THÔNG ĐIỆP ÁNH SÁNG ĐỨC TIN, LUMEN FIDEI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ THÁNH HIẾN VÀ TÍN HỮU GIÁO DÂN VỀ ĐỨC TIN
1. Ánh sáng đức tin (Lumen Fidei): qua cách diễn tản này, truyền thống của Hội Thánh nói về hồng ân cả thể mà Chúa Giêsu mang lại. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Kitô nói về chính mình rằng:
“Tôi, là ánh sáng, Tôi đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12:46).
Thánh Phaolô cũng nói về mình bằng cùng một hình ảnh này:
“Thiên Chúa là Đấng đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm,’ cũng là Đấng làm cho ánh sáng chiếu soi tâm hồn chúng tôi” (2 Cor 4:6).
Trong thế giới ngoại giáo, là thế giới khao khát ánh sáng, đã có sự phát triển của nghi tế thờ thần mặt trời, Sol Invictus, được cầu khẩn mỗi ngày vào lúc mặt trời mọc. Tuy nhiên, nếu mặt trời mọc lên mỗi buổi sáng, thì người ta hiểu rõ ràng rằng nó không có khả năng chiếu ánh sáng của nó trên đời sống của toàn thể con người. Thực ra, mặt trời không soi sáng mọi thực tại; tia sáng của nó không thể chiếu xuyên qua bóng tối sự chết, nơi đôi mắt của con người nhắm lại đối với ánh sáng của nó. Thánh Gustinô Tử Đạo viết
“Có ai đã từng tìm thấy một người muốn chết để làm chứng cho đức tin vào mặt trời của mình chưa?” [1]
Ý thức được chân trời bao la mà đức tin mở ra trước họ, các Kitô hữu gọi Đức Kitô là mặt trời thực sự “mà những tia sáng của Người ban sự sống.” [2] Đối với bà Martha, đã khóc vì cái chết của em trai mình là Ladarô, Chúa Giêsu nói:
“Thầy đã chẳng nói với con rằng nếu con tin, con sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11:40).
Hãy xem, người nào tin; người ấy thấy một ánh sáng soi sáng toàn thể cuộc hành trình của mình, bởi vì ánh sáng ấy đến từ Đức Kitô Phục Sinh, sao mai không bao giờ lặn.
Một ánh sáng hão huyền?
2. Tuy nhiên, khi nói về ánh sáng đức tin, chúng ta có thể nghe thấy sự phản đối của nhiều người đương thời với mình. Trong thời hiện đại, người ta nghĩ rằng ánh sáng ấy có thể đủ cho các xã hội cũ, nhưng không còn ích lợi gì cho thời đại mới, bởi vì con người đã trưởng thành, tự hào về lý trí của mình, và muốn khám phá tương lai bằng những cách mới lạ. Theo nghĩa này, đức tin đã xuất hiện như một ánh sáng hão huyền, cản đường nhân loại trong việc táo bạo vun trồng kiến thức.
Nietzsche khi còn trẻ khuyến khích em gái là Elisabeth chấp nhận rủi ro, để bước đi “con đường mới ... với tất cả sự không chắc chắn của một người phải tìm con đường riêng của mình”, và thêm rằng
“đây là nơi mà con đường của nhân loại rẽ đôi:
nếu em muốn an bình và hạnh phúc của tâm hồn, thì hãy tin,
nhưng nếu em muốn trở thành một môn đồ của chân lý, thì hãy tìm kiếm.” [3]
Việc làm của đức tin trái ngược với việc làm của tìm kiếm. Từ điểm khởi đầu này, Nietzsche đã đổ lỗi cho Kitô giáo là đã làm giảm ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống con người và tước đoạt khỏi cuộc sống sự mới lạ và phiêu lưu. Như vậy đức tin như một ảo ảnh của ánh sáng, một ảo ảnh ngăn chặn con đường tiến về tương lai của những con ngươi tự do chúng ta.
3. Trong tiến trình này, đức tin đã có liên hệ với bóng tối. Người ta đã nghĩ rằng có thể bảo vệ nó, tìm một chỗ cho nó để nó cùng tồn tại với ánh sáng của lý trí. Không gian cho đức tin mở ra cho những nơi mà ánh sáng của lý trí không thể làm rõ, những nơi mà con người không còn có thể có sự chắc chắn. Như thế, đức tin được hiểu hoặc như một bước nhảy vọt trong chân không, mà chúng ta thực hiện trong trường hợp không có ánh sáng, được điều khiển bởi cảm giác mù quáng, hoặc như một ánh sáng chủ quan, có thể có khả năng sưởi ấm tâm hồn và mang lại niềm an ủi cá nhân, nhưng không thể đề nghị cho người khác như ánh sáng khách quan và cộng đồng để chiếu sáng con đường. Tuy nhiên, từ từ, người ta thấy rằng ánh sáng của lý trí tự nó không đủ để soi sáng tương lai;
Cuối cùng tương lai vẫn còn trong bóng tối và đặt con người trong vòng sợ hãi về những điều họ không biết rõ. Kết quả là con người từ bỏ việc tìm kiếm một ánh sáng vĩ đại, là một Chân Lý Cao Cả, để hài lòng với những ánh sáng bé nhỏ là những ánh sáng soi sáng những gì thoáng qua, nhưng được chứng tỏ là không có khả năng chứng minh chỉ đường. Tuy nhiên, khi vắng bóng ánh sáng, tất cả mọi sự trở nên mơ hồ, chúng ta không thể phân biệt được tốt xấu, được con đường dẫn đến cùng đích của mình và những con đường khác dẫn chúng ta đi vòng vo mà không đến đâu cả.
Một ánh sáng để tái khám phá
4. Như thế có một nhu cầu cấp bách để phục hồi căn tính đặc biệt của ánh sáng đức tin, vì khi ngọn lửa đức tin bị lụi tàn thì tất cả những ánh sáng khác bắt đầu lu mờ. Thực ra, ánh sáng đức tin có một căn tính độc đáo, vì nó có khả năng chiếu sáng tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người. Để có một ánh sáng cũng mạnh mẽ như thế, nó không thể đến từ chính chúng ta nhưng từ một nguồn nguyên thủy hơn, nó dứt khoát phải đến từ Thiên Chúa. Đức tin phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi chúng ta và mặc khải cho chúng ta tình yêu của Ngài, một tình yêu đi trước chúng ta và trên đó chúng ta có thể dựa vào để được an toàn và để xây dựng cuộc đời chúng ta. Được biến đổi bởi tình yêu này, chúng ta nhận được đôi mắt mới, chúng ta cảm nhận rằng đó là một lời hứa cả thể về sự viên mãn và viễn tượng về tương lai đang mở ra trước mắt chúng ta. Đức tin mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa như một hồng ân siêu nhiên, trở thành một ánh sáng cho con đường của chúng ta, hướng dẫn cuộc hành trình của chúng ta trong thời gian. Một đàng, đó là một ánh sáng đến từ quá khứ, là ánh sáng nền tảng tưởng niệm cuộc đời Chúa Giêsu, là cuộc đời tỏ lộ tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy của Người, có khả năng chiến thắng sự chết. Tuy nhiên, đồng thời vì Đức Kitô đã sống lại và kéo chúng ta ra khỏi cái chết, đức tin cũng là ánh sáng đến từ tương lai, mở ra trước mắt chúng ta những chân trời rộng lớn hướng dẫn chúng ta thắng vượt “cái tôi” cô lập của mình hướng về sự phong phú của sự hiệp thông. Như vậy chúng ta hiểu rằng đức tin không ở trong bóng tối; nhưng là một ánh sáng chiếu soi bóng tối của chúng ta. Dante, sau khi tuyên xưng đức tin của mình cho Thánh Phêrô, đã diễn tả nó trong Bi Kịch về Thiên Chúa (La Divine Comédie) như một “tia lửa, mà sau đó trở thành một ngọn lửa cháy và chiếu sáng trong tôi như một ngôi sao trên trời.” [4] Chính ánh sáng của đức tin là điều mà tôi muốn nói đến, để nó có thể lớn lên và soi sáng hiện tại, cho đến khi trở thành một ngôi sao soi chiếu những chân trời của cuộc hành trình của chúng ta, vào một thời điểm mà nhân loại đặc biệt cần ánh sáng.
5. Trước cuộc khổ nạn, Chúa đảm bảo cùng Thánh Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất đức tin” (Lc 22:32). Sau đó Người đòi buộc ông phải “làm cho các anh em ông nên mạnh mẽ” trong cùng một đức tin. Ý thức về nhiệm vụ được trao phó cho người Kế Vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã muốn công bố Năm Đức Tin này, một thời gian ân sủng giúp chúng ta cảm nhận được niềm vui lớn lao của việc tin, phục hồi nhận thức về sự bao la của những chân trời mà đức tin mở ra, để tuyên xưng đức tin trong tính duy nhất và toàn vẹn của nó, trung thành với sự tưởng niệm về Chúa và được nâng đỡ bởi sự hiện diện của Người cùng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Niềm xác tín phát sinh từ một đức tin mang lại cho cuộc sống sự cao cả và thành tựu, đặt trọng tâm vào Đức Kitô và vào quyền năng của ân sủng Người, đã sinh động hóa sứ vụ của các Kitô hữu tiên khởi. Trong Công Vụ của các vị tử đạo, chúng ta đọc cuộc đối thoại sau đây giữa quan giám sự Rôma Rusticô và Kitô hữu Hierax: Quan tòa hỏi vị tử vì đạo “Cha mẹ ngươi ở đâu?” ông trả lời: “Cha thật của chúng tôi là Đức Kitô, và mẹ chúng tôi là đức tin vào Người.” [5] Với những Kitô hữu tiên khởi này, đức tin, như một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống được tỏ lộ trong Đức Kitô, là một “người mẹ”, vì nó đã mang lại cho họ ánh sáng và sinh ra trong họ sự sống thần linh, một kinh nghiệm mới, một cái nhìn quang minh về cuộc đời mà họ đã chuẩn bị sẵn sàng để làm chứng cách công khai cho đến cùng.
6. Năm Đức Tin đã được bắt đầu vào dịp kỷ niệm năm mươi năm khai mạc Công đồng Vaticanô II. Sự trùng hợp này cho phép chúng ta coi Công Đồng Vaticanô II như một Công Đồng về đức tin, [6] bởi vì nó đã mời gọi chúng ta đặt lại ở trung tâm trong cuộc sống Hội Thánh và cá nhân của mình, tính ưu việt của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Thực ra, Hội Thánh không bao coi đức tin như điều đương nhiên, nhưng biết rằng hồng ân này của Thiên Chúa cần phải được nuôi dưỡng và củng cố để nó có thể tiếp tục hướng dẫn con đường của mình. Công Đồng Vaticanô II làm cho ánh sáng đức tin có thể soi sáng kinh nghiệm nhân bản của chúng ta từ bên trong, trong khi cũng đồng hành trên những con đường của con người thời nay. Bằng cách này, nó cho thấy rõ ràng cách thức mà đức tin làm cho đời sống được phong phú trong mọi chiều kích của nó.
7. Những suy nghĩ về đức tin – tiếp nối tất cả những gì Huấn Quyền của Hội Thánh đã công bố về nhân đức đối thần này [7] – nhằm mục đích để thêm vào những gì mà Đức Bênêđictô XVI đã viết trong thông điệp của ngài về đức mến (đức ái) và về đức cậy (hy vọng). Ngài hầu như hoàn thành một dự thảo đầu tiên của một thông điệp về đức tin. Tôi nhìn nhận công ơn ngài một cách sâu xa, và trong tình huynh đệ của Đức Kitô, tôi tiếp tục công trình quý hóa này của ngài và thêm vào văn bản một vài đóng góp riêng của tôi. Người Kế Vị Thánh Phêrô, hôm qua, hôm nay và ngày mai, luôn luôn được mời gọi “củng cố anh em mình” trong kho tàng đức tin vô giá mà Thiên Chúa đã ban cho như ánh sáng soi cuộc hành trình của mỗi người.
Trong đức tin, món quà của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên được Ngài truyền cho chúng ta, chúng ta nhận ra rằng một Tình Yêu cả thể đã được ban cho chúng ta, một Lời nhân lành đã được nói với chúng ta, và khi chúng ta chào đón Lời này, là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai và làm lớn lên trong chúng ta đôi cánh hy vọng để nó đồng hành với chúng ta. Trong một sự đan kết tuyệt vời, đức tin, đức cậy và đức mến tạo thành động lực của đời sống Kitô hữu hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.
Nhưng con đường này mà đức tin mở ra trước mắt chúng ta thì thế nào?
Ánh sáng mạnh mẽ này l
|