Bình an
Trên những
chuyến xe buýt, các bến xe… người ta thường thấy
những hàng chữ “chúc quý khách thượng lộ bình an”,
người tài xế Công giáo treo hình Đức Mẹ trên
xe có kèm theo hàng chữ “Nữ Vương ban sự bình an”. Người
tài xế Phật giáo treo hình Đức Phật, dù có hay
không có hàng chữ nào, trong lòng họ vẫn cầu mong
Đức Phật ban bình an.
Những vấn
đề vừa nêu trên cho thấy bình an luôn luôn là nhu cầu
thiết yếu của con người dù không nói ra. Có nhu cầu
bình an tất nhiên cũng cần phải kiếm nơi cung
cấp nhu cầu bình an.
Vấn
đề được đặt ra là những ai đứng
ra cung cấp nhu cầu bình an, cung cấp như thế nào
và liệu có thực sự đem lại bình an cho thân chủ
hay không?
Nếu chỉ
dựa trên qui luật “cung cầu”, bất cứ ai cũng
có thể có được bình an miễn là có tiền, chỉ
cần bỏ tiền ra thuê một vài vệ sĩ ở
các “công ty dịch vụ vệ sĩ” là có thể có bình an. Bình
an theo cách này chẳng khác nào lời Đức Giêsu nói trong
bài Tin Mừng “bình an thế gian ban tặng”. Bình an dựa trên
qui luật cung – cầu có thực sự bình an không?
Trong tháng 1-
2001 tổng thống Kabila của cộng hòa dân chủ Công-gô,
dù được bảo vệ, canh phòng rất cẩn thận,
nhưng ông vẫn bị ám sát; người ám sát ông không phải
ai xa lạ hay tổ chức chính trị đối lập,
mà chính cận vệ thân tín của ông, người có nhiệm
vụ bảo vệ ông và luôn sát cánh bên ông.
Điều
này càng cho thấy sự bình an dựa trên qui luật cung cầu,
quy luật mua bán trao đổi hay nói theo lời của
Đức Giêsu “bình an thế gian ban tặng” xem ra chẳng
có gì bảo đảm, nói không sai là rất mong manh. Rốt
cuộc bình an luôn là ước mơ, nhu cầu sống còn
của con người.
Vẫn biết
bình an là nhu cầu sống còn của con người,
nhưng cách thức ban bình an của Đức Giêsu trái
ngược hoàn toàn với cách thức của con người,
bình an trong những tình huống bất an.
Trong khi người
đời cần phải có phương tiện bên ngoài, tỷ
như có vệ sĩ bảo vệ… mới được
bình an. Đức Giêsu hứa ban một thứ bình an
như lời Ngài khẳng định “… không như thế
gian ban”. Bình an Đức Giêsu không có gì bảo đảm
bên ngoài mà chỉ dựa vào lời hứa của Đức
Giêsu “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… anh em đừng
xao xuyến, đừng sợ hãi”. Đây mới là sự
khác biệt cơ bản giữa bình an “thế gian ban tặng”
và “bình an Đức Giêsu ban tặng”.
Thật vậy,
bài Tin Mừng cho thấy một bối cảnh thật xúc
động, Thầy Giêsu chuẩn bị chia tay với các
môn đệ. Trước đó các sách Tin Mừng và Công vụ
Tông đồ thuật lại mỗi lần Đức
Giêsu hiện đến đều thấy các môn đệ
hội họp trong nhà, còn cửa vẫn đóng kín vì sợ
người Do thái. Khi Đức Giêsu hiện diện, sự
sợ hãi của các môn đệ cũng tan biến và ngược
lại.
Như thế,
nguyên nhân khiến các ông sợ hãi là không thấy sự hiện
diện bằng thể lý của Đức Giêsu. Chính trong
lúc không còn gì để bám víu, để lệ thuộc, mà
chỉ tin vào lời hứa của Đức Giêsu: “Thầy
ra đi và đến cùng anh em”, Thầy ban bình an của Thầy
cho anh em”, lúc đó các ông mới cảm nhận sự bình
an Đức Giêsu ban cho. Nói như Phaolô “Bình an của Thiên
Chúa là bình an không ai hiểu thấu”. Bình an Đức Giêsu
ban bất chấp sự đe dọa bên ngoài. Bình an Đức
Giêsu ban không có gì khoa trương bên ngoài rất âm thầm,
sâu lắng nhưng rất mãnh liệt… làm cho chúng ta bình an
thật sự dù có bị tối tăm vây quanh, dù có bị
sóng gió cuộc đời quật ngã ta vẫn không bị
tiêu diệt… cũng chính Phaolô đã nói lên kinh nghiệm
xương máu của ông trong các cuộc hành trình truyền
giáo “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị
đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị
ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị
quật ngã nhưng không tiêu diệt”. Đơn giản vì
Phaolô luôn mang trong mình lời hứa bình an của Đức
Giêsu. Bình an Đức Giêsu hứa ban không chỉ dành riêng
cho các môn đệ mà còn cho tất cả những người
tin vào Đức Giêsu – các Kitô hữu. Vậy làm thế nào
để có được sự bình an này?
Đứng
trước những thách đố, sóng gió trong đời
sống gia đình, tỷ như thiếu gạo, tiền
đóng học cho con, tiền điện nước… ta chỉ
ngồi đó than thân trách phận, “đóng cửa” lại
như các môn đệ để tìm bình an sao? Đó không phải
là bình an của Đức Giêsu, bình an của Đức
Giêsu là “bung ra”, làm ăn chân chính, làm hết sức mình để
lo cho gia đình dù kết quả không như mong muốn, ta
vẫn thấy sự bình an của Đức Giêsu hiện
diện. Sự bình an của Đức Giêsu được
thể hiện bằng tiếng cười, niềm vui
trong gia đình, đôi khi ta không nhận ra.
Hoặc là
đứng trước những chọn lựa sống, sống
không ngay thẳng trong làm ăn buôn bán làm ta giàu hơn, còn sống
trung thực đôi khi lại làm ta mất đi những
món lợi lớn. Bình an của Đức Giêsu ở
đây chính là sự thật. Ta cảm thấy bình an khi mình
sống ngay thẳng, sống theo sự thật. Thiết tưởng
thước đo để xét xem ta có sự bình an của
Đức Giêsu hay không đã nằm sẵn trong bài Tin Mừng
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.
Một vị
ẩn sĩ già có hai môn sinh, ông hướng dẫn họ sống
lời Chúa, sau một thời gian người thứ nhất
cảm thấy vui tươi hạnh phúc, đường
tu trì có nhiều tiến bộ, còn người thứ hai luôn
buồn bực và nhăn nhó. Khi được hỏi lý
do, người thứ nhất trả lời: “Con giữ lời
Chúa dạy vì con yêu mến Chúa” và sự bình an của Đức
Giêsu ở trong anh. Còn người thứ hai cho biết:
“Con giữ lời Chúa dạy vì thầy dạy phải giữ
như vậy”, thật ra anh không có lòng yêu mến. Sau một
thời gian ngắn người thứ hai bỏ vị ẩn
sĩ già để ra đi, vì anh không có được sự
bình an trong đường tu trì.
Lời hứa
ban bình an của Đức Giêsu là lời bảo đảm
chắc chắn nhất cho những ai tin tưởng vào
Ngài. Xin cho sự bình an của Đức Giêsu luôn ngự trị
trong tâm hồn chúng ta.
|