" (sorry), "thứ lỗi" (excuse me), "cám ơn" (thank you). Nếu các gia đình có thể nói được những lời ấy thì họ sẽ không có chuyện gì xẩy ra. "Xin lỗi" (sorry), "thứ lỗi" (excuse me), "cám ơn" (thank you). Chúng ta nói "cám ơn" có thường hay chăng trong gia đình của mình? Chúng ta có thường nói "cám ơn" với những ai giúp đỡ chúng ta, những ai gần gũi với chúng ta, những ai suốt đời ở kề bên chúng ta hay chăng? Chúng ta thường coi mọi sự như là những gì vớ được vậy! Điều này cũng xẩy ra cho cả Thiên Chúa nữa. Thật là dễ dàng để tiến đến với Chúa mà xin xỏ một điều gì đó, thế nhưng đến để tạ ơn Ngài thì: "Ủa tôi đâu cần làm như thế chứ".
Tiếp tục cử hành Thánh Thể, chúng ta hãy kêu xin Mẹ Maria chuyển cầu. Chớ gì Mẹ giúp chúng ta biết cởi mở trước những sự lạ lùng của Thiên Chúa, biết trung thành với Ngài mỗi ngày và mọi ngày, và biết chúc tụng cùng tạ ơn Ngài, vì Ngài là sức mạnh của chúng ta. Amen.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/francesco/homilies/2013/documents/papa-francesco_20131013_omelia-giornata-mariana_en.html
Lời Nguyện Hiến Dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria Lạy Thánh Trinh Nữ Maria ở Fatima bằng tấm lòng tri ân về sự hiện diện từ mẫu của Mẹ chúng con xin hợp tiếng cùng với tất cả mọi thế hệ để chúc tụng Mẹ diễm phúc.
Chúng con tán dương các công cuộc của Thiên Chúa ở nơi Mẹ, Đấng không bao giờ thôi đoái thương trông đến nhân loại bị hành hạ bởi thương tích tội lỗi, để chữa lành họ và để cứu độ họ.
Xin vì lòng nhân lành của một Người Mẹ hãy chấp nhận việc hiến dâng mà chúng con tin tưởng thực hiện hôm nay đây, trước hình ảnh của Mẹ rất thân thương đối với chúng con.
Chúng con tin tưởng rằng mỗi người chúng con đều quí báu trước mắt Mẹ và không một sự gì ở trong lòng của chúng con mà Mẹ không biết tới.
Chúng con muốn được mối quan tâm ngọt ngào nhất của mẹ chạm tới và chúng con đón nhận nụ cười chăm sóc yên ủi của Mẹ.
Xin Mẹ hãy ấp ủ cuộc đời của chúng con trong vòng tay của Mẹ: xin Mẹ hãy chúc phúc và kiên cường hết mọi ước vọng tốt lành; xin Mẹ hãy hồi sinh và nuôi dưỡng đức tin; xin Mẹ hãy duy trì và chiếu sáng đức cậy;
xin Mẹ hãy bùng lên và sinh động đức mến; xin Mẹ hãy dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện.
Xin hãy dạy chúng con tình yêu ưu đãi riêng của Mẹ đối với thành phần bé mọn và nghèo khổ, đối với thành phần bị loại trừ và khổ đau, đối với thành phần tội nhân và chán chường:
xin Mẹ hãy chở che hết mọi người và ký thác hết mọi người cho Người Con yêu dấu của Mẹ là Đức Giêsu Chúa chúng con.
Amen. Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/prayer-of-consecration-to-the-blessed-virgin-mary
|