Chúa hiện ra gần biển Tibêria – R. Veritas
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng
Ngày’)
Trong số các Giám Mục nổi tiếng
can đảm của Giáo Hội Châu Mỹ La tinh, phải kể
đến Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng giám mục
Giáo phận thủ đô San Sanvador. Ngày Đức Cha còn sống,
Chúa nhật nào nhà thờ chính tòa cũng chật ních tín hữu
đến tham dự thánh lễ và nghe ngài giảng. Đức
Cha thường cho giáo dân biết tin tức liên quan đến
Giáo Hội, đến tình trạng trong nước và mạnh
mẽ lên án tình trạng bạo lực, bất công và nghèo
đói do chính quyền cũng như phe du kích gây ra cho dân
chúng. Đức tổng giám mục Romero cũng dùng đài
phát thanh để gây ý thức nơi dân chúng và thẳng thắn
tố cáo các vụ vi phạm quyền con người do các
lực lượng nói trên chủ mưu. Nhưng tiếng
nói của Đức cha không làm cho chính quyền quân đội
El Sanvador cũng như lực lượng du kích hài lòng. Sau
nhiều lần hăm dọa mà không có kết quả, những
kẻ thù ghét Đức Cha đã quyết định giết
ngài. Sáng ngày 24/03/1980 họ đã sai người ám sát Đức
tổng Giám mục Romero ngay trong nhà nguyện của bệnh
việc thủ đô, nơi Đức tổng Giám mục
hằng ngày vẫn đến dâng thánh lễ cho các nữ
tu, nhân viên y tế và bệnh nhân. Kẻ sát nhân ngồi trà
trộn trong số các tín hữu hiện diện. Không hiểu
Đức cha có linh cảm mình sắp sửa phải đổ
máu ra như hiến tế mưu cầu hòa bình cho một
dân tộc El Sanvador hay không, nhưng trong vài lời suy tư
ngắn trong Phúc Âm, Đức cha nói: "Như chủ
chăn sẵn sàng hiến mình cho đoàn chiên, Ngài cũng sẵn
sàng chết miễn là nước nhà được hòa bình
tươi sáng, nhân dân El Sanvador được sống trong
ấm no thịnh vượng". Đức Cha rời
tòa giảng tiến lên bàn thờ, thì chính lúc đó kẻ
sát nhân tiến lên rút súng bắn Ngài. Đức Tổng Giám
mục Romero gục ngã trước bàn thờ máu lênh láng chảy
và thánh lễ cuối cùng của vị chủ chăn hôm
đó đã dang dở, nhưng đã thành Thánh lễ trọn
vẹn. Vì vị chủ tế đã trở thành con chiên hiến
tế y như Chúa Giêsu trên Thập giá ngày xưa.
Đức tổng Giám mục
Romero đã chết vì đã trung thành với sứ mệnh
chủ chăn của Ngài: "Thà vâng lời Thiên Chúa còn
hơn vâng lời người ta". Cái chết tử
đạo của Đức cha giúp chúng ta hiểu sứ
điệp Lời Chúa trong Phụng Vụ Chúa Nhật III
mùa Phục Sinh hôm nay.
Sách Tông đồ công vụ
là cuốn sách kể lại lịch sử thời giáo hội
sơ khai, trong đó, nét nổi bật nhất của Giáo
hội thời đó là thực tại Kitô hữu bị
bách hại. Cũng như Chúa Giêsu đã bị khước
từ và bị bắt bớ trong lúc rao truyền Tin Mừng
cứu độ thế nào, thì giờ đây cộng
đoàn Kitô hữu tiên khởi cũng bị bắt bớ
như vậy.
Tin Mừng mà các tông
đồ vâng lệnh Chúa Giêsu tiếp tục rao giảng
được dân chúng đón nhận như bị giới
lãnh đạo khước từ, đặc biệt là giới
lãnh đạo tôn giáo. Ngay từ đầu, các tông đồ
đã ý thức được rằng khi các nhà lãnh đạo
chống đối lời rao giảng là họ đã chống
đối chính Thiên Chúa và chương trình của Ngài, chứ
không phải chỉ chống lại các tông đồ, vì các
tông đồ chỉ là dụng cụ loan báo Tin Mừng cứu
độ. Nói cách khác, mọi cuộc bách hại Kitô hữu
đều bắt nguồn từ thái độ thù ghét Thiên
Chúa và chống lại chương trình cứu độ của
Ngài. Chương trình mà chính Chúa Giêsu Kitô đã thành toàn qua cuộc
tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Nhiều người
Do thái dù rất đạo đức và chân thành cũng
không chấp nhận Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài. Đối
với họ, Chúa Giêsu đã không sống theo luật Môisê
và giáo huấn của Kinh Thánh, vì thế họ cần phải
thủ tiêu Ngài. Nhân danh các luật lệ và giáo huấn, giới
tư tế đã cấm các tông đồ phổ biến
sứ điệp của Chúa Giêsu. Nhưng lời rao giảng
của các tông đồ có mục đích giúp mọi người
hiểu rằng: "Giáo huấn Kinh Thánh dẫn đưa
con người đến chỗ gặp gỡ Chúa Giêsu,
Đấng đã thành toàn chương trình cứu độ".
Tin Mừng của Chúa
Giêsu tiếp tục Kinh Thánh Cựu Ước Do Thái, vì thế
mọi người phải vâng lời Thiên Chúa, Đấng
đã nói qua các ngôn sứ và sau cùng qua Đức Giêsu, Đấng
đã hứa trao ban ơn tha tội và ơn cứu rỗi
cho con người, Đấng đã từng bước
trong lòng lịch sử dân Do Thái, và sau cùng trong bản tính
nhân loại của Đức Giêsu thành Nazareth, nghĩa là phải
vâng lời Thiên Chúa của toàn Kinh Thánh và trở về với
Ngài chứ không phải là chiều theo ý muốn của giới
lãnh đạo trần gian.
Áp dụng vào trong cuộc
sống thường ngày, qua chương 5 sách Tông đồ
Công vụ, Thiên Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta điều
này: Ngài cần đến các nhân chứng biết vâng lời
bằng thái độ không vâng theo giới lãnh đạo trần
gian dối trá, tham lam và ác độc. Bằng cách biết
nói "không" với các đề nghị và dàn xếp
đổi chác của họ, biết cương quyết
nói "không" trước những ve vuốt, tâng bốc
hứa hẹn, lợi lộc và cạm bẫy họ
giăng để biến đổi Tin Mừng trở
thành dụng cụ phục vụ họ và vô hiệu hóa
giáo huấn của Chúa. Thiên Chúa muốn Kitô hữu sống
vâng lời bằng cách cương quyết chống lại
tất cả những gì đe dọa sự sống, phẩm
giá, tự do và tính chất thánh thiêng của con người.
Thiên Chúa muốn Kitô hữu sống vâng lời Ngài bằng
cách nói "không" với tất cả những gì nghịch
với luật Chúa và lương tâm của mình. Cho dù tiếng
"không" ấy được cất lên mà có phải
thất bại và thiệt hại trong cuộc sống
đi nữa, thì họ vẫn cương quyết giữ
vững lập trường để bảo vệ giáo huấn
Tin Mừng của Ngài. Chỉ khi nào người tín hữu
Kitô biết sống như thế thì họ mới diễn
tả trung thực lòng tin của mình vào Chúa Kitô Phục Sinh
mà họ tôn vinh và cử hành trong Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật
trong năm.
Cũng giống như
kinh nghiệm của tác giả sách Khải Huyền trong
chương 5, "chính trong bầu khí Phụng Vụ Chúa
Nhật, chính lúc tụ họp nhau lắng nghe Lời Chúa và
cử hành Thánh Thể mà Kitô hữu sẽ được sống
kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phục
Sinh và bối cảnh cuộc sống thần thiêng vĩnh
cửu mai sau.
Nói một cách khác, các buổi
cử hành Phụng Vụ Thánh Thể rất quan trọng
trong đời sống đức tin của người
tín hữu Kitô vì đó là suối nguồn ân thánh giúp vun trồng
đồng cỏ cuộc sống thiêng liêng và ba loài hoa quí
là tin cậy mến. Nếu không ý thức được sự
thật tuyệt vời này, Kitô hữu sẽ không bao giờ
sống Phụng Vụ một cách trọn vẹn. Mỗi
một Kitô hữu, mỗi một cộng đoàn Kitô hữu
không sống các thực tại nhiệm mầu của Phụng
vụ một cách trọn vẹn và sâu thẳm thì sớm muộn
cũng trở thành thờ ơ bất động, tê liệt
và nguội lạnh. Mà nguội lạnh là sắp chết nếu
không nói là đang chết hay đã chết như một cái
xác không hồn bất động. Nếu không biết ý thức
và cảnh tỉnh, người Kitô hữu rất dễ trở
thành những cái xác nguội lạnh không hồn và sẽ là
những bộ phận ung thối rữa nát trong thân mình
Giáo Hội.
Chương 21, thánh Gioan
đã tường thuật biến cố Chúa Kitô Phục
Sinh hiện ra với các tông đồ và can thiệp giúp các
ông đánh được mẻ cá lớn sau một đêm
lao nhọc mỏi mệt mà chẳng bắt được
gì. Qua đó, thánh sử muốn nhắn nhủ chúng ta những
điều sau đây:
1. Nếu không muốn lao nhọc một cách
vô ích trong công việc làm và cuộc sống mình, chúng ta hãy
đến với Chúa Giêsu Phục Sinh để Ngài hoạt
động, hiện diện và hướng dẫn chỉ
vẽ cho chúng ta trong mọi sự: nghĩa là biết vâng lời
Đức Kitô Phục Sinh quẳng lưới phía bên phải.
Trong truyền thống Kinh Thánh, bên phải là phía của
phúc lành. Rất tiếc trong cuộc sống chúng ta lại
thường cứng đầu cứng cổ, quẳng
lưới bên trái là phía của án phạt và chúc dữ.
2. Chúng ta hãy biết noi gương Chúa Giêsu
Phục Sinh duy trì chiều kích nhân bản của cuộc sống.
Phúc âm thánh Gioan là Phúc âm thiêng
liêng kết thúc với hình ảnh Chúa Giêsu Phục Sinh sửa
soạn bữa ăn sáng cho các tông đồ trên bờ hồ
Tibêria chứng minh cho thấy tất cả chiều kích
nhân bản trong kiểu cách sống của Chúa Giêsu. Đức
Giêsu thành Nazareth trước kia và Chúa Giêsu Phục Sinh giờ
đây vẫn là một. Ngài chuyện vãn đối thoại
với các tông đồ. Ngài chú ý đến công việc
làm, các sinh hoạt, các vấn đề khó khăn của họ
và ngồi ăn với họ.
Mầu nhiệm Nhập Thể dạy
cho chúng ta biết rằng đức tin của chúng ta sẽ
không vững chắc nếu không được xây trên chiều
kích nhân bản với tất cả cái phong phú tuyệt diệu
của nó.
Khi còn sống và rao giảng Tin Mừng,
Chúa Giêsu đã luôn luôn yêu thương bênh vực những
người nghèo hèn, bé nhỏ bị gạt ra lề xã hội.
Giờ đây, khi trao ban cho Phêrô chăn dắt chiên con, chiên
mẹ, biểu tượng cho lớp người yếu
đuối, khiêm tốn, bé nhỏ, Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh
vẫn tiếp tục đường hướng mục
vụ ấy và muốn Giáo hội tiến bước trên
con đường này.
3. Trong sứ
mệnh phục vụ này, cường độ của
tình yêu thường là điểm qui chiếu và thước
đo duy nhất. Càng yêu mến Chúa Giêsu Kitô nhiều bao
nhiêu thì công tác phục vụ của Phêrô càng trung thực với
tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô và càng hữu hiệu
bấy nhiêu.
Vấn đề ở đây không phải
là khả năng trí thức, học cao biết rộng, mà
là biết yêu mến nhiều nhất, yêu thương nhiều
hơn hết đó là tước hiệu duy nhất có giá
trị biện minh cho quyền bính cai trị, nghĩa là phục
vụ trong Giáo hội.
4. Tinh thần sẵn sàng theo Chúa Giêsu Kitô
không phải để bước đi trên con đường
danh vọng có nhiều đặc quyền đặc lợi,
được người đời ca tụng kính nể,
mà là để bước đi trên con đường Thập
Giá khổ đau dẫn đến cái chết Phục Sinh.
|