Mình Máu thánh Chúa, Chúa Nhật, Ngày 2 tháng 6 năm 2013, Tuần IX Mùa Thường Niên Năm C Thánh Marcellinus và Phêrô (c. 304) Mặc dù chúng không biết gì nhiều về hai vị tử đạo dưới thời Diocletian này, nhưng chắc chắn rằng giáo hội thời tiên khởi đã sùng kính hai vị. Chứng cớ của sự tôn kính ấy là đền thờ mà hoàng đế Constantine đã cho xây trên mộ của các ngài, và tên của các ngài được nhắc đến trong Lời Nguyện Thánh Thể I. Thánh Giáo Hoàng Damasus nói rằng ngài nghe biết câu chuyện về hai vị tử đạo từ người đao phủ mà sau đó người này đã trở lại Kitô Giáo. Marcellinus là một linh mục, còn Phêrô là người trừ tà, cả hai từ trần năm 304. Theo truyền thuyết về sự tử đạo của các ngài, cả hai là người Rôma và coi sự tù đầy như một cơ hội để rao giảng và hoán cải những lính canh tù và gia đình của họ. Truyền thuyết cũng nói rằng cả hai bị chặt đầu ở trong rừng để người Kitô không có cơ hội chôn cất và tôn kính thi thể của các ngài. Tuy nhiên, hai phụ nữ đã tìm thấy các thi thể ấy và họ đã chôn cất tử tế.
Lời Bàn Tại sao các vị này được nhắc đến trong lời nguyện Thánh Thể và có ngày lễ tôn kính riêng, dù rằng hầu như chúng ta không biết gì về họ? Có lẽ vì Giáo Hội tôn trọng ký ức còn ghi nhận được trong lịch sử. Và đã một lần, các ngài là động lực khuyến khích toàn thể Giáo Hội. Họ đã thể hiện một bước đức tin tột bực.
Lời Trích Giáo Hội luôn tin rằng các tông đồ, và các vị tử đạo của Ðức Kitô là những người đã đem lại bằng chứng đức tin và đức ái cao cả qua việc đổ máu của họ, thực sự kết hợp chặt chẽ với chúng ta trong Ðức Kitô" (Hiến Chương về Giáo Hội, 50). Trích từ NguoiTinHuu.com * Ngày 2 tháng 6, THÁNH MÁC-SEN-LI-NÔ VÀ PHÊ-RÔ, Tử đạo
Gương thánh nhân: Lịch sử chép vắn tắt về hai thánh Mác-sen-li-nô và Phê-rô tử đạo.
Theo truyền thuyết, Mác-sen-li-nô là một linh mục chuyên lo việc dạy giáo lý và rửa tội cho tân tòng, Ngài nhiệt thành lo dạy đạo Và đem nhiều người trở lại với Chúa, nên bị những kẻ thờ thần ganh ghét, tố cáo.
Còn Phê-rô là một người trừ quỷ nổi tiếng ở La-mã. Thánh nhân đã cứu nhiều người khỏi ma quỷ ám hại, do đó, họ tin theo Chúa. Những người phù thuỷ ganh tương vì họ bị mất quyền lợi.
Thế là cả hai vị thánh đều bị tố giác, dưới thời hoàng đế Đi-ô-lê-sen bắt đạo. Các ngài bị hành hình khổ sở và giam trong ngục tối cho đến chết khoảng năm 304.
Các ngài chịu thống khổ vì Chúa bao nhiêu, thì cũng được an ủi, được phần thưởng lớn lao bấy nhiêu, như linh mục Ô-ri-giê-nê xác quyết:
“Các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến chúng ta thế nào, thì nhờ Đức Kitô, sự an ủi chúng tôi cũng được tràn đầy thế ấy. Nếu vậy, thì chúng ta hãy hăm hở nhận lấy những sự thống khổ của Đức Kitô; và ước gì chúng tràn đến trên chúng ta, nếu chúng ta muốn được đầy tràn an ủi, bởi vì ai khóc lóc sẽ được an ủi, nhưng không bằng nhau cho hết mọi người đâu. Bởi vì, nếu sự an ủi bằng nhau cho hết mọi người thì đã không có lời chép rằng: Các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến chúng tôi thế nào thì sự an ủi chúng tôi cũng được đầy tràn thế ấy.
Sự chia sẻ sự thống khổ của Đức Kitô thì tương đương với sự thống khổ mà họ chịu với Người, Điều này bạn hãy nghe Đấng đã nói rất tin tưởng rằng: chúng tôi biết rằng anh em đã thông phần thống khổ thế nào, thì cũng được thông phần an ủi thế ấy.1
Quyết tâm:Noi gương thánh Mác-sen-li-nô và Phêrô tử đạo, hằng ngày tôi lo giúp đỡ những người khốn khổ phần hồn, phần xác, dầu có phải gian lao trắc trở cũng vui lòng chấp nhận.
Lời nguyện: Lạy Chúa, khi ban ơn cho hai thánh tử đạo Mác-sen-li-nô và Phê-rô cùng anh dũng tuyên xưng đức tin, Chúa đã cho chúng con nghiệm thấy rằng: Chúa hằng gìn giữ che chở Giáo hội. Vì lời hai thánh nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con được bắt chước các Ngài, mà giữ vững niềm tin như thế.
* * Thánh Đa-minh Ninh, Giáo dân tử đạo
Gương thánh nhân: Cố gắng mỗi ngày một tiến bộ về vật chất cũng như tinh thần đạo đức, đó là lý tưởng của những người nhìn xa thấy rộng, muốn tạo cho mình một tương lai sáng lạn, để làm tốt đẹp cho đời. Thánh Đa-minh Ninh là một trong những người đo.
Là một nông dân chất phác, thánh nhân ngày càng chịu khó học chữ Nôm, để mở mang kiến thức, hy vọng có ngày đỗ đạt thay đổi cảnh sống cơ cực cần cù. Ngoài ra việc học hành chữ nghĩa, ngài còn ráng sức tập rèn nhân đức, sống đạo siêng năng để trở nên một Kitô hữu tốt lành đạo đức.
Đa-minh Ninh sinh năm 1841, tại làng toàn tòng Công giáo là Trung Linh, tỉnh Nam Định ( nay thuộc giáo phận Bùi Chu ). Cha mẹ làm nghề ruộng rẫy, nên lớn lên cậu cũng theo nghề này. Nhưng trong khi phụ giúp cha mẹ trong việc đồng áng, cậu còn cố gắng học thêm chữ Nôm, quyết chí xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, để giúp ích cho đời và làm sáng danh đạo. Hơn nữa, cậu ráng sức sống đạo nhiệt thành,tập rèn tính tốt. Trong làng ai cũng khen ngợi cậu là một Kitô hữu tốt lành đạo đức, trỗi vượt trên hết các thanh niên cùng lứa tuổi.
Đang lúc anh hăng say học hành và tập luyện nhân đức như thế, thì một việc xảy ra làm cho anh hết sức đau buồn: cha mẹ ép buộc anh kết hôn với một thiếu nữ trong làng, phần vì chưa muốn lập gia đình, phần bởi chưa tìm hiểu, chẳng yêu thương chi, nên anh nhất quyết từ chối. Vì cha mẹ cứ bắt ép mãi, buộc lòng anh phải vâng lời, chấp nhận cuộc hôn nhân, nhưng sau ngày cưới anh không chung sống với người thiếu nữ đó. Thế là đời anh xem ra đã dở dang thất bại, nhưng Chúa Quan phòng đã dẫn đưa anh đi theo đường hướng khác vẻ vang cao quý hơn.
Số là giữa lúc đó, vua Tự Đức ra chiếu chỉ PHÂN SÁP, bắt bớ giết hại người Công giáo vô cùng tàn nhẫn. Làng mạc Công giáo bị giải tán, gia đình có đạo phải phân ly mỗi người một ngã, tài sản bị tịch thu hoặc phân phát cho lương dân. Rất nhiều người có đạo bị bắt, bị tra tấn, tù đày, giết chóc khổ sở.
Gia đình anh Ninh cũng lâm cảnh ly tán như bao gia đình khác. Nhưng năm 1862 là năm anh 21 tuổi, anh bị bắt cùng với một số tín hữu khác. Trong thời gian tù ngục, nhiều lần quan dụ dỗ anh chối bỏ đức tin, hứa hẹn cho anh nhiều của cải nhưng anh nhất quyết từ chối. Thấy không thể cảm hoá anh được, quan dùng đến biện pháp mạnh, cho quân lính đánh đập, tra tấn dữ dội, buộc anh đạp lên Thánh Giá, nhưng anh quả quyết: Quan cứ làm điều quan muốn, phần tôi, tôi không bao giờ xúc phạm Thánh Giá Chúa tôi. Tôi là Kitô hữu, làm sao tôi dám chà đạp Đấng Cứu Độ tôi?
Đã cương quyết theo Chúa, của cải không màng, cực hình chẳng sợ, Đa-minh Ninh thật đúng là anh hùng đức tin. Đứng trước lòng can đảm mạnh mẽ đó, các quan thấy không còn cách nào hơn là đệ đơn xin vua kết án trảm quyết. Và bản án đã được thi hành tại pháp trường An Tiêm, tỉnh Nam Định ngày 2 tháng 6 năm 1862.
Ngày 29 thãng năm 1951, Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong Đa-minh Ninh lên Chân phước. Và Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Quyết tâm: Mỗi ngày cố gắng tấn tới hơn trên đường học vấn cũng như đạo đức, và can đảm hy sinh vì Chúa cho đến chết, theo gương thánh Đa-minh Ninh tử đạo.
Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương ngái để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.
|