ĐTC PHANXICO: TU SĨ, TOÀ THÁNH, NỮ GIỚI
10- Một Vị Giáo Hoàng của Một Dòng Tu
Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng thuộc một dòng tu đầu tiên từ Đức Gregory XVI (là một đan sĩ Camaldolese) được tuyển bầu năm 1831. Tôi lên tiếng hỏi: "Đâu là vị trí đặc biệt của tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội ngày nay?".
Đức Giáo Hoàng nói: "Tu sĩ nam nữ là thành phân ngôn sứ. Họ là những người được tuyển chọn theo Chúa Giêsu để bắt chước đời sống của Người trong việc tuân phục Chúa Cha, trong khó nghèo, trong đời sống cộng đồng và trong sự thanh tịnh. Theo ý nghĩa đó thì các lời khấn không thể trở thành những bức biếm họa; bằng không, chẳng hạn, đời sống cộng đồng trở thành hỏa ngục, và đức thanh tịnh trở nên một lối sống độc thân không mang lại hoa trái gì. Lời khấn thanh tịnh cần phải là một lời khấn của thành quả. Trong Giáo Hội, người tu sĩ được kêu gọi trở thành ngôn sứ đặc biệt bằng việc chứng thực về cách thức Chúa Giêsu đã sống trên trái đất này, và loan truyền cho thấy vương quốc của Thiên Chúa sẽ được trị đến ở tầm mức trọn hảo của mình. Một người tu sĩ không bao giờ được bỏ qua tính chất ngôn sứ. Điều ấy không có nghĩa là chống lại yếu tố phẩm trật của Giáo Hội, mặc dù phần hành ngôn sứ và cơ cấu phẩm trật không trùng hợp với nhau. Tôi đang nói về một đề xuất bao giờ cũng có tính cách tích cực, thế nhưng nó không được gây ra những gì là e dè sợ hãi. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì đã được thực hiện bởi thật là nhiều các vị đại thánh, các đan sĩ và tu sĩ nam nữ, từ Thánh Antôn Đan Viện Phụ trở đi. Là thành phần ngôn sứ đôi khi bao hàm việc gây sóng gió. Tôi không biết phải nói thế nào... Việc ngôn sứ gây ra tiếng vang động, náo động, có người nói là 'một thứ ào ạt'. Thế nhưng trong thực tế, đặc sủng của thành phần tu sĩ nam nữ giống như men: việc ngôn sứ là những gì loan báo tinh thần của Phúc Âm". 11- Tòa Thánh Rôma Tôi hỏi Đức Giáo Hoàng rằng ngài nghĩ gì về các phân bộ của Tòa Thánh Rôma, những ngành khác nhau trợ giúp công việc của Đức Giáo Hoàng. Ngài nói: "Các phân bộ của Tòa Thánh Rôma là để phục vụ giáo hoàng và các vị giám mục. Chúng cần phải phụ giúp cả các Giáo Hội riêng nữa cũng như các hội đồng giám mục. Chúng là dụng cụ phụ giúp. Tuy nhiên, có những trường hợp chúng không hành sự ngon lành, chúng có nguy cơ trở thành những cơ quan kiểm duyệt. Thật là lạ lùng khi thấy những thứ tố giác vì thiếu truyền thống được tường trình về Rôma. Tôi nghĩ những trường hợp này cần phải được điều tra bởi các hội đồng giám mục địa phương, những cơ cấu có thể được trợ giúp đáng kể của Rôma. Thật vậy, những trường hợp này tốt hơn cần phải được giải quyết ở địa phương. Những thánh bộ ở Rôma là thành phần dàn xếp; chứ không phải là thành phần môi giới hay quản đốc". Vào ngày 29/6, trong nghi thức làm phép và trao khoác áo choàng cho 34 vị tổng giám mục cai quản các tổng giáo phận, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về "đường lối của đoàn tính" như là con đường dẫn Giáo Hội đến chỗ "tăng trưởng trong hài hòa với việc phục vụ của vai trò thủ lãnh". Bởi thế nên tôi đặt vấn đề: "Làm thế nào để chúng ta hòa hợp vai trò chính của Thánh Phêrô và đoàn tính? Đâu là con đường khả thi theo quan điểm của Giáo Hội toàn cầu?" Đức Giáo Hoàng đáp: "Chúng ta cần phải cùng nhau bước đi: dân chúng, các vị giám mục và giáo hoàng. Hội đồng tính cần phải sống ở các cấp trật khác nhau. Có thể đã đến lúc cần phải thay đổi phương pháp cho các Thượng Nghị Giám Mục, vì theo tôi, phương pháp hiện hành không có tính chất năng động. Điều này cũng sẽ có một giá trị toàn cầu nữa, nhất là với anh em Chính Thống của chúng ta. Từ những người anh em này chúng ta biết hơn về ý nghĩa đoàn tính giáo phẩm và truyền thống của hội đồng tính. Việc nỗ lực chung chia sẻ, khi nhìn vào cách thức Giáo Hội được quản trị ở những thế kỷ đầu, trước cuộc rạn nứt giữa Đông và Tây, sẽ mang lại hoa trái vào thời điểm của nó. Trong các mối liên hệ toàn cầu chẳng những cần phải biết nhau hơn, mà còn cần phải nhận biết những gì Thần Linh gieo nơi ai khác như là một tặng ân cho chúng ta nữa. Tôi muốn tiếp tục cuộc bàn thảo được bắt đầu từ năm 2007 này bởi ủy ban chung Công Giáo và Chính Thống về cách thức hành xử vai trò thủ lãnh của Thánh Phêrô , một cuộc bàn thảo đã dẫn đến việc ký nhận Văn Kiện Ravenna. Chúng ta cần phải tiếp tục con đường này". Tôi hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô hình dung ra sao về mối hiệp nhất tương lai của Giáo Hội theo chiều hướng ấy. Ngài trả lời rằng: "Chúng ta cần phải tiến bước với những khác biệt của chúng ta: không còn cách nào khác để trở nên một. Đó là đường lối của Chúa Giêsu". 12- Nữ Giới trong Đời Sống của Giáo Hội Còn về vai trò của nữ giới trong Giáo Hội thì sao? Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến vấn đề này vào một số dịp. Ngài đã nhắc lại vấn đề này trong chuyến trở về từ Rio de Janeiro , than rằng Giáo Hội vẫn thiếu một khoa thần học sâu xa về nữ giới. Tôi hỏi ngài: "Đâu là vai trò của nữ giới cần phải có trong Giáo Hội? Chúng ta làm sao để cho vai trò này của họ trở nên tỏ hiện hơn hôm nay đây?" Ngài trả lời: "Tôi đang thận trọng về một giải quyết có thể biến thành một thứ 'female machismo - nữ giới nam tính', vì nữ giới được tạo nên khác với nam nhân. Thế nhưng những gì tôi nghe về vai trò của nữ giới thường được ảnh hưởng bởi ý hệ machismo - nam tính. Nữ giới đang đặt ra những vấn đề sâu xa cần phải được giải quyết. Giáo Hội không thể là mình mà thiếu nữ giới và vai trò của nữ giới. Nữ giới là thành phần thiết yếu cho Giáo Hội. Mẹ Maria, một nữ nhân, quan trọng hơn cả các vị giám mục. Tôi nói điều này để chúng ta khỏi bị lầm lẫn giữa phần vụ và phẩm vị. Bởi vậy chúng ta cần phải tìm hiểu hơn nữa về vai trò của nữ giới trong Giáo Hội. Chúng ta cần phải gắng sức hoạt động hơn nữa để khai triển một khoa thần học sâu xa về nữ giới. Chỉ khi nào thực hiện bước đầu này mới có thể phản ảnh rõ hơn về phần hành của họ trong Giáo Hội. Cái tinh hoa phú bẩm của nữ giới là những gì cần thiết bất khi nào chúng ta thực hiện những quyết định quan trọng. Cuộc thách đố ngày nay đó là hãy nghĩ tới vị trí đặc biệt của nữ giới cả ở những nơi quyền bính Giáo Hội thực thi đối với các lãnh vực khác của Giáo Hội". (còn tiếp) Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tạp chí America của Dòng Tên
|