Bàn
tay giơ ra để chúc lành – Lm. Phạm
Ngọc Ngôn
Hôm nay, toàn thể
Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Kytô vinh hiển về
trời. Có thể nói biến cố Thăng Thiên là một biến
cố đặc biệt, vì đó không chỉ là một mạc
khải biểu lộ vinh quang khải hoàn của Chúa Kytô
nhằm đóng dấu ấn kết thúc cuộc đời
cũng như sự kiện Phục sinh của Người;
Đó cũng không chỉ là biến cố cuối cùng của
lịch sử cứu độ mà đây chính là thời kỳ
khai mở cho một biến cố mới: Chúa Thánh Thần
sẽ đến hướng dẫn và dạy dỗ các
môn đệ như Chúa Giêsu đã hứa.
Khi đối chiếu hai bản
văn Tin mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ của
cùng một tác giả là thánh sử Luca, chúng ta không khỏi
ngạc nhiên vì cùng một biến cố Thăng Thiên
nhưng lại có sự mâu thuẫn rõ ràng về mặt thời
gian: một đàng là biến cố Thăng Thiên xảy ra
ngay sau khi Chúa Phục sinh, chỉ trong một ngày và một
đàng là 40 ngày sau (x. Lc 24; Cv 1, 3). Lý giải
sao về điều này?
Chúng ta có thể thấy dụng
ý thần học của Luca trong đoạn Tin mừng
trên, vì sự thực thì Phục sinh và Thăng Thiên là một
thực thể thống nhất không thể tách rời nhằm
biểu lộ vinh quang của Đấng Phục sinh và quyền
thống trị của Người. Như thế,
ngay sau khi Phục sinh, Chúa Kytô đã đi vào vinh quang thiên quốc
chứ không phải chờ đợi gì nữa. Tuy thế, thỉnh thoảng Chúa Kytô xuất hiện
cách hữu hình với các môn đệ nhằm củng cố
đức tin và dạy dỗ các ông. Có thể thấy
40 ngày là quãng thời gian tượng trưng đầy
đủ và sung mãn để các ông tiếp nhận những
giáo huấn và hiểu rõ hơn sứ mệnh của
Người. Thật vậy, đây chính là
quãng thời gian mà Chúa Kytô tỏ mình cho các môn đệ nhận
biết Người (Lc 24, 39). Người
mở tâm hồn cho các ông hiểu rõ ý nghĩa của biến
cố Phục sinh (24, 44). Để rồi những
gì các ông vừa trải nghiệm với Người, tất
cả sẽ trở thành những chủ đề cho lời
rao giảng cốt yếu sau này- những gì đã
được Kinh thánh loan báo đều được thực
hiện trọn vẹn trong mầu nhiệm Vượt
qua. Chính các ông sẽ là những chứng nhân
cho những gì các ông từng trải nghiệm mà Công vụ
Tông đồ đã ghi. Sau quãng thời gian này, Chúa Kytô
không còn hiện diện cách hữu hình, cách thể lý bằng
xương bằng thịt nữa và tác giả Công vụ
Tông đồ nói rằng Chúa Kytô lên trời.
Thánh sử Luca ghi lại sự
kiện Chúa lên trời thật giản dị: “Người
dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành
cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người
rời khỏi các ông và được đem lên trời”
(24, 50). Hình ảnh cuối cùng của Chúa Kytô ở trần
gian chính là bàn tay giơ ra để chúc
lành. Đây chính là hình ảnh tuyệt vời bởi nó không
chỉ là dấu chỉ từ biệt và chúc lành mà chúng ta
thường thấy nơi các thánh tổ phụ chúc lành
cho các con, cho những người thừa kế vào lúc lìa
cõi thế, mà còn là dấu chỉ nhằm cho thấy Chúa
Giêsu mãi mãi sẽ ở cùng và ban ơn cho các môn đệ của
Người ở trần gian này. Cuộc chia ly này không giống
cuộc chia ly trong vườn Ôliu, các môn đệ lòng
đây hoan hỷ và không ngớt tụng ca Thiên Chúa: cuộc
chia ly trở nên dấu chỉ cho sự hiện diện của
Chúa Kytô bên cạnh các môn đệ.
Biến cố Thăng Thiên không
chỉ cho thấy công trình cứu chuộc như lời
Kinh thánh loan báo đã hoàn thành mà còn là thời điểm làm
cho tất cả mọi người nhận ra những lầm
lỗi của mình, ăn năn sám hối để hưởng
nhờ ơn tha thứ của Thiên Chúa; biến cố Thăng
Thiên không chỉ là lúc Chúa Kytô Phục sinh trao trách nhiệm
rao giảng cho các môn đệ mà còn là thời điểm
đánh dấu những hoạt động truyền giáo
cho muôn dân của các ông sau này; biến cố Thăng Thiên
không chỉ là một lời hứa, một lời chúc phúc
nhưng còn là một sự hiện diện, một sức
mạnh của Chúa Kytô làm cho các môn đệ hoan hỷ,
không ngớt lời tụng ca Thiên Chúa và giúp các ông trở
nên can đảm và nhiệt huyết hơn trong sứ vụ
chứng nhân Tin mừng.
Ước gì tâm tình của ngày lễ
Thăng Thiên giúp mỗi người chúng ta thêm lòng tin tưởng
vào sự hiện diện cách vô hình của Đấng Phục
sinh để rồi như các môn đệ xưa, cuộc
sống của chúng ta là những chuỗi ngày đầy ắp
niềm vui trong Chúa, lời cầu nguyện và tạ ơn
của chúng ta sẽ hoà nhập với lời cầu nguyện
và tạ ơn của các môn đệ để rồi
theo chân các ngài, chúng ta ra đi dấn thân cho công cuộc truyền
giáo như lòng Chúa hằng ước mong.
|