MẦU NHIỆM SỰ SỐNG
Nhân loại tái sinh khi một Evà mới là Ðức Maria xuất hiện. Qua những Mầu Nhiệm Mân Côi, Mẹ dẫn đưa tín hữu ngày càng đi sâu vào một sự sống huyền nhiệm mới, đó là Ðức Giêsu Kitô. Càng thấu hiểu huyền nhiệm sư sống, họ càng tìm thấy giá trị và ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Hơn nữa, bước theo Mẹ, họ sẽ không bao giờ phải lo sợ, vì dưới danh hiệu “Thánh Mẫu Thiên Chúa (Theotokos), người tín hữu tìm được nơi trú ẩn nhờ biết cầu nguyện trong cơn nguy khốn.”[1]
Trên trần gian, Mẹ rất lo lắng ơn cứu độ cho mỗi người. Nhưng làm sao có thể được cứu độ, nếu không biết sự thật là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng giải thoát nhân loại ? Thực tế, chỉ có Mẹ mới dạy chúng ta biết rõ sự thật về Chúa Kitô. Bởi thế, không có Mẹ, làm sao chúng ta có thể hy vọng được cứu độ ? Mẹ dạy chúng ta trong trường học tin yêu là Tràng Hạt Mân Côi. Vì đã hạ sinh, dưỡng dục Con Thiên Chúa làm người, nên Mẹ sẽ chỉ vẽ cho chúng ta một con đường ngắn nhất và đúng nhất dẫn tới nguồn ân cứu độ là Ðức Giêsu Kitô.
Chính Mẹ cũng là một mẫu gương sáng chói nhất cho chúng ta biết hồng ân Thiên Chúa là gì và hoạt động ra sao dưới quyền lực Thánh Linh. Trong ngày Truyền Tin và Hiện Xuống, Mẹ đã xuất sắc trong thiên chức làm Mẹ khi chiêm niệm được ý nghĩa việc Thần Khí phủ bóng và hiện xuống. Nhờ vậy, Mẹ đã nêu gương cho Giáo hội (chúng ta) trong việc sinh dưỡng ơn Chúa Kitô trong thế giới.[2]
Bước theo Mẹ trong Mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta sẽ cảm nghiệm và sống lại tất cả vẻ đẹp của lịch sử cứu độ.
SỰ SỐNG, MỘT HUYỀN NHIỆM
Sự sống là một huyền nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa. Muốn khám phá sự sống, không những phải hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn phải dõi theo bước chân Mẹ Maria qua các mầu nhiệm Mân côi. Chỉ có Mẹ mới giúp chúng ta thấy và trân quý tất cả vẻ đẹp huyền nhiệm trong công cuộc tạo dựng và cứu độ. Vì thế, ĐGH Gioan Phaolô II mới dám sống với tâm tình phó thác : “Mọi sự của con là của Mẹ.”
Mẹ đề cao những giá trị của Sự Sống Thiên Chúa. Mẹ hết sức quý trọng sự sống con người cũng như vạn vật. Sự sống đó bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo dựng để chiếu tỏa vinh quang ra vũ trụ. Càng suy gẫm, Mẹ càng thấy sự sống kỳ diệu, nhất là sự sống con người được Thiên Chúa chăm lo đặc biệt. Nếu không, Thiên Chúa đã không chọn một dân riêng để ban lời hứa và lề luật. Hơn nữa, Người còn sai các ngôn sứ đến chuẩn bị cho dân của Người đón nhận ơn cứu độ. Nếu sự sống không có giá trị, tại sao Thiên Chúa phải lo bảo vệ và phát triển như thế ?
Trong mầu nhiệm cứu độ, Thiên Chúa dành lại sự sống cho con người. Đó cũng là cơ hội con người cộng tác với Thiên Chúa để dành lại sự sống cho chính mình. Sự sống có một giá trị khôn sánh và vô cùng cao cả. Chỉ Thiên Chúa mới có thể tạo dựng và giành lại sự sống cho con người. Sự sống vừa là một hồng ân vĩ đại nhất vừa là một thách đố lớn nhất đối với con người.
Hơn lúc nào, ngày nay cuộc khủng hoảng về sự sống đang đe dọa nhân loại. Các phong trào phá thai, đồng tính luyến ái, nhân bản con người, ly dị, xâm phạm nhân quyền v.v. là những tệ nạn đang làm nhức nhối và đục khoét lương tâm con người. Cần phải có những nỗ lực lớn lao mới có thể giành lại sự sống và những giá trị sự sống cho con người. Suy niệm theo MẦU NHIỆM SỰ SỐNG là góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh cho sự sống.
Mầu nhiệm Mận Côi là con đường dẫn Kitô hữu đi sâu vào tình yêu Thiên Chúa. Qua những nẻo đường huyền nhiệm đó, Thiên Chúa sẽ mạc khải Mẹ Maria như người cộng tác chính yếu với Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Đồng thời qua đó Chúa cũng cho con người những phương tiện hữu hiệu để đạt được cứu rỗi cho chính mình và cho đồng loại. Chính vì thế, khi ban hành Ba Mệnh Lệnh Fatima, Mẹ Maria muốn mọi người lần hạt Mân côi để cứu vãn nền hòa bình thế giới.
Khi nghe tin Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lập thêm một mầu nhiệm vào Kinh Mân Côi truyền thống, nhiều người tưởng đó là MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, một chủ đề đã ảnh hưởng sâu đậm và chi phối suốt đời ngài. Thực tế, ngài đã công bố MẨU NHIỆN SỰ SÁNG. Mầu Nhiệm Sự Sáng thật là quan trọng và cần thiết cho những người muốn chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa qua các mầu nhiệm cứu độ được thể hiện trong thời gian Chúa Giêsu truyền đạo. Hơn nữa, mầu nhiệm đó kết thúc bằng sự kiện Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể như cao điểm của tất cả các mầu nhiệm. Thật là tuyệt vời !
Như thế, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có công làm phong phú Mầu Nhiệm Mân Côi truyền thống. Thế nhưng, tất cả các mầu nhiệm đó đều nằm trong bối cảnh Tân Ước. Phải chăng mầu nhiệm cứu độ chỉ giới hạn trong Tân Ước ? Thưa không. Thiết tưởng có trở về nguồn Cựu ước, mới khám phá được tất cả chiều kích tình yêu Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và cứu độ.
MẦU NHIỆM SỰ SỐNG: MỘT ĐỀ NGHỊ
MẦU NHIỆM SỰ SỐNG rất gần gũi và nằm trong tầm nhìn của Đức Cố Gioan Phaolô II. Giả sử, sau khi lập Mầu Nhiệm Sự Sáng, Người công bố thêm MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, chắc không thiếu người hưởng ứng. Tuy thế, lúc này cũng chưa muộn. Vậy chúng tôi xin đề nghị với Giáo hội một mầu nhiệm mới :
MẦU NHIỆM SỰ SỐNG.
Cũng như các mầu nhiệm khác trong chuỗi Mân Côi, MẦU NHIỆM SỰ SỐNG xoay quanh một tâm điểm duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. MẦU NHIỆM SỰ SỐNG cũng trải qua năm (5) chặng đường sau đây :
Chục Thứ nhất: Thiên Chúa tạo thành vạn vật nhờ Ngôi Lời. Ta hãy xin cho được góp phần xây dựng nền văn hóa sự sống.
Chục Thứ hai: Sau khi nguyên tổ sa ngã, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế. Ta hãy xin cho được cộng tác vào công cuộc xây dựng nền văn minh tình thương.
Chục Thứ ba: Tổ phụ Abraham hiến tế Isaac cho Thiên Chúa và nhận lại con mình như biểu tượng Chúa Kitô phục sinh. Ta hãy xin cho được sống lại với Người.
Chục Thứ tư: Thiên Chúa sai Môsê đưa dân Chúa về Đất Hứa. Ta hãy xin cho được tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Ðộ duy nhất của toàn thể nhân loại.
Chục Thứ năm: Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Ta hãy xin cho được ơn sám hối để sống và sống dồi dào.
MẦU NHIỆM SỰ SỐNG: SUY NIỆM
Chục Thứ nhất: Thiên Chúa tạo thành vạn vật nhờ Ngôi Lời. Ta hãy xin cho được góp phần xây dựng nền văn hóa sự sống.
Mầu nhiệm này phóng tầm nhìn con người tới sự sống là chính Thiên Chúa. Thời điểm huyền diệu nhất là khi Người bắt đầu mạc khải chính mình qua việc tạo dựng sự sống trong vũ trụ, mà chóp đỉnh là con người. Vinh dự cao cả nhất của con người là được mời gọi cộng tác vào công trình tạo dựng đó. Nhờ quyền năng Thiên Chúa, con người có thể tiếp tục “tạo dựng” sự sống trên mặt đất này. Vinh dự đó đang bị chà đạp vì những nỗ lực hủy diệt của phong trào phá thai.
Hơn lúc nào, con người phải tìm về nguồn sống là chính Thiên Chúa mới có thể khám phá giá trị sự sống. Từ đó, mới có thể tôn trọng sự sống đích thực. Sự sống ấy là một hồng ân Thiên Chúa. Đó là nền tảng cho quyền làm người. Vì đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, con người không còn tôn trọng sự sống. Bởi vậy, chúng ta cần cầu xin cho chính mình và mọi người biết tôn trọng sự sống từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
Chục Thứ hai: Sau khi nguyên tổ sa ngã, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế. Ta hãy xin cho được cộng tác vào công cuộc xây dựng nền văn minh tình thương.
Thiên Chúa đầy lòng thương xót đã thực hiện tất cả lời hứa. Người mạc khải tất cả tình yêu mãnh liệt cho đối tượng tình yêu là con người. Tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết. Theo thánh Augustinô, tội hồng phúc Ađam đã khiến Con Thiên Chúa xuống thế hòa giải con người với Thiên Chúa. Đúng hơn, tình yêu Thiên Chúa đã phá hủy hoàn toàn bức tường ngăn cách con người với Thiên Chúa do tội Ađam xây nên. Con người phải cố gắng nhận ra tình yêu Thiên Chúa như một hồng ân vô cùng cao cả và cần thiết cho cuộc sống hôm nay. Nhờ Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được chia sẻ sự sống sung mãn với Người. Người nhận chúng ta làm con trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta không bao giờ có quyền thấtvọng, dù cuộc sống này đầy thử thách và có lúc phải chấm dứt. Niềm hy vọng của chúng ta dựa trên một nền tảng vững chắc là chính lời hứa của Thiên Chúa.
Chục Thứ ba: Tổ phụ Abraham hiến tế Isaac cho Thiên Chúa và nhận lại con mình như biểu tượng Chúa Kitô phục sinh. Ta hãy xin cho được sống lại với Người.
Giao ước đó là nền tảng cho sự sống còn của nhân loại. Nếu Thiên Chúa không giữ giao ước với Abraham, không thể có một dòng dõi đông như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển. Bởi vậy, Giao Ước với Abraham là một bằng chứng Thiên Chúa yêu thương nhân loại và sẵn sàng làm cho mặt đất phong nhiêu sự sống.
Giao ước với Tổ phụ Abraham cũng là nguồn phát sinh nền văn minh nhân loại. Một nền văn minh không xây dựng trên tình thương chỉ dẫn đến hố diệt vong. Tương quan giữa con người phải là tương quan huynh đệ, bắt nguồn từ giao ước với Thiên Chúa. Bởi vậy, muốn củng cố tương quan nhân loại hôm nay, chúng ta cần ôn lại nội dung và giá trị giao ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ phụ Abraham.
Chục Thứ tư: Thiên Chúa sai Môsê đưa dân Chúa về Đất Hứa. Ta hãy xin cho được tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Ðộ duy nhất của toàn thể nhân loại.
Suốt bốn mươi năm trên sa mạc, Môsê đã hướng dẫn dân Chúa về Đất Hứa, nơi chảy sữa và mật. Nhờ bàn tay Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng dân Chúa. Dân Chúa đã thoát ách nô lệ và vào miền đất tự do, thoát ngục tử thần vào miền đất sống. Thực tế, Môsê đã không vào được Đất Hứa.
Môsê chỉ là hình ảnh tiên trưng về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mới là vị lãnh đạo đích thực và duy nhất của Dân Chúa. Người dẫn đầu một đàn em nhân loại đông đảo, vượt qua sa mạc trần gian và vào tận Nhà Cha trên trời. Cuộc vượt qua Biển Đỏ và sa mạc trần gian sẽ không thể hoàn thành nếu không có vị lãnh đạo tối cao là Chúa Giêsu. Chỉ Người mới đủ quyền năng để hiện diện và cứu giúp kịp thời những người đang chiến đấu để vào miền Đất Hứa là Thiên đường. Tin tưởng mãnh liệt Chúa Giêsu là Đường dẫn về Nhà Cha, chúng ta mạnh dạn tiến bước . . .
Chục Thứ năm: Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Ta hãy xin cho được ơn sám hối để sống và sống dồi dào.
Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ cuối cùng loan báo và chỉ cho dân Chúa biết Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đã vượt qua mọi giới hạn để đến với con người và trở thành trung tâm điểm của toàn thể vũ trụ và nhân loại. Tội lỗi đã lẻn vào trần gian và đem theo cái chết. Người đến giải thoát muôn dân khỏi tội lỗi và đem lại sự sống cho toàn thể nhân loại. Bởi thế, Gioan đã kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha thứ và cứu độ. Cũng như Gioan Tẩy Giả, Kitô hữu có bổn phận loan báo cho muôn dân biết Chúa Giêsu là sự sống đích thực của toàn thể nhân loại. Sứ mệnh loan báo Tin Mừng thuộc về toàn thể dân Chúa. Lời Chúa sẽ đến với mọi người qua những chứng từ sống. Chứng từ rõ ràng và mạnh mẽ nhất chỉ xuất hiện trong tình yêu. Bởi vậy, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, Kitô hữu có sẵn những phương tiện và cơ hội thi hành sứ mệnh ngôn sứ theo lệnh Chúa.[3]
CHƯƠNG TRÌNH ĐỌC KINH MÂN CÔI
Đề nghị thiết lập MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, không nhằm tạo thêm phiền toái cho hình thức đạo đức, nhưng chỉ muốn cống hiến một cơ hội để nhìn vào bức tranh toàn diện của mầu nhiệm cứu độ. Có thể có than phiền rằng bốn mầu nhiệm Mân Côi đã quá dài rồi, thêm MẦU NHIỆM SỰ SỐNG nữa làm chi. Thực ra, có lẽ đối với nhiều người, dù chỉ một Mầu nhiệm cũng quá dài. Còn những ai sẵn sàng lắng nghe và thực hành Mệnh Lệnh Fatima, bao nhiêu cũng không đủ để cứu vãn nền hòa bình thế giới và sự sống còn của nhân loại. Vả lại, không ai bó buộc phải đọc một lúc cả năm mầu nhiệm ấy.
Hơn nữa, thiết tưởng thâu tóm toàn thể lịch sử cứu độ trong năm mầu nhiệm đâu phải là quá dài. Mỗi một mầu nhiệm đều có những nét đặc biệt diễn tả tình yêu Thiên Chúa trải dài suốt lịch sử cứu độ. Thiếu một mầu nhiệm nào, Kitô hữu sẽ cảm thấy việc cầu nguyện và suy gẫm không trọn vẹn. Càng đi sâu vào từng mầu nhiệm, chúng ta sẽ càng khám phá được tất cả chiều kích lớn lao của công cuộc cứu độ. Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan khi phác họa và thực hiện công trình tạo dựng và cứu độ. Bởi thế, có đề nghị hàng trăm mầu nhiệm cũng không đủ để khám phá và chiêm ngưỡng những nét tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa.
Vậy, chúng tôi xin đề nghị một lịch trình suy niệm năm mầu nhiệm Mân Côi như sau:
Nếu mỗi ngày bạn đọc năm chục (50) kinh hay một Mầu Nhiệm:
- Thứ Hai: Sự Sống.
- Thứ Ba: Mùa Vui.
- Thứ Tư: Sự Sáng.
- Thứ Năm: Mùa Mừng.
- Thứ Sáu: Mùa Thương
- Thứ Bảy: Mùa Vui.
- Chúa Nhật: Mùa Mừng.
Nếu mỗi ngày bạn đọc một tràng trăm rưởi (150) kinh hay cả ba Mầu Nhiệm:
Thứ Hai: Sự Sống, Mùa Vui, Sự Sáng.
- Thứ Ba: Sự Sống, Mùa Thương, Sự Sáng.
- Thứ Tư: Sự Sống, Mùa Mừng, Sự Sáng.
- Thứ Năm: Sự Sống, Mùa Vui, Sự Sáng.
- Thứ Sáu: Sự Sống, Mùa Thương, Sự Sáng.
- Thứ Bảy: Sự Sống, Mùa Mừng, Sự Sáng.
- Chúa Nhật: Sự Sống, Mùa Mừng, Sự Sáng.
Như thế, mỗi ngày đều ngắm hai mầu nhiệm Sự Sống và Sự Sáng, kèm ở giữa là một mầu nhiệm Mùa Vui, Thương hay Mừng. Nếu mỗi ngày đều lần hạt trọn một tràng trăm rưởi, chúng ta có thể phục hồi được lịch trình cũ của Kinh Mân Côi truyền thống. Ngày nào chúng ta cũng suy gẫm Mầu Nhiệm Sự Sống và Sự Sáng để cầu nguyện cho Phong Trào Phò Sự Sống và cho mọi người biết quý trọng sự sống theo đúng chiều hướng Thiên Chúa và Giáo hội.
Nếu mỗi ngày bạn đọc một tràng hai trăm rưởi (250) kinh hay cả năm Mầu Nhiệm,
Bạn chỉ mất chừng bảy mươi (70) phút mà thôi. Tuy mất giờ một chút, bạn có thể đi với Mẹ dọc theo suốt công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Cả một công trình lớn lao như thế mà chỉ mất có bảy mươi phút, làm sao gọi là nhiều ? Trái lại, càng chiêm ngắm những kỳ công Thiên Chúa trong việc tạo dựng và cứu độ, càng thấy mình hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương. Sống trong tình yêu Chúa, chúng ta sẽ thấy cuộc sống vô cùng dồi dào và ý nghĩa. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta đủ sức lao mình vào biển tình yêu Thiên Chúa và múc lấy những tinh hoa cao quý mà cống hiến cho đời.
THAY LỜI KẾT
Đây chỉ là một đề nghị. Nếu được đón nhận rộng rãi và được giáo quyền chuẩn y, MẦU NHIỆM SỰ SỐNG sẽ cống hiến một bức tranh toàn bích về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. MẦU NHIỆM SỰ SỐNG hy vọng sẽ mở rộng tầm nhìn về mạc khải Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và cứu chuộc nhân loại. Nhờ suy gẫm MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, chúng ta sẽ thấy tất cả giá trị sự sống và tiến trình Thiên Chúa giải thoát nhân loại khỏi áp bức tử thần.
Ngày nay, không có hành động nào chống lại Thiên Chúa bằng việc phá thai. Đứng đầu trong việc phò sự sống phải là các Kitô hữu biết lắng nghe và chiêm ngắm những kỳ công lớn lao của Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và cứu độ. MẦU NHIỆM SỰ SỐNG là một trong những phương tiện giúp họ thực thi những gì họ đang mơ ước .
Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi, nhất là MẦU NHIỆM SỰ SỐNG, để thực hiện những gì Mẹ đã dạy chúng con. Nhờ đó, chúng con có thể cùng Mẹ đem ơn cứu độ và hòa bình cho toàn thế giới.
Lm. Giuse Đỗ vân Lực, O.P.
Lm.Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo,Ocist
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, Lumen Gentium, số 66.
[2] x. Encyclopedia of Cathlolic Doctirine, ed. Russell Shaw, Mary, Mother of the Church, F. M. Jelly, O.P.
[3] x. Mc 16:15.
|