ĐỨC MẸ LA VANG-MẸ VIỆT NAM Nhân ngày chuẩn bị Ðại Hội La Vang năm 2013 với chủ đề “Về Bên Mẹ Tạ Ơn Chúa” tại Las Vegas, từ Thứ Sáu 18, Thứ Bảy 19, đến Chúa Nhật 20 tháng 10 năm 2013 tại Ðền Thánh Mẹ La Vang LV, NV.
Tôi xin có “đôi dòng lịch sử” viết vài hàng về Ðức Mẹ La Vang.
Mãi cho tới ngày nay, người Công Giáo Việt Nam miền Quảng Trị thuộc giáo phận Huế còn nhắc lại cho nhau biết rằng trong thời gian từ năm 1765 đến năm 1802, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói chung, vùng Quảng Trị Thừa Thiên nói riêng, tất cả đều lâm vào cảnh bão lụt, mất mùa, đói kém, chiến tranh khổ cực... Riêng người Công Giáo còn bị các vua chúa thời đó cấm cách, bắt bớ, tù đày, bách hại, lầm than trăm chiều.
Nhất là vào thời năm 1798, dưới triều Tây Sơn, vua Cảnh Thịnh đã ban hành một chỉ dụ bắt đạo Công Giáo toàn quốc và đàn áp rất khắc nghiệt, khiến cho giáo dân ở gần đồn Dinh Cát (nay là tỉnh Quảng Trị) thuộc mấy họ đạo như Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa v.v... phải bỏ nhà cửa ruộng vườn, chạy lên rừng xanh núi hiểm, chui rúc trốn vào những hang đá quạnh hiu, các bụi cây khóm lá trú ẩn nơi rừng Lá Vằng cách tỉnh lỵ Quảng Trị chừng 5 cây số,và cố đô Huế khoảng năm sáu chục cây số, mà ngày nay ta gọi là La Vang, để tránh những cuộc truy nã cực kỳ ghê sợ.
Ở nơi rừng thiêng nước độc này, những người Công Giáo lánh nạn đã phải trồng khoai cấy lúa để tìm kế nuôi nhau sinh sống. Ban ngày lén lút cày sâu cuốc bẫm, lao động cực nhọc, tối đến họ tụ họp lại, khuyến khích, thúc giục nhau giữ vững lòng tin cậy, lúc nào cũng trung thành nơi Thiên Chúa, và Ðức Mẹ Maria. sốt sắng đọc kinh lần hạt, tha thiết xin Chúa Mẹ phá tan mọi sự dữ và gìn giữ họ được bình an qua cơn bách hại.
Thế rồi một hôm, theo truyền tụng kể lại, trong khi các giáo dân đang quay quần cầu nguyện hàng ngày như thường lệ, bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp đẽ mặc áo choàng bất thần xuất hiện trong một ánh hào quang chói lọi, mặc Việt phục, vai khoác một chiếc áo quàng trắng toát, tay bồng Chúa Giêsu Hài Ðồng, có hai thiên thần cầm đèn cháy sáng đứng chầu. Bà rất xinh đẹp, phong thái uy nghi mà hiền hậu, giản dị, trang nghiêm, lộng lẫy mà nhân từ, đứng bên một cây đa, cổ thụ cành lá tỏa xanh um, bóng rợp ngất trời, giữa đám đông như một bà mẹ đến với đàn con yêu dấu. Người ngỏ lời an ủi và nói rằng hãy lấy lá cây quanh đó, nấu nước uống, mọi bệnh tật sẽ được chữa lành, và dùng mọi thứ hoa quả tại rừng Lá Vằng ăn cho đỡ đói lòng. Lạ thay, một khi nghe theo thì bệnh nhân đều bình phục, và già trẻ không còn thấy thiếu thốn, bơ vơ như trước, và ai cũng hiểu là Người đã truyền phép mầu vào đám dược thảo rải rác thành thuốc ở chung quanh để con dân Chúa dùng trị bệnh chính là Ðức Mẹ La Vang.
Ðức Mẹ còn hứa rằng từ nay về sau bất cứ ai đến cầu xin Mẹ tại nơi này, Mẹ sẽ ban ơn phù trợ trong suốt thời gian trốn lánh vì Ðạo Chúa. Mẹ đã hiện đến với họ nhiều lần như vậy để an ủi, khích lệ và ban muôn vàn ơn lành cho lớp người con cái Mẹ rất đau khổ trong cảnh bị bắt bớ khó khăn này. Ðức Mẹ đã hiện đến với những người Công Giáo sống lánh nạn trong khu rừng La Vằng (tức La Vang) là một biến cố có thật, nói lên lòng yêu thương, săn sóc của Ðức Mẹ đối với những người con Mẹ, đã hết lòng khấn xin Mẹ trong những lúc hiểm nghèo khổ cực liên hệ đến đời sống Ðức Tin của mình
Mãi đến năm 1886, các vụ bách hại chấm dứt. Từ đó, linh địa La Vang đã gắn liền với lịch sử đạo Công Giáo việt Nam chúng ta. Giáo quyền địa phương, giáo phận Huế ngay thời gian đầu đã chính thức nhìn nhận linh địa La Vang. Ðức Cha Gaspar Lộc, giám mục giáo phận đã ban lệnh xây cất ngôi thánh đường ngay tại chính nơi Ðức Mẹ đã hiện ra để dâng kính Mẹ dưới tước hiệu Ðền Thánh Mẹ La Vang.
Ngôi thánh đường này được xây cất theo theo lối kiến trúc Việt Nam, có hai tháp chuông và diện tích có thể dung nạp được chừng 400 người. Công việc xây cất gặp nhiều trở ngại, một đàng vì vấn đề chuyên chở vật liệu tới La vang thời đó rất khó khăn, đàng khác vì sự quyên góp tiền bạc càng chật vật hơn thập bội. Dân chúng miền Quảng Trị, Thừa thiên đã vốn nghèo túng, lại còn cộng thêm với hậu quả tang thương của sự tàn phá do giặc Văn Thân vừa mới chấm dứt. Do đó, việc thực hiện ngôi thánh đường này phải kiên trì kéo dài sau 15 năm, tức từ năm 1886 đến năm 1901 mới hoàn thành.
Lịch sử giáo phận Huế còn ghi lại rằng trong suốt 3 ngày, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 8 năm 1901, giáo dân thuộc giáo phận Huế gồm 3 tỉnh Thiên, Trị, Bình đã hưởng ứng lời kêu gọi của Ðức Cha Gaspar Lộc, nô nức từng đoàn lũ lượt kéo nhau về La Vang dự lễ thánh hiến Ðền Thánh và cuộc cung nghinh thánh tượng Ðức Mẹ La Vang được tổ chức một cách vô cùng long trọng và sốt sắng. Ðây chính là Ðại Hội Ðức Mẹ La Vang lần thứ nhất trong lịch sử Giáo phận Huế. và cũng được ghi nhận rằng trong dịp Ðại Hội này có tới 12 ngàn người từ khắp nơi kéo nhau về tham dự, ngoài ra cũng có một số rất đông người thuộc các tôn giáo khác hiếu kỳ có mặt.
Vào sáng sớm của ngày Ðại Hội chính, tức ngày 8 tháng 8 năm 1901. Ngay từ lúc trời vừa rạng đông từng đoàn giáo dân được ví như nguồn nước chảy theo con đường từ nhà thờ giáo xứ Cổ Vưu tiến về thánh đường La Vang dài hơn 3 cây số, cung nghinh Thánh tượng Ðức Mẹ La Vang để tham dự nghi lễ đại trào do đức Cha Gaspar Lộc cử hành. Cũng trong dịp này Ngài đã làm phép tượng Ðức Mẹ La vang đầu tiên và đặt ngay sau bàn thờ chính, nơi Ðức Mẹ hiện ra đứng bên gốc cây đa đại thụ mà ngày xưa theo lời dân chúng truyền khẩu.
Thế rồi như để tán dương và khuyến khích lòng sùng kính Ðức Mẹ của dân tộc Việt Nam, dưới tước hiệu Mẹ La vang, ngày 22 tháng 8 năm 1960. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã long trọng ban sắc chỉ nâng đền thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Ðường dâng kính Ðức Mẹ La Vang.
Riêng hàng Giáo Phẩm Việt Nam cũng đã họp tại Huế ngày 13 tháng 4 năm 1961, các ngài quyết định chọn Thánh điện La vang làm Ðền Thờ Quốc Gia dâng kính Ðức Mẹ và nhận nơi đây làm trung tâm hành hương Thánh Mẫu toàn quốc. Chính vì quyết định lịch sử này mà Ðại Hội Thánh Mẫu La Vang lần đầu tiên sau bao thế kỷ, năm 1961 đã được Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tích cực cổ võ tổ chức vô cùng long trọng. Ðại Hội Thánh Mẫu La Vang năm 1961 đã khai diễn tại trung tâm hành hương Thánh Mẫu toàn quốc La vang từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 8 năm 1961, có đến khoảng hơn 200 ngàn người từ Bến Hải tới mũi Cà Mâu lũ lượt như dòng thác chảy đổ về tham dự Ðại Hội. Nhiều cảnh vô cùng cảm động đã diễn ra và rất nhiều người được ơn lạ lùng của Mẹ La Vang trong những ngày Ðại Hội này.
Ðến La Vang tham dự Ðại Hội Thánh Mẫu, người ta quên hết cảnh hoa lệ đô thành. Họ bất chấp hoàn cảnh đi về trắc trở khó khăn. Họ không sợ nắng mưa, cát bụi, họ tự chọn màn trời chiếu đất để nghỉ trú, họ bỏ giầy, đi chân không, quỳ dang tay, hôn đất, lần hạt cầu nguyện, sốt sắng nhập hàng đi kiệu cung nghinh Thánh tượng Mẹ. Họ viếng Ðàng Thánh Giá trên những quãng đường dài cả ngàn thước mà họ không nghĩ đến vất vả nhọc mệt trèo đồi xuống dốc... nhất là họ tự động kết thành những đợt sống người đông đảo vô cùng, dồn dập đến các tòa Giải Tội, ngày cũng như đêm để chứng minh lòng thống hối chân thành của họ.
Sau những ngày Ðại Hội Thánh Mẫu lịch sử ấy, hàng năm cho đến nay từng đoàn hành hương con cái Mẹ thập phương vẫn tiếp tuc đua nhau về cầu nguyện với Mẹ La Vang tại linh đài ân sủng này. Tin tức từ bên nhà cho biết mỗi năm, cuộc hành hương Ðại Hội vĩ đại có tới hàng mấy chục ngàn người đổ về Ðại Hội La Vang. Như vậy chứng tỏ giáo dân Việt Nam dù thời nào, hoàn cảnh nào họ luôn vững một lòng tin cậy phó thác hướng về linh địa Mẹ La Vang. Mẹ Việt Nam mến yêu của mình để cầu xin và tìm ở nơi đó nguồn an ủi, nâng đỡ Ðức Tin theo vết tiền nhân Tử Ðạo, tiên tổ của mình.
Hình ảnh Mẹ La Vang luôn gắn liền với lòng sùng đạo của người Công Giáo Việt Nam, cho nên dù sống tại quê nhà hay nơi hải ngoại, họ luôn hướng tấm lòng về cầu khấn với Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam là nguồn Ân Phúc tuôn tràn xuống khắp nơi và bất cứ ở đâu ta cũng có thể cầu xin ơn lành cùng Mẹ. Có lẽ chính vì lý do ấy nên ngay trên đất Hoa Kỳ này, người ta đã thấy nhiều giáo xứ, họ đạo Việt Nam mang danh tước hiệu Ðức Mẹ và xây dựng một số Ðền Thánh Mẹ La Vang khắp nơi tại các tiểu bang: Portland Oregon. Albuquerque New Mexico. New Orleans, Santa Ana CA, Washington, Miami. Las Vegas Nevada, Virginia, Massachusetts v.v...
Sự kiện Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang là một sự kiện lịch sử có thật chứ không phải do óc tưởng tượng của các tín hữu dựng nên. Thẩm quyền của Giáo hội đã nhìn nhận việc Ðức Mẹ hiện ra qua các đức giám mục sở tại kiến thiết thánh đường dâng kính Mẹ và nhất là qua việc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn Ðền Thánh Ðức Mẹ La Vang là Ðền Thánh và là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc, qua việc các ngài đã xin Tòa Thánh nâng Ðền Thánh Mẹ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Ðường. Sự nhìn nhận việc Ðức Mẹ hiện ra này còn được chính Tòa Thánh công nhận qua sắc chỉ của Ðức Thánh Cha Gioan XXIII chấp nhận lời đệ xin của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, và qua những chứng từ sống động của Ðức Thánh Cha Gioan Phao Lồ II, nhất là qua việc đức hồng y chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục và đức tổng giám mục Huế xin được ngài chuẩn y phép tổ chức năm Toàn Xá Ðức Mẹ La Vang.
Ðức Mẹ La Vang đã đi vào tâm hồn của người Công Giáo Việt Nam cũng như đi vào lòng dân tộc chúng ta trong sự thăng trầm lịch sử, và là Ðấng phù trợ con Dân Chúa trong cơn thử thách. Lòng sùng kính Ðức Mẹ không chỉ đưa chúng ta tới những hành động thuần túy tôn giáo và lễ nghi: như đi hành hương, rước kiệu, dâng hoa, cung nghinh... mà với bổn phận “Nhập thể hóa” Tin Mừng và “Kitô hóa” môi trường, và theo giá trị của Phúc Âm thôi thúc chúng ta hãy noi gương tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, thành tâm cầu nguyện sao cho nước Việt Nam chúng ta chóng thoát khỏi cảnh đói khổ, lầm than, và có được một cuộc sống thật sự trong tự do, dân chủ. Huyền Nga Las Vegas
|