NGÀY THÁNH (T 7 TT. C).
Các nghi lễ của chiều Thứ
Sáu Tuần Thánh khép lại. Mọi người ra về
trong thinh lặng. Giữ lòng chay tịnh và kiêng thịt
để tiếp tục tưởng niệm sự
đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu Kitô. Sự vắng
lặng bao trùm khuôn viên thánh đường thật linh
thiêng. Nhà thờ trống vắng như mồ đá. Không
có nhang đèn, hoa lá hay khăn phủ. Với khí hậu lành
lạnh vắng tanh tạo nên bầu khí thanh lặng và sầu
não. Mọi người đã chứng kiến tận mắt
mọi hình khổ của Chúa Giêsu. Thân xác nào chịu cho nổi
những lằn roi quất vào người, nhịn đói
vác thánh giá lên núi sọ, bị qụy ngã và yếu sức.
Người ta đã lột áo, xô ngửa trên thập giá và
đóng đinh chân tay vào thánh giá. Quân lính dựng thánh giá lên
và có một tên đã lấy đòng đâm cạnh
nương long của Chúa. Thế là máu cùng nước chảy
ra. Chúa gục đầu trút hơi thở. Con Thiên Chúa
đã hiến mình chịu chết. Ngài đã chết thật
và đã được mai táng trong mồ đá. Ngày ấy,
tâm tư của Đức Maria, các Tông đồ và những
người bà con lối xóm thân cận có lẽ buồn nhiều.
Họ đều trở về nhà vì hôm sau là ngày Sabát.
Các thân hữu trong gia đình
đã hạ xác, tắm rửa, xức dầu thơm và mai
táng Chúa trong mồ. Ai trong chúng ta cũng từng có những
kinh nghiệm khi phải xa cách và vĩnh biệt người
thân. Chết là bước sang một thế giới khác mà
không ai có kinh nghiệm. Mọi thành viên trong gia đình thân tộc
cùng gắn bó và chia xẻ nỗi đau. Mẹ Maria đã
xa cách người con duy nhất. Mẹ ẵm xác lạnh của
con. Mẹ nuốt vào tâm dòng nước mắt đau
thương. Mẹ không phiền trách, không to tiếng
nhưng âm thầm lãnh nhận như một hiến lễ
dâng lên Thiên Chúa Cha. Có lẽ hôm nay là ngày vắng lặng nhất
trong đời sống của mẹ Maria. Sự vắng lặng
linh thiêng trong niềm mong chờ hy vọng. Mẹ đã
luôn sống trong niềm tin yêu và phó thác. Riêng các tông đồ
thì mỗi người một hoàn cảnh. Có vị thì buồn
rầu chán nản chuẩn bị bỏ về quê. Có vị
thì bồn chồn lo sợ và đau buồn. Có vị
rơi vào bước hẫng lặng thinh. Dù trong tâm trạng
nào, các tông đồ vẫn vây quanh Đức Maria để
an ủi và được sự ủi an. Mẹ Maria
như cột trụ dẫn đàng cho các tông đồ
trong thời điểm thương đau nhất.
Dân chúng ai về nhà nấy. Phần
đông dân chúng thờ ơ như những khách bàng quan. Có lẽ
nhiều người trong họ cũng đã từng chứng
kiến những cảnh tử hình đóng đinh trên cây
như thế. Họ không quan tâm phân biệt đúng sai hay
phải trái, nhưng cứ hùa theo dư luận của
đám đông để lên án và kết án. Trách nhiệm trao
lại cho nhà cầm quyền và các vị lãnh đạo tôn
giáo. Không biết có được mấy người cảm
thông, chia sẻ và nhận ra sự thật của cuộc
hành quyết trên đồi Calvê. Phúc âm ghi lại sau khi Chúa
Giêsu trút hơi thở thì một viên sĩ quan ca tụng: Ông
này qủa thật là người công chính (Lc 23, 47). Thế
rồi mọi người từ các quan chức chính quyền,
các tử tế, luật sĩ và biệt phái cùng đoàn dân
trở về nhà. Họ nghĩ thế là mọi truyện
đã hoàn tất. Các nhà lãnh đạo đã yên tâm diệt
trừ được một người luôn làm cho họ
cảm thấy chướng tai gai mắt. Có lẽ các nhà
lãnh đạo rất hả hê khi đã giết Chúa.
Ngày Sabát, mọi
người tiếp tục nghỉ ngơi và dành thời
giờ cầu kinh, hát Thánh Vịnh và dâng tiến lễ vật
mừng lễ Vượt Qua. Đền thờ vẫn nhộn
nhịp, kẻ ra người vào và kẻ buôn người
bán. Các khách thập phương đua chen về đền
thờ dự lễ để chu toàn bổn phận của
người tín đồ. Trong dịp Lễ Vượt
Qua này, Chúa Giêsu đã chịu chết và an táng trong mồ
đá lạnh. Cửa mồ khép kín bằng tảng đá. Chúa
của vũ trụ đang an nghỉ. Giao Ước
cũ đã kết thúc. Chương trình lịch sử cứu
độ đã tới thời viên mãn. Chúa Giêsu đã hoàn tất
mọi lời các tiên tri đã loan báo về Ngài. Ngài đã
kinh qua mọi khổ đau của người Tôi Trung
được diễn tả trong sách tiên tri Isaia. Giao Ước
mới đã được ký kết bằng chính máu của
Con Chúa để cho nhiều người được
ơn tha tội. Một kỷ nguyên mới đang hé mở.
Ngày Sabát đạo cũ sắp qua và ngày thứ nhất
trong tuần ló dạng, Chúa Giêsu đã vượt qua sự
chết để bước vào sự sống mới.
Quyền lực
thế gian tìm chiến thắng người công chính bằng
cách tiêu diệt và hạ bệ. Nhiều tổ chức
chính trị xã hội nghĩ rằng họ có thể dùng bạo
lực để che lấp và chôn vùi sự công chính. Trong thế
giới hôm nay cũng còn lập lại cách hành xử bạo
loạn bất công như xưa. Lấy quyền lực và
vũ khí áp chế dân lành. Dùng thủ đoạn để
tiêu diệt những người dám lên tiếng cho công lý. Lạm
dụng tự do ngôn luận để bề hội đồng
những cá nhân hay tổ chức không cùng quan điểm hay
đi trái lề. Có nhiều bạo quyền tiếp tay
đàn áp và tước đọat những quyền lợi
căn bản của con người. Có những chủ
trương tha hóa và vong thân dẫn dắt con dân đi vào
ngõ cụt. Những người thấp cổ bé miệng
chịu thiệt thòi trong mọi lãnh vực. Cuộc sống
đạo đức xã hội bị xói mòn bởi những
chủ trương luân lý tương đối (relativism)
và dễ dãi thả trôi theo dòng. Đối với nhiều
người, các lý tưởng cao đẹp của cuộc
sống chỉ còn để ngưỡng mộ, chứ
không phải để sống.
Niềm hy vọng
cuộc sống tươi đẹp hình như dần bị
thu hẹp. Khi con người không còn muốn gieo những hạt
giống tốt, thì mong chi có hoa quả an vui hạnh phúc.
Nguyên lý nhân qủa vẫn có đó: Gieo gió thì gặt bão. Nhân
nào qủa đó. Ác giả ác báo. Đôi khi chúng ta cảm thấy
cuộc đời có qúa nhiều khổ ải và khốn
khó. Phần lớn những khốn khổ cuộc đời
là do chính chúng ta tạo nên. Chúng ta nên tìm cách hóa giải
những uẩn khúc cuộc đời để mong sao có
được sự an bình đích thực. Hãy gieo hạt
giống tốt vào tâm địa mình. Tâm địa chính là
mảnh đất của tâm hồn. Cùng gieo hạt giống
của sự yêu thương, tha thứ, quảng đại,
khiêm nhu, từ ái và chân tình. Vì khi gieo hạt giống nào,
chúng ta sẽ được gặt hoa qủa đó.
Chúa Giêsu đã tung gieo hạt giống
tin mừng khắp nơi. Nhiều hạt giống đã
rơi vào vùng đất tốt để sinh hoa kết
trái. Bất cứ hạt giống tốt nào cũng cần
phải được vun tưới, chăm sóc và bảo
vệ mới có thể sinh hoa kết qủa. Bất cứ
hạt giống nào muốn nẩy mầm sinh trái cũng cần
phải trải qua sự tiêu hủy: Thật, Thầy bảo
thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà
không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình;
còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều
hạt khác (Ga 12, 24). Chúa Giêsu bước qua sự chết
để vào cõi sống. Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại
một hạt giống tinh tuyền ẩn chứa một
sự sống vĩnh cửu. Hạt giống đã
được gieo vào lòng đất qua sự chết và
đã sống lại phát sinh nhiều hoa trái.
Chúa Giêsu đã hiến thân mình làm
giá cứu chuộc cho nhiều người. Chúa đã dâng
hiến với tình yêu vô điều kiện, yêu chỉ vì
yêu: Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì
bạn hữu của mình (Ga 15, 13). Chúng ta không thể
thấu hiểu tình yêu mà Chúa đã dành cho nhân loại.
Tình yêu qúa cao vời và huyền diệu. Chúa đắp
đổi hận thù bằng sự tha thứ. Chúa cúi đầu
chấp nhận mọi sự xỉ vả và lăng nhục
của con người. Chúa đứng lặng yên trước
những cáo buộc gian dối và thách thức quyền hành.
Chúa hiện diện đó như một người Tôi Tớ
hiền lành và nhân từ. Qua thái độ khiêm hạ, Chúa
đang thầm gieo những hạt giống tốt vào những
mảnh hồn chai cứng để cải đổi
đời sống con người.
Lạy Chúa, mầu nhiệm tình
yêu của Chúa cao vượt trên mọi suy tưởng của
con người. Chúa đã hạ thân làm người đem
tin mừng cứu độ. Chúa đã mở cửa nước
trời mời đón mọi người. Chúa đã chữa
lành và tha thứ mọi tội lỗi của con người.
Vậy mà chúng con cứ ngoảnh mặt làm ngơ và chối
từ ơn Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ và xin
thương xót chúng con.
Lm Giuse Trần
Việt Hùng
Bronx, New York
|