HÃY TRUYỀN BÁ KINH MÂN CÔI
Thưa quý vị !
Lời của tựa đề là lời kêu gọi của Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi. Kinh Mân Côi là bửu bối của người Công giáo, nhưng ai cũng biết được đặc cách truyền cho Thánh phụ Đa-minh, nên chi, cách riêng cũng có thế gọi là bửu bối của dòng Đaminh, nhưng không phải để cất giữ cho riêng mình, vì đây là kho tàng thiêng liêng, chứ không phải là kho tàng vật chất. Vì vậy, từ thế kỷ 12 đến nay, Kinh Mân Côi không ngừng phát triển và tiếp nối một cách liên tục. Hiệu quả cũng như giá trị thiêng liêng nhờ Kinh Mân Côi đem lại không thể kể xiết. Nhưng một sự kiện đáng ghi nhớ, để nhắc nhở , để kêu mời, để tái xác định giá trị lớn lao của Kinh Mân Côi, là một chuỗi tình thương, là phương thế hữu hiệu trong việc góp phần cứu độ thế giới, mà Mẹ Maria đã khẩn thiết kêu mời , nhắc nhớ để hiệp thông với Mẹ trong Công cuộc Cứu Thế của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, đồng thời là Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó là sự kiện Fatima.
Với tâm tình nêu trên, tác giả xin mạn phép chia sẻ loạt bài với chủ đề: “ HÃY TRUYỀN BÁ KINH MÂN CÔI “. Vâng, kính thưa quý vị,” nhận lãnh mà không trao ban, thì cũng đồng nghĩa là chưa nhận lãnh”. Vì thế, tác giả mạo mụi, “múa rìu qua mắt thợ”, nếu có nhiều sai sót , kính xin quý vị lượng thứ và chỉ giáo cho.
Ai cũng biết, tháng mười là tháng Mân Côi, nhưng nếu chỉ trong tháng mười thôi, thì chưa đủ, mà là Kinh Mân Côi phải được truyền tụng quanh năm, suốt tháng.
Đặc biệt, trong năm 2013, được giáo hội chọn là năm “Đức Tin”. Ai cũng biết , sự kiện Fatima được bắt đầu xảy ra vào ngày 13/05/1917, và liên tiếp vào các ngày 13 của những tháng kế tiếp cho đến ngày 13/10/1917. Như vậy, ngày 13, con số 13 là con số có ý nghĩa với Kinh Mân Côi. Theo đó, ngày 13 thì có nhiều từ năm 1917, rõ ràng, mỗi năm có 06 ngày 13, từ 13/05 đến 13/10.Nhưng mãi đến năm 2013, năm nay thì con số 13 của năm, mới có mặt. Theo ý nghĩa đó, năm 2013, năm Đức Tin, thì cũng là năm “TRUYỀN BÁ KINH MÂN CÔI” thì thật là có ý nghĩa. Như vậy, “ HÃY TRUYỀN BÁ KINH MÂN CÔI”, là một sứ vụ chung của mọi người Công giáo. Đáng lý ra, sứ vụ nầy phải được bắt đầu từ ngày 13/05/2013, để loan truyền, để cổ vũ, để nhắc nhớ và để khuyến khích mọi người đọc Kinh Mân Côi. Đây là sự chậm trễ của tác giả trong công việc :” HÃY TRUYỀN BÁ KINH MÂN CÔI” trong năm 2013 nầy. để đánh dấu con số 13.
Tuy thế, “ dù một sợi tóc trên đầu rụng xuống, cũng không qua Thánh Ý Thiên Chúa.” Như vậy, để đánh dấu khởi đầu loạt bài: “HÃY TRUYỀN BÁ KINH MÂN CÔI”, được bắt đầu vào ngày 01/10/2013, là tháng Mân Côi vậy. Để ghi dấu và hiệp thông cùng sự kiện Fatima vào ngày 13, và năm thứ 13 của thế kỷ XXI nầy.
Kính dâng Mẹ Thiên Chúa công việc cao cả, nhờ Mẹ cầu bàu và chúc phúc cho công việc theo Thánh ý Thiên Chúa, hầu làm vinh danh Thiên Chúa trong lời kinh “huyền nhiệm “ nầy. Amen.
Kinh Mân Côi là một chuỗi các mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa. Là một lời Kinh mang cách thức nhắc nhớ, tưởng niệm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, nên chi, người ta thường nói: Kinh Mân Côi là cuốn Tin Mừng rút gọn. Qủa vậy, chúng ta không thể nhớ và thuộc từng chữ trong Tin Mừng, nhưng qua Kinh Mân Côi, chúng ta nhớ lại những điểm nổi bật trong Tin Mừng, những sự kiện đáng ghi nhớ trong hành trình cứu độ của Thiên Chúa. Rồi đến, cứ mỗi lần suy tưởng đến một mầu nhiệm ấy, chúng ta cùng với Sứ Thần kính chào Đức Mẹ :” Kính mừng Maria, đầy ơn phúc , Đức Chúa Trời ở cùng Bà...” , và cùng với Đức Mẹ thưa tiếng xin vâng( Fiat)lên cùng Thiên Chúa để đáp lời Sứ Thần. Vâng, chúng ta cứ làm như thế, để miệng đọc, lòng suy, trí gẫm những điều kỳ diệu và phi thường mà Thiên Chúa đã làm cho nhân loại, mà đại diện là Đức Trinh Nữ Maria.
Như thế, không phải là tuyệt diệu sao ?! Điều ấy có nghĩa là: không phải Tin Mừng xa cách chúng ta, mà rất gần gũi, vì trong lúc ấy, chúng ta cùng đồng hành với Đức Mẹ, cùng bước theo Mẹ, cùng xin vâng với Mẹ và cùng ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa đối với nhân loại. Trong lúc ấy, chúng ta cùng hiện diện với Mẹ, cất lên bài ca ngợi khen Thiên Chúa ( Magnificat) cùng Mẹ. Rồi trong hành trình tiếp theo, từ lúc khởi đầu mầu nhiệm “Truyền Tin”. Và Mẹ bắt đầu mang “Đấng Cứu Thế - Giêsu” trong cung lòng vẹn tuyền của Mẹ, để rồi Mẹ là người đầu tiên đem Đấng Cứu chuộc- Giêsu đến cho người khác. Nên chi, các thánh gọi Mẹ là người Truyền giáo đầu tiên.
Đến với tha nhân là đến với chính mình, vì Thiên Chúa đã đến với ta qua Đấng Cứu Thế Giêsu, qua Chúa Giêsu, chúng ta đến với người khác, thì có nghĩa là ta trở lại chính mình, vì ta tái xác định, Thiên Chúa đã đến với ta. Đó là ý nghĩa chia sẻ, bác ái mà Mẹ đã được soi dẫn khi có Chúa ở với Mẹ. Khi hạ mình khiêm nhường ,Mẹ đã đón nhận lời Truyền Tin, là Mẹ đã đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa, chúng ta cùng học với Mẹ, cùng vui mừng với Mẹ, cùng lo lắng với Mẹ. Đây là trong tâm của vấn đề, vì Kinh Kính Mừng là lời chào và Truyền Tin Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Đây là mầu nhiệm nhập thể của Đấng Cứu Thế, mầu nhiệm nầy, Sứ Thần đại diện cho Thiên Chúa , đồng thời thay thế cho nhân loại chúc mừng Mẹ và Con của Mẹ:” Kính Mừng Maria”, Mẹ và Con của Mẹ, đồng thời là Thiên Chúa nhập thể, là Đấng đầy ơn Phước.
Phần thứ hai của Kinh Kính Mừng là lời cầu xin của Giáo hội, giáo hội kêu cầu Mẹ, khẩn nài Danh Thánh Mẹ : “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời...”. Có nghĩa là Mẹ đã được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Trời, thì còn gì mà Mẹ không làm được. Lúc nầy, chúng ta đồng hành với giáo hội khẩn nài Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta. Một sự khẩn nài có cơ sở,một sự khẩn nài hợp lý, ngay lúc đó, chúng ta có được một trạng sư có thế giá cầu khẩn , bàu chữa cho chúng ta trước uy linh của Thiên Chúa, bênh vực cầu bàu cho chúng ta ngay giây phút hiện tại và nhất là trong giờ lâm chung. Theo đó, Kinh Kính Mừng và sự lập lại 10 lần của mỗi sự kiện cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Mẹ, há không đẹp lòng Thiên Chúa hay sao?! Đi sâu vào tâm khảm , trí nhớ của chúng ta, tạo nên một tình cảm sâu xa và bền bỉ một cách liên lỉ như vậy, há không phải là một sự thánh thiện hay sao? Hỏi là trả lời, mong thay!
Còn tiếp
|