Thứ Năm, Ngày 16 tháng 5 năm 2013, Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm C 16 Tháng Năm, Thánh Simon Stock, (1165 - 1265) Thánh Simon Stock sinh ở Kent, nước Anh năm 1165. Chúng ta không được biết gì nhiều về thời niên thiếu của thánh nhân, ngoại trừ một truyền thuyết nói rằng tên "Stock", có nghĩa "thân cây", do bởi ngay từ khi mười hai tuổi, thánh nhân đã sống ẩn dật trong chỗ lõm sâu của thân cây sồi. Và khi trưởng thành ngài hành hương đến Ðất Thánh là nơi ngài gia nhập nhóm tu sĩ Cát Minh (Camêlô) và sau đó theo họ về Âu Châu. Thánh Simon Stock thành lập nhiều cộng đoàn Cát Minh, nhất là trong các khuôn viên Ðại Học như Cambridge, Oxford, Paris, và Bologna, và ngài là người đã giúp thay đổi dòng Cát Minh từ hình thức ẩn tu sang hình thức tu sĩ khất thực.
Năm 1254, ngài được chọn làm Bề Trên Tổng Quyền của Dòng ở Luân Ðôn. Thánh Simon cai quản nhà dòng với sự thánh thiện và khôn ngoan, và đã phát triển dòng từ Anh Quốc ra khắp Âu Châu nhờ nhân đức của ngài cũng như ơn nói tiên tri và làm phép lạ. Thánh Simon Stock thường được nhắc đến qua một thị kiến ngài được thấy ở Cambridge, Anh Quốc, ngày 16 tháng Bảy năm 1251, lúc đó Dòng Cát Minh đang bị đàn áp. Trong thị kiến ấy, Ðức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với thánh nhân, tay cầm khăn choàng mầu nâu. Ðức Mẹ nói: "Hỡi con yêu dấu, hãy nhận lấy khăn choàng này của Dòng con; đó là dấu hiệu đặc biệt nói lên lòng quý mến của Mẹ đã dành cho con và con cái Dòng Cát Minh. Những ai từ trần khi mang khăn này sẽ không bị lửa đời đời. Ðó là phù hiệu của sự cứu chuộc, là khiên thuẫn khi gặp nguy hiểm, và là lời hứa được bảo vệ và sự bình an đặc biệt." Khăn choàng (do bởi tiếng Latinh, scapula, có nghĩa "xương bả vai") gồm hai mảnh vải, một mảnh ở trước ngực và mảnh kia ở đằng sau, được nối với nhau bằng dây vải bắt ngang qua vai. Trong một số dòng tu, các tu sĩ nam nữ mặc khăn choàng dài từ vai đến gót chân như áo khoác ngoài. Giáo dân thường mang khăn choàng bên trong quần áo thường; gồm hai mảnh vải chỉ độ vài phân vuông mà người Việt chúng ta thường gọi là "áo Ðức Bà." Tuy bất cứ ai cũng có thể mặc "áo Ðức Bà" nhưng phải có một linh mục cử hành nghi thức này. Ngoài ra, phải mang "áo Ðức Bà" một cách xứng đáng, nếu quên không mang áo này trong một thời gian, lợi ích sẽ không còn. Giáo Hội Công Giáo cho phép sử dụng mười tám loại "áo Ðức Bà" khác nhau thường làm bằng nỉ mầu nâu. Thánh Simon từ trần ở Bordeaux, nước Pháp ngày 16 tháng Năm 1265. Dù Thánh Simon Stock chưa bao giờ được chính thức phong thánh, nhưng ngài được sùng kính từ lâu và Tòa Thánh cho phép cử hành lễ kính. Trích từ NguoiTinHuu.com
* Thánh Phaolô Hạnh - Giáo dân tử đạo Gương thánh nhân:
Con người không ai hoàn toàn tốt, cũng chẳng có ai xấu hết mọi phần. Mỗi người đều có điều hay điểm dở. Có khác chăng, là nơi mỗi người điểm tốt hay điểm xấu nhiều hoặc ít hơn.. Điều cần nhất là phải nhận biết việc tốt mà thi hành, điều xấu mà xa lánh. Chính đó là lý tưởng cao đẹp mọi người cần thể hiện trong đời sống.
Phaolô Hạnh đây cũng là con người, cũng có lỗi lầm khuyết điểm. Vì ham mê của cải, cậu đâm ra xảo trá, lường gạt, cướp bốc, nhưng cũng biết thương giúp người cô thế cô thân. Nhờ đó cậu được phúc tử đạo, trở nên chứng nhân anh dũng của Chúa Kitô. Cậu Hạnh sinh năm 1827, tại làng Tân Triều, tỉnh Biên Hòa. Lớn lên, anh muốn tìm kế lập nghiệp, đồng thời để phụ giúp gia đình cha mẹ, nên theo hai anh đến Chợ Quán, Sài Gòn buôn bán. Trong thời gian ở đây, anh quen lớn nhiều người, hùn vốn làm ăn với họ. Trong đó có lắm kẻ không tốt, rù quến anh làm điều xấu, mánh mung, xảo trá, lường gạt, buôn bán gian lận, dần dần đưa đến giựt giọc, cướp bóc, dường như có lúc anh đã cầm đầu một đảng cướp. Người trong vùng dư luận nhiều về anh. Càng ngày họ càng sợ anh, càng xa lánh anh, coi anh là kẻ bất lương kinh tởm !... Nhưng một dịp may đã làm anh thức tĩnh, đánh động lương tâm anh, khơi dậy trong anh lòng bác ái yêu người Chúa dạy. Một hôm, anh gặp một đám du đãng đang hành hung cướp bóc một thiếu phụ cách rất dã man. Anh xúc động, nhảy bổ vào can thiệp, cứu người thiếu phụ, buộc bọn chúng phải hoàn trả lại tất cả cho nạn nhân. Bị ép buộc và thấy mình yếu thế, bọn du đãng phải làm theo lời anh, nhưng chúng rất căm tức và quyết định trả thù. Chúng biết anh là người công giáo, nên đến tố cáo với quan đồng thời buộc tội anh là Việt gian, thông đồng với quân đội viễn chinh Pháp, chống lại triều đình. Lúc đó ăm 1859, tàu Pháp từ biển tiến vào Cần Giờ, bắn phá thành Gia Định. Vua Tự Đức sợ người công giáo theo phe giặc, nên ra chiếu chỉ bắt đạo gắt gao. Thế là Phaolô Hạnh bị bắt, giải về Bà Quẹo, tống giam nghiêm ngặt vì thuộc thành phần tội phạm nghiêm trọng. Nhiều lần anh bị đưa ra tra tấn dã man. Người ta căng thân thể anh ra đánh đập, dùng kèm kẹp, lấy thánh sắt nung đỏ dí vào người.
|