DTC Phanxico: Tôi thích Chầu Chúa ban tối
18- Nơi những tiền tuyến và trong các phòng thí nghiệm Trong một cuộc viếng thăm của các vị linh mục và nhân viên của tờ La Civiltà Cattolica, Đức Giáo Hoàng đã nói về tầm quan trọng của bộ ba vấn đề "đối thoại, nhận thức, tiền tuyến". Và ngài đã đặc biệt nhấn mạnh đến điểm cuối cùng là tiền tuyến (frontier), khi trích lại lời Đức Phaolô VI và những gì vị giáo hoàng này đã nói trong bài diễn từ nổi tiếng về tu sĩ Dòng Tên: "Bất cứ ở đâu trong Giáo Hội - ngay cả trong các lãnh vực khó khăn nhất và cao điểm nhất, trong những giao thời về các thứ ý hệ, trong những hố mương của xã hội - đã từng xẩy ra và giờ đây là một cuộc đối thoại giữa những ước muốn sâu xa nhất của con người với sứ điệp bất hủ của Phúc Âm, thì tu sĩ Dòng Tên vẫn đã ở đó và đang có ở đó". Tôi hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô những ưu tiên của các tạp chí do Dòng Tên xuất bản là gì? "Ba chữ chính tôi đã gửi gấm cho tờ La Civiltà có thể bao gồm tất cả các tờ tạp chí của Hội Dòng này, có lẽ ở cấp độ nhiều ít khác nhau tùy theo bản chất của chúng và mục tiêu của chúng. Khi tôi nhấn mạnh đến vấn đề tiền tuyến là tôi cố ý đặc biệt nói đến nhu cầu của những ai làm việc trong cái thế giới văn hóa làm sao cần phải len lỏi vào cái bối cảnh mà họ hoạt động và phản ảnh. Bao giờ cũng có cái nguy hiểm chực chờ liên quan đến việc sống trong một phòng thí nghiệm. Đức tin của chúng ta không phải là một thứ 'đức tin phòng thí nghiệm', mà là một 'đức tin hành trình', một thứ đức tin lịch sử. Thiên Chúa đã tỏ mình ra như lịch sử chứ không phải như là một tổng lược những chân lý trừu tượng. Tôi sợ những phòng thí nghiệm, vì trong phòng thí nghiệm bạn gặp trục trặc thì bạn đem chúng về nhà để chế ngự chúng, để sơn phết chúng, ở ngoài bối cảnh của chúng. Bạn không thể mang về nhà cái tuyến đầu, thế nhưng bạn cần phải sống ở tuyến đầu và can trường. Tôi xin ngài đan cử các trường hợp xẩy ra theo kinh nghiệm riêng của ngài. "Khi xẩy ra một vấn đề về xã hội, điều cần làm đó là thực hiện một cuộc họp để nghiên cứu vấn đề nghiện hút ở một khu lân cận ổ chuột thì khác với việc đi đến đó, sống ở đó và tìm hiểu vấn đề từ bên trong rồi mang ra nghiên cứu nó. Có một bức thư quí báu của Cha Arrupe gửi cho Các Trung Tâm Đặc Trách Nghiên Cứu về Xã Hội và Hoạt Động đối với vấn đề nghèo khổ, trong đó ngài nói một cách rõ ràng rằng người ta không thể nói về nghèo khổ nếu người ta không cảm nghiệm được nghèo khổ, bằng việc trực tiếp liên hệ với những nơi chốn đang nghèo khổ. Chữ insertion - vào đời là một từ ngữ nguy hiểm, bởi có một số tu sĩ đã coi nó như là một cái mốt, và những thứ thảm họa đã xẩy ra vì thiếu nhận thức. Thế nhưng nó lại thực sự quan trọng. "Tiền tuyến thì nhiều lắm. Chúng ta hãy nghĩ đến các nữ tu sống ở các bệnh viện. Họ đang sống ở tuyến đầu. Tôi đang còn sống đây là nhờ một chị trong họ. Khi tôi trải qua một cơn bệnh phổi ở bệnh viện, vị bác sĩ cho tôi thuốc trụ sinh penicillin và streptomycin ở một lượng thuốc nào đó. Người nữ tu đang phục vụ bấy giờ đã tăng lên gấp ba lần liều thuốc của tôi, vì chị đã tinh khôn một cách liều lĩnh; chị biết những gì phải làm bởi chị ở với bệnh nhân mọi ngày. Vị bác sĩ thật sự là một bác sĩ tốt nhưng đã ở trong phòng thí nghiệm; còn nữ tu này đã sống ở tiền tuyến và liên hệ với tiền tuyến hằng ngày. Việc khai hóa tiền tuyến có nghĩa là nói về nó từ một nơi xa, khóa mình vào trong một phòng thí nghiệm. Các phòng thí nghiệm đều hữu dụng, thế nhưng đối với chúng ta vấn đề phản ảnh bao giờ cũng cần phải bắt đầu từ kinh nghiệm". 19- Việc tự thức nhân bản Tôi hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô về những thay đổi khổng lồ xẩy ra trong xã hội và cách thức con người đang tái suy diễn chúng. Đến đây thì ngài đứng lên đi lấy cuốn sách nguyện ở trên bàn của ngài. Cuốn sách nguyện này bằng tiếng Latinh, đã được sử dụng đến cũ mòn. Ngài mở phần Bài Đọc cho Thứ Sáu Tuần 27 Thường Niên và đọc cho tôi nghe một đoạn từ bài Commonitorium Primum của Thánh Vincentê thành Lenins: "Thậm chí ngay cả tín lý của Kitô giáo cũng phải tuân theo những luật lệ này, đó là củng cố sau nhiều năm tháng, phát triển qua giòng thời gian, và sâu xa theo tuổi tác". Đức Giáo Hoàng dẫn giải như sau: "Thánh Vinhcentê thành Lenins so sánh giữa việc phát triển về thể lý của con người với việc truyền đạt từ thế hệ này cho thế hệ kia kho tàng đức tin là những gì gia tăng và được kiên cường theo thời gian. Ở đây, vấn đề tự thức nhân bản thay đổi theo thời gian và vì thế ý thức nhân bản cũng đi vào chiều sâu. Chúng ta hãy cứ nghĩ về thời điểm vấn đề nô lệ còn được chấp nhận hay vấn đề tử hình còn được cho phép mà không bị trục trặc gì. Bởi thế chúng ta tăng trưởng trong kiến thức về chân lý. Các nhà dẫn giải thánh kinh và thần học gia giúp cho Giáo Hội trưởng thành nơi phán đoán của mình. Ngay cả các khoa học khác cùng với việc phát triển của chúng cũng giúp cho Giáo Hội phát triển trong việc hiểu biết này. Có những qui luật và định chế của Giáo Hội từng có công hiệu một thời, thế nhưng giờ đây chúng không còn giá trị hay ý nghĩa nữa. Quan điểm về giáo huấn của Giáo Hội như là một thứ đá nguyên khối được sử dụng để bênh vực một cách phi sắc thái hay không thể hiểu cách khác được là sai lầm. "Tóm lại, ở mọi thế hệ của lịch sử, con người đều nỗ lực hiểu biết và thể hiện bản thân mình một cách tốt đẹp hơn. Bởi vậy theo thời gian nhân loại thay đổi cách thức họ nhận định về mình. Chỉ có điều là có người muốn thể hiện mình theo chiều hướng 'Winged Victory of Samothrace', còn người khác theo Caravaggio, Chagall và còn với cả Dalí nữa. Cho dù những hình thức diễn tả chân lý này thì muôn vàn, và điều ấy thật sự là cần thiết cho việc truyền đạt Phúc Âm theo ý nghĩa vượt thời gian của mình. "Con người đang tìm kiếm bản thân mình, và dĩ nhiên là ở việc tìm kiếm này họ có thể vấp phạm lỗi lầm. Giáo Hội đã trải qua những thời điểm rạng ngời, như thời của Thánh Thomas Aquinas. Thế nhưng Giáo Hội cũng đã sống trong các thời điển suy thoái nơi khả năng suy tư của mình. Chẳng hạn, chúng ta không được lẫn lộn cái thiên tài của Thánh Thomas Aquinas với thời đại của những thứ chú giải suy đồi về Thuyết Thánh Thomas. Tiếc thay, tôi đã học triết lý với các thứ sách giáo khoa xuất phát từ tình trạng suy đồi và phá sản sâu xa về Thuyết Thomas. Bởi thế, trong việc suy tư về con người, Giáo Hội cần phải cố gắng vươn tới những gì là tinh túy chứ không phải những gì là suy bại. "Khi nào thì một công thức về tư tưởng không còn hiệu lực nữa? Khi mà nó mất đi ý thức về con người, hay thậm chí khi nó sợ con người hoặc ảo tưởng về mình. Ý nghĩ lạc loài này có thể được diễn tả như Ulysses vớ được bài ca the Siren, hay như Tannhäuser trong một cuộc truy hoan được bủa vây bởi những kẻ cuồng dâm và say sưa chè chén, hoặc như Parsifal, trong màn hai của nhạc kịch Wagner, nơi dinh của Klingsor. Việc suy nghĩ của Giáo Hội cần phải lấy lại những gì là tinh túy và hiểu biết hơn cách thức nhân loại nghĩ về mình hôm nay đây, để phát triển và đào sâu giáo huấn của Giáo Hội". 20- Việc cầu nguyện Tôi hỏi Đức Giáo Hoàng về cách thức cầu nguyện ngài yêu thích. "Tôi cầu kinh phụng vụ mỗi buổi sáng. Tôi thích cầu nguyện với các bài thánh vịnh. Thế rồi sau đó tôi cử hành Thánh Thể. Tôi cầu Kinh Mân Côi. Điều tôi thích là chầu Chúa mỗi buổi tối, cho dù vào lúc tôi bị chia trí và nghĩ đến những điều khác, thậm chí buồn ngủ khi nguyện cầu. Bởi thế, vào buổi tối, từ 7 đến 8 giờ, tôi ở trước Thánh Thể chầu Chúa một giờ. Thế nhưng tôi cầu nguyện thiêng liêng ngay cả khi tôi đang chờ nha sĩ hoặc vào các lúc khác trong ngày. "Đối với tôi cầu nguyện bao giờ cũng là một thứ cầu nguyện đầy tưởng nhớ, suy tư, thậm chí tưởng nhớ về đời tư của mình hay về những gì Chúa đã thực hiện trong Giáo Hội hoặc ở một giáo xứ đặc biệt nào đó. Đối với tôi, vấn đề tưởng nhớ là là những gì Thánh I Nhã đã nói đến ở Tuần Thứ Nhất về Linh Thao trong cuộc gặp gỡ Chúa Kitô tử giá xót thương. Và tôi tự hỏi mình rằng: 'Tôi đã làm gì cho Chúa Kitô? Tôi đang làm gì cho Chúa Kitô? Tôi cần phải làm gì cho Chúa Kitô? Tưởng Nhớ chính là những gì được Thánh I Nhã nói đến trong cuốn 'Chiêm Ngưỡng để Cảm Nghiệm Tình Yêu Thần Linh', khi ngài yêu cầu chúng ta hãy nhớ lại các tặng ân chúng ta đã lãnh nhận. Thế nhưng, trên hết, tôi cũng biết rằng Chúa đến tôi nữa. Tôi có thể quên Ngài, nhưng tôi biết rằng Ngài không bao giờ, không khi nào quên tôi. Ký ức đóng một vai trò trọng yếu đối với tâm can của một tu sĩ Dòng Tên: tưởng nhớ về ân sủng, việc tưởng nhớ được đề cập đến trong Sách Đệ Nhị Luật, việc tưởng nhớ về những việc làm của Thiên Chúa là nền tảng cho giao ước giữa Thiên Chúa và dân chúng. Chính việc tưởng nhớ này làm cho tôi trở thành Con của Ngài và làm cho tôi trở thành một người cha nữa". Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tạp chí America của Dòng Tên
|