THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN TỪ 23 - 29/8/2013
1. Đức Thánh Cha chủ tế thánh lễ khai mạc tổng công nghị lần thứ 184 của Dòng Thánh Augustinô
Sáng thứ Tư 28 tháng 8 Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh Lễ khai mạc tổng công nghị lần thứ 184 của Dòng Thánh Augustinô tại đền thờ Thánh Augustinô gần quảng trường Navone tại Rôma.
Khi còn là một Hồng Y, mỗi dịp về Rôma, Đức Thánh Cha thường đến nhà thờ này để cầu nguyện tại mgôi mộ của bà thánh Mônica là mẹ thánh Augustinô.
Trong lịch Phụng Vụ, Giáo Hội kính nhớ Thánh Mônica vào ngày 27 tháng 8 và Thánh Augustinô một ngày sau đó là 28 tháng 8.
Dòng Thánh Augustinô đã được thành lập năm 1214 để “sống và cổ võ cho tinh thần cộng đồng như các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã sống.”
Tổng công nghị sẽ tiếp diễn cho tới giữa tháng 9 tại Học Viện Giáo Phụ Augustinô.
2. Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25 tháng 8
Chúa Giêsu là cửa dẫn chúng ta vào trong gia đình ấm êm của Thiên Chúa và sự hiệp thông với Người. Chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin nơi Chúa Giêsu, để cho Người luôn ngày càng bước vào trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta ra thoát khỏi các ích kỷ, các khép kín, các thờ ơ của chúng ta đối với tha nhân.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời khích lệ như trên trước mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25/8 tại quảng trường thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng chính Chúa Giêsu là cửa, là đường cho sự cứu rỗi. Người dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Và cửa là Giêsu không bao giờ đóng, nó luôn luôn mở và mở cho tất cả mọi người, không phận biệt, không loại trừ, không đặc ân riêng cho ai. Bởi vì anh chị em biết không, Chúa Giêsu không loại trừ ai hết. Có lẽ có ai đó trong anh chị em sẽ có thể nói với tôi rằng: Nhưng mà thưa cha, chắc chắn là con bị loại trừ rồi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi lắm: con đã làm những điều xấu xa, con đã làm biết bao nhiêu, trong cuộc sống...” Không, anh chị em không bị loại trừ đâu!
Chúa Giêsu đang chờ đợi anh chị em để ôm anh chị em vào vòng tay của Người, để tha thứ cho anh chị em... Đừng sợ: Ngài chờ đợi anh chị em.
3. Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Syria
Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã lại kêu goi hòa bình cho dân nước Siria. Ngài nói: Tôi tiếp tục theo đõi tình hình tại Siria với nỗi đau đớn lớn lao và sự âu lo. Việc gia tăng bạo lực trong một trận chiến huynh đệ với, các tai ương và hành động tàn ác gia tăng, mà chúng ta tất cả cũng đã có thể trông thấy trong các hình ảnh kinh khủng của những ngày này, lại một lần nữa thúc đẩy tôi lên tiếng để cho tiếng súng im lặng. Không phải xung đột cống hiến các viễn tượng hy vọng giúp giải quyết các vấn đề, nhưng là khả năng gặp gỡ và đối thoại.
Từ cùng tận trái tim tôi, tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi của tôi, qua lời cầu nguyên và tình liên đới, với tất cả các nạn nhân của cuộc xung đột này, với tất cả những người đau khổ, đặc biệt là các trẻ em, và tôi xin mời gọi họ luôn giữ cho niềm hy vọng hòa bình cháy sáng. Tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế tỏ ra nhậy cảm hơn đối với tình hình thê thảm này và dấn thân để trợ giúp Quốc gia Syria thân yêu tìm ra một giải pháp cho một cuộc chiến gieo tàn phá và chết chóc. Chúng ta tất cả cùng cầu nguyện, Chúng ta tất cả cùng xin Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình: Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con. Xin tất cả mọi người: Lậy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con.
4. Tòa Thánh tỏ ra dè dặt trước báo cáo cho rằng quân đội Syria đã dùng vũ khí hóa học để chống lại chính đồng bào họ
Trong khi đó tại Genève, Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Genève, đã khẩn thiết kêu gọi tìm giải pháp hòa bình cho Syria, qua việc đối thoại chân thành giữa mọi lực lượng liên hệ.
Đức Tổng Giám Mục nói cộng đồng quốc tế có lý do để âu lo trước các cảnh đẫm máu xảy ra tại Syria . Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề dùng vũ khí hóa học, Đức Tổng Giám Mục Tomasi cho rằng không nên đưa ra kết luận, khi chưa có các bằng chứng hiển nhiên. Qua các quan sát viên đã hiện diện tại Syria cộng đồng quốc tế có thể đưa ra ánh sáng vụ này. Nhưng không thể bắt đầu với một thành kiến, quy trách nhiệm cho người này người nọ. Cần phải đặt nghi vấn ai muốn phạm loại tội ác vô nhân này?
Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã cảnh cáo các mưu toan can thiệp quân sự từ bên ngoài. Kinh nghiệm cho thấy các can thiệp vũ trang tại vùng Trung Đông, bên Irak và Afghanistan đã không đưa tới kết qủa xây dựng nào. Vì nguyên tắc “với chiến tranh người ta mất tất cả” vẫn có giá trị.
5. Đức Thánh Cha tiếp quốc vương Jordan Abdullah
Mặc dù vẫn còn đang trong kỳ nghỉ hè, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với quốc vương nước Jordan là Vua Abdullah sáng hôm thứ Năm 29/08. Đây là cuộc họp đầu tiên của Vua nước Jordan với Đức Thánh Cha Phanxicô .
Trong phiên họp hai vị đã thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong vùng Trung Đông, đặc biệt là tại Ai Cập và Syria, là những nước láng giềng của Jordan với một dòng người tị nạn lũ lượt tuôn vào hàng ngày.
Cuộc họp giữa hai vị đã diễn ra trong bối cảnh có những báo cáo tin tức nói rằng một cuộc họp các nhà lãnh đạo quân sự của các nước phương Tây và một vài nước đồng minh của họ trong vùng Trung Đông sẽ diễn ra trong tuần này để cân nhắc một hành động quân sự, tiếp theo các nguồn tin khó kiểm chứng cho rằng Syria đã dùng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Mặc cho các phủ nhận từ chính phủ Syria, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây tin rằng chính phủ của Basir al-Assad đứng đằng sau các cuộc tấn công hóa học. Đoàn kiểm tra của Liên Hợp Quốc hiện đang ở Damascus để điều tra vụ tấn công.
6. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ loan báo Ngày Phong Hiển Thánh cho Đức Gioan 23 Và Đức Gioan Phaolô 2
Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã xác nhận rằng ngày 30/9/2013 Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ loan báo ngày phong hiển thánh cho Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 và Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2.
Đức Hồng Y Tổng Trưởng đã trả lời phóng viên Luca Collodi của đài Vatican trong cuộc phỏng vấn, khi ngài tham dự buổi khánh thành cuộc triển lãm về thánh Giovanni Battista Piamarta trong khuôn khổ Đại hội các dân tộc tại thành phố Rimini miền trung Italia. Đức Hồng Y cho biết ngày 29/7 vừa qua trong cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma, Đức Thánh Cha đã cho biết lễ phong thánh sẽ diễn ra trong năm 2014. Và ngài sẽ thông báo thời điểm.
Đức Gioan 23 đã là một tiên tri lớn và là người đã triệu tập Công Đồng Chung Vatican 2, trong khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 là người đã thực thi và phát triển các giáo huấn của Công Đồng trong tất cả các khía cạnh và sức mạnh của nó. Hai vị thật là hai cột trụ của nền văn hóa và sự thánh thiện của Kitô giáo.
7. Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai tố cáo các nước mưu toan nuôi dưỡng xung đột trong thế giới Ả Rập
Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Maronite đã nói với Đài phát thanh Vatican hôm thứ Hai 26/8 rằng "các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là ở phương Tây; và ở những nơi khác nữa, đang góp phần kích động" các cuộc xung đột ở Ai Cập, Iraq và Syria.
Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai nói ngài tin rằng “có một kế hoạch tiêu diệt thế giới Ả Rập vì lợi ích chính trị và kinh tế, một âm mưu làm cho các cuộc xung đột giữa người Hồi Giáo Sunni và người Hồi giáo Shiite càng trầm trọng càng tốt.”
Đức Thượng phụ Maronite cho biết ngài đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng bày tỏ mối quan tâm của ngài về vấn đề này hai lần.
Đức Hồng Y đã bày tỏ sự ngỡ ngàng của ngài trước thái độ của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khi họ bênh vực cho tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo mà trong quá khứ chính Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã cho rằng đây là một tổ chức khủng bố nguy hiểm có liên quan chặt chẽ với Al Qaeda.
Đức Hồng Y Rai nói thêm rằng tình hình ở Trung Đông đang ngày càng tồi tệ, rằng "bất cứ khi nào một cuộc xung đột nổ ra ở Trung Đông, bất cứ khi nào hỗn loạn xảy ra thì liền ngay sau đó các nhóm Hồi giáo tấn công các cộng đồng Kitô hữu thiểu số, như thể họ luôn luôn là vật tế thần".
8. Linh mục Dòng Tên Ai Cập: Hoa Kỳ và các nước phương Tây ủng hộ Huynh Đệ Hồi Giáo là vô luân
Mỗi năm Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ai Cập 1.2 tỷ Mỹ Kim cùng với 250 triệu Mỹ Kim viện trợ kinh tế. Nguồn viện trợ này được tường trình là đã bị âm thầm cắt bỏ sau khi Hoa Kỳ không áp lực được quân đội nước này phải tái lập lại chính quyền của tổng thống Mohamed Morsi đã bị quân đội lật đổ.
“Cảm giác của tôi với Ai Cập là nguồn viện trợ này tự nó không thể đảo ngược được những gì chính phủ lâm thời đã làm”, tổng thống Obama đã nói như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho CNN hôm thứ Năm 22/08/2013.
Không đi vào chi tiết là nguồn viện trợ này sẽ bị cắt giảm hoàn toàn hay một phần, ông Obama nói tiếp: “Điều chắc chắn là chúng ta không thể trở lại như trước đây”.
Các nước phương Tây cũng phản ứng ồn ào không kém. Cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa ra một nghị quyết lên án việc lật đổ ông Mohamed Morsi, một thành viên của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, một tổ chức trước đây được chính Hoa Kỳ và các nước phương Tây cho là một tổ chức khủng bố nguy hiểm có liên hệ chặt chẽ với trùm khủng bố Bin Laden của Al Qaeda.
Lập trường lắt léo của Hoa Kỳ và các nước phương Tây chủ yếu là do những nhượng bộ có tính chất chiến lược của Mohamed Morsi sau khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ sau 30 năm cầm quyền. Những hứa hẹn của Mohamed Morsi, và những nguồn đầu tư khổng lồ đổ vào Ai Cập sau ngày 11 tháng Hai năm 2011 đã khiến Hoa Kỳ và các nước phương Tây có một “cảm tình đặc biệt” với bọn khủng bố Huynh Đệ Hồi Giáo.
Cha Henri Boulad, một linh mục dòng Tên 82 tuổi, đang làm mục vụ tại Ai Cập, gọi “cảm tình đặc biệt” ấy với bọn khủng bố Huynh Đệ Hồi Giáo là một thái độ vô luân.
"Huynh Đệ Hồi Giáo thật tội nghiệp à! Họ là nạn nhân của bạo lực à! Những con chiên hiền lành, nổi tiếng với sự ngọt ngào và ngây thơ của họ à! Lạy Chúa tôi!" Cha Boulad đã viết như trên trong bài xã luận trên Jihad Watch, tổ chức theo dõi những nạn nhân của Thánh Chiến Hồi Giáo.
Ngài nói: "Trong nhiều tuần qua, lực lượng dân quân Huynh Đệ Hồi Giáo, vũ trang tận răng, gieo rắc khủng bố trên cả nước Ai Cập: giết người, bắt cóc, tống tiền, hãm hiếp các cô gái, buộc họ phải kết hôn với người Hồi giáo, tuyệt nhiên không có chút phản ứng nào từ phương Tây."
Cha Boulad tiếp tục: "Các linh mục và các tín hữu bị tấn công và thiệt mạng - trong đó có cả trẻ em trong độ tuổi còn trong nôi - với lý do duy nhất: họ là Kitô hữu. Không một lời tố cáo nào của phương Tây được đưa ra để buộc tội ‘chủ nghĩa Hồi giáo hóa’ mà ngày nay là căn nguyên của mọi tội ác. "
"Đối mặt với quyết tâm của quân đội, phương Tây ngay lập tức kêu lên ‘đảo chính’". Cha Boulad nói: "Nếu đó là một ‘cuộc đảo chính’, thì đó là một ‘cuộc đảo chính’ của người dân, chứ không phải của quân đội. Quân đội chỉ đơn thuần phục tùng ý muốn của người dân. Nhân dân đã chán ngấy một vị tổng thống phản bội, lừa phỉnh họ, và họ đã phản ứng với một phản xạ sinh tồn khi kêu gọi ông ta hãy ra đi."
10. Thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự bác bỏ các đồn đoán về lý do ngài từ chức
Hôm Chúa Nhật 25 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, thư ký riêng của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đồng thời là Quản Gia Phủ Giáo Hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành cho kênh truyền hình số 5 ở Ý một cuộc phỏng vấn.
Trong cuộc phỏng vấn này ngài đã mạnh mẽ bác bỏ một nguồn tin của thông tấn xã Zenit, đưa ra hôm 21 tháng 8, theo đó Đức Bênêđíctô thứ 16 đã nói rằng ngài từ chức vì “Chúa muốn tôi làm như thế”.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng câu chuyện đó không có cơ sở và báo cáo của Zenit được thêu dệt “từ alpha đến omega”.
11. Nguy cơ thế giới chiến tranh lần thứ ba.
Một giám mục Công Giáo Chalđê ở Syria đã cảnh báo rằng sự can thiệp của phương Tây vào nước này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới.
"Nếu có một sự can thiệp vũ trang thì tôi tin rằng, một cuộc chiến tranh thế giới sẽ nổ ra", Đức Cha Antoine Audo, Dòng Tên cảnh cáo.
"Chúng tôi hy vọng rằng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đối thoại thực sự giữa các bên tham chiến để tìm một giải pháp có thể là một bước đầu tiên để ngăn chặn chiến tranh thế giới," ngài nói thêm.
Chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad bị cáo buộc đã dùng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công vào Ghouta, một vùng ngoại ô của thủ đô Damascus, hôm 21 tháng 8, làm 1000 người thiệt mạng.
Cũng đồng quan điểm với Đức Cha Antoine Audo, Đức Hồng Y Raphael Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Chalđê tại Iraq nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc rằng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria sẽ là một "thảm họa".
Ngài cảnh cáo rằng kết quả nguy hại từ sự can thiệp của phương Tây sẽ được cảm nhận không chỉ ở Syria mà còn ở nước láng giềng Iraq và Li Băng. Ngài nói rằng Syria có thể bị tan rã và chìm trong hỗn loạn bởi "một sự gia tăng các lực lượng dân quân thánh chiến Hồi Giáo".
Đức Hồng Y than phiền rằng Iraq vẫn còn chịu biết bao đau khổ do hậu quả của sự can thiệp của Hoa Kỳ 10 năm trước đây.
Trong khi đó Đức Tổng Giám Mục Hilarion, là người đứng đầu cơ quan quan hệ quốc tế của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nói với thông tấn xã Asia News bày tỏ lo ngại rằng các Kitô hữu sẽ là những “nạn nhân chủ yếu của lực lượng cực đoan Hồi Giáo, cả trong lúc này và còn tệ hại hơn trong tương lai sau khi các lực lượng cực đoan Hồi Giáo lên nắm chính quyền với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ"
Ngài nói: "Một lần nữa, hàng triệu người sẽ bị hy sinh trên bàn thờ của một nền dân chủ phù phiếm."
12. Tưởng niệm 5 năm cuộc bách hại các Kitô hữu trong bang Orissa bên Ấn Độ
Mặc dù vẫn sợ các vụ trả thù, các Kitô hữu vùng Kandhamal thuộc bang Orissa vẫn quyết định tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân với cuộc tuần hành hôm Chúa Nhật 25/8 có sự tham dự của thành viên các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Nhân dịp này các Kitô hữu cũng trao cho chính quyền lời thỉnh cầu trả lại công lý cho các nạn nhân và bảo đảm an ninh cho các Kitô hữu.
Cách đây 5 năm, ngày 25 tháng 8 năm 2008, các nhóm Ấn giáo cuồng tín đã tấn công 450 làng Kitô trong bang Orissa mạn đông Ấn Độ, đặc biệt là trong vùng Kandhamal. Các cuộc bách hại quy mô này đã khiến cho 100 tín hữu Kitô bị giết, hàng ngàn người bị thương, 5.600 nhà bị thiêu hủy, 296 nhà thờ, tu viện, trường học và các cơ sở tôn giáo bị đốt phá, và hơn 50.000 người phải trốn chạy vào rừng. Trong số các người thiệt mạng cũng có một linh mục và có một nữ tu bị hãm hiếp và giết chết.
Năm năm đã trôi qua, nhưng các vấn đề của người dân vùng Kandhamal vẫn còn đó: công lý không được giải quyết cho các nạn nhân, việc tái xây cất các nhà thờ và nhà của dân tiến hành rất chậm chạp, các Kitô hữu bị bắt buộc phải sống trong bất an. Trên tổng số hơn 500 người đã bị bắt giữ vì tham gia các cuộc tấn công các Kitô hữu hiện nay chỉ còn có 27 người còn bị giam.
Tình hình an ninh cũng bấp bênh hơn, vì đa số các tay tội phạm đã được trả tự do lại vẫn sẵn sàng tấn công các Kitô hữu, xét vì các bản án qúa nhẹ và họ không sợ bị trừng phạt. Điển hình như trường hợp của ông Manoj Pradhan, dân biểu bang Orissa, thuộc đảng Ấn Giáo Bharatiya Janata, bị tố cáo đã sát hại 9 Kitô hữu, nhưng ông vẫn được tại ngoại và tiếp tục đe dọa các nhân chứng và các người chống đối ông.
Từ năm 2008 đến nay tình hình tại Orissa vẫn chưa được cải tiến bao nhiêu, vì vẫn còn có các vụ tấn kích chống lại các tín hữu Kitô. Mới nhất là vụ xảy ra ngày 18/8 vừa qua tại Karon, nơi một nhóm 150 người ấn cuồng tín đã tấn công một linh mục dòng Tên và hai nữ tu.
13. Các Giám Mục Nhật chống lại việc tái vũ trang quân đội
Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 24 tháng 8 cho biết các giám mục ở Nhật Bản gọi Điều 9 của Hiến pháp quốc gia là một "kho tàng cần phải bảo vệ" trong khi đang có những mưu toan tại quốc hội Nhật Bản nhằm loại bỏ điều này khỏi hiến pháp.
Điều 9 hiến pháp Nhật cấm nước này không được sử dụng lực lượng quân sự trong các tranh chấp quốc tế và nghiêm cấm việc dùng chiến tranh như một giải pháp cho các cuộc xung đột.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản, Đức Tổng Giám mục Peter Takeo Okada của thủ đô Tokyo, nói thêm rằng Hiến pháp - được ban hành vào năm 1946 và có hiệu lực vào năm 1947 - là "một kho tàng quý giá trên thế giới mà Nhật Bản có thể tự hào".
Hiến pháp được soạn thảo trong thời gian các nước đồng minh chiếm đóng Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là một hiến pháp cứng rắn không được sửa đổi từ khi được ban bố.
Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe hiện đang hỗ trợ khả năng sửa đổi hiến pháp bắt đầu với Điều 96 là điều cấm không được sửa đổi Hiến pháp.
14. Giáo Hội tại Nhật Bản hiện nay.
Đức Thánh Cha Phanxicô có một tình cảm đặc biệt với Nhật Bản, Nhiều lần ngài giải thích rằng khi còn nhỏ ngài đã muốn trở thành một nhà truyền giáo ở Nhật Bản. Và như chúng tôi đã đưa tin hôm thứ Tư 21 tháng 8, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp đặc biệt dành cho 200 bạn trẻ Nhật Bản tại Vườn Damasus. Đây là một sự kiện bất thường bởi các vị Giáo Hoàng hiếm khi chào đón du khách trong tháng Tám. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngần ngại gặp gỡ cá nhân với nhóm bạn trẻ này.
Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.
Theo Niên Giám của Tòa Thánh năm 2011, Nhật Bản có khoảng 509,000 người Công Giáo tức là chưa tới 0.5% tổng dân số. Tuy thế, Nhật vẫn có đến 16 giáo phận, trong đó có ba tổng giáo phận với 1589 linh mục và 848 giáo xứ trong cả nước.
Sứ thần Tòa Thánh hiện nay tại Nhật Bản là Đức Tổng Giám Mục Alberto Bottari de Castello người Ý.
Kitô giáo đến với Nhật Bản nhờ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm, và đặc biệt là các linh mục dòng Tên, chẳng hạn như Thánh Phanxicô Xaviê. Người Công Giáo đã thành lập nên thành phố Nagasaki , có thời được xem là trung tâm Kitô giáo quan trọng nhất ở vùng Viễn Đông.
15. Inemuri
Nhân đề cập đến Giáo Hội Công Giáo tại Nhật, Kim Phượng xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bộ phim hài Inemuri.
Inemuri là một từ tiếng Nhật có nghĩa là "ngủ trong khi có mặt", nói tắt một lời là “ngủ gà ngủ gật” giữa chốn đông người như trên các phương tiện giao thông, tại các lớp học, và tại nơi làm việc. Ở phương Tây, tất nhiên, ngủ gật thường được xem là rất đáng xấu hổ. Nhưng trong văn hóa Nhật Bản, inemuri có một vị trí đặc biệt, và nó thực sự được xem như là một nguyên nhân cho niềm tự hào, chứ không phải bối rối, hay xấu hổ.
Đối với nhiều người Nhật, inemuri bao hàm ý nghĩa là người đó bị cạn kiệt vì làm việc quá sức, là người đó hy sinh giấc ngủ vào ban đêm cho công việc làm. Công việc là một phần rất quan trọng của văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là những công việc khó khăn.
Nói chung, inemuri được xem là tích cực và chấp nhận được cho những người ở các vị trí cấp cao, nhưng không cho các viên chức cấp thấp. Một viên chức cấp cao có thể ngụ gật trước mặt các nhân viên của mình. Học sinh cũng có thể ngủ gật trong lớp khi họ học thi vất vả và nỗ lực vươn lên trong hệ thống giáo dục Nhật Bản.
|