CN 1956: LỜI CẦU NGUYỆN:"LẠY CHÚA GIÊSU KITÔ, XIN THƯƠNG XÓT CON" BIẾN ĐỔI CON NGƯỜI
Từ khi đọc những bài viết của LM Phạm Quốc Hưng trên Nguyệt San Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi rất tâm đắc và ước ao có thể mua được tác phẩm này bằng tiếng Việt. Và Chúa đã cho tôi toại nguyện.
Năm 2010, trên các chương trình phát thanh Radio Giờ Của Mẹ, chúng tôi đã đọc một số những trích đoạn để cống hiến quý vị về tác dụng lớn lao của lời cầu nguyện:
"Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!"
Vào ngày 12/7/2013, trong bài giảng cuối của Tuấn Đại Phúc, cha Nguyễn Trường Luân cũng giảng về quyền năng của lời cầu nguyện mạnh thế này.
Vì thế chúng tôi xin cống hiến quý vị trọn vẹn tác phẩm Chuyện Người Hành Hương trên trang nhà www. memaria.org, trong mục Sách Online.
Sau đây là trích đoạan một câu chuyện ở chương 4 nói về tác dụng của lời cầu nguyện ấy đã biến đổi một đứa bé ngổ nghịch thành một cậu bé thánh thiện. Nếu gia đình chúng ta có những người con cháu ngổ nghịch thì có thể nên áp dụng cách cầu nguyện này:
"'Tôi là một thuyền trưởng hải quân cho tới năm sáu mươi lăm tuổi, nhưng lúc cao niên, tôi đâm ra mắc bệnh máu đông cục - một chứng bệnh nan y. Vì vậy tôi hồi hưu và sống gần như đau ốm triền miên tại trang trại của vợ tôi ở Crimea. Bà ấy là một phụ nữ bốc đồng, tính khí xốc nổi và rất mê chơi bài. Bà thấy chán ngán khi phải sống với một người đàn ông bệnh tật nên bỏ đi, tới ở với con gái của tôi tại Kazan, nơi nó tình cờ gặp và kết hôn với một công chức tại đó. Vợ tôi lấy hết những gì bà có thể chiếm và còn mang theo bà tất cả tôi tớ trong nhà, chỉ để lại cho tôi một cậu bé tám tuổi, con đỡ đầu của tôi.
"Tôi sống một mình được chừng ba năm. Cậu bé phục vụ tôi là một đứa nhỏ lanh lợi, có khả năng làm hết thảy mọi việc trong nhà. Nó dọn phòng cho tôi, nhóm bếp, nấu cháo, chuẩn bị sẵn sàng lò ấp bằng than. Nhưng đồng thời, nó tinh quái lạ lùng và trí óc luôn luôn động đậy. Nó xông xáo không ngừng, đập rầm rầm, la hét và đùa nghịch ào ào, đủ thứ trò, và vì thế nó quầy rầy tôi vô số kể. Còn tôi thì bệnh tật và buồn chán, lúc nào cũng thích đọc sách về tâm linh. Tôi có một cuốn sách tuyệt vời của Grêgôriô Palamas về lời cầu nguyện Đức Giêsu. Tôi đọc cuốn đó gần như liên tục và trong một chừng mực nào đó, tôi thường thốt lên lời cầu nguyện ấy. Nhưng cậu bé gây trở ngại cho tôi và không lời hăm he hoặc hình phạt nào ngăn nổi nó khỏi khoái trá những trò đùa nghịch ngợm. Cuối cùng, tôi tìm ra cách sau đây.
"Tôi bắt nó ngồi với tôi chung một băng ghế trong phòng tôi và ra lệnh cho nó nói không ngừng lời cầu nguyện Đức Giêsu. Ban đầu nó ghét cay ghét đắng việc đó, cố sức tránh né bằng đủ mọi cách và thường ngậm miệng nín thinh. Để bắt nó phải thi hành mệnh lệnh, tôi giữ bên mình một cây roi. Khi nó nói lời cầu nguyện ấy thì tôi yên tĩnh đọc sách hoặc lắng nghe coi nó nói lời ấy ra sao. Nhưng hễ nó dừng lại lâu một chút là tôi giơ roi lên. Lúc đó nó cảm thấy sợ và lại nói lời cầu nguyện. Tôi thấy tình trạng rất yên ổn và trong ngôi nhà tràn đầy an tĩnh.
"Sau một thời gian, tôi để ý là lúc này không cần tới roi nữa, cậu bé bắt đầu thực hành mệnh lệnh của tôi một cách hoàn toàn tự nguyện và sốt sắng. Còn nữa, tôi quan sát thấy tính nết tinh quái của nó hoàn toàn thay đổi: nó thành người trầm lặng, ít nói và làm công việc nhà tốt hơn trước. Thấy vậy, tôi vui mừng và bắt đầu để cho nó tự do hơn. Và anh có biết kết quả ra sao không? Vâng, sau cùng nó quen với lời cầu nguyện ấy quá đỗi tới độ gần như nó nói lời cầu nguyện ấy trong mọi lúc dù nó đang làm việc gì đi nữa, và hoàn toàn không bị tôi cưỡng bách. Khi tôi thắc mắc về việc đó, nó trả lời rằng nó cảm thấy có niềm khao khát không cản lại được là luôn luôn nói lời cầu nguyện đó. Tôi hỏi nó:
- Và trong khi cầu nguyện như thế, cảm giác của con ra sao?
Nó trả lời:
- Không gì cả, con chỉ cảm thấy nói lời đó thì thật dễ thương.
- Con có ý nói gì - dễ thương ư?
- Con không biết diễn tả như thế nào cho đúng.
- Có phải con có ý nói lời ấy làm con cảm thấy vui sướng.
- Dạ, vui sướng.
Lúc bùng nổ Chiến tranh Crimea thì nó được mười hai tuổi và tôi mang nó đi theo, tới sống với con gái mình ở Kazan. Tại đó nó ở trong nhà bếp với những người giúp việc khác. Nó hết sức buồn chán về việc đó. Nó đến gặp tôi than phiền rằng những người khác thường đùa giỡn và trêu chọc nhau làm nó cảm thấy bực bội. Họ còn chế nhạo nó, ngăn không để cho nó nói lời cầu nguyện ấy. Cuối cùng, sau ba tháng, nó tới gặp tôi và nói:
- Con về nhà. Con bệnh chịu không nổi nơi này và tất cả những thứ ồn ào này.
Tôi bảo nó:
- Đường sá xa xôi như vậy và trời lại đang mùa đông làm sao con đi một mình được? Con nên chịu khó chờ. Khi nào ta đi ta sẽ mang con đi theo.
"Hôm sau cậu bé biến mất. Chúng tôi gởi thư tìm nó khắp nơi nhưng chẳng thấy nó đâu. Cuối cùng tôi nhận được một lá thư từ Crimea của người đang ở trong trang trại của chúng tôi. Thư nói rằng người ta tìm thấy cậu bé chết trong ngôi nhà trống của tôi vào ngày 4 tháng Tư, ngày Thứ Hai Lễ Phục Sinh. Nó nằm bình an trên nền nhà trong phòng tôi, tay chắp trước ngực và trong chiếc áo choàng mỏng mà nó luôn luôn mang trên người khi vào ra ngôi nhà của tôi, cũng là chiếc áo choàng nó mặc lúc bỏ đi. Và vì vậy, người ta đã an táng nó trong vườn nhà tôi.
"Khi nghe tin đó tôi vô cùng sửng sốt. Làm thế nào cậu bé ấy tới được trang trại trong một thời gian lẹ làng như vậy? Nó bắt đầu bỏ đi ngày 26 tháng Hai và người ta tìm thấy nó ngày 4 tháng Tư! Dù có sự giúp đỡ của Thiên Chúa đi nữa thì cũng không ai muốn cho ngựa chạy suốt ba ngàn hai trăm cây số trong vòng một tháng! Lạ thật, gần như mỗi ngày đi hơn một trăm mười cây số! Và trên người chỉ mặc quần áo mỏng, không giấy thông hành, trong túi không có một xu để mua bán đổi chác! Dù giả dụ có thể có ai đó giúp cho quá giang thì chính việc đó cũng hẳn là dấu hiệu Thiên Chúa quan phòng và chăm sóc nó một cách đặc biệt."
Nói tới đây, nhà quí tộc kết luận:
- Anh coi, cậu bé thơ dại của tôi đã hưởng hoa quả của cầu nguyện, và một ông lão như tôi đây, không biết tới bao giờ mới được như nó.
Tạ ơn Chúa! Lạy Chúa Giêsu xin thương xót chúng con!
Kim Hà
13/7/2013
|