BÀI VIẾT VỀ NĂM ĐỨC TIN
Lời mở đầu: Bài viết này là những ý tưởng “lượm lặt” được từ một số buổi tỉnh tâm mùa chay trong giáo phận Orange, xin được chia xẻ với hy vọng sẽ giúp ích một chút nào đó trong việc củng cố lòng TIN,YÊU CHÚA trong năm Đức tin 2012 - 2013
“Cám ơn CHÚA mỗi sớm mai thức dậy Con có thêm ngày nữa để TIN YÊU”
Đó là hai câu thơ, tôi xin mạn phép lấy ý từ hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ TNHK, mà tôi rất tâm đắc:
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy Lại có thêm ngày nữa để yêu thương”
Để sửa lại đôi chút cho phù hợp với tâm tình trong năm Đức Tin của người Công Giáo
Năm Đức Tin là gì?
Năm Đức Tin đã được Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 thiết lập từ ngày 11/10/2012 tới ngày 24/11/2013 với khẩu hiệu :
-Củng cố Đức Tin, khám phá và cảm nhận lại niềm vui Đức Tin (Joy)
“Một ngày đời con có Chúa, mùa Xuân mãi mãi không phai tàn… Lạy Chúa hãy đưa con về sống trong niềm vui ” (ND)
- Hăng say chia xẻ niềm vui Đức Tin với người khác (Sharing) “Từ đây hăng say theo bước chân của Ngài Trung kiên làm chứng nhân nước Trời Thắp lên hạnh phúc cho muôn người”
Điều tôi tâm đắc nhất khi nghe Đức Cha MTL chia xẻ là Chúa tuyển chọn các môn đệ để “ở lại” với Người và làm “bạn hữu” của Người.Chúa muốn chúng ta đồng hành với Chúa. Đó là căn tính đồ đệ của Jesus!
“Biết con phúc dường nào được gọi Thiên Chúa là Cha Biết con phúc dường nào được Ngài cho làm bạn hữu” ( A.Đ)
Trong năm Đức Tin ĐTC kêu gọi mọi người hãy trở về nguồn là Kinh Thánh: “Hãy chuyên cần đọc kinh Thánh mỗi ngày và những khi tụ họp nhau lại” để thấm nhuần và hiểu thấu đáo Lời Chúa mà thực thi cho tốt!
Đọc Sách Thánh
Về phần đọc và thuộc sách Thánh, chúng ta phải thừa nhận anh em Tin Lành làm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Người Công giáo mỗi chúa nhật đều đến nhà thờ dự thánh lễ nghe sách Thánh, Phúc âm, nghe cha giảng Lời Chúa, nhưng “nghe tai này, chạy qua tai kia”chưa nghe với tâm tình sâu lắng, nghe xong ra khỏi nhà thờ là “trôi tuột” đi mất với bao lo toan của đời sống chất đầy tâm trí! Xin đan cử một ví dụ nhỏ : Có ai vì nghe lời Chúa nói “Hễ anh em đến dâng của lể mà còn điều gì bất hòa với anh em, thì hãy để của lễ đó, về làm hòa với anh em, rồi hãy trở lại dâng của lễ” mà thực hiện bằng cách sau lễ, về làm hòa với người anh em ? chứ đừng nói gì đến việc bỏ của lễ đó về làm hòa trước!? Hay “Nghe thì cứ nghe, mà giận thì cứ giận” không thù là may rồi! Lời Chúa chưa đánh động được tâm hồn chúng ta! Lời Chúa đối với chúng ta như “nước đổ đầu vịt”, chưa đi vào trái tim chúng ta nên Giáo hội đã đưa ra phương pháp hướng dẫn chúng ta đọc sách Thánh sao cho có hiệu quả:
- Đọc tới, đọc lui, suy đi ngẫm lại
- Thinh lặng cầu nguyện, nói chuyện với Chúa
- Áp dụng sống lời Chúa trong ngày hôm đó
Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ về nghe Lời Chúa: “ Luôn suy đi, ngẫm lại trong lòng”, nên Đức Mẹ luôn được đề cao là mẫu mực của năm Đức tin trong mọi lảnh vực. Hãy bắt chước Đức Mẹ trong mọi sự và cầu nguyện với Mẹ, Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta đến gần với Chúa
“ Ôi Maria!Phúc Đức no đầy chan hòa Lòng con yêu mến cậy trông thiết tha” (HL)
Sống Đức Tin
Mầu nhiệm cùng đích và lớn lao nhất của Công Giáo là mầu nhiệm Phục Sinh “Allelulia ! Hãy vui lên” nên sống Đức Tin trước hết là sống vui vẻ, như lời ĐTC nhắc nhở : “Khám phá lại niềm vui trong Đức Tin”. Sống vui vẻ cởi mở chan hòa chứ không phải lúc nào cũng đăm chiêu, khó đăm đăm, không ai dám tới gần, làm sao mà chia xẻ mời gọi mọi người tới với Chúa. Nói tới đây tôi lại nhớ tới hình ảnh cha sở của tôi ngày còn bé, thấy cha đâu là “đồng nhi” sợ mất vía chạy cho xa. Ngược lại bây giờ ở nhà thờ L.V. có một cha trẻ mới về gương mặt của cha lúc nào cũng tươi tắn như có sẳn một nụ cười, có lẽ vì nụ cười đó mà tôi thích đi lễ nhà thờ này!
Sống Đức Tin là thể hiện có Chúa ở trong từng lời nói, dáng vẽ, hành động…hằng ngày của mình. Điều này nghe đơn giản, nhưng thực hiện thì rất khó khăn vì con người ích kỷ, biếng nhác của tôi luôn luôn trỗi dậy mạnh mẽ để điều khiển mọi việc theo ý hướng thế tục ... Vì thế Thánh Phao lô đã từng nói: “Những việc tôi muốn làm thì tôi không làm, còn những việc tôi không muốn làm thì tôi lại làm..”. Xin Chúa giúp sức để từ đây con cố gắng trước mỗi suy nghĩ, hành động con sẽ tự hỏi : “Có Chúa đang ở trong con không ?” kẻo không con sẽ trở thành kẻ “Vô Thần” lúc nào không hay !
Tôi ngạc nhiên khi nghe cha giảng phòng (NCĐ) cho biết : Vô thần không chỉ có ở chủ nghĩa Cộng Sản mà nhiều nhất là ở chủ nghĩa Tư Bản. Trong đời sống hằng ngày, họ không nói, không nhắc đến Chúa, họ không cần Chúa vì cuộc sống họ có quá đầy đủ mọi tiện nghi hiện đại, nhất là giới trẻ. Họ quên sự hiện diện của Chúa, họ luôn tiếp cận với I Pad, I phone 4, 5…mắt họ luôn dán vào màn hình, tai họ lúc nào cũng có 2 nút nghe nhét kín, họ quên cả tha nhân chung quanh. Điều này tôi có thể minh chứng là sự thật khi hè rồi, ghé thăm nước Nhật, tôi thấy các người trẻ, ai cũng có 2 nút nhét tai và mắt luôn dán vào màn hình tí xíu trên tay, có lẽ vì Nhật là nước tiên tiến nhất về những kỷ thuật hiện đại phục vụ cho con người. Cả một nhà ga lớn với các đường tàu chạy nhanh, mà không thấy có nhân viên phục vu, tất cả là máy móc, màn hình hướng dẫn mua vé, tìm đường ra cửa, lên tàu. Mọi người cứ thế “rầm rập” đi, lên tàu, xuống tàu…vội vả, không ai nói với ai ! Có lẽ vì thế mà dân Nhật bị hội chứng “cô đơn” nên số người tự t ử ở Nhật ngày càng tăng cao! nhất là với những vị cao niên.
Cuộc sống không có Chúa, người ta dễ dàng nói dối, gian lận,các ông sẳn sàng cho vợ ăn “thịt Lừa” mỗi ngày mà không thấy áy náy, nhưng khi gặp khó khăn thì lại “càm ràm” Chúa ở đâu? Cha cho biết khó khăn lớn nhất là loại trừ Chủ Nghĩa Vô Thần ở bản thân để làm sao Chúa luôn có mặt trong từng lời nói việc làm hằng ngày của chúng ta
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết nhớ tới và noi theo gương sống Đức Tin mãnh liệt của tổ phụ Abraham xưa, Chúa bảo gì cũng sẳn sàng nghe và làm theo kể cả đem đứa con trai yêu quý nhất làm của tế lễ. Xin thêm sức cho con biết sống tin cậy và chấp nhận những khó khăn, đau buồn trong cuộc sống con như thánh giá Chúa gửi đến cho con:
“Lạy Chúa xin cho con bước đi với Ngài, Xin cho con cùng vác với Ngài Thập giá trên đường đời con đi…” (VC)
Nhân chứng Đức Tin:
Khi chúng ta sống Đức Tin một cách cụ thể bằng hành động, việc làm trong đời sống hằng ngày. Dần dần chúng ta sẽ tạo được niềm tin tốt đẹp về đạo Chúa nơi những người chung quanh. Đó là cách chúng ta giới thiệu Chúa với mọi người, để chúng ta có thể thực sự nói: “Tôi tự hào là người Công Giáo” (“Be Froud Be Catholic”)
Như câu chuyện kể của chị bạn, vào những ngày đầu tháng 4/75, mọi người từ miền trung đổ xô tìm ghe, tàu để theo đường biển về Saigon, vì đường bộ đã tắc nghẽn. Trên chuyến hãi hành đầy bất trắc đó, một cô giáo trẻ mới vào dạy chung trường với chị được vài tháng, tình cờ đi chung chuyến ghe, đã đến hỏi nhỏ chị:
- Hình như chị là người Công Giáo? - Phải, tôi là người Công Giáo - Vậy em có việc này, cần nhờ chị giúp đỡ - Trong hoàn cảnh này, tôi có thể giúp gì được cho chị, tôi sẳn lòng - Mẹ em khi “di tản” có đem theo túi vàng, nhưng thấy có mấy tên khả nghi cứ theo dõi và dòm ngó, nên mẹ em sợ, muốn gửi túi vàng cho ai đó giữ dùm, để được an toàn. Em suy nghĩ mãi và nhớ ra chị ! Mong chị giúp gia đình em..
Chị bạn tôi “ngớ” người ra, vì công việc thì có vẽ nhẹ nhàng, nhưng trách nhiệm thì nặng nề, không biết có làm tròn không ? nhưng vì người ta đã đặt chữ Tin vào người Công Giáo và đã lỡ nói sẳn lòng nên phải nhận lời mà “run”, cho tới khi lên bến Vũng Tàu trao lại túi vàng rồi chị mới thấy nhẹ nhàng!
Như câu chuyện kể của Đức cha MTL: Sau vụ 911, cha đáp một trong những chuyến bay đầu tiên, lúc đó nhiều người còn kinh hoàng nên không dám đi máy bay, nên máy bay có rất ít hành khách. Sau khi máy bay cất cánh, tiếp viên thông báo mọi người có thể đổi chổ, tìm ghế ngồi ưng ý. Bỗng nhiến tất cả hành khách đồng loạt kéo đến ngồi chung quanh cha vì “Ngài là linh mục Công Giáo”, ngồi chung quanh ngài chắc sẽ an toàn hơn, vì sẽ được Chúa che chở
Hay câu chuyện kể về một em nữ sinh trong một thôn xóm nghèo ở VN, trên đường đi học, nhặt được một chiếc bóp có rất nhiều tiền và nhiều giấy tờ, hợp đồng quan trọng. Em đem về nhà xứ giao lại cho cha để liên lạc tìm khổ chủ giao lại. Khi “khổ chủ” được báo tin, lại đâm ra nghi ngờ, có thể đây là một “cái bẫy” vì giữa thời buổi khó khăn, lừa lọc, đảo điên sao lại có người nhặt được của rơi mà lại gọi đem trả, nhưng khi biết người gọi Đ.T là “cụ linh mục ở nhà thờ Công Giáo” thì ông ta cảm thấy yên tâm hơn
Ở Little Saigon, báo đã từng đăng câu chuyện về một ông cụ hơn 80 tuổi, ròng rã mấy chục năm trời, nuôi vợ bị bại liệt phải ngồi xe lăn mà vẫn vui tươi. Nhìn hình ông trên báo thấy quen quen, đến chúa nhật theo thông lệ đi thăm Nursing home, tôi nhận ra ông, bèn đến hỏi thăm, ông vui vẻ cho biết thời khóa biểu mỗi ngày của ông là sáng sớm dậy đi lễ nhà thờ TB, rồi vào đây với bà ấy, chăm sóc, hỏi han bà, dù bà chẳng nói được câu gì cho trọn. Tôi thấy bà ngồi trên xe lăn, đầu ngoẹo về một bên cứ “gật gật”, nhưng lúc nào đầu tóc, quần áo cũng thấy tươm tất sạch sẽ, có lẽ nhờ sự chăm sóc thêm của cụ ông. Lúc đầu khi ông còn đủ sức khỏe ông giữ bà ở nhà để chính tay ông trông nom hơn 10 năm, sau này già yếu rồi ông mới chấp nhận gửi bà vào Nursing home, nhưng ngày nào ông vẫn vào với bà như là nếp sống vợ chồng thường nhật vì đã hứa trước mặt Chúa “… khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu mọi ngày trong suốt cuộc đời con”
Lạy Chúa xin giúp chúng con biết cách sống thế nào, để mọi người nhận ra có Chúa trong con
“Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ thầy”
Tội Phạm Nhân Đức Tin:
- Sợ sự khốn khó : Bản chất con người vốn yếu đuối luôn sợ khó sợ khổ, thấy khó khăn là chùn bước, muốn thoái lui. Đơn giản như việc đi đàng thánh giá lên đồi ở “Santiego Retreat Center”, tôi với một chị bạn bị đau chân nhưng cũng “hy sinh, hãm mình” tham gia đi đàng thánh giá, khi ngắm đến thứ bốn, thấy lên dốc mệt quá, đã muốn tháo lui, nhưng rồi cũng rán, lên đến ngắm thứ 8, nhìn thánh giá chặng cuối trên đồi thấy cao quá, bèn đề nghị đứng đây ngắm trông lên cũng được, nhưng mọi người vẫn tiếp tục đi, nên đành phải theo. Cuối cùng thì mọi việc vẫn có thể hoàn tất, từ đó tôi rút ra kinh nghiệm : cái chính là “tinh thần ngại khó, ngại khổ” làm cho chúng ta chùn bước, sợ không muốn đi tiếp, không quyết tâm tiến tới, lúc nào cũng hay “càm ràm”: “Sao thánh giá Chúa giao cho con nặng quá chắc con không vác nổi? Đường đời con đi sao nhiều đồi dốc, nhiều gai góc quá, làm sao con vượt qua?!”… Nhưng lại quên rằng Chúa vẫn luôn đồng hành với con và thêm sức cho con :
“Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn Ngài nghe con khi chẳng ai đáp lời… Ngài bên con trên đường dài mờ khuất tương lai, Chân mệt nhoài thập giá trên vai…” (A Đ)
- Yếu nhân Đức tin: Phúc âm ghi lại câu chuyện khi thấy sóng gió nổi lên, con thuyền chao đảo sắp lật, các môn đệ sợ hãi đã đánh thức Chúa dậy để cứu nguy liền bị Chúa quở trách sao yếu nhân Đức Tin thế ? Điều này thì tôi rất thông cảm với các tông đồ, vì tôi cũng thuộc loại yếu nhân Đức tin, không chừng tôi còn gọi Chúa sớm hơn vì sao có Chúa trên thuyền mà bảo tố vẫn nổi lên khiến thuyền chòng chành làm sao không sợ.? Nhớ lại trong Cựu ước chỉ vì yếu nhân đức tin và nghi ngờ mà Chúa đã phạt ông Jacob (cha của Joan tẩy giả) bị câm Nếu Chúa còn nghiêm khắc như xưa thì chắc tôi và nhiều người nữa đã bị “câm” từ lâu rồi! Do đó tôi rất tâm đắc với bài hát “Con tưởng rằng con vững tin” của LM Nguyễn Duy:
“Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là cha nhân hiền Khi đời sống nhẹ trôi êm đềm, với tháng ngày lặng lẽ bình yên Nhưng khi đường đời gieo sóng gió, tiết trời gặp cơn mưa giông tố Con lo âu lạc bến xa bờ, con mới biết rằng con chưa vững tin…”
-Hoài nghi về quyền năng của Chúa Thánh thần ( về những vấn đề trong Đạo): Tội không Tin là tội phạm đến Chúa Thánh Thần “Người có đủ quyền năng để biến đổi thế giới, không tin Người có đủ quyền năng để biến đổi bản thân ta. Đây là một thứ vô thần còn nguy hại hơn cả chủ trương cho rằng : “Không có Thiên Chúa”, bởi vì trong khi xưng mình tin có Thiên Chúa thì những người ấy lại mù quáng sa vào một thứ chủ nghĩa vô thần thực hành mà họ không biết”( A.de Mello. SJ). Trong sự kiện ĐGH Benedicto 16 từ nhiệm, nhiều người hoang mang lo lắng, nhiều tin đồn, tiên đoán được đưa ra…đó cũng là những biểu hiện của việc không tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần trong việc gìn giữ và bảo vệ Hội Thánh! Hãy tin tưởng với sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ có một Tân Giáo Hoàng có đầy đủ năng lực để lèo lái con thuyền giáo hội vượt qua những phong ba bảo táp của thời đại mới
Thật thú vị khi nghe Frere A.P tiết lộ trong bài giảng phòng: ĐGH Gioan 23 (thời bấy giờ người đời cho Ngài là một “ông già khù khờ”), nhưng chính “ông già” đó là người đã tổ chức công đồng Vatican 2, làm thay đổi bộ mặt giáo hội trên toàn thế giới, đưa ra những đổi mới lớn lao ảnh hưởng sâu xa tới đời sống phụng vụ của hằng tỷ tín đồ Công giáo trên cả hành tinh này. Điều quan trọng hơn nữa là những tiêu chí của cộng đồng Vatican 2 đưa ra, cho đến tận bây giờ (50 năm qua) vẫn còn cần thiết và “mới nguyên”:
-Tin mừng phải luôn luôn Mới -Sống sao cho thích hợp với thời đại -Giáo hội cần phải cập nhật và canh tân luôn “up to date”
Sống trong thời đại mà sự đổi mới nhanh như vũ bảo và phải tính từng giây, xin cho giáo hội mạnh dạn mở toang cánh cửa để đón nhận những luồng gió mới, những tâm hồn mới với tinh thần “Đừng sợ” của ĐGH chân phước Gioan Phao lo II, mạnh dạn canh tân để sống sao cho thích họp với thời đại:
“Xin trao muôn đổi thay vào tay Thiên Chúa an bài. Ngài đưa con bước hôm nay, còn thương con mãi tương lai” ND
Trở về mùa chay trong năm Đức Tin, giáo hội nhắc nhỡ chúng ta làm việc từ thiện, thường chúng ta hiểu đơn giản từ thiện là giúp đỡ người nghèo khó, quyên tiền, phát quà…Đúng vậy, đó là điều rất nên làm, nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu theo một nghĩa rộng hơn là giúp đỡ những người đang cần đến chúng ta. Có thể họ không cần tiền, nhưng họ cần tình thương, cần sự quan tâm chăm sóc của chúng ta. Nhiều khi cái đói về cơm ăn áo mặc chưa chắc đã đau khổ bằng cái đói về tinh thần, đói tình thương. Nhiều người giàu có sống trong nhung lụa, nhưng đã tự tử vì “đói tình thương”. Những người neo đơn, những người đang đau khổ về gia đình, con cái, họ rất cần sự chia xẻ và đở nâng của chúng ta. Nhiều gia đình con cái lo đi làm từ thiện bên ngoài mà quên mất sự bày tỏ tình thương yêu chăm sóc đối với cha mẹ già hay anh em trong gia đình đang gặp hoạn nạn…Nhiều con cái vẫn thấy “bình an vô sự” khi xử sự “dững dưng”làm cho cha mẹ buồn sầu đau đớn! Mẹ Theresa kết luận ” Bị ruồng bỏ quả là một sự khốn cùng khủng khiếp” Mẹ nhắc nhỡ : “Họ là những người “nghèo khổ” ngay trong gia đình chúng ta, có thể họ không đói ăn, đói mặc, nhưng chúng ta có dám chắc là không ai trong số họ cảm thấy đơn độc và thiếu tình thương ?”Mẹ Theresa viết tiếp “Hãy lấy làm vinh dự được phục vụ Chúa trong hình hài của một người nghèo khổ nhất là về mặt tinh thần”
“Lạy Chúa nếu con có đức tin có thể chuyển núi dời non, nhưng nếu con không có lòng mến thì cũng chẳng có ích gì cho con...”
Lạy chúa trong mùa chay thánh này, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời Chúa, để yêu thương mọi người như chúa đã yêu thương chúng con, xin nâng đỡ con vì :
“…Lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay Con luôn cần đến Chúa từng phút giây Nhờ ơn Chúa con kiên trì tín thác kể từ đây Khi an vui cũng như khi sầu đầy” ( ND)
Phượng Vũ Mùa chay 2013
|