Đức Thánh Cha đề cao Thông điệp ”Hòa bình dưới thế”
VATICAN. ĐTC Phanxicô đề cao tính chất thời sự của thông điệp ”Hòa bình dưới thế” và nhắc nhở về nghĩa vụ của mỗi người phải góp phần kiến tạo hòa bình.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 3-10-2013, dành cho 300 tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành thông điệp ”Pacem in terris” (Hòa bình dưới thế), của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23.
ĐTC nhắc lại thời điểm tột đỉnh trong chiến tranh lạnh hồi cuối năm 1962: nhân loại bị đe dọa vì hiểm họa xung đột hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Đức Gioan 23 đã tha thiết lên tiếng kêu gọi hòa bình và thức tỉnh lương tâm của mọi người trên thế giới và sau đó, ngày 11-4 năm 1963, ngài đã công bố thông điệp Hòa bình dưới thế. ”Những hạt giống hòa bình do Chân phước Gioan 23 gieo vãi đã mang lại hoa trái. Tuy nhiên, thế giới vẫn đang cần hòa bình và lời nhắc nhở của Thông điệp Hòa bình dưới thế vẫn rất thời sự, mặc dù các bức tường và hàng rào đã sụp độ”.
Trong diễn văn, ĐTC Phanxicô đã nhắc lại những nguyên tắc và ý tưởng nòng cốt của Thông Điệp, theo đó ”không thể có hòa bình và hòa hợp đích thực nếu chúng ta không làm việc cho một xã hội công bằng và liên đới hơn, nếu chúng ta không vượt thắng ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, những lợi lộc phe phái ở mọi cấp độ”.
Thông điệp ”Hòa bình dưới thế” đề cao một hệ luận nền tảng của nguồn gốc con người do Thiên Chúa tạo dựng, đó là giá của nhân vị, phẩm giá của mỗi người, cần phải luôn luôn thăng tiến, tôn trọng và bảo vệ. Và không phải chỉ bảo đảm các dân quyền và chính quyền chủ yếu, nhưng còn phải cung cấp cho mỗi người cơ hội được những phương tiện cốt yếu để sinh đống, lương thực, nước, nhà ở, săn sóc sức khỏe, giáo dục và khả năng thành lập và nuôi dưỡng gia đình”.
Và ĐTC Phanxicô kết luận rằng những nguyên tắc căn bản của Thông điệp Hòa bình dưới thế có thể hướng dẫn hữu hiệu việc nghiên cứu và thảo luận về “những điều mới” mà Hội nghị của quí vị bàn tới: đó là nhu cầu cấp thiết về giáo dục, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội trên các lương tâm, việc đạt được và sử dụng các tài nguyên của trái đất, việc sử dụng tốt hoặc xấu kết quả của những nghiên cứu sinh học, việc chạy đua võ trang và những biện pháp an ninh quốc gia và cuộc tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới là một triệu chứng trầm trọng cho thấy có sự thiếu tôn trọng con người và sự thật, mà các chính phủ và các công dân mắc phải khi đề ra các quyết định”.
ĐTC cũng nhắc đến thảm trạng hơn 300 thuyền nhân bị thiệt mạng vì đắm tàu gần đảo Lampedusa cực nam Italia, trên đường vượt biên từ Bắc Phi vào Âu Châu. Ngài gọi đó là ”một điều ô nhục, đồng thời mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng, cho thân nhân họ và mọi người tị nạn. ĐTC nói: ”Chúng ta hãy hiệp lực để những thảm cảnh như vậy không tái diễn nữa”.
Con tàu chở 500 thuyền nhân bị cháy và đắm gần đảo Lampedusa, nơi ĐTC đã đến viếng thăm người tị nạn ngày 8-7-2013 (SD 3-10-2013)
G. Trần Đức Anh OP
|