Mưa Tình Yêu
TGP SAIGON – Theo truyền thống tốt lành, Giáo hạt Gia Định tổ chức luân phiên từng xứ, tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) tại Gx Hàng Xanh, thứ Sáu ngày 15-3-2013. Đây là việc làm tốt, nhưng không nên câu nệ chỉ “dừng lại” ở mức thói quen và chiều rộng, mà phải chú trọng ở chiều sâu mới thực sự đẹp lòng Chúa.
Đặc biệt, hôm nay cũng là buổi tĩnh tâm Mùa Chay Thánh của Cộng đoàn LCTX thuộc Giáo hạt Gia Định. 14 giờ 30 bắt đầu lần Chuỗi LCTX, 15 giờ bắt đầu Thánh lễ. Chủ tế là linh mục chính xứ Hàng Xanh.
Có điểm đáng lưu ý là trước “giờ linh” của LCTX, tức là 3 giờ chiều, trời bỗng kéo mây u ám, cảm thấy như giờ thứ chín trên đồi Can-vê xưa: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín” (Lc 23:44). Và sau đó là cơn mưa đầu mùa kéo dài suốt hơn 60 phút. Đây là Mưa Tình Yêu, Mưa LCTX. Mưa thật khéo, vì mưa dứt hẳn khi Thánh lễ kết thúc. Một dấu chỉ tốt lành!
Mưa bình thường nhưng mưa rất cần thiết cho sự sống. Người ta có thể nhịn đói lâu, nhưng không thể nhịn khát. Mưa làm mát cuộc đời, mưa làm dịu thể lý nhưng cũng làm mát tâm hồn, con người trở nên bớt khó tính và cư xử dịu dàng hơn. Mưa thật lạ và kỳ diệu. Mưa là hiện thân của Thiên Chúa. Mưa là hiện thân của sự sống. Mưa là hiện thân của yêu thương. Mưa là hiện thân của niềm an ủi. Và tất nhiên, mưa là hiện thân của LCTX. Đặc biệt mưa như hòa chung với Giáo hội Công giáo khi vừa có Tân Giáo Hoàng với Tông hiệu PHANXICÔ – Phanxicô Assisi, quen gọi là Phanxicô Khó Nghèo, Đấng sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (Dòng Phanxicô). Thật là gương sáng “đặc biệt” khi ngài tự nấu ăn và không có xe riêng đưa đón, giản dị và khiêm nhường. Ngài chọn tên Phanxicô cũng là Tông hiệu xuất hiện lần đầu tiên trong số 266 vị giáo hoàng, tương lai Giáo hội sẽ tuyệt vời vì khó nghèo là nhân đức Chúa Giêsu quý mến, và cả đời Ngài đã sống khó nghèo: Sinh nghèo, sống nghèo, chết nghèo. Bạn có MUỐN và DÁM sống như Chúa Giêsu?
Mưa nhỏ hay to đều đáng quý. Nhờ mưa mà cái oi bức của mùa hè dịu xuống, con người cảm thấy khoan khoái, dễ chịu, giống như Nước từ Thánh Tâm Chúa Giêsu chảy ra làm dịu mát linh hồn những tội nhân. Máu cũng là nước, một loại nước đặc biệt, loại “nước đỏ thắm” đó cũng chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu để cứu độ nhân loại: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34).
Phúc Âm hôm nay là Thánh lễ ngoại lịch, Thánh lễ về Thánh Tâm và LCTX. Phúc Âm là trình thuật Tin Mừng theo Thánh Luca nói về 3 dụ ngôn về LCTX: Chiên Lạc (Lc 15:4-7), Đồng Bạc Mất (Lc 15:8-10), và Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32).
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:2). Đó là thái độ mà nhiều người trong chúng ta, những người mang danh là loan truyền LCTX, vẫn thường mắc phạm. Thái độ của Pha-ri-sêu là gì? Cách nói “người Pha-ri-sêu” có thể mơ hồ chăng? Có thể lắm. Vì không phải là Việt ngữ, thế nên ý nghĩa có lẽ xa với với người Việt. Thiết nghĩ không cần vòng vo, cứ nói thẳng ra là “kẻ giả hình”. Mà Chúa Giêsu luôn chê trách những kẻ giả hình.
LCTX quá rõ ràng. LCTX không chỉ được đề cao và đáng lưu ý trong Mùa Chay, mà phải chú trọng suốt đời chúng ta. Ai cũng có tội, mà có tội thì luôn phải “cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn” (lời nguyện trong Chuỗi Mân Côi).
Chắc hẳn chúng ta không đủ phàm ngôn để nói về LCTX. Chúa Giêsu đành lòng bỏ 99 con chiên béo tốt để đi tìm một con chiên lạc, con chiên ghẻ, con chiên gầy xơ xác, tìm được thì Ngài lại ân cần ôm ấp, nâng niu, chăm sóc chu đáo; có một đồng bạc bị mất mà đốt đèn tìm kiếm cho bằng được, tìm thấy rồi lại khoe với hàng xóm để cùng chia vui; một đứa con hoang đàng trác táng, bất hiếu, lêu lổng, hư thân mất nết, thế mà người cha vẫn ngày đêm mong ngóng, nó về nhà không vì thương cha mà chỉ vì đến bước đường cùng, vì cái bụng chứ không vì trái tim, thế mà người cha lại ôm hôn và mở tiệc ăn mừng. Chúng ta chỉ có thể cúi đầu cảm tạ Thiên Chúa, không thể phân tích gì hơn. LCTX quá ký diệu, quá bao la, quá sức tưởng tượng, quá sức cảm nhận của nhân loại!
Chính Giáo hội đã cảm nhận LCTX nên sau mỗi chục kinh Mân Côi, Giáo hội muốn chúng ta cảm nhận: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta 3 lần kêu cầu: “Xin Chúa thương xót chúng con”.
Trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con…”, đó cũng là xin Chúa thương xót. Trong kinh Vinh Danh: “Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”. Trong kinh Chiên Thiên Chúa, chúng ta 2 lần “xin thương xót chúng con” rồi mới “xin ban bình an cho chúng con”. Nói chung, mỗi ngày chúng ta “xin thương xót chúng con” nhiều lần lắm!
Nếu không có tội thì sao lại xin thương xót? Xin thương xót tức là chúng ta có tội, mà có tội thì ai cũng muốn được cảm thông. Vậy tại sao chúng ta không muốn tha thứ cho tha nhân? Một câu hỏi không dễ trả lời!
Suốt đời, dù là mùa nào, nhưng đặc biệt là Mùa Chay, hãy cố gắng học Chúa Giêsu về gương tha thứ khi Ngài bị treo trên Thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23:34). Chỉ cần thế thôi, chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa Giêsu âu yếm nhìn, mỉm cười và trìu mến nói: “Tôi bảo thật, hôm nay, bạn sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43).
Cả đời chúng ta chỉ cần thế thôi!
TRẦM THIÊN THU
|