Đức Giáo Hoàng Phanxico "Những mẩu bánh vụn"
"Những mẩu bánh vụn" trong lần bánh hóa nhiều thứ nhất cho 5 ngàn người ăn (Mathêu 14:20) và thứ hai cho 4 ngàn người ăn (Mathêu 15:37), khi thu lại cũng còn được "12 thúng đầy" từ lần nhất và "7 thúng đầy" từ lần hai. "Những mẩu bánh vụn" của Đức Thánh Cha Phanxicô ở đây được hiểu là một số suy tư chia sẻ của ngài trong các bài giảng hằng ngày khi ngài cử hành Thánh Lễ ban sáng ở Domus Sanctae Marthae / Casa Santa Marta / Nhà Thánh Matta, nơi ngài muốn trú ngụ thay vì ngài ở trong tông dinh giáo hoàng. Các bài giảng lễ hằng ngày của ngài ở đây chỉ là những gì ngoại lệ, nên không được liệt kê vào các bài giảng chính thức của ngài ở website của Tòa Thánh, mà chỉ được phổ biến, thỉnh thoảng, qua VIS (Vatican Information Service) của Tòa Thánh, hay qua mạng điện toán toàn cầu Zenit, nhưng không nguyên văn, mà chỉ có những trích đoạn đặc biệt tiêu biểu nào đó thôi. Và đó cũng chính là một trong những lý do những trích đoạn ấy được gọi là và đáng gọi là "những mẩu bánh vụn", tuy nhiên, lại là "những mẫu bánh vụn" rất ngon, khi thu tích lại cũng trở thành những thúng đầy, không thua kém gì nguyên tấm bánh lớn, như tấm bánh bao gồm các bài huấn từ của ngài cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Rio 7/2013 (như đã phổ biến Tông Du Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXVIII - 2013 ở Ba Tây), hay như tấm bánh 36 trang phỏng vấn với ngài (như đã phổ biến Trả Lời cuộc Phỏng Vấn dài 30 trang). Vấn đề ở đây là 1- không biết nếu quả thực các vị giáo hoàng tiền nhiệm của ĐTC Phanxicô (như ĐTC Gioan Phaolô II hay ĐTC Biển Đức XVI) có chia sẻ lời Chúa trong các thánh lễ ban sáng bao giờ cũng có một số nhỏ tham dự viên hay chăng? 2- nếu không thì không đáng nói, nhưng nếu có thì tại sao không được phổ biến như ĐTC Phanxicô? Cũng có thể vì ĐTC Phanxicô dâng lễ ở một nguyện đường rộng lớn hơn và có tính cách công cộng hơn chăng? Nhưng dầu sao "những mẩu bánh vụn" thu lượm được từ các bài giảng hằng ngày của ngài quả thực là ngon, chẳng những bổ dưỡng cho não bộ (suy tư và tự vấn) mà còn cả cho con tim (cảm nhận và thâm tín) lẫn toàn thân (áp dụng thực hành) của những ai luôn lắng nghe và khao khát lời Chúa như lương thực hằng ngày nữa. Sau đây là "những mẩu bánh vụn" (hay những trích đoạn) đã thu lượm được từ một số bài giảng tiêu biểu của ĐTC Phanxicô: 1. Bài giảng cho Thánh Lễ sáng ngày 3/7/2013 - Phúc Âm lễ kính Thánh Tôma Tông Đồ : Gặp gỡ Chúa nơi các thương tích của Người "Đường lối để chúng ta nhờ đó hội ngộ với Đức Giêsu Thiên Chúa đó là các thương tích của Người. Không còn đường lối nào khác..." "Đường lối để gặp gỡ Người đó là tìm kiếm các thương tích của Người. Chúng ta tìm thấy các thương tích của Chúa Giêsu nơi các việc thực thi tình thương, bằng cách cống hiến cho thân xác - thân xác - cả linh hồn nữa - nhưng tôi nhấn mạnh đến thân xác của những người anh chị em bị thương tích, vì họ đói, vì họ khát, vì họ trần truồng, vị họ bị hạ nhục, vị họ bị làm nô lệ, vì họ bị tù tội, vì họ ở trong bệnh viện. Đó là những thương tích của Chúa Giêsu hôm nay đây. Và Chúa Giêsu xin chúng ta hãy thực hiện một bước nhẩy vọt đức tin tới với Người, nhưng qua các thương tích của Người..." "Chúng ta cần phải chạm đến các thương tích của Chúa Giêsu, chăm sóc các vết thương của Chúa Giêsu, nhẹ nhàng băng bó chúng; chúng ta cần phải hôn lên các vết thương của Chúa Giêsu, được hiểu theo nghĩa đen. Chỉ cần nghĩ đến những gì đã xẩy ra cho Thánh Phanxicô, khi ngài ôm lấy người cùi? Cũng thế đã xẩy ra cho Thánh Tôma, ở chỗ đời sống của ngài đã được biến đổi. Để có thể chạm đến Vị Thiên Chúa hằng sống, chúng ta không cần tham dự một khóa bồi dưỡng mà cần phải tiến vào các thương tích của Chúa Giêsu, và để làm như thế tất cả chúng ta cần phải tiến ra đường phố. Chúng ta hãy nhờ Thánh Tôma xin ơn can đảm tiến vào các thương tích của Chúa Giêsu một cách êm ái dịu dàng, nhờ đó chúng ta chắc chắn sẽ dược ơn tôn thờ Vị Thiên Chúa hằng sống". http://www.vis.va/vissolr/index.php?vi=all&dl=2b2a12c1-9dc2-cacc-5282-51d422aeb154&dl_t=text/xml&dl_a=y&ul=1&ev=1 2. Bài giảng cho Thánh Lễ sáng ngày 16/9/2013 - Phúc Âm về viên đại đội trưởng xin Chúa chữa người đầy tớ : Người Công giáo làm chính trị "... Một nhà lãnh đạo không biết yêu thương không thể cai trị - cho dù họ có thể kỷ cương, họ có thể ban một ít mệnh lệnh, nhưng họ không thể cai trị... " "Anh chị em không thể cai trị nếu không yêu thương dân chúng và không khiêm nhượng! Hết mọi con người nam nữ đảm nhận việc phục vụ chính quyền cần phải hỏi mình rằng: 'Tôi có yêu thương dân chúng để phục vụ họ tốt hơn hay chăng? Tôi có khiêm nhượng và tôi có lắng nghe mọi người hay chăng, có thu góp các ý kiến để chọn lấy một đường lối tốt nhất hay chăng'. Nếu anh chị em không tự vấn các câu hỏi ấy, việc cai trị của anh chị em sẽ không tốt đẹp. Con người nam nữ đóng vai trò cai trị - thành phần yêu thương dân chúng của mình là những con người nam nữ khiêm hạ". "Không ai trong chúng ta có thể nói rằng: 'tôi chẳng liên hệ gì với điều đó hết, họ là người cai trị'... Không đâu, không đâu, tôi là người có trách nhiệm đối với việc cai trị của họ, và tôi phải làm hết sức để họ cai trị tốt đẹp, và tôi cần phải làm hết sức mình bằng việc tham gia chính trị theo khả năng của tôi. Chính trị, theo Giáo Huấn về Xã Hội của Giáo Hội, là một trong những hình thức cao nhất của đức ái, vì nó phục vụ công ích. Này, tôi không thể rửa tay đâu nhé? Tất cả chúng ta cần phải cống hiến một cái gì đó!". "'Một người Công giáo tốt lành không can dự vào chính trị'. Điều này không đúng. Đó không phải là đường lối tốt đẹp. Một người Công giáo tốt lành thì tham gia vào chính trị, cống hiến những gì tốt nhất của mình, nhờ đó những ai đang cai trị có thể cai trị. Thế nhưng, đâu là cái tốt nhất chúng ta có thể cống hiến cho những ai đang cai trị? Cầu nguyện! Đó là những gì Thánh Phaolô nói: 'Hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người, và cho vua chúa cũng như cho tất cả những ai đang nắm quyền hành'. "Thế nhưng, thưa cha, họ là một con người xấu, họ phải xuống hỏa ngục...' Hãy cầu nguyện cho ông ấy, cầu nguyện cho bà ấy, để họ có thể cai trị tốt đẹp, để họ có thể yêu thương dân chúng của họ, để họ có thể phục vụ dân chúng của họ, để họ có thể khiêm nhượng. Một Kitô hữu không cầu nguyện cho những ai cai trị không phải là một Kitô hữu tốt lành! 'Thế nhưng làm sao tôi có thể cầu nguyện cho con người đó được chứ, một con người có nhiều vấn đề...' thì 'Hãy cầu nguyện cho con người đó được ăn năn hoán cải'".
http://www.zenit.org/en/articles/pope-catholics-cannot-be-indifferent-to-politics 3. Bài giảng cho Thánh Lễ sáng ngày 26/9/2013 - Phúc Âm về thắc mắc của Hêrôđê : Chúa Giêsu không thể nhận diện ở hạng sang - first class "Đó là một thắc mắc có thể xuất phát từ tò mò hay vì vấn đề an toàn. Người ta có thể ngẫm nghĩ rằng 'Người này là ai mà gây ra quá nhiều vấn đề như thế? Vì thực sự là Chúa Giêsu gây ra các thứ vấn đề. "Anh chị em không thể nhận biết Chúa Giêsu mà lại không gặp rắc rối trục trặc. Tôi dám nói rằng: Nếu anh chị em muốn có vấn đề thì hãy tiến đến con đường nhận biết Chúa Giêsu. Không phải là một vấn đề mà là nhiều vấn đề anh chị sẽ gặp phải. Thế nhưng đó là đường lối để nhận biết Chúa Giêsu! Anh chị em không thể nhận biết Chúa Giêsu ở hạng sang trọng! Chúa Giêsu được nhận biết qua những nẻo đường thường nhật được cảm nghiệm từng ngày. Các bạn không thể nhận biết Chúa Giêsu trong yên tĩnh, ngay cả trong thư viện". "Cần nhận biết Người bằng cuộc đối thoại với người, nói với Người, trong nguyện cầu, trên hai đầu gối. Nếu anh chị em không cầu nguyện, nếu anh chị em không nói với Chúa Giêsu, anh chị em không nhận biết Người. Anh chị em biết những điều về Chúa Giêsu, thế nhưng nó không phải là thứ kiến thức mà lòng của anh chị em bày tỏ khi nguyện cầu. Nhận biết Chúa Giêsu bằng trí khôn ở nơi việc học hỏi Giáo Lý; nhận biết Chúa Giêsu bằng cõi lòng ở nơi việc cầu nguyện, nơi việc đối thoại với Người. Điều này giúp chúng ta rất nhiều thế nhưng vẫn chưa đủ. Còn một cách thứ ba để nhận biết Chúa Giêsu nữa đó là theo Người; đi với Người, tiến bước cùng Người. "Khi nghe thấy có rất nhiều người, bao gồm cả chúng ta, đặt vấn đề: 'Ai đấy?', thì Lời Chúa phán rằng: 'Các ngươi muốn biết Người là ai phải không? Hãy đọc những gì Giáo Hội dạy các ngươi về Người, hãy nói chuyện với Người trong nguyện cầu, và hãy bước đi cùng Người. Như thế các ngươi mới nhận biết con người này là ai". http://www.zenit.org/en/articles/pope-francis-jesus-cannot-be-known-in-first-class
|