Yêu thương
Tình yêu là gì? Nó có phải là thứ mà tất cả
chúng ta đều khao khát không? Điều
chắc chắn rằng mỗi chúng ta ai cũng muốn yêu
và được yêu. Vì thế, tình yêu trở
nên một đề tài muôn thuở, nhất là vào thời
bây giờ, nó là một mặt hàng đắt khách. Tình
yêu xuất hiện trên sách vở, báo chí, phim ảnh, mọi
ngành nghệ thuật những bản tình ca, tạp chí
chuyên đề về tình yêu vẫn thu
hút mọi người. Có vẻ như tình yêu
hiện diện khắp nơi và chi phối đời sống
nhân loại. Thế nhưng sự thật
lại khác hẳn. Con người hôm nay đã dùng
chính sức mạnh để triệt tiêu lẫn nhau thay
vì phải dùng chính nó để kiến tạo nên hoà bình và yêu thương.
Sức mạnh đích thực của
con người không nằm trong khả năng chinh phục
hay đàn áp kẻ khác để chứng tỏ quyền lực
của một kẻ mạnh trên một kẻ yếu, mà
chính là trong khả năng có thể chế ngự
được chính mình, vượt thắng sự ích kỷ
để hiến mình cho tha nhân. Đó là
điều mà Chúa Giêsu đã thể hiện qua cuộc sống
và nhất là qua cái chết của Ngài. Chúa
Giêsu đã chứng tỏ sức mạnh vô biên của tình
yêu. Vì thế, Ngài mới có thể để lại
cho chúng ta một điều răn mới như một lời
di chúc: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới
là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em”.
Yêu thương nhau là điều răn
mới của Chúa Giêsu. Tại sao mới?
Mới ở chỗ nào? Từ ngàn
xưa, văn hoá Á Đông từng nêu câu châm
ngôn: “Tứ hải giai huynh đệ” (bốn bể là anh
em) và đạo lý cha ông cũng răn dạy:
“Thương người như thể thương thân”.
Luật Cựu ước cũng thừa nhận luật
tự nhiên đó khi dạy: “phải yêu người thân cận
như chính mình”. Người thân cận ở
đây đối với người Do thái chỉ là anh em
bà con ruột thịt không phải là tất cả mọi
người. Điều răn này đối với
Kitô hữu hôm nay vẫn là điều quan trọng nhất
mà họ phải giữ khi sống với tha nhân. Nhưng
với Chúa Giêsu, “yêu thương nhau” là điều răn mới,
nó mới bởi vì:
Trước hết, đối tượng
của tình yêu thương là tất cả mọi người,
không loại trừ ai kể cả kẻ thù nữa, không
phân biệt chủng tộc, màu da, tiếng nói và tôn giáo. Đó là nét đặc thù của điều
răn này. Tiếp theo, nó còn mới ở
chỗ có tính đòi hỏi hơn, vì dựa trên một tiêu
chuẩn cao hơn, tiêu chuẩn của tình yêu thương
là chính tình yêu của Thiên Chúa. Luật Cựu ước dạy:
“Hãy yêu người thân cận như chính mình” tức là lấy
bản thân mình làm tiêu chuẩn. Còn Chúa Giêsu dạy
phải yêu thương như Ngài đã yêu thương
chúng ta, tức là phải lấy tình yêu của Chúa làm tiêu
chuẩn, làm kiểu mẫu cho tình yêu của chúng ta. Ngài yêu ta đến nỗi tự ý nộp mình chịu
chết vì ta. Sau hết, điều răn này
được coi là mới, vì nó gắn liền với
giao ước mới, giao ước đã được
thiết lập trong Máu Đức Giêsu. Đây không phải
là điều răn được khắc trên bia đá, nhưng được ghi vào tâm hồn
các Kitô hữu do tác động của Chúa Thánh Thần.
Như vậy, điều răn “yêu thương” chỉ
thực sự là mới khi mỗi Kitô hữu phải yêu
thương người như Chúa yêu.
Sự thật yêu người như
chính mình đã khó, nhưng yêu người như Chúa yêu lại
càng khó hơn. Vì thế khoảng cách vẫn còn đó từ chỗ
biết đến chỗ sống. Chúng ta vẫn thích
lấy lòng mình làm thước đo tình yêu dành cho tha nhân –
người ta đối xử với tôi thế nào, tôi
đối xử lại như vậy. Yêu
người chỉ vì người đó xinh đẹp, dễ
thương để cuối cùng cũng chỉ là tình yêu
vụ lợi, chiếm đoạt cho riêng mình. Một
tình yêu như thế thì không thể bước qua
được mọi cản trở của tình yêu: vong ân,
báo oán nhưng có thể vượt qua nếu yêu bằng
tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa.
Gandhi, một vị cha già của dân tộc
An Độ đã vĩnh viễn nằm
xuống sau nhát gươm của một thanh niên quá khích,
vì anh ta không thể chấp nhận sự kiện vị
cha già ấy bày tỏ lòng quảng đại yêu
thương ngay cả những người Hồi giáo.
Hàng triệu người An Độ
than khóc, để tang vì dân tộc đã mất đi một
con người vĩ đại, trường kỳ lãnh
đạo cuộc đấu tranh giành độc lập
cho tổ quốc mà không hề dùng đến khí giới của
bạo động và hận thù.
Cũng thế, mẹ Têrêxa đã dùng
chính khí giới của tình thương để cho những
người không nhà không cửa, những mảnh đời
đang hấp hối nơi đầu đường xó
chợ được sống và chết như những
con người. Vì sống yêu thương, mẹ Têrêxa đã cảm
nhận được cõi thẳm sâu niềm khao khát
được yêu thương của người bất
hạnh. Mẹ kể “Khi ở Luân
Đôn, tôi có dịp đến thăm những người
vô gia cư mà các nữ tu của chúng tôi săn sóc tại một
trung tâm phân phát thức ăn. Một người
đàn ông nọ, mà nơi cư trú là một thùng giấy cứng,
cầm lấy tay tôi rồi nói: “Đã lâu
lắm rồi tôi mới cảm nhận được
hơi ấm của một bàn tay”. Mẹ nói
tiếp, yêu thương không phải là thương hại.
Điều quan trọng không phải là tiền,
của cải, mà hãy đưa bàn tay ra
ngồi bên cạnh họ, tiếp xúc diện đối diện.
Những mẫu gương trên đây
là những phản ảnh của một tình yêu trọn vẹn
hơn, đó là tình yêu đi bước trước, hoàn
toàn phục vụ trong khiêm tốn và chịu chết cho
người mình yêu của Đức Giêsu. Vì thế bác ái đích thực chỉ
có một kiểu mẫu chính là Ngài: mỗi Kitô hữu hãy sống
cho tình yêu đó: Yêu thương như Chúa yêu thương.
Nếu có ai trong chúng ta đang nhiệt tình trong các công việc
từ thiện, phân phát cho đi một cái gì, hăng say hoạt
động rao giảng hoặc đảm nhận việc
này, việc khác… điều đó rất tốt nhưng
chúng chỉ có ý nghĩa đích thực và bác ái Kitô giáo khi
chúng ta làm chỉ vì yêu thương mà thôi, chứ không vì những
gì có thể nhận lại, thi hành mọi việc phải
làm với lòng tự nguyện, bằng một tinh thần
hy sinh và lòng quảng đại vì những va chạm, bất
đồng ý kiến là điều không thể tránh khỏi:
mọi thành kiến, hận thù và lòng ganh tị là những
thứ cản trở cho tinh thần hợp tác trong cộng
đoàn giáo xứ, gia đình, đoàn thể… Đồng
thời làm phân hoá, đổ vỡ tình yêu
thương và bác ái đối với nhau.
Hãy tha thứ cho nhau vì những thiếu
sót hạn chế nơi mỗi người là điều
kiện để có thể đến gần nhau hơn, sống
hiệp nhất vì Chúa đã yêu ta qua mầu nhiệm Nhập
thể, sống quên mình quan tâm đến tha nhân vì Đức
Kitô đã hiến mình cho nhân loại và phải trở nên sức
sống cho người khác sẵn sàng phục vụ vì Chúa
đã yêu ta qua Bí tích Thánh Thể.
Tóm lại: Điều răn mới của
Chúa Giêsu là “Anh em hãy yêu thương nhau như Ngài yêu
thương”. Quả thật, một tình yêu
có ranh giới là yêu thương không có ranh giới, nghĩa
là không chỉ cho đồng bào ruột thịt, mà là cho mọi
người hết thảy.
Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta
luôn biết sống trọn vẹn điều răn yêu
thương. Điều đó sẽ trở
nên dấu chỉ cho một tình yêu Kitô giáo đích thực.
|