Niềm
vui Phục Sinh.
Niềm vui mà các tông đồ cảm
nghiệm được trong ngày Phục sinh hẳn phải
lớn lao biết bao. Câu chuyện sau
đây sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào
cảm hứng nơi niềm vui của họ:
Trong thế
chiến thứ nhất, một người Nga Cô-dắc
có hai cậu con trai tên Peter và Gregory. Ngày kia, ông nhận được một lá
thư từ tiền tuyến. Vì không biết đọc,
nên ông đã đưa cho cô con gái. Đó là lá thư
từ viên sĩ quan chỉ huy của Gregory, được
mở đầu như sau: “Tôi rất tiếc khi báo tin cho
ông biết rằng cậu con trai của ông là Gregory đã bị
tử nạn trong khi thi hành công vụ vào ngày 10 tháng 7.
Gregory là một anh lính xuất sắc, và đã chết một
cái chết anh dũng. Ông có đủ lý do để tự
hào về anh ấy…”
Tin này gây
ra hậu quả ngay tức khắc và hoảng hốt
đối với người cha. Dường như ông bị suy kiệt một
cách rõ rệt. Chỉ trong khoảng vài ngày, ông già hẳn
đi, gần như trong một đêm, mái tóc của ông
đã ngả màu bạc. Trí nhớ của ông bắt đầu
xuống dốc, và thậm chí trí khôn của ông cũng bị
ảnh hưởng. Ông bắt đầu uống
nhiều rượu.
Ông đặt
lá thư đó bên dưới tượng
thánh trong nhà bếp. Mỗi ngày, ông đều lấy lá thư đó ra, và yêu cầu cô con gái của
ông đọc lại. Nhưng ngay khi cô bắt đầu
đọc “Tôi rất tiếc khi báo tin cho ông rằng…” thì
ông liền lấy lá thư đó lại
và cất đi. Sau khi vị linh mục ở địa
phương dâng thánh lễ cầu hồn cho con trai ông, thì
ông cảm thấy hơi khá hơn.
Mười
hai ngày qua đi trong tình trạng đó. Đến
ngày thứ mười ba, một lá thư
thứ hai gửi về từ tiền tuyến. Lá thư này nói rằng con trai của ông chưa
chết! Anh chỉ bị thương, và bị bỏ mặc
cho chết ở trên chiến trường. Sáng hôm sau, anh
đã bò suốt 4 dặm đường, để trở
về hàng ngũ của anh, kéo lê theo một
sĩ quan cũng bị thương. Anh đã được
phong quân hàm hạ sĩ, và được trọng thưởng
huy chương ghi nhận sự can đảm của anh.
Cho đến nay, những vết thương của anh
đã được phục hồi tại bệnh viện,
và anh sẽ sớm được trở về với gia
đình.
Khi nghe
đến đây, người cha sôi sục niềm vui, ông
chộp lấy lá thư, và đem vào
làng. Ông chặn lại bất cứ người nào ông gặp
gỡ trên đường, ép từng người đọc
lá thư đó. Ông giải thích “Con trai
tôi vẫn còn sống! Nó đã được trọng
thưởng huy chương vì lòng can đảm của nó!”.
Câu chuyện này đem đến cho
chúng ta một số ý tưởng về niềm vui mà các
môn đệ cảm nghiệm được trong lễ Phục
sinh đầu tiên. Nhưng cũng có những sự khác biệt.
Con trai của người Cô-dắc thực sự chưa
chết. Đức Giêsu đã chết. Các môn đệ đã chứng kiến tận mắt
cái chết của Người. Lúc bấy giờ, ngôi
mộ trống trơn, và họ đã thấy Đức
Giêsu vẫn sống! Tuy nhiên, chúng ta phải
ghi nhớ rằng sự sống lại không phải là trở
về với cuộc sống trần thế – Đức
Giêsu sống lại với một sự sống mới
vượt ra ngoài cái chết.
Niềm vui của họ sôi sục lên,
vì Đức Giêsu, người đứng đầu và bạn
bè của họ, đã bẻ gãy những xiềng xích của
sự chết bằng chính sức mạnh của Thiên Chúa.
Sự chết, kẻ thù cuối cùng và vĩ
đại nhất, đã bị khuất phục nơi
Người.
Niềm vui của các tông đồ
cũng có nghĩa là niềm vui của cả chúng ta nữa. Điều này không ngay tức
khắc lấy đi khỏi chúng ta nỗi sợ hãi đối
với cái chết. Bởi vì chúng ta vẫn
còn phải đi ngang qua cái chết. Nhưng
chính bằng cách đi ngang qua cái chết, mà Đức Giêsu
đã khuất phục được nó. Như vậy,
điều này cũng dành cho chúng ta, là những kẻ tin
tưởng nơi Người.
Nếu không có lễ Phục sinh, thì câu
chuyện về Đức Giêsu sẽ chỉ sáng hơn
đôi chút, so với một ánh lửa lóe lên trong đêm tối
mà thôi. Bóng tối sẽ vẫn còn có tiếng
nói sau cùng. Nhưng với sự sống
lại, chúng ta biết rằng bóng tối sẽ không có tiếng
nói sau cùng nữa. Chúng ta đừng e ngại trong việc
tắm mình trong ánh sáng rạng ngời, mà Đức Kitô sống
lại đã đưa vào thế giới bóng tối và cái
chết của chúng ta.
Chúng ta không bao giờ nên để cho bất
cứ điều gì lấy đầy nỗi buồn
nơi chúng ta, đến nỗi chúng ta quên mất niềm
vui Phục sinh, niềm vui của Đức Kitô sống lại
từ cõi chết.
|