"Giáo Hoàng: Giáo Hội sẽ thay đổi ra sao" Đức Thánh Cha Phanxicô đối thoại với một nhân vật bỏ đức tin Công Giáo nhưng chưa hoàn toàn vô thần Dẫn nhập của người dịch Việt ngữ: Ông Eugenio Scalfari, sáng lập viên Nhật Báo La Repubblica hôm Thứ Ba 24/9/2013 đã gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô vào lúc 3 giờ chiều tại nơi cư ngụ của ngài là Nhà Thánh Matta, (như được chính ông ghi chú ngay trong bài ông viết về cuộc phỏng vấn này ở khoảng gần đầu của bài viết). Sau cuộc gặp gỡ ngoài dự tưởng của mình ấy, chính vì sáng lập tờ nhật báo nổi tiếng ở Ý quốc này đã thuật lại toàn bộ buổi gặp gỡ bất ngờ và hiếm quí ấy bằng tiếng Ý, bài viết đã được Kathryn Wallace dịch sang Anh ngữ và phổ biến ngày 1/10/2013 với tựa đề "Giáo Hoàng: Giáo Hội sẽ thay đổi ra sao" trên trang mạng điện tử của tờ nhật báo http://www.repubblica.it/cultura/2013/10/01/news/pope_s_conversation_with_scalfari_english-67643118/. Đây là cuộc phỏng vấn thứ ba trong giáo triều mới hơn 6 tháng của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau cuộc phỏng vấn với thành phần ký giả truyền thông trên chuyến bay từ Ba Tây về lại Rôma trong tháng 7/2013, và với linh mục ở Ý đại diện tập đoàn tạp chí Dòng Tên trên thế giới trong tháng 8/2013. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn lần thứ ba trong Tháng 9/2013 này hầu như hoàn toàn khác hẳn với 2 lần trước, vì nó có tính cách đối thoại với nhau về niềm tin và trao đổi với nhau về chung lãnh vực tôn giáo cũng như riêng hiện tình của Giáo Hội Công Giáo một cách tâm tình hơn là trịnh trọng hỏi thưa. Tất cả có 52 vấn đề (do người dịch tự thêm số vào từng chỗ cho rõ ràng) đã được hai bên trao đổi và chia sẻ chung riêng dài ngắn, thứ tự như sau (những chỗ được in đậm theo đúng nguyên bản). 1- Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với tôi rằng: "Sự dữ trầm trọng nhất trong các sự dữ đang gây khốn đốn cho thế giới trong những ngày này đó là nạn thất nghiệp của giới trẻ và tình trạng cô đơn của giới già. Giới già cần được chăm sóc và cảm thông; giới trẻ cần việc làm và niềm hy vọng nhưng chẳng có cả hai thứ này, và vấn đề ở đây là họ thậm chí không tìm kiếm hai thứ này nữa. Họ đã bị hiện tại chà đạp. Ông nói cho tôi biết đi: ông có thể sống quằn quại dưới sức nặng của hiện tại hay chăng? Mà lại thiếu hồi niệm về quá khứ và không mong nhìn về tương lai bằng việc xây dựng một cái gì đó, như một tương lai, một gia đình hay sao? Ông có thể tiếp tục sống như thế hay chăng? Đối với tôi, đó là vấn để khẩn trương nhất Giáo Hội đang phải đối diện". 2- Tôi thưa Đức Thánh Cha rằng vấn đề này phần lớn là vấn đề về chính trị và kinh tế của các quốc gia, của các chính quyền, của các đảng phái chính trị, của các hiệp hội mậu dịch. "Ông nói đúng đấy thế nhưng nó cũng liên quan đến cả Giáo Hội nữa, thật vậy, đặc biệt đến cả Giáo Hội nữa, vì tình trạng này không gây tổn thương đến thân thể mà thôi còn đến hồn thiêng nữa. Giáo Hội cần phải cảm thấy mình có trách nhiệm đối với cả linh hồn lẫn thể xác". 3- Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội cần phải cảm thấy có trách nhiệm. Như thế tôi có được kết luận rằng Giáo Hội không nhận thức thấy vấn đề này và vì thế Đức Thánh Cha mới phát động trách nhiệm theo chiều hướng ấy phải không? "Hầu như nhận thức đã có đó nhưng vẫn chưa đủ. Tôi muốn hơn thế nữa. Nó không phải chỉ là vấn đề chúng ta đang phải đương đầu mà là một vấn đề khẩn trương nhất và thảm thương nhất".
Cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã diễn ra hôm Thứ Ba tại nhà của ngài ở Nhà Thánh Matta, trong một căn phòng nhỏ trống trơn, với một cái bàn và 5-6 cái ghế, với một bức tranh trên tường. Cuộc phỏng vấn này theo sau cú điện thoại tôi sẽ không bao giờ quên được bao lâu tôi còn sống. Đó là vào lúc hơn 2 rưỡi chiều. Điện thoại của tôi reo lên và bằng một giọng run run, người thư ký của tôi nói với tôi rằng: "Tôi nhận được điện thoại của Đức Giáo Hoàng. Tôi sẽ chuyển ngài cho ông ngay đây". Đang còn bàng hoàng thì tôi đã nghe thấy tiếng của Đức Thánh Cha ở đầu giây bên kia: "Xin chào nhé, Giáo Hoàng Phanxicô đây". "Kính chào Đức Thánh Cha", tôi thưa lại rồi tiếp: "Tôi sửng sốt vì tôi đâu ngờ là ngài gọi cho tôi". "Tại sao lại quá ngỡ ngàng chứ? Ông đã viết cho tôi một bức thư yêu cầu gặp riêng tôi mà. Tôi cũng có ý muốn ấy, thế nên tôi gọi để làm hẹn với ông đây. Để tôi coi sổ nhé: Tôi không thể hẹn vào Thứ Tư hay Thứ Hai, Thứ Ba có tiện cho ông không? Tôi trả lời là được đấy "Thời điểm hơi kỳ đấy, 3 giờ chiều, ông có bằng lòng hay chăng? Bằng không tôi sẽ đổi sang ngày khác". "Kính thưa Đức Thánh Cha, thời điểm được đấy". "Vậy là chúng ta đồng ý nhé: Thứ Ba ngày 24 vào lúc 3 giờ chiều. Ở Nhà Thánh Matta. Ông cần phải đi vào qua cửa ở Sant'Uffizio nghe". Tôi không biết kết thúc cú điện thoại này ra sao và tự nhiên tôi nói rằng: "Tôi có thể ôm lấy ngài (embrace) qua điện thoại hay chăng?" "Được chứ, tôi cũng ôm ông nữa (hug). Rồi chúng ta sẽ làm thế khi gặp nhau, chào ông". Và này tôi đây. Đức Giáo Hoàng đã tiến đến bắt tay tôi, rồi chúng tôi ngồi xuống. Đức Giáo Hoàng mỉm cười mà nói: "Một số bạn hữu của tôi biết ông đã nói với tôi rằng ông sẽ hoán cải tôi". 4- Tôi thưa ngài họ nói diễu đấy thôi. Bạn bè của tôi nghĩ rằng chính ngài mới là người muốn hoán cải tôi. Ngài lại mỉm cười và trả lời: "vấn đề dụ giáo (proselytism) thật sự là vô nghĩa, nó chẳng có nghĩa lý gì. Chúng ta cần hiểu biết nhau, lắng nghe nhau và cải tiến kiến thức của mình về thế giới chung quanh chúng ta. Đôi khi, sau một cuộc gặp gỡ, tôi lại muốn sắp xếp một cuộc gặp gỡ khác, vì có những tư tưởng mới nẩy sinh và tôi nhận thấy có những nhu cầu mới. Đó là điều quan trọng, ở chỗ tìm hiểu con người ta, lắng nghe, khai triển giòng tư tưởng. Thế giới này được móc nối ngang dọc với nhau bởi những đạo lộ đưa đến chỗ gần nhau hơn và rời xa nhau, thế nhưng điều quan trọng là ở chỗ chúng dẫn đến Sự Thiện". (còn tiếp) Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
|