Nhà Nước Đóng Cửa tiệm-Shutdown
Chính sách tài chính của chính quyền Obama: sống bằng nợ, chết qua nợ...
Kể từ ngày 1 Tháng 10, Nhà Nước liên bang Mỹ bắt đầu chính thức “đóng cửa tiệm”. Báo Mỹ gọi là “shut down”. Trên nguyên tắc, Nhà Nước không có ngân sách vì quốc hội cãi nhau, không thoả thuận được một ngân sách cho tài khoá 2014, chính thức bắt đầu ngày 1 tháng 10 năm 2013, tức là không có tiền để guồng máy hành chánh tiếp tục chạy. Chỉ những bộ phận thiết yếu tiếp tục hoạt động vì được tài trợ bởi những qũy riêng, như các quỹ Medicare, Medicaid, tiền già social security, hay quỹ dự phòng như tiền lương quân nhân, và công chức thiết yếu. Cũng nên ghi nhận các chính quyền tiểu bang và địa phương không bị ảnh hưởng gì và vẫn hoạt động bình thường
Tại sao Nhà Nước liên bang phải đóng cửa tiệm?
Theo luật, mỗi tài khoá đều phải có ngân sách do cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện thông qua. Không có thỏa thuận, không có ngân sách, Nhà Nước không được tiêu tiền, và phải ngưng hoạt động. Đó là vấn đề căn gốc.
Dân Chủ theo chỉ đạo của TT Obama đã đưa ra đề nghị ngân sách mà phe Cộng Hòa cho rằng không thể chấp nhận được vì vẫn chi tiêu quá nhiều trong khi đòi hỏi tăng thuế quá cao, sẽ khiến các nhà đầu tư không đầu tư, kinh tế tiếp tục không ngóc đầu lên được, thất nghiệp không giảm được, thâm thủng ngân sách ngày một lớn, và công nợ ngày một chồng chất.
Cộng Hoà cũng cực lực phản đối luật cải tổ y tế Obamacare, sẽ được áp dụng toàn diện bắt đầu từ đầu năm tới. Lý do Cộng Hòa chống Obamacare cũng là lý do tại sao gần 60% dân Mỹ cũng chống. Obamacare chỉ có lợi cho một thiểu số những người chưa có bảo hiểm hay không được các hãng bảo hiểm chấp nhận vì đã có bệnh từ trước, nhưng sẽ đưa đến hậu quả là chi phí cho toàn thể hệ thống y tế Mỹ gia tăng, trong đó có tiền bảo hiểm cũng như tiền nhà thương, bác sĩ, thuốc men. Rồi Obamacare cũng sẽ tốn cả chục ngàn tỷ cho Nhà Nước. Số tiền đó chỉ trầm trọng hoá tất cả những khó khăn tài chánh đã có. Vấn đề cơ bản là luật Obamacare bị khối bảo thủ chẳng những chống mà còn coi như không chính danh vì được thông qua lén lút qua kẽ hở thủ tục quốc hội, không có gì đáng gọi là danh chính ngôn thuận.
Có một lý do mới nữa đã khiến Cộng Hoà chống Obamacare và đề nghị hoãn thi hành Obamacare một năm: Obamacare chưa sẵn sàng.
Bài toán chính trị của Cộng Hoà là biểu quyết ngân sách và tăng mức nợ trần là những điều tối cần thiết cho Nhà Nước Obama, do đó, Cộng Hoà sẽ nhân nhượng phần nào, đổi lấy một nhân nhượng của Dân Chủ về Obamacare. Đại cương, Cộng Hoà chấp nhận phê duyệt một ngân sách tạm để Nhà Nước hoạt động đến cuối năm nay, và cũng sẽ chấp nhận tăng mức nợ trần, với vài điều kiện quan trọng như thắng chi tiêu Nhà Nước lại. Đổi lại, Obamacare sẽ phải được hoãn một năm, chỉ bắt đầu áp dụng đầu năm 2015. Hạ Viện do đa số Cộng Hoà kiểm soát đã biểu quyết một dự luật trong đó bao gồm cả ba điều trên. Cuộc biểu quyết hầu như hoàn toàn đúng theo số ghế của hai đảng, với khoảng gần một chục dân biểu Dân Chủ bỏ phiếu hoãn Obamacare với phe Cộng Hòa, và khoảng gần một chục dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu theo Dân Chủ chống việc hoãn Obamacare. Coi như không ảnh hưởng đến thế đa số của Cộng Hòa.
Dự luật này khi lên đến Thượng Viện do đa số Dân Chủ kiểm soát đã bị bác bỏ, vì Dân Chủ không chấp nhận hoãn Obamacare, dù một ngày. Số phiếu ở Thượng Viện theo đúng số ghế của hai đảng: 54 Dân Chủ bác và 46 Cộng Hoà thuận. Sau khi bị bác, Cộng Hoà ở Hạ Viện tu chính chút đỉnh rồi biểu quyết chấp nhận lại, rồi đưa qua Thượng Viện, để rồi Thượng Viện lại biểu quyết bác bỏ. Hai bên vờn nhau bốn lần trong một ngày 30 tháng 9. Hạ Viện biểu quyết 4 lần, Thượng Viện bác đủ 4 lần. Cho dù được Thượng Viện chấp nhận, thì TT Obama cũng đã dọa sẽ phủ quyết.
Bế tắc đó đưa đến không có thoả thuận ngân sách và Nhà Nước... đóng cửa tiệm.
Hậu quả của việc đóng cửa tiệm sẽ như thế nào?
Trên thực tế, Nhà Nước chưa đóng cửa hoàn toàn mà chỉ là “khép cửa” thôi. Tất cả các cơ quan, công sở đều cho đa số nhân viên tạm nghỉ việc không ăn lương, nằm nhà chờ lệnh. Nhưng không có cơ quan hay công sở nào đóng cửa 100%. Chẳng hạn trong Tòa Bạch Ốc, khoảng 1.200 nhân viên, phần lớn là thư ký, tài xế,... được cho nghỉ tạm, trong khi gần 500 nhân viên vẫn tiếp tục đi làm, có lương đầy đủ, kể cả... những “sa hoàng” cố vấn và phụ tá cao cấp nhất, với lương cao nhất. Chúng ta có thể yên tâm, tổng thống và phó tổng thống vẫn đi làm có lương đầy đủ, chưa đến nỗi phải nghỉ việc, và cả năm ông đầu bếp đều vẫn còn bận với những bữa ăn đầy đủ cao lương mỹ vị tuy chưa có tới cả trăm món như bữa ăn của bà Từ Hy Thái Hậu. Ngoại Trưởng John Kerry vẫn đi Nhật và Hàn Quốc như thường. Nhưng TT Obama sẽ hủy chuyến công du Á Châu tham dự hội nghị APEC với các quốc gia ven Thái Bình Dương. Có lý do chính đáng để hủy một chuyến công du mà Tòa Bạch Ốc biết trước sẽ không có kết quả cụ thể nào, cũng như tránh được đụng độ với Tập Cận Bình trong vụ lưỡi bò biển đông, lại được tiếng ở nhà lo cho đại sự.
Tất cả các dân biểu, nghị sĩ cãi nhau đưa đến chuyện Nhà Nước đóng cửa tiệm cũng đều vẫn được lãnh lương và bổng lộc đầy đủ không thiếu xu nào để tiếp tục cãi nhau, tuy một số phụ tá, thư ký, tài xế, tạp dịch, nhân viên phòng tập thể dục, phòng hớt tóc làm đầu, phòng vệ sinh, … sẽ phải tạm nghỉ. Nói cách khác, chỉ có các quan quân hạng bét và hạng vừa bị nghỉ việc, tạm mất lương, trong khi các quan to là những vị đã tạo ra cảnh đóng cửa tiệm đều vẫn lương lậu và bổng lộc đầy đủ. Chả trách họ không chịu thoả thuận để đến nỗi Nhà Nước phải đóng cửa. Nói theo dân gian ta, họ là những người “không thấy quan tài nên không đổ lệ”.
Tất cả các quân nhân đều vẫn còn trong quân ngũ, không ai bị giải ngũ hết, tuy một số lớn quan chức văn phòng cấp trung và cấp thấp sẽ được nằm nhà hay được phép đi câu cá chờ lệnh trình diện lại. Tất cả nhân viên Cơ Quan An Ninh Quốc Gia NSA vẫn tiếp tục theo dõi i-meo và điện thoại cả thế giới để bảo đảm an toàn cho chúng ta. Các viên chức tại các cơ quan có tính an ninh chung sẽ không bị nghỉ việc, như chuyên viên kiểm không tại phi trường, hải quan, cảnh sát biên giới, FBI, … Chỉ có gần 400 công viên quốc gia là đóng cửa hoàn toàn thôi.
Dù sao thì những sinh hoạt hành chánh như xin thông hành, chiếu khán, giấy tờ lặt vặt, bưu điện, tiểu thương hay sinh viên muốn mượn tiền có Nhà Nước bảo đảm,… đều sẽ chậm lại, mất nhiều thời gian hơn.
Tổng cộng, có thể từ 30% đến 40% công chức liên bang, tức là gần một triệu người, sẽ phải tạm nghỉ. Đóng cửa càng lâu thì càng nhiều người phải tạm nghỉ. Phần lớn là công chức các bộ không thiết yếu như Thương Mại, Giáo Dục, Năng Lượng, Bảo Vệ Môi Trường, Gia Cư và Phát Triển Đô Thị, Nội Vụ, Giao Thông, …
Tin mừng lớn cho các công chức là dù nằm nhà nghỉ, sau này khi Nhà Nước mở cửa lại thì tất cả mọi người vẫn được lãnh lương hồi tố đầy đủ, không thiếu một xu. Coi như được nghỉ xả hơi mà vẫn ăn lương, chỉ là lãnh lương hơi chậm chút thôi. Bởi vậy, khi Nhà Nước đóng cửa tiệm, không có ông bà công chức nào khiếu nại hết.
Đây không phải lần đầu tiên guồng máy chính quyền Mỹ đóng cửa. Tổng cộng đã đóng cửa tới 17 lần trong 35 năm qua, từ năm 1976 đến nay. Nhưng hầu hết đều đóng cửa có vài ngày để mấy ông chính khách ngã giá với nhau trong hậu trường thôi. Lần đóng cửa mới nhất và cũng là lâu nhất là năm 1995 dưới nhiệm kỳ đầu của TT Clinton, đóng cửa tiệm đâu ba tuần.
Thực tế, Nhà Nước Obama đã hoạt động đều đặn mà không có ngân sách hàng năm từ năm 2009. Vẫn cầm cự lai rai nhờ quốc hội biểu quyết ngân sách vá víu từng phần cho từng thời gian ngắn, có khi ba tháng, có khi sáu tháng, cũng như bây giờ Cộng Hoà đề nghị ngân sách tạm đến cuối năm vậy.
Bây giờ chưa ai biết được sẽ cò cưa bao nhiêu lâu. Nhưng có lẽ không thể quá ngày 15 Tháng 10 vì nếu để quá ngày này, hậu quả sẽ trầm trọng khó lường được. Chỉ vì ngoài vấn đề Nhà Nước hết tiền, lại còn có chuyện nợ đã leo lên đỉnh luật định. Mức công nợ hiện hữu do quốc hội cho phép sẽ leo tới mức tối đa 16.700 tỷ giữa tháng này, nếu quốc hội không cho phép Nhà Nước Obama đi vay thêm, thì Nhà Nước sẽ… kẹt to tuy chưa đến nỗi sập tiệm vì không vay thêm được tiền để trả nợ đáo hạn. Khi đó, điểm tín dụng của Mỹ sẽ bị hạ xuống thêm nữa, với tất cả hậu quả nghiêm trọng nhất cho kinh tế Mỹ. Chuyện này quan trọng hơn chuyện đóng cửa tiệm nhiều. Điểm tín dụng bị hạ, lãi suất Nhà Nước phải trả sẽ tăng, và toàn thể hệ thống lãi suất ngân hàng sẽ tăng, gây trì trệ kinh tế thêm nữa, thất nghiệp trầm trọng hơn, và ngân sách thâm thủng nặng hơn. Trừ phi quốc hội biểu quyết riêng chuyện tăng mức nợ trần để tránh tình trạng mất tính khả tín, khi vẫn chưa có được thỏa thuận ngân sách.
Đây là chính sách tài chính của chính quyền Obama: sống bằng nợ, chết qua nợ. Nhà Nước vung tay xài tiền bằng tiền nợ, rồi đi vay nợ mới để trả nợ hiện hữu, và con xoáy nợ ngày càng vút lên cao mà không thấy có phương cách nào thắng lại. Dĩ nhiên, đa số dân Mỹ hoan hô chính sách này vì được hưởng thêm trợ cấp đủ loại, và họ đã bầu lại TT Obama để được tiếp tục nhận tiền trên trời rơi xuống. Không ai thắc mắc chuyện Chúa Chỏm khi nào phải trả nợ.
Kinh tế nói chung sẽ bị ảnh hưởng, tai hại cỡ nào tùy việc đóng cửa kéo dài bao lâu.
Kỹ nghệ du lịch, hàng không sẽ mất cả trăm triệu vì du khách không có thông hành hay chiếu khán đi ra hay đi vào nước Mỹ. Ngành hầm mỏ -than đá, dầu hỏa, dầu khí- do Nhà Nước khai thác sẽ ngưng hoạt động, giá nhiên liệu có thể sẽ tăng chút đỉnh. Các nhà thầu cho các dự án của liên bang trị giá hàng tỷ đô sẽ gián đoạn vì Nhà Nước không trả tiền. Trợ cấp vài ngành nghề, nhất là trong canh nông, sẽ bị tạm ngưng. Đó là chưa kể việc ngưng trả lương cho một triệu công chức và hàng triệu người liên hệ khác sẽ giảm sức mua sắm của họ, giảm thu nhập của các doanh nghiệp, làm kinh tế chung sẽ trì trệ thêm nữa và thất nghiệp sẽ không thể giảm.
Tất cả nghe có vẻ ghê gớm, nhưng cũng chỉ là chuyện “muỗi đốt gỗ” trong cái kinh tế khổng lồ của xứ Cờ Hoa, nhất là nhìn vào đường dài.
Điều đáng nói là lý do chính đưa đến bế tắc là việc Cộng Hòa tìm cách ngăn cản việc thực hành Obamacare, cài điều khoản hoãn Obamacare trong dự luật ngân sách tạm, nhưng hậu quả lại là việc sinh hoạt Nhà Nước bị gián đoạn vì không có ngân sách trong khi Obamacare vẫn “tiến nhanh, tiến mạnh” tuy không “tiến vững chắc” chút nào.
Luật Obamacare sẽ có hiệu lực trọn vẹn kể từ ngày 1 Tháng Giêng năm 2014, có nghiã là đến ngày đó, người nào không có bảo hiểm sẽ bị Sở Thuế IRS truy ra để tính tiền phạt. Tất cả những người không có bảo hiểm của công ty có quyền kể từ ngày 1 tháng 10 vừa qua tìm mua bảo hiểm, hoặc trực tiếp đi tìm các hãng bảo hiểm để mua, hoặc mua qua trung gian các trung tâm điều hợp bảo hiểm, gọi là exchanges, là những nơi tập trung thông tin, so sánh các điều khoản và giá cả của các công ty bảo hiểm trong tiểu bang mình sinh sống, để lựa công ty và loại bảo hiểm thích hợp cho hoàn cảnh và túi tiền mình nhất. Dĩ nhiên, chuyện này không áp dụng cho những người đã lãnh medicaid hay medicare rồi.
Bất kể việc Nhà Nước đóng cửa tiệm, các trung tâm điều hợp vẫn mở cửa làm việc bắt đầu đúng ngày 1 tháng 10 như dự trù, phần lớn là qua mạng –online- hay qua điện thoại. Nhưng đúng như phe Cộng Hòa lo ngại, Obamacare chưa sẵn sàng. Ngoài chuyện bộ luật với cả chục ngàn trang vẫn chưa viết xong hoàn toàn, có tới 36 tiểu bang chưa thiết lập trung tâm điều hợp, vì chưa làm xong hay vì không chịu làm, khiến Nhà Nước liên bang phải lập trung tâm thay cho chính quyền tiểu bang. Và hệ thống điện toán liên bang chưa sẵn sàng ứng phó với hàng triệu người tìm mua bảo hiểm trên mạng.
Nội trong buổi sáng ngày đầu tiên, đã có gần 3 triệu người vào trang mạng Healthcare.gov để truy cập vấn đề mua bảo hiểm, và ít nhất là 60.000 người yêu cầu nói chuyện trực tiếp -chat- với các chuyên gia về những thắc mắc của họ, trong khi chỉ có vài chục người phụ trách chuyện này. Một trang mạng của trung tâm điều hợp của tiểu bang Nữu Ước đã có tới 7,5 triệu người truy cập trong buổi sáng đó. Đưa đến tình trạng ứ đọng, tắc nghẽn quy mô. Hầu hết mọi người đều phải ngồi chờ trước máy, hay chờ điện thoại cả giờ đồng hồ, mà trong rất nhiều trường hợp vẫn không giải quyết được gì, vì thiên hạ có cả trăm cả ngàn câu hỏi mà các công chức Nhà Nước chưa có hết các câu trả lời.
Theo thăm dò của Pew Research, 39% dân Mỹ cho là Cộng Hòa chịu trách nhiệm về vụ Nhà Nước phải đóng cửa tiệm, nhưng 36% lại cho đó là trách nhiệm của TT Obama và phe Dân Chủ, trong khi 17% cho cả hai bên đều có lỗi ngang nhau. Khác biệt giữa 39% và 36% nằm trong sai biệt xác xuất, có nghiã là hai bên đều bị coi như có lỗi xấp xỉ ngang nhau. Một thăm dò của Fox News cho thấy 25% đổ lỗi cho Chủ Tịch Hạ Viện Cộng Hòa John Boehner, và 24% cho rằng TT Obama chịu trách nhiệm. Sự thật như người Mỹ thường nói, “it takes two to tango”, cần phải hai người mới nhẩy điệu tango được. Chẳng bên nào vô tội như Thị Kính hết.
Như đã nói qua, TT Clinton cũng đã đối đầu với một Hạ Viện do phe đối lập kiểm soát và Nhà Nước bị đóng cửa gần một tháng. Nhưng tình trạng hôm nay có vẻ bi quan hơn. Trước hết, cả TT Clinton và lãnh tụ đối lập Cộng Hòa ngày đó, ông Newt Gingrich, đều có thiện chí làm việc với nhau thường trực để giải quyết mâu thuẫn. Rồi kinh tế khi đó đang phát triển mạnh nên hậu quả kinh tế không tai hại lắm. Ngày nay, mâu thuẫn giữa TT Obama và lãnh tụ John Boehner của Cộng Hoà trầm trọng hơn nhiều, trong khi kinh tế đang lúc khó khăn, và hậu quả sẽ tai hại hơn hồi năm 1995.
Một cuộc đóng cửa tiệm kéo dài cả tháng sẽ không phải là chuyện không thể có. Nhưng dù sao cũng chỉ là trò chơi ú tim của các chính khách, chưa phải là tận thế. Lại khiến nhiều người thắc mắc: nếu Nhà Nước “khép cửa” như vậy mà vẫn không có tận thế, thì sao không khép như vậy luôn đi, tiết kiệm được biết bao nhiêu trăm tỷ mỗi năm, bớt thuế má cho cả triệu người. Như vậy có tốt hơn không? (06-10-13)
Vũ Linh Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
|