CHÚA NHẬT LỄ LÁ – C 2013
ĐÔI DÒNG SUY TƯ
Lễ lá hay còn gọi là lễ Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia. Đức Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem không để cho người đời tung hô, bái chào, nhưng Ngài tiến vào thành thánh Giêrusalem để hoàn thành chương trình cứu độ nhân loại mà Chúa Cha đã hoạch định từ ngàn xưa bằng con đường thập giá. Có thể nói, Thiên Chúa vẽ chữ Yêu ngang qua Đức Giêsu. Nét vẽ đầu tiên khởi đi từ máng cỏ Belem và kết thúc trên đỉnh đồi Gôngôtha.
Phụng vụ Lời Chúa trong lễ lá qua các bài đọc gợi mở và mời gọi ta chiêm ngắm dung mạo của Đức Giêsu và cuộc thương khó của Ngài.
Bài đọc 1: Trước Chúa Giêsu sinh ra, ngôn sứ Isaia đã tiên báo dung mạo Đức Giêsu là Người Tôi Trung của Thiên Chúa: “ Đức Chúa là Chúa Thượng, đã cho tôi nói năng như người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức tôi, Người mở tai tôi để tôi nghe lời giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng thoái lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giựt râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ…” (Is.50,4-7).
Bài đọc 2: Thánh Phaolô giới thiệu dung mạo và đời sống khiêm hạ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl.2,6-11).
Bài Thương Khó: Thánh sử Luca lược thuật hành trình thập giá và cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Qua và trong cuộc tử nạn của Đức Giêsu, thánh nhân vẽ, giới thiệu hình ảnh, gương mặt và những cái tên đã trực tiếp, gián tiếp gây nên sự cô đơn, đau khổ và cái chết cho Đức Giêsu.
Qua bài Thương Khó và qua những khuôn mặt, những cái tên mà thánh sử Luca trình thuật. Giờ đây dừng lại đôi chút trong cõi lặng, trong sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, ta cùng nhau điểm lại từng khuôn mặt, cái tên trong trình thuật Thương Khó. Qua đó, một phần nào ta sẽ nhận ra chính hình ảnh và cái tên của mình trong cuộc thương khó của Đức Giêsu.
1) Gương mặt của nhóm môn đệ thân tín.
- Nơi vườn cây dầu, trong lúc lo âu, sợ hãi về những gì sắp xảy đến, Đức Giêsu cần một lời an ủi, động viên, cần một lời cầu nguyện. Ấy thế mà các môn đệ thân tín nhất không vượt qua được những đam mê, họ bỏ mặc Thầy, họ thỏa mãn cho bản thân qua việc ngủ say như chết! Trong cuộc sống, không ít lần ta vì những đam mê, thú vui riêng mà bỏ mặc Chúa qua hình ảnh của những người thân, người anh em.
- Vượt qua nỗi đau, nỗi cô đơn khi các môn đệ ngủ vùi, Đức Giêsu đón nhận nỗi đau xé lòng khi Giuđa, một đồ đệ được Ngài mời gọi, tin tưởng giao trọng trách giữ hầu bao của cả nhóm. Ấy thế mà giờ đây chỉ vì tiền mà đang tâm bán đứng Thầy mình, đau đớn hơn nữa là Giuđa dùng nụ hôn để chỉ điểm, để nộp Thầy. Trước tình cảnh đau thương này Đức Giêsu đã thốt lên: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?!”. Khác chi Giuđa, vì tiền, danh và lợi nhiều khi ta bán đứng anh em mình bằng cái bắt tay, bằng một lời chào, một chữ ký….
- Dưới nhãn quan của Đức Giêsu, trong số 12 môn đệ, ông Phêrô là người được cất nhắc lên hàng thủ lĩnh, người được Thầy Giêsu trao cho chìa khóa Nước Trời. Thật đau đớn thay cho Đức Giêsu, vì bạc nhược, sợ liên lụy, sợ chết đã đang tâm chối Thầy không chỉ một lần nhưng đến ba lần. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, sứ vụ làm chứng cho sự thật giữa thế gian, xã hội, không ít lần ta cũng sợ hãi, sợ chết, sợ tù đày làm ta không dám lên tiếng. Đây chính là lúc ta chối Thầy Giêsu như Phêrô năm xưa.
2) Gương mặt của thượng tế, kinh sư và biệt phái.
- Là những người am hiểu Kinh Thánh, những người đại diện cho tầng lớp dân chúng trong lĩnh vực tôn giáo, dại diện dân riêng của Chúa trong việc tế tự nơi đền thờ. Đáng lý ra họ cùng cộng tác với Đức Giêsu trong việc cứu giúp những người cùng khổ cơ hàn, giúp mọi người nhận ra dung mạo thật của Thiên Chúa qua những việc lành, những lời giáo huấn của Đức Giêsu. Nhưng không, họ đã quên đi giới luật yêu thương của Thiên Chúa, họ sợ mất chân đứng, vị thế của mình giữa đám đông dân chúng. Vì thế, họ họp bàn nhau triệt hạ Đức Giêsu với lý do duy nhất là họ sợ hình ảnh và vai trò của Đức Giêsu làm mất đi tất cả những danh, quyền, lợi mà họ đang có được qua việc giữ luật và bắt người ta thi hành luật. Là những người có trọng trách trong mọi lĩnh vực từ gia đình trở đi, đôi khi ta vì quyền, vì lợi, danh mà ta chèn ép, triệt hạ anh em mình…
3) Gương mặt của đám đông dân chúng.
- Mới ngày nào, hình ảnh của một Giêsu thành Narareth in đậm trong tâm trí của những người dân chân chất qua những lời giáo huấn, những phép lạ: hóa nước thành rượu, chữa lành người bất toại, phong hủi, quỷ ám, ấn tượng nhất là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho trên dưới 4.000 – 5.000 người đàn ông chưa kể phụ nữ và trẻ em ăn no nê…. Chính những người dân đã nói về Đức Giêsu: “Ông ấy giảng dạy như một người có uy quyền…” (x.Mc.1,27 ), đã không ít lần họ mong ước Đức Giêsu trở thành vua của họ (x.Ga.16,15).
Thế nhưng, khi Đức Giêsu bị những người lãnh đạo tôn giáo, những người đại diện cho chính quyền bắt giữ, kết án tử. Bị kích động bởi những người biệt phái, kinh sư và thượng tế, khi đôi tay Đức Giêsu bị khóa trái, bị nhạo cười, sỉ nhục và nhất là hình ảnh và vai trò của Đức Giêsu không còn là mối lợi. Đám đông dân chúng đã đồng thanh la lớn: “Hãy tha cho Baraba, đừng tha Giêsu, đem đi, đem đi đóng đinh nó vào thập giá, ông Giêsu ấy không phải là vua chúng tôi….!” . Quả đúng như người thường nói: “ Bạc như dân, bất nhân như lính”.
Trong đời sống tin và bước theo Đức Giêsu, đôi khi ta đến với Ngài vì những dấu lạ, những gì cần thiết cho cuộc sống thực tại qua hình thức cầu nguyện, xin lễ… Ta chạy theo đám đông từ đền nọ tới đền kia để thỏa mãn nhãn quan, hiếu kỳ. Nhưng! Thật đáng buồn khi không được thỏa mãn ý riêng, ta cũng dễ dàng từ bỏ Ngài chạy theo bói toán, cầu cơ, chạy theo thần của thế gian… Ta hùa theo đám đông để lên án Đức Giêsu qua Giáo Hội, qua anh em…
4) Gương mặt của những người lính.
- Nơi dòng sông Giođan năm xưa, khi ông Gioan Tẩy Giả rao giảng, loan báo và kêu gọi mọi người sám hối những người lính đã tìm đến và hỏi: “ Chúng tôi phải làm gì?” . Ông Gioan đã trả lời: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Khi những thương tế, kinh sư sai những người lính đi bắt và điệu Đức Giêsu về, họ ra đi và trở về tay không, họ đã nói về Đức Giê su: “ Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy…”(x.Ga.7,45-46). Ấy thế mà giờ đây khi Đức Giêsu bị trao nộp vào tay của những người lãnh đạo đời cũng như đạo, vì những lời hứa ban tặng bổng lộc…Những người lính dường như đã quên hết tất cả những gì tốt đẹp nơi Đức Giêsu. Họ mạnh tay tra tấn, đánh đập, coi Đức Giêsu như một chú hề để họ tiêu khiển. Nhìn vào đời sống thực, chắc có lẽ không ít lần ta như những người lính năm xưa, vì nghề nghiệp, vì bổng lộc, chức danh mà đôi khi ta quên mất hình ảnh và dung mạo của Đức Giê su trong đời sống ta.
5) Gương mặt của Philatô và Hêrôđê.
- Hêrôđê, người đã tống ngục và chém đầu ông Gioan Tẩy Giả, người mà chính Đức Giêsu gọi là “con cáo già”. Ông ta rất muốn gặp Đức Giêsu để thỏa mãn những thắc mắc và cũng là để mục kích một con người được người Do Thái đồn thổi qua cung cách giảng dạy và những phép lạ… Vâng! Ông đã được gặp Đức Giêsu, Người mà đôi tay và chân bị khóa bằng xiềng xích. Ông cứ nghĩ rằng với cương vị là một vị vua ông có thể ra lệnh cho Đức Giêsu thực hiện một vài phép lạ. Nhưng! Ông đã lầm, điều ông nhận được là sự im lặng của Đức Giêsu. Để trả thù, ông đã cùng với thuộc hạ chế giễu và sau đó ông trao Đức Giêsu về cho tổng trấn Philatô như món quà để hàn gắn những rạn nứt giữa ông và Philatô. - Tồng trấn Philatô, một người ngoại bang, tên của ông ta chỉ được nhắc tới hai lần trong Tin Mừng. Lần thứ nhất trong trình thuật của thánh sử Luca khi ngài trình thuật sứ vụ rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả (x. Lc.3,1). Lần hai trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, qua tra khảo và xét xử theo thẩm quyền, Philatô nhận ra Đức Giêsu là người vô tội. Nhưng tiếc thay! Philatô đã không vượt qua được rào cản dư luận, vượt qua sự vinh hoa phú quý đem lại cho ông nơi chiếc ghế tổng trấn và thế là ông phó mặc, ông đồng thuận với cái ác kết án và giết người vô tội. Quả thật, Hêrôđê và Philatô là hai con người “cầm cân nảy mực” cho công lý và sự thật. Thế nhưng một người vì nhu nhược, một người xảo trá đã để cho cái ác và giả dối lên ngôi qua việc kết án và giết người vô tội là Đức Giêsu.
Hình ảnh, cách hành xử của Hêrôđê và Philatô không thiếu giữa xã hội hôm nay, đôi khi chính ta là Hêrôđê, là Philatô qua cách sống dối trá, nhu nhược để rồi ta giả điếc, giả ngơ khi sự ác lên ngôi nơi ta và ngoài xã hội…
Bước vào lễ lá và tam nhật thánh. Thiên Chúa ngang qua Giáo Hội không chỉ mời gọi ta tưởng nhớ cuộc khổ nạn, phục sinh của Đức Giêsu như một kỷ niệm buồn, đáng trân trọng. Nhưng là để thực tại hóa những biến cố ấy, hầu nhắc nhở ta ý thức hơn nữa về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho ta, nhắc nhở ta ý thức một điều quan trọng: Đó là do ta yếu đuối, lỗi lầm mà Đức Giêsu cứ mãi chịu thương khó vì ta và cho ta. Ngày qua ngày Đức Giêsu vẫn phải vác thập giá, chịu đòn roi và cuối cùng là chịu treo trên thập giá như một tử tội chỉ vì muốn ta được sống, được nên trọn lành. Ngài ước mong cho thế giới này luôn an vui và hạnh phúc.
Qua mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, ta được mời gọi đáp trả tình yêu của Chúa dành cho ta bằng đời sống dấn thân, hiến thân, biết quên mình đi, biết chết đi con người tội lỗi, ích kỷ, cao ngạo để cho Chúa được sống. Đức Giêsu luôn ở quanh ta qua những người anh em, qua người chồng, vợ, con, ông bà, cha mẹ…
Lạy Chúa Giêsu! Bấy nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu lần con cùng với gia đình và mọi người tham dự, tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa. Nhưng, Chúa ơi, lắm khi con đến tham dự các nghi thức cho qua lần chiếu lệ, con đến vì hiếu kỳ. Vì thế, con chưa cảm ra được tình yêu mà Chúa dành cho con qua cái chết của Ngài, không cảm thì làm sao con có thể đáp trả bằng sự ăn năn, bằng hy sinh và thực thi những gì Chúa luôn mời gọi con.
Xin Chúa giúp con ý thức hơn nữa về thân phận yếu đuối của mình, giúp con nhận ra tình yêu mà Chúa dành cho con và cuối cùng giúp con đền đáp tình Chúa qua cách sống hằng ngày của con. Amen.
Sài gòn, ngày 22/03/2013 Antôn Lương Văn Liêm
|