Đức Thánh Cha Phanxicô gặp người nghèo, tù nhân, giới văn hóa và giới trẻ tại Cagliari, Sardegna
CAGLIARI. Trong chuyến viếng thăm mục vụ chúa nhật 22-9-2013, ĐTC Phanxicô đã dành buổi chiều cùng ngày để gặp gỡ người nghèo, các tù nhân được Caritas giúp đỡ, giới văn hóa và giới trẻ tại thành phố Cagliari, thủ phủ đảo Sardegna của Italia.
ĐTC Phanxicô đã dành 12 tiếng đồng hồ để viếng thăm Tổng giáo phận Cagliari có 570 ngàn tín hữu Công Giáo. Cao điểm cuộc viếng thăm là thánh lễ ngài cử hành trước 100 ngàn tín hữu tại Quảng trường trước Đền Thánh Đức Mẹ Bonaria. Tên của Đền thánh này có liên hệ đặc biệt với tên của thành phố Buenos Aires ở Argentina nơi ĐTC làm GM. Thực vậy các thủy thủ của đoàn tàu từ Sardegna có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Bonaria nên họ đã lấy tên của Đền Thánh Đức Mẹ nơi quê hương để đặt cho nơi họ đến cư ngụ ở Argentina.
Gặp gỡ người nghèo, tù nhân và Caritas Sau thánh lễ, ĐTC đã dùng bữa với các GM đảo Sardegna tại Đại chủng viện miền, rồi lúc quá 3 giờ chiều ngài đến Nhà thờ chính tòa Cagliari để gặp gỡ người nghèo và các tù nhân do tổ chức Caritas trợ giúp. Có 130 người nghèo cùng với một số tù nhân và các nhân viên Caritas hiện diện tại Nhà Thờ, trong bầu không khí hân hoan và cảm động. Trong bài huấn dụ tại cuộc gặp gỡ, ĐTC nói:
”Khi nhìn Chúa Giêsu chúng ta thấy Chúa đã chọn con đường khiêm hạ và phục vụ. Đúng ra, chính bản thân Chúa là con đường ấy... Con đường của Chúa là con đường bác ái. Vì thế chúng ta thấy bác ái không phải chỉ là ban cấp sự giúp đỡ, nhưng là sự chọn lựa một lối sống; là con đường khiêm hạ và liên đới. Sự khiêm hạ của Chúa Kitô không phải là để dạy đời, không phải là một tình cảm, nhưng đó là điều chân thực: Chúa muốn trở nên bé nhỏ, ở với những người hèn mọn, với những người bị loại trừ, ở với chúng ta là những người tội lỗi. Nhưng chúng ta cần để ý, đây không phải là một ý thức hệ! Nhưng là một lối hiện hữu và sống, đi từ tình yêu, từ con tim của Thiên Chúa Cha.
”Nhưng nhìn ngắm Chúa mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải theo Chúa nữa. Và đó là khía cạnh thứ hai. Chúa Giêsu không đến để trình diễn cho người ta thấy. Chúa Giêsu là đường và con đường là để bước theo.”
ĐTC cám tạ Chúa vì sự dấn thân của tất cả những anh chị em tận tụy quảng đại tại Cagliari và Sardegna này trong việc thực thi những công việc từ bi bác ái và ngài khích lệ họ tiếp tục con đường ấy đồng thời nhắc nhở rằng: ”Chúng ta phải thực thi các công việc từ bi bác ái với lòng từ bi, dịu dàng, và luôn luôn với lòng khiêm tốn! Anh chị em biết không: Đôi khi người ta cũng thấy sự kiêu hãnh trong việc phục vụ người nghèo! Một số người làm đẹp, sống bằng người nghèo; một số người lợi dụng người nghèo để phục vụ cho tư lợi hoặc cho phe nhóm của họ. Tôi biết đó là chuyện phàm nhân, nhưng điều ấy không tốt! Và tôi muốn nói hơn nữa, đó là tội lỗi! Tốt hơn những người ấy nên ở nhà.”
”Khi theo Chúa Kitô trên con đường bác ái, chúng ta gieo vãi hy vọng. Đó là xác tín thứ ba mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em. Xã hội Italia ngày nay đang rất cần hy vọng, đặc biệt tại đảo Sardegna này. Ai có trách nhiệm chính trị và dân sự thì có nghĩa vụ của mình, nghĩa vụ cần được hỗ trợ tích cực, như những công dân... ”Nhưng trong tư cách là Giáo Hội, tất cả chúng ta đều có một trách nhiệm lớn, đó là gieo vãi hy vọng bằng những công việc liên đới, luôn tìm cách cộng tác một cách tốt đẹp hơn với các tổ chức công cộng, trong sự tôn trọng các thẩm quyền liên hệ. Đức bác ái diễn tả cộng đoàn, và sức mạnh của cộng đoàn Kitô là làm tăng trưởng xã hội từ bên trong như men. Tôi nghĩ đến những sáng kiến của anh chị với các tù nhân trong các nhà tù, tôi nghĩ đến sự thiện nguyện của bao nhiêu hội đoàn, đến tình liên đới với các gia đình đang chịu đau khổ nhiều hơn vì thiếu việc làm. Về điểm này, tôi nói với anh chị em: hãy cam đảm, đừng để cho người ta cướp mất niềm hy vọng và hãy tiến bước!
Sau bài huấn dụ, ĐTC đã chào thăm nhiều người. Có những người nhân dịp này trao cho ngài những lá thư riêng hoặc một món quà nhỏ.. Ngài mời mọi người đọc kinh Lạy Cha trước khi ban phép lành kết thúc. Trước khi rời Nhà thờ chính tòa Cagliari, ĐTC cũng chào thăm các nữ tu thuộc các dòng khác nhau, kể cả các nữ tu chiêm niệm. Ngài nói với họ: ”Chị em là sự nâng đỡ tinh thần cho Giáo Hội. Hãy tiếp tục tiến bước với xác tín đó. Chúa kêu gọi chị em để nâng đỡ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện của chị em”.
Gặp giới văn hóa
Hoạt động thứ hai của ĐTC chiều chúa nhật vừa qua là cuộc gặp gỡ với giới văn hóa lúc quá 4 giờ chiều tại thính đường Giáo Hoàng phân khoa thần học ở Cagliari do các cha dòng Tên đảm trách. Ngoài ra còn có đại diện của hai Đại học công lập ở Cagliari và Sassari.
Ngỏ lời trong dịp này, sau lời chào mừng của LM khoa trưởng thần học và hai giáo sư viện trưởng Đại học, ĐTC đã trình bày một số suy tư dựa trên đoạn Tin Mừng về thái độ của hai môn đệ trên đường làng Emmaus sau khi Chúa chịu chết, họ rời khỏi thành Jerusalem và trở về quê. ĐTC đã cô đọng suy tư của ngài trong 3 điểm: thất vọng, cam chịu và hy vọng.
Thứ 1. Hai môn đệ mang trong tâm hồn nỗi đau khổ và lạc hướng vì cái chết của Chúa Giêsu, họ thất vọng vì sự việc xảy ra. Chúng ta thấy tâm tình tương tự trong tình trạng chúng ta ngày nay: thất vọng, vỡ mộng, vì cuộc khủng hoảng không những về kinh tế tài chánh, nhưng cả về môi sinh, giáo dục và luân lý nữa. Đó là một cuộc khủng hoảng liên quan đến hiện tại và tương lai lịch sử, trong cuộc sống con người thuộc nền văn minh tây phương và liên hệ tới toàn thế giới... Ít nhất trong 4 thế kỷ gần đây, người ta chưa hề thấy tình trạng những xác tín chắc chắn cơ bản bị rúng động như hiện nay, những xác tín ấy vốn tạo nên cuộc sống con người. Tôi nghĩ đến sự suy thoái môi trường, những chênh lệch xã hội, tiềm năng kinh khủng của võ khí, hệ thống kinh tế tài chánh, sự phát triển, sức nặng của các phương tiện thông tin, truyền thông, chuyên chở.
2. ”Đâu là những phản ứng đứng trước thực tại ấy? Hai môn đệ làng Emmaus đã có phản ứng cam chịu, tìm cách trốn chạy khỏi thực tại, rời bỏ thành Jerusalem. Chúng ta cũng thấy thái độ như thế trong thời điểm lịch sử này. Đứng trước cuộc khủng hoảng, người ta có thể có thái độ cam chịu, bi quan đối về những gì có thể thực hiện hữu hiệu... Sự thất vọng và vỡ mộng cũng đưa tới sự trốn chạy, tìm những ”hòn đảo” hoặc ngưng lại. Thái độ đó phần nào cũng giống như thái độ rửa tay của Philatô. Thái độ này có vẻ là thực tiễn, nhưng trong thực tế nó cố tình không biết đến tiếng kêu công lý, nhân đạo, trách nhiệm xã hội và dẫn tới chủ nghĩa cá nhân, giả hình, nếu không muốn nói là đi tới thái độ sống chết mặc bay.
3. ĐTC nhận xét rằng: Về điểm này chúng ta tự hỏi: có một con đường phải đi trong tình trạng của chúng ta hay không? Phải chăng chúng ta phải cam chịu, trốn chạy thực tại, rửa tay và co cụm vào mình? Tôi nghĩ không những có một con đường phải đi, nhưng chính trong thời điểm lịch sử này, chúng ta được thúc đẩy tìm thấy những con đường hy vọng, mở ra những chân trời mới cho xã hội chúng ta. Và đây chính là vai trò của Đại học như một nơi soạn ra và thông truyền kiến thức, huấn luyện về sự khôn ngoan theo nghĩa sâu xa nhất của từ này, giáo dục toàn diện con người.
Trong ý hướng trên đây, ĐTC nói đến 3 vai trò của đại học: Đại học như một nơi phân định, đọc thực tại và phân tích suy xét, không chút sợ hãi, không hoảng hốt.. Đại học, như một môi trường của sự khôn ngoan có chức năng rất quan trọng là huấn luyện về sự phân định, để nuôi dưỡng hy vọng.
Tiếp đến đại học như một nơi kiến tạo nền văn hóa gần gũi. Sự cô lập và co cụm vào mình hoặc đóng khung trong những lợi lộc riêng của mình không bao giờ là con đường tái tạo hy vọng và thực huện sự canh tân, trái lại chính sự gần gũi, nền văn hóa gặp gỡ mới làm được điều đó. Đại học là nơi ưu tiên để thăng tiến, giảng dạy và sống nền văn hóa đối thoại..
ĐTC nhận xét rằng khi Chúa Giêsu đến gần các môn đệ làng Emmanus, ngài đồng hành, lắng nghe cái nhìn thực tại, sự thất vọng của họ, đối thoại với họ, và với cách thức đó, Ngài khơi dậy nơi họ niềm hy vọng, những chân trời mới đã hiện diện, mà chỉ có cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh giúp nhận ra. Yếu tố sau cùng: Đại học là nơi huấn luyện về tình liên đới.. Phân định thực tại, nhận thức khủng hoảng, thăng tiến một nền văn hóa gặp gỡ, và đối thoại, hướng về tình liên đới, như yếu tố cốt yếu để canh tân xã hội chúng ta. Và ĐTC kết luận rằng:
”Đức tin ban cho các tín hữu Kitô chúng ta niềm hy vọng vững chắc thúc đẩy phân định thực tại, sống sự gần gũi và tình liên đới vì Thiên Chúa đi vào lịch sử chúng ta, trở thành ngừơi trong Đức Giêsu, ngụp lặn trong sự yếu đuối của chúng ta, trở nên gần gũi tất cả mọi người, chứng tỏ tình liên đới cụ thể, nhất là với những ngừơi nghèo khổ túng thiếu nhất mở ra cho chúng ta một chân trời vô biên và chắc chắn của niềm hy vọng”.
Gặp giới trẻ Giã từ giới văn hóa, ĐTC trở lại Quảng trường Carlo Felice gần bến tàu Cagliari nơi ngài đã gặp giới lao động của đảo Sardegna vào ban sáng chúa nhật. Tại đây 100 ngàn bạn trẻ đã tụ tập tại đây ca hát, suy tư và nghe chứng từ về đề tài: ”Con hãy thả lưới!” dựa trên Tin Mừng theo thánh Luca (5,4-11).
Khi ĐTC đến, họ đã dành cho ngài một cuộc tiếp đón nồng nhiệt. Một số đại diện bạn trẻ đã chào mừng và xin ĐTC trả lời một số thắc mắc xin ngài giải đáp.
Trong phần huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn Tin Mừng về sự tích các môn đệ vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào từ hồ Galilea. Nhưng rồi Chúa Giêsu đến, gọi Phêrô, Anrê, và Giacôbê và Gioan, cũng với các ngư phủ khác, ngài bảo Phêrô thả lưới, nhưng ông nói: ”Thưa thầy chúng con vất vả cả đêm mà chẳng được gì!” Đó là điểm đầu tiên ĐTC muốn nói tới, là kinh nghiệm về sự thất bại, có cái gì đó không ổn, có một sự thất vọng. ĐTC nói: ”Trong tuổi trẻ chứng ta đề ra dự phóng, hướng về đằng trước, nhưng nhiều khi gặp phải thất bại, thất vọng: đó là một sự thử thách.
Cả trong Giáo Hội, chúng ta cũng trải qua kinh nghiệm ấy: các LM, giáo lý viên, những người linh hoạt vất vả rất nhiều, mất bao nhiêu năng lực, dồn toàn lực, nhưng rốt cục không thấy những thành quả tương ứng với cố gắng. Đức tin bị suy giảm, nhiều tín hữu không tích cực tham gia đời sống Giáo Hội, nhiều tín hữu Kitô mệt mỏi và buồn sầu, nhiều người trẻ, sau khi chịu phép thêm sức, thì không còn tham gia đời sống giáo xứ nữa.
ĐTC đặt câu hỏi: đứng trước thực tại ấy chúng ta có thể làm gì? Chắc chắn một điều không được làm là để cho mình bị thái độ bi quan và nản chí đè bẹp. Các bạn trẻ không thể và không được sống mà không có hy vọng, hy vọng là điều thuộc về cuộc sống của các bạn. Một người trẻ không có niềm vui và hy vọng thì thật là đáng lo, và không còn là người trẻ nữa.
Thánh Phêrô, trong giờ phút nguy kịch, thất bại, lẽ ra Người có thể chiều theo sự mệt mỏi và nán chí, nghĩ rằng thật là vô ích và tốt hơn nên rút lui về nhà. Nhưng, với lòng can đảm, thánh nhân ra khỏi mình và quyết định tín thác vào Chúa Giêsu và nói: ”Vâng lời Thầy con sẽ thả lưới!” Phêrô không nói: theo sức lực, theo những tính toán, kinh nghiệm của con như một ngư phủ lành nghề, nhưng Người nói: ”theo lời Thầy”! Và kết quả là một mẻ cá lạ lùng, lưới đầy cá, đến độ suýt bị rách!
Sang điểm thứ 2: tín thác vào Chúa Giêsu. ĐTC nói: ”Chúa luôn ở với chúng ta. Chúa đến bên bờ biển cuộc đời chúng ta, gần gũi với những thất vọng của chúng ta, sự dòn mỏng, tội lỗi của chúng ta, để biến đổi chúng. Các bạn đừng bao giờ ngừng tiếp tục cuộc chơi, như những thể tháo gia giỏi biết đương đầu với những vất vả của việc tập luyện, để đạt kết quả! Những khó khăn không được làm các bạn kinh hãi, nhưng thúc đẩy các bạn đi xa hơn. Hãy nghe những lời Chúa nói với các bạn: ”hãy ra khơi và thả lưới, hỡi các bạn trẻ Sardegna! Các bạn hãy luôn ngoan ngoãn đối với Lời Chúa.. Khi những cố gắng khơi dậy đức tin nơi các bạn đồng lứa dường như vô ích, như những vất vả suốt đêm của các ngư phủ, các bạn hãy nhớ rằng với Chúa Giêsu, tất cả có thể thay đổi. Lời Chúa đã làm đầy lưới, và lời Chúa làm cho công việc truyền giáo của các môn đệ trở nên hữu hiệu. Theo Chúa Giêsu có nhiều đòi hỏi, và có nghĩa là không hài lòng với những mục tiêu bé nhỏ, nhưng can đảm nhắm lên cao!
Điểm thứ ba: ”Hãy thả lưới bắt cá (v.4).” ĐTC nói: Các bạn trẻ Sardegna thân mến, điều thứ ba tôi muốn nói với các bạn là các bạn cũng được mời gọi trở thành những người ngư phủ lưới người. Các bạn đừng do dự dành trọn cuộc đời mình để vui mừng làm chứng về Tin Mừng, nhất là cho các bạn đồng lứa tuổi.
”Tôi muốn kể cho các bạn một kinh nghiệm bản thân. Hôm qua (21-9), tôi đã kỷ niệm 60 năm ngày tôi cảm thấy tiếng Chúa Giêsu trong tâm hồn tôi.. Tôi không bao giờ quên. Chúa đã cho tôi nghe được mạnh mẽ rằng tôi phải đi con đường ấy. Lúc đó tôi 17 tuổi. Tôi đã trải qua vài năm trước đó trước khi quyết định đi tu trở thành cụ thể và chung kết. Sau bao nhiêu năm với một vài thành công, vui mừng, những cũng có bao năm thất bại, mong manh, tội lỗi.. 60 năm trên con đường của Chúa, đi theo Chúa, cạnh Chúa, luôn luôn cùng với Chúa. Tôi chỉ nói với các bạn điều này: tôi không bao giờ hối hận vì đã đi theo Chúa! Không phải vì tôi mạnh như Tarzan, tôi không hối hận vì cả trong những lúc đen tối, những lúc tội lỗi, yếu đuối mong manh, thất bại, tôi đã nhìn Chúa Giêsu và tôi tin thác nơi Ngài và Chúa không bao giờ để tôi một mình. Các bạn hãy tín thác vào Chúa Giêsu, luôn tín thác vào ngài và tiến bước!
Sự đóng góp của các bạn thật là quan trọng cho sứ mạng của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng: Người trẻ làm tông đồ của người trẻ! Hãy nói với mọi người bằng cuộc sống của các bạn và bằng niềm vui rằng Chúa Giêsu và sứ điệp của Ngài luôn thời sự. Và các bạn hãy can đảm đi ngược dòng, đừng để mình bị cuốn theo dòng đời. Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, cảm nghiệm tình thương và lòng từ bi của Chúa là một cuộc phiêu lưu lớn nhất và đẹp nhất có thể xảy ra cho một người.
”Các thánh cũng như vậy, các ngài không phải là hoàn hảo khi sinh ra, không là thánh khi chào đời! Các ngài nên thánh vì đã tín thác vào lời Chúa và ra khơi như Simon Phêrô. Các bạn hãy noi gương các ngài, tín thác nơi sự chuyển cầu của các ngài và luôn luôn là những người hy vọng”.
Cuối cuộc gặp gỡ, ĐTC còn chào thăm một số bạn trẻ, trong đó có những người khuyết tật. Rồi lúc gần 7 giờ ngài đáp máy bay từ phi trường Cagliari để trở về Roma.
Sở cảnh sát ở Cagliari cho biết có tới 400 ngàn người đã tham dự các sinh hoạt và buổi lễ do ĐTC cử hành tại đây chúa nhật vừa qua.
G. Trần Đức Anh OP
|