Nhân cách và biểu hiện
Lm. Minh Anh
chuyển ngữ
Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Chỉ dẫn:
Tốt nhất, các
câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một
hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.
Lưu ý:
Các chuyện kể
trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác
nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được
ưa chuộng của dòng đời nhân loại.
Những gì tác
giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của
tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công
trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.
LTS. Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN
chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5
đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.
Chủ đề : Các “Thánh”
152. Nhân cách và biểu hiện
Ressen là một
thầy chùa, cũng là một nghệ nhân rất tài năng. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu vẽ
bất kỳ bức tranh nào, anh luôn đòi tiền trước và giá thì cắt cổ. Vì thế, người
ta gọi anh là Thầy Tu Tham Lam.
Có lần, một
vũ nữ tìm đến anh, nhờ vẽ một bức tranh. Gessen bảo, “Cô sẽ trả tôi bao
nhiêu?”. Tình cờ lúc đó, cô gái đang tiếp một khách quen. Cô đáp, “Bất kỳ giá
nào anh yêu cầu. Nhưng bức tranh phải được hoàn thành ngay bây giờ trước mặt
tôi”.
Gessen tra
tay làm việc ngay lập tức và khi bức tranh hoàn tất, anh đòi cái giá cao nhất
từ trước đến nay. Vũ nữ trả tiền cho anh, cô nói với khách hàng của mình,
“Người này được cho là một thầy tu. Nhưng tất cả những gì anh nghĩ tới chỉ là
tiền. Tài năng của anh ta thì tuyệt, nhưng anh ta có một đầu óc bệnh hoạn, tham
tiền. Làm sao người ta có thể trưng bày bức tranh của một người đàn ông bệnh
hoạn, tham tiền như thế? Tác phẩm của anh ta chỉ đủ tốt cho đồ lót của tôi!”.
Nói xong câu
đó cô ném cho anh một chiếc váy ngắn và yêu cầu anh vẽ một bức tranh trên đó.
Gessen đặt câu hỏi thông thường trước khi bắt tay vào việc, “Cô sẽ trả tôi bao
nhiêu?”, “Ồ, bất kỳ giá nào anh yêu cầu”, cô gái đáp. Gessen ra giá, vẽ tranh,
trơ trẽn đút tiền vào túi và bỏ đi.
Nhiều năm
sau, hoàn toàn tình cờ, có ai đó tìm ra nguyên nhân vì sao Gessen tham tiền đến
thế.
Nạn đói khốc
liệt thường xảy ra ở quê nhà. Người giàu chẳng làm gì để giúp người nghèo đang
khi Gessen lại xây những kho thóc bí mật trong vùng và đổ đầy thóc để phòng khi
cần kíp. Không ai biết thóc từ đâu ra và ai là ân nhân của dân làng.
Một lý do
khác tại sao Gessen tham tiền là con đường từ làng lên thành phố dài hàng dặm.
Con đường xấu đến nỗi xe bò cũng không thể di chuyển. Điều này gây đau đớn cho
người già và người bệnh khi họ cần lên thành phố. Vì thế Gessen thuê người sửa
đường.
Lý do cuối
cùng là ngôi nhà nguyện mà thầy của Gessen luôn ước ao xây nhưng lực bất tòng
tâm. Gessen xây nhà nguyện này như một biểu hiện của lòng biết ơn vị thầy đáng
kính của mình.
Sau khi Thầy
Tu Tham Lam đã sửa đường, xây nhà nguyện và các kho thóc, ông vứt bút cọ, tỉnh
dưỡng trên núi với đời chiêm niệm và không bao giờ vẽ thêm một bức tranh nào.
Nhân cách của
một con người thường biểu lộ những gì mà người quan sát tưởng tượng ra.
ڰ
153. Nhà thổ
Hai công nhân
Ái Nhĩ Lan đang làm việc trên con đường bên ngoài một nhà thổ.
Bấy giờ, một
mục sư Tin Lành tiến đến, kéo mũ xuống, đi vào tòa nhà. Pat bảo Mike, “Anh có
thấy không? Chúng ta có thể trông mong điều gì? Ông ta chẳng phải là Tin Lành
sao?”.
Ngay sau đó
là một giáo sĩ Do Thái. Ông kéo cổ áo của mình lên và cũng đi vào. Pat nói,
“Kinh khủng biết bao tấm gương mà một lãnh đạo tôn giáo nêu cho dân mình!”.
Cuối cùng,
một linh mục công giáo đi qua. Ông trùm chiếc áo choàng quanh đầu và lẻn vào.
Pat nói, “Mike, một trong các cô gái đã bị ốm nặng quả là điều kinh khủng phải
không?”.
ڰ
154. Ngôn từ của giám mục
Ngày kia,
hướng dẫn viên của một người đàn ông câu cá ở miền núi phía bắc kể cho ông nghe
những câu chuyện về vị giám mục mà anh hướng dẫn mùa hè năm trước.
“Vâng”, anh
kể, “ngài là một người tốt, ngoại trừ ngôn từ của ngài”.
“Anh nói giám
mục chửi thề sao?” ông hỏi.
“Ồ, nhưng
thưa ông, dĩ nhiên rồi”, hướng dẫn viên đáp. “Câu được một con cá hồi, ngay khi
ngài sắp nhấc nó lên, thì con cá vuột khỏi lưỡi câu. Vì thế, tôi thưa với giám
mục, ‘Mẹ kiếp!’, và giám mục nhìn thẳng vào tôi và nói, ‘Ồ, đúng thế!’ nhưng đó
là lần duy nhất tôi nghe giám mục dùng thứ ngôn ngữ đó”.
ڰ
155. Dễ tính và cáu kỉnh
Vào thời Minh
Trị Thiên Hoàng, có hai giáo sư nổi tiếng sống ở Tokyo rất khác biệt nhau. Unsho, giáo sư trường Shingon,
một người tỉ mỉ tuân giữ mọi giáo huấn của Phật. Ông thức dậy trước bình minh,
nghỉ khi trời vừa xế, không ăn gì sau khi mặt trời lên tới ngọn và không uống
thức gì có cồn.
Người khác,
Tanzan, là giáo sư triết tại học viện Hoàng Gia Tokyo, còn gọi là Todai. Ông
không tuân giữ giáo huấn nào, ông ăn khi cảm thấy thèm và ngủ suốt ngày.
Ngày kia,
Unsho thăm Tanzan, thấy ông đang chè chén. Quả là bê bối vì một tín đồ Phật
Giáo thì không được nếm ngay cả một giọt rượu.
“Chào ông
bạn”, Tanzan hô lên. “Mời ông vào và dùng với tôi một chén”.
Unsho cảm
thấy nhục. Nhưng cầm mình, ông nói, “Tôi không bao giờ uống”.
“Ai không
uống thì chắc không phải là người”, Tanzan bảo.
Lần này,
Unsho nổi giận. “Ông muốn nói tôi không phải là người vì tôi không chạm đến
điều mà Phật rõ ràng đã cấm sao? Nếu tôi không phải là người, thế tôi là gì?”.
“Là Phật”,
Tanzan vui vẻ đáp.
Cách chết của
Tanzan thì bình thường như cách sống của ông. Vào ngày cuối đời, ông viết sáu
mươi bưu thiếp, mỗi tấm đều có nội dung:
Tôi đang rời
xa thế giới này
Đây là lời
công bố cuối cùng của tôi.
Tanzan.
27 tháng 7,
1892
Ông nhờ một
người bạn gửi những bưu thiếp này rồi lặng lẽ tắt hơi.
Đạo sĩ Junaid
de Bagdad nói: “Kẻ nuông chiều xác thịt mà dễ tính vẫn tốt hơn vị thánh cáu kỉnh”.
ڰ
156. Người lượm thuỷ tinh
Một gia đình
năm người đang nghỉ ở bãi biển. Bọn trẻ đang tắm và xây những lâu đài cát đang
khi ở đằng xa, một phụ nữ cao niên nhỏ nhắn xuất hiện. Mái tóc râm của bà bay
trong gió, áo quần thì dơ dáy và rách rưới. Bà đang lẩm bẩm điều gì với chính
mình khi cúi nhặt rác rến từ bãi biển bỏ vào túi xách.
Cha mẹ gọi
bọn trẻ lại và bảo chúng tránh xa bà lão. Khi bà đi ngang qua, thỉnh thoảng cúi
xuống để nhặt đồ, bà cười chào gia đình. Nhưng lời chào của bà không được đáp
lại.
Nhiều tuần
sau, họ mới biết bà cụ nhỏ nhắn ấy đã tự nguyện hiến cả đời mình để nhặt những
mảnh thủy tinh từ bãi biển kẻo sợ bọn trẻ bị đứt chân.
|