CN 1961: CẦU NGUYỆN LÀ GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ NHÀ
Nguồn: Crownofstars.com
Sau đây là bài giảng của một linh mục ở Medjugorje là cha Danko Perutina:
“-Ai ai cũng có kinh nghiệm về cầu nguyện. Mỗi người thường có những lời cầu nguyện riêng của họ. Họ có thói quen cầu nguyện ở một thời điểm nào đó trong ngày, dâng cùng một lời cầu nguyện quen thuộc và trong giờ cầu nguyện ấy, không ai có thể quấy rầy họ vì họ không nghe và không trả lời điện thoại.
-Có hàng triệu lời cầu nguyện khác nhau, tôi chỉ nêu lên một số lời cầu nguyện mà thôi.
-Có lời cầu nguyện chiêm niệm, có lời cầu nguyện suy gẫm, lời cầu nguyện có lý do, lời cầu nguyện với những lời nói ra, lời cầu nguyện trong thinh lặng và lời cầu nguyện với trái tim.
-Cầu nguyện tạ ơn, cầu nguyện xin ơn, cầu nguyện xin chữa lành, cầu nguyện xin Chúa chúc phúc, cầu nguyện xin bền tâm, cầu nguyện xin ơn hoán cải cho gia đình. Thật sự chúng ta có thể cầu nguyện cho mọi sự.
Điều quan trọng là khi cầu nguyện ta đi từng bước một, giống như ta dùng điện thoại, vì khi ta bấm một số phone thì người ở đầu dây bên kia sẽ trả lời.
-Bước 1: Đến gần với Chúa và ở trong sự hiện diện của Ngài.
-Bước 2: Nhận ra tội lỗi của mình.
-Bước 3: Tha thứ cho mọi người.
-Bước 4: Từ bỏ mọi tội lỗi.
-Bước 5: Chấp nhận thánh giá đời sống mình.
-Bước 6: Xin ơn Chúa Thánh Thần. Khi ta từ bỏ tội lỗi thì ta trống rỗng và xin Chúa Thánh Thần đổ đầy ơn thánh cho ta.
-Bước 7: Xin tạ ơn Chúa.
Chúng ta cần gọi từ số 1-7 và đó là lời cầu nguyện điện thoại. Xin các bạn hãy thử lời cầu nguyện này và bạn sẽ thay đổi ngay trong ngày.
Tại sao lời cầu nguyện lại quan trọng? Vì nó có những điều quan trọng sau:
Điều quan trọng nhất của lời cầu nguyện là có sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó là điều khó khăn nhất. Ta hỏi Chúa ở đâu? Rồi ta tưởng tượng ra Ngài. Tôi thường chia sẻ với các khách hành hương Medjugorje về việc hình dung ra Chúa hiện diện.
Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh thì Ngài được 33 tuổi. Chúng ta không biết tuổi của Chúa Cha. Ngài có hàm râu trắng và Ngài ngồi trên Ngai Tòa. Ngài nhìn thấy mọi sự và biết mọi điều. Ở dưới Ngài có sấm chớp.
Ngay khi bạn làm điều gì sai quấy trong bóng tối thì Ngài vẫn thấy rõ. Ngài ban cho mỗi người một vị thiên thần hộ thủ. Khi bạn làm điều sai lỗi thì thiên thần ghi nhận. Đến giờ chót của cuộc đời bạn thì ngài sẽ “in” ra một danh sách các tội lỗi của bạn. Chắc chắn không phải chỉ có một tờ giấy.
Tuy nhiên Thiên Chúa là Đấng Luôn Tha Thứ và yêu thương chúng ta vô điều kiện. Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta qua hình ảnh Chúa Giêsu. Thiên Chúa là tình yêu. Nếu bạn nghe nói về Chúa với những hình ảnh khác thì đó là điều sai lầm.
Khi bạn bắt đầu cầu nguyện thì những giây phút đầu rất quan trọng và đó là đức tin. Tôi thường làm dấu thánh giá và cầu nguyện như sau:
“Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa đang hiện diện nơi đây.
Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa yêu thương con và bây giờ con sẽ nói với Chúa về những gì ở trong trái tim con.”
Đức Mẹ Maria đang mởi gọi chúng ta hãy cầu nguyện và cầu nguyện bằng trái tim. Đó là lời cầu nguyện dâng hiến những gì trong trái tim ta. Chúng ta càng chân thành thì lời cầu nguyện càng sâu lắng. Chúng ta cần thanh tẩy chính mình để trở nên một người tốt mà Chúa mong muốn và mang hình ảnh của Ngài. Chúa tạo mỗi một người một khác, đặc biệt và không giống nhau.
Cầu nguyện là luật lệ của cuộc sống. Chúng ta càng cầu nguyện thì Chúa càng mở các cánh cửa cho chúng ta. Nhưng cũng có những thời điểm nếu cần, Chúa đóng cửa lại mà không cho chúng ta vào bởi vì trong sự khôn ngoan của Chúa, Ngài biết điều gì tốt hơn cho chúng ta. Vì thế chúng ta luôn phải tìm Thánh ý Chúa.”
Kim Hà 17/7/2013
|