Bảo vệ môi trường
Ngày 5 tháng 6 là Ngày Môi trường Thế giới, được quy đinh từ năm 1972.
Hành tinh mà chúng ta sinh sống được mệnh danh là “hành tinh xanh”, thế nhưng nó dần dần mất “sạch và xanh”, nó đang từng ngày biến đổi một cách tiêu cực. Độ nóng cứ nóng dần toàn cầu, khí thải tăng dần, phá rừng quá nhiều, những vết dầu loang, môi sinh bị hủy hoại, không chỉ môi trường bị ô nhiễm mà cả âm thanh cũng bị ô nhiễm. Thiên nhiên không còn thân thiện như xưa, mưa nắng thất thường, tai họa rình rập, phần lớn là lỗi của chúng ta. Nhân tai chứ chẳng phải thiên tai, vì vô ý thức mà chúng ta đang tự hủy hoại “ngôi nhà” của mình, tức là tự hủy hoại mình!
Sai lầm chưa đáng sợ, mà không biết mình sai lầm mới thực sự đáng sợ. Đối mặt với những cái tiêu cực hằng ngày ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chúng ta càng ngày càng quan ngại về môi trường, nhưng hầu như chúng ta cảm thấy vô vọng, lúng túng không biết làm sao để bảo vệ “ngôi nhà xanh” của mình. Trách nhiệm này không của riêng ai. Một người ý thức mà mười người vô ý thức thì cũng như “muối bỏ biển”. Không thể chỉ lo sạch nhà mình, còn nhà hàng xóm dơ bẩn thì mặc họ. Tất cả đều có hệ lụy với nhau. Rất cần giáo dục về môi trường và phải áp dụng nghiêm luật!
Không đâu xa, ngay tại Việt Nam, chúng ta luôn kêu gọi “giữ gìn thành phố sạch đẹp” – nói chung là “giữ gìn môi trường sạch và xanh”. Hết “tuần lễ hành động” này sang “tháng hành động” nọ, hoặc “năm hành động” khác. Thế nhưng vẫn có điều gì đó bất cập. Rõ ràng nhất là:
1. Quảng cáo: Hầu như hằng ngày tại nhiều giao lộ trong nội ô TPHCM có những “nhân viên” đi phát các tờ bướm, tờ rơi quảng cáo, thậm chí còn tới “cài” vào cửa từng gia đình. Thật ra bản chất quảng cáo không xấu, nhưng quảng cáo kiểu phát các tờ bướm, tờ rơi ở khắp các ngã tư đường phố như vậy là tiêu cực, vì gián tiếp làm bẩn đường phố, làm hại môi trường, đơn giản nhất là không đẹp mắt. Nhìn những ai được phát thì thấy rõ, có người lắc đầu từ chối thì đã đành, nhưng có người nhận xong rồi vứt ngay xuống đường. Nhìn giấy bay tả tơi, bẩn cả một cung đường, vô cùng mất thẩm mỹ và phi văn hóa!
Nói chung, không ai “mặn mòi” với việc nhận các tờ bướm kia. Vả lại, những tờ quảng cáo đó chưa chắc đã đáng tin cậy. Tiền nhân nói: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Cứ hô hào cho có phong trào thì chỉ vô ích!
2. Đám tang: Nghĩa tử là nghĩa tận, buồn thương chất đầy, nỗi niềm khó tả khi mất đi một người thân. Tuy nhiên, từ những “chuyến xe cuối đời” đó, người ta thấy bay bay xuống đường những tờ tiền âm phủ. Điều này không chỉ là dị đoan mà còn làm bẩn đường phố. Quan trọng hơn là lãng phí. Tại sao? Vì người ta phải bỏ ra một số “tiền thật” để mua những tờ “tiền giả”. Thật là nghịch lý! Tiền giả gọi là tiền âm phủ. Người chết ở thế giới vô hình, làm gì có sinh hoạt như trần gian này mà cần xài tiền hoặc các phương tiện như chúng ta hiện nay? Thật phi lý!
Bạn thử “lưu ý” mà coi, những giao lộ nào có người phát các tờ bướm hoặc các cung đường vừa có xe tang đi qua thì bạn thấy gì? Đầy… rác! Chỉ khổ cho người phu quét đường, vì họ phải chất chồng thêm gánh nặng, tăng thêm sự mệt mỏi, họ không dừng chổi đứng nghe mà dừng chổi đứng nhìn và lắc đầu ngán ngẩm “cái sự đời”!
Hô hào hết chiến dịch này đến chiến dịch nọ nhưng rồi đâu lại vào đấy, không khác kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Cứ “bình thường hóa” như vậy thì làm sao môi trường có thể sạch và đẹp?
THAY ĐỔI NHỎ HIỆU QUẢ TO
Ai cũng có trách nhiệm với cuộc sống, muốn sống khỏe và sống tốt thì phải có môi trường tốt, vì đó là trách nhiệm chung. Nhưng trước tiên phải thay đổi “nếp nghĩ” thì mới mong thay đổi cách sinh hoạt. Đây là vài gợi ý:
1. Nhặt rác. Hãy bỏ rác đúng nơi quy định, không tiện đâu vứt đó. Phân loại rác nào bỏ và rác nào có thể tái chế. Một mảnh giấy kẹo hoặc một cây tăm cũng phải được bỏ đúng nơi, đúng chỗ.
2. Trồng cây. Cây cối lọc không khí chúng ta hít thở, cây luôn cần cho cuộc sống. Cây có thể cải thiện đất, và cây còn làm đẹp thiên nhiên. Tiếc thay có những vùng đất bị bỏ hoang, nhất là người ta còn làm hại hệ sinh thái. Trồng cây cũng tương tự trồng người. Rất cần!
3. Đổi bóng điện. Bóng đèn cũ hoặc hư, nên thay bằng loại tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là loại bóng điện huỳnh quang (CFL – compact fluorescent light), loại này chỉ tốn ¼ điện năng và tuổi thọ gấp 10 lần, đồng thời cũng là tiết kiệm tiền bạc. Lưu ý: Khi không sử dụng các thiết bị điện nữa, hãy tắt đi!
4. Dùng giấy. Hãy dùng giấy thay cho ni-lông. Dùng túi giấy để đựng hoặc dùng giấy để gói vừa đẹp vừa có lợi cho môi trường. Giấy luôn thân thiện với con người.
5. Tiết kiệm nước. Nước rất cần cho con người, nhất là nước sạch. Hãy tắm rửa hoặc giặt giũ hợp lý, đừng lãng phí nước. Hãy sửa ngay những vòi nước rò rỉ. Tiết kiệm nước là bảo vệ cuộc sống cho chính mình.
Và còn nhiều thứ khác mà chúng ta cần tập cho quen. Có hệ lụy này: Lặp lại nhiều lần sẽ thành thói quen, thói quen sẽ tạo tính cách, và tính cách có thể tạo số phận!
Chúng ta không chỉ cố gắng cải thiện sai lầm vì đã làm hại thiên nhiên quá nhiều, mà chúng ta còn phải tích cực bảo vệ môi trường. Vì đó là cách chúng ta tự bảo vệ chính mình.
Nước rất mềm, lửa rất yếu, nhưng khi nước và lửa “nổi điên” thì không ai có thể cưỡng lại. Chúng ta đã “chọc giận” thiên nhiên nên thiên nhiên đang “trừng phạt” chúng ta. Hãy tạ tội với thiên nhiên bằng cách cố gắng tích cực bảo vệ môi trường!
Môi trường liên quan sự sống không chỉ của con người mà còn liên quan sự sống của mọi sinh vật – dù con người và sinh vật đó TỐT hay XẤU, LÀNH hay DỮ. Cuốn “Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo” (còn gọi là Giáo huấn Xã hội Công giáo) đã dành hẳn chương X (số 451-487) để bàn luận về vấn đề bảo vệ môi trường. Điều đó chứng tỏ Giáo hội Công giáo rất quan tâm vấn đề môi trường.
Giáo hội nhắc nhở chúng ta nên nhìn về tương lai một cách hy vọng, dựa vào giao ước mà Chúa liên tục lặp lại. Trong Cựu ước, dân Israel sống niềm tin trong một môi trường được xem là tặng phẩm của Thiên Chúa. Chính thiên nhiên là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vì thế thiên nhiên không phải là ác thù. Ngài đặt con người lên đỉnh công trình sáng tạo và giao cho con người chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo, nghĩa là phải quản lý và chăm sóc thụ tạo. Thế mà con người lại làm ngược lại thiên lệnh, cứ tàn phá thiên nhiên không hề nương tay!
Trong Tân ước, Đức Giêsu đến khai mở một tân thế giới, trong đó mọi sự đều phục tùng Ngài. Chính Ngài tái tạo, đem lại sự hài hòa cho những mối quan hệ, và lập lại trật tự đã bị tội phá vỡ. Công đồng Vatican II cũng khẳng định: “Con người có lý khi nhận định rằng nhờ trí khôn của mình, con người vượt lên trên vũ trụ vật chất, vì được chia sẻ ánh sáng của trí khôn của Thiên Chúa”. Nhờ khoa học phát triển và công nghệ tiên tiến, con người càng ngày càng làm chủ, hầu như trên cả thiên nhiên, và chắc hẳn còn tiến bộ thêm nữa. Chuyện lên mặt trăng là bất khả thi và hão huyền đối với ngày xưa, nhưng ngày nay chỉ là “chuyện nhỏ”, và người ta còn muốn khám phá Hỏa tinh nữa. Trí thông minh đó của con người chắc chắn do Thiên Chúa ban cho.
Con người có thể khai thác các tài nguyên thiên nhiên để phát triển sự sống, nhưng không được thái quá một cách vô tội vạ. Nếu không, con người tự chuốc họa vào thân. Rõ ràng là con người đang lãnh hậu quả: Động đất, sóng thần, thủng tầng ô-dôn, bệnh tật tràn lan,…
Bảo vệ môi trường là bảo vệ Ngôi Nhà Chung của nhân loại, ngôi nhà của chính mình; bảo vệ môi trường là duy trì công trình sáng tạo của Thiên Chúa, không bảo vệ môi trường là phá hoại công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là phá hoại thiên nhiên, là khủy hoại sự sống của chính mình và của người khác, mà hủy hoại sự sống là trọng tội!
Lạy Chúa, chúng con thành tâm xin lỗi Chúa, xin biến đổi chúng con từ trong tư tưởng, xin tạo cho chúng con trái tim trong sạch và ban lại cho chúng con niềm vui Ơn Cứu Độ. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
|