Chứng
nhân Nước Trời- Lm. Bùi Quang Tuấn
Có rất nhiều người lầm
tưởng thiên đàng là một khoảng không gian nào
đó trên cao kia. Sự lầm tưởng
này đã làm phát sinh nhiều hậu quả không hay: người
có đạo thì bị lung lay bối rối khi có một
vài khoa học gia nói rằng: Chẳng thấy Chúa đâu
trên kia cả; người không có đạo thì nghĩ: Có lẽ
nước trời là một thế giới nằm đâu
đó trong không gian, với những sinh hoạt na ná giống
như trần gian này. Thế nên đã có câu chuyện khôi
hài do một cha thừa sai kể lại: Sau một tuần
giảng đại phúc thật sốt sắng tại một
vùng đất nọ, các cha khuyên nhủ được một
ông cụ ngoại đạo gia nhập đoàn chiên Chúa. Thấy
cụ bà chưa có dấu hiệu nào khả quan, nên các cha
tích cực khuyên bảo: “Ông đã theo
đạo rồi, bà cũng nên theo đi thôi, để sau
khi chết còn lên thiên đàng gặp lại nhau nữa chứ.”
Nghe thế cụ bà hốt hoảng trả lời,
“Không được đâu, suốt đời ổng
đã hành hạ tui đủ thứ. Mai
mốt trên thiên đàng còn phải gặp lại mặt ổng
nữa thì tui chết mất.”
Thiên đàng sẽ chỉ là một
con số “không”, chẳng có chút gì hấp dẫn nếu
như nơi đó không có hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc
chính là hoa trái của yêu thương, mà yêu thương thì phát
xuất từ con tim, nghĩa là từ
bên trong. Bên trong chứ không phải bên ngoài hay bên trên kia.
Nước trời không ở bên
ngoài hay bên trên, cũng không phải là một nơi nào
đó trong không gian. Nước trời phải được
hiểu như là một thực tại phía trong: trong lòng
tôi, trong nơi tôi đang cư ngụ hay làm việc, và
trong tầm với của gia đình.
Cho nên nói Chúa
Giêsu lên trời cũng chính là nói Chúa Giêsu đi vào trong đời
ta, nhà ta, lòng ta, gia đình ta. Có như thế thì
lời “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho
đến tận thế” mới đong đầy ý nghĩa
của nó. Chứ nếu như Ngài lên trời cao xanh
hay Ngài ở nơi thế giới ngoài kia
thì làm sao hiểu là Ngài đang ở cùng chúng ta được.
Và vì Chúa Giêsu đã đi sâu vào đời ta, nhà ta, nên Ngài
đã truyền cho chúng ta phải làm chứng cho sự hiện
diện của Ngài: “Các ngươi phải là nhân chứng
của Ta.”
Chứng tá cho Đức Giêsu là
làm sao vẽ được dung mạo của Ngài ngay trên
cuộc sống của mình, làm sao cho người khác cảm
nhận được sự hiện diện của Ngài
ngay trong môi trường mình đang sinh hoạt, diễn tả
được hình ảnh của Nước Trời
đang ở giữa và ở trong chúng ta.
Có nhà hoạ sĩ kia
cứ mãi mơ ước trong đời mình sẽ vẽ
được một bức tranh đẹp nhất thế
giới. Nhưng anh ta không biết phải vẽ
thứ gì để bức tranh sẽ có được
hình ảnh, màu sắc, và nội dung sâu đậm đáng
trở thành bức tranh tuyệt vời nhất trần
gian.
Chàng đã tìm
hỏi với một linh mục về điều gì đẹp
và ý nghĩa nhất. Vị linh mục trả lời ngay:
“Niềm tin. Niềm tin là số một, niềm
tin sẽ nâng cao giá trị con người. Niềm tin
sẽ chữa lành và biến đổi mọi sự nên
tuyệt vời.”
Chàng hoạ sĩ cũng đặt
câu hỏi tương tự với một cô gái đang bước
lên xe hoa về nhà chồng. Cô gái trả
lời: “Trên thế gian này không có gì đẹp bằng tình
yêu. Tình yêu là hơi thở, là sức sống,
là hạnh phúc, là tất cả. Tình yêu biến cay
đắng thành ngọt ngào, đưa tiếng cười
vào nơi than khóc, đổi nghèo hèn tầm thường
thành phú quí cao sang. Tình yêu thật tuyệt vời.”
Cuối cùng
người hoạ sĩ gặp một anh thương
binh vừa trở về từ tiền phương. Anh lính đã
trả lời: “Hoà bình là điều đẹp nhất trần
gian. Ở đâu có chiến tranh, ở đó
có đổ nát, bất hạnh, khổ đau. Ở đâu có hoà bình, ở đó có cái đẹp.”
Ba câu nói của ba con người--
vị linh mục, cô gái sắp lấy chồng và anh
thương binh trẻ-- đã làm cho người hoạ
sĩ phân vân: không biết phải làm thế nào để
trên bức tranh của mình có thể diễn tả cùng một
lúc niềm tin, tình yêu, và hoà bình.
Đang suy
nghĩ anh về đến nhà lúc nào không hay. Mấy đứa
con anh ùa ra đón bố. Anh nhận thấy niềm
tin trong ánh mắt của các con. Anh
cũng cảm được tình yêu trong chiếc hôn chân
thành của người vợ. Niềm tin của con
cái và tình yêu của người vợ làm cho tâm hồn anh
ta ấm áp và an bình lạ thường. Thế rồi một ý tưởng chợt loé lên
trong đầu. Anh vội ngồi xuống khởi
công vẽ tranh, và sau khi hoàn thành tác phẩm đẹp nhất
thế gian, anh đã đặt tên cho nó: “Mái Ấm Gia
Đình.”
Mái ấm gia đình chính là hình ảnh
xinh đẹp và sống động nhất mà người
ta có thể vẽ được về Nước Trời
hay Thiên đàng ngay trên thế gian này. Mái ấm gia đình
cũng sẽ là lời chứng tá hùng hồn nhất cho sự
hiện diện của Đức Giêsu giữa dương
gian.
Bạn chưa cần phải
đi đâu xa để làm chứng tá về niềm tin; bạn
cũng chưa thể đi đến mút cùng trái đất
để giảng về tình yêu và an bình
của trời cao. Nhưng bạn có thể
làm chứng tá cho Đức Giêsu ngay trong gia đình của
mình.
Trước mỗi hành động,
lời nói, giao tế, cư xử, hãy tự
hỏi: tôi có làm mất niềm tin nơi người bạn
đời hay nơi con cái của tôi không? Tôi đang xây dựng
tình thương và an bình hay đang sống
phản chứng trước mặt con cái và bạn đời?
Tôi có đang cố gắng vẽ lên chân dung của Thiên
Chúa qua việc hy sinh để kiến tạo một mái ấm
gia đình không?
Những dòng chữ sau đây rất
đáng cho bạn và tôi tâm niệm để ý thức
hơn khi vẽ lên cho đời những “mái ấm”:
“Mái ấm là
môi trường và là thánh đường đầu tiên cho
tuổi thơ học thế nào là điều ngay, thế
nào là điều thiện, thế nào là lòng tử tế.
·
Đó là nơi tuổi thơ tìm
về để được an ủi
vỗ về mỗi khi đau khổ, bệnh tật.
·
Đó là nơi chia sẻ niềm
vui và xoa dịu buồn phiền.
·
Đó là nơi cha mẹ
được kính trọng và yêu thương...
·
Đó là nơi mà những món ăn đơn sơ cũng trở thành cao
lương mỹ vị, bởi vì là giá của mồ hôi
nước mắt.
·
Đó là nơi mà tiền bạc
không quí bằng tình yêu.
·
Và đó là nơi mà ngay cả
nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc.
Mái ấm gia
đình. Đó là nơi được Thiên Chúa
chúc phúc.”
Ước gì Lễ Chúa Giêsu Lên Trời
nhắc chúng ta về một Nước Trời tại thế--mái
ấm gia đình--để sau Lễ Lên Trời này, bạn
và tôi cũng sẽ theo bước chân của
các môn đệ, lên đường làm chứng tá cho Đức
Kitô, chứng tá ngay trong gia đình, chứng tá bằng việc
xây dựng một mái ấm. Dù rằng cuộc đời
của chứng nhân nào cũng không tránh khỏi đổ mồ
hôi hay đổ máu, không tránh khỏi những hiểm nguy
như chiên đi giữa sói rừng, không tránh khỏi khốn
khổ như một người tôi tớ, nhưng đó
là giá cần trả để có được một bức
tranh tuyệt đẹp của niềm tin, yêu
thương, và an bình hạnh phúc.
|