DUY NHẤT (LỄ
CBN.C)
(Chn 8, 22-31; Rm 5, 1-5; Ga 16,
12-15)
Sách Phương Ngôn còn gọi là Châm
Ngôn (Proverb) nói về sự Khôn Ngoan. Người Do-thái ví sự khôn ngoan như người
phụ nữ cố gắng kiên trì dẵn dắt mọi người ra khỏi con đường gian tà và tội
lỗi. Trong đoạn sách Châm Ngôn hôm nay, sự Khôn ngoan được diễn tả như một
nhân vật đã hiện diện với Thiên Chúa trước khi tạo dựng vũ trụ: Đức Chúa đã
dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ
thời xa xưa nhất (Chn 8, 22). Sự khôn ngoan ở cùng Thiên Chúa qua mọi công
trình sáng tạo. Tiến trình lịch sử cứu độ được hé mở một cách rất tiệm tiến.
Dân Do-thái tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và độc thần. Mầu nhiệm về Ngôi Ba
Thiên Chúa được mạc khải từ từ từng bước. Hình bóng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng
trần còn được ẩn dấu. Sự khôn ngoan được nhân cách hóa trong cách diễn tả:
Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh
ra (Chn 8, 24).
Nguồn Kinh Thánh mạc khải về Thiên
Chúa Ba Ngôi. Thuở xưa, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách phán dạy cha ông qua các
ngôn sứ, nay Chúa dạy chúng ta qua chính Con Một của Người. Chúa Giêsu đã mạc
khải về ngôi vị Thiên Chúa: Tôi và Chúa Cha là một (Ga 10, 30). Chúa
Giêsu là hiện thân và là Ngôi Lời của Thiên Chúa, khi chúng ta biết Chúa
Giêsu, là biết Chúa Cha: Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy.
Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."(Ga 14, 7). Thánh
Luca diễn tả hình ảnh Thiên Chúa trong ngôi vị khác nhau qua biến cố Chúa
Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan: Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới
hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha;
ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con (Lc 3, 22). Chính Chúa Giêsu đã dùng cách
tuyên xưng Ba Ngôi Vị Thiên Chúa khi sai các tông đồ ra rao giảng Tin
Mừng:
Vậy anh em hãy
đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28, 19).
Giáo Hội tin kính mầu nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi. Chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm vì sự giới hạn của ngôn
ngữ, sự hiểu biết và trí khôn con người. Qua sự tìm hiểu và kinh nghiệm, chúng
ta cũng chỉ học biết một chút về cơ cấu của các sự vật hiện hữu. Chúng ta bị
giới hạn mọi thứ từ thời gian, không gian, kiến thức hẹp hòi và sự hiểu biết
nông cạn. Tin vào lời Chúa. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha và
Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta đòi hỏi hiểu thấu về Thiên Chúa, tôi sợ rằng đó
chỉ có thể là chúa do con người nắn nên. Dựa vào lời mạc khải, Kinh Thánh
không bao giờ dùng từ Chúa Ba Ngôi. Khoảng năm 115-120, thời Giáo Hội sơ khai,
một triết gia tin đạo là Tertullian đã dùng từ ‘Chúa Ba Ngôi’ (Trinity) để cố
gắng tìm cách đưa đức tin vào ngôn ngữ của loài người. Chúa Giêsu gọi Thiên
Chúa Cha là ‘Abba’, thánh Tôma tông đồ khi nhận diện ra Chúa đã thưa: Lạy
Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi. Chúa Giêsu là Chúa và Ngài gọi Thiên Chúa là
Cha.
Giáo Hội đã suy tư rất nhiều qua sự
đóng góp của các thánh Giáo Phụ và các vị tiền bối như Origen, Tertullian,
Arius, thánh Basil, thánh Gregory of Nyssa, thánh Gregory of Nazienzen và
thánh Augustinô… Đã mất khoảng hơn 300 năm để suy tư tìm tòi, bàn cãi tranh
luận và đôi khi là nguyên cớ gây tù đầy, phân rẽ và hành khổ nhau. Cho tới khi
các giáo phụ họp Công Đồng Nicea 325 để định nghĩa về sự liên hệ giữa Chúa
Giêsu và Chúa Cha. Rồi chờ đợi cho tới hơn nửa thế kỷ sau, Công Đồng
Constantinople mới định nghĩa về Ngôi Thánh Thần. Thánh Augustinô tóm gọn ý
nghĩa mầu nhiệm: Chúa Cha là Thiên Chúa. Chúa Con là Thiên Chúa. Chúa Thánh
Thần là Thiên Chúa. Chúa Cha không phải là Chúa Con. Chúa Con không phải là
Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha, chỉ duy nhất có một
Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba ngôi riêng biệt nhưng
kết hợp làm một Chúa. Thiên Chúa của tình yêu.
Chúng ta nhận biết được tình yêu
của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự hy sinh của Chúa Giêsu chết trên cây
thánh giá. Mỗi lần chúng ta ghi dấu thánh giá trên thân mình, tuyên xưng rằng:
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Một Thiên
Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi kết hợp trong tình yêu. Trao ban tình yêu và hiến
mình vì tình yêu. Chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm tình yêu vì tình yêu
như biển trời mênh mông có thể dung chứa mọi thứ. Chúng ta được ngụp lặn trong
biển tình yêu của Thiên Chúa. Tình Chúa lan tỏa như khí trời. Tình Chúa bao la
hơn biển cả. Mỗi tâm hồn đều được mời gọi để mở đón tình yêu, sống tình yêu và
trao ban tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn.
Chúa Giêsu trao ban Thánh Thần cho
các tông đồ: Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy
Thánh Thần (Ga 20, 22). Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống. Ngài
tiếp tục hoạt động canh tân Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập. Qua mọi thời,
nguồn ơn Chúa Thánh Thần luôn tràn đổ trong tâm hồn các tín hữu. Luôn có những
nhân chứng đích thực giữa dòng đời để chấn hưng, cải đổi và thắp niềm hy vọng
cho mọi người trên đường lữ hành. Chúng ta đều là con cái Thiên Chúa vì được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thánh Phaolô dậy: Quả vậy, phàm ai được Thần Khí
Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa (Rm 8, 14).
Qua Bí Tích Rửa Tội, mỗi người
chúng ta được tham dự vào sứ vụ làm nhân chứng cho Chúa Kitô phục sinh. Chúng
ta trở nên con cái và được tháp nhập vào Nhiệm Thể của Chúa Kitô. Chúng ta là
những người được thừa kế ân sủng cứu độ: Vậy đã là con, thì cũng là thừa
kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì
một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang
với Người (Rm 8, 17). Mỗi người đều phải chu toàn sứ vụ Kitô hữu của mình.
Chúng ta không thể sống dựa, ăn nhờ, ở bám hay tùy thuộc vào người khác. Quan
sát rừng cây, chúng ta thấy có cả ngàn ngàn các loại cây chen nhau mọc trong
rừng. Rừng xanh được tạo nên bởi cả rừng cây muôn loại và muôn mầu sắc. Các
cây cùng chen nhau mọc vươn lên trong khoảng không, nhưng mỗi cây đều phải bám
rễ sâu để giữ thân mình. Mỗi cây có sự sống và có các kết cấu riêng biệt. Mỗi
cây tự mình hút chất bổ để nuôi dưỡng thân mình qua những cách thế được tạo
hóa phú bẩm. Cây nào không bám rễ sâu sẽ dễ bị tróc gốc khi gặp mưa to gió
lớn. Chúng ta hãy bám rễ niềm tin sự sống vào Chúa Kitô Phục
Sinh.
Đời sống người Kitô hữu phải gắn bó
với tình yêu Chúa Kitô thập giá. Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa tình yêu.
Chúng ta đặt niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu của ơn cứu độ. Hãy trông cậy
vào nguồn ân sủng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa
và cùng đích của cuộc sống này. Tất cả qui về sự thật là Đức Kitô, Con Thiên
Chúa, đã chịu chết và sống lại để chuộc tội cho nhân loại. Thánh Gioan
viết: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật
toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người
nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến (Ga
16, 13).
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mọi nơi và mọi lúc. Mỗi khi làm dấu thánh giá trên
thân xác, xin cho chúng con ý thức và nhận biết tình yêu tuyệt vời Thiên Chúa
đã dành cho loài người chúng con. Chúng con tôn thờ, ca ngợi và cảm tạ hồng ân
Chúa đến muôn muôn ngàn đời.
Lm. Giuse Trần Việt
Hùng
Bronx, New
York.
|