MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
“hôm Nay Là Xuân, Mai Còn Xuân”?
Thứ Ba, Ngày 19 tháng 2-2013

“Hôm nay là Xuân, mai còn Xuân”?

Đó là câu thơ đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Bính trong bài thơ khai bút đầu xuân năm Canh Thìn (1949). Tôi không rõ ý tác giả thế nào?, nhưng khi đọc câu thơ này trong mùa chay, năm nay tới sớm ngay trong dịpTết, tôi bỗng liên tưởng tới bài hát trong lễ Tro:

“Ôi thân phận của con người
Tựa bông hoa nở tươi
Một làn gió nhẹ lung lay
Cũng biến tan sắc màu”

Thành thử xin phép tác giả cho tôi đặt dấu hỏi ở cuối câu thơ : “Hôm nay là Xuân, mai còn Xuân?” điều này suy ngẫm thật ý nghĩa. Nếu ai cũng luôn nhớ đặt câu hỏi tương tự như vậy thì người ta sẽ sống bớt tự kiêu tự đại, biết sống khiêm tốn và chia xẻ nhiều hơn với những người chung quanh vì có điều gì trường tồn với thời gian đâu!

“Hôm nay quyền cao chức trọng, mai còn không ?”
“Hôm nay sức khỏe đủ đầy, mai còn không ?”
“Hôm nay nhan sắc mặn mà, mai còn không ?
“Hôm nay nhà cao cửa rộng, mai còn không?”
“Hôm nay thức ăn thừa mứa, đổ đi, mai còn không ?”….

Nhắc tới điều này tôi chợt nhớ tới những lần đi tham gia phát thức ăn cho người vô gia cư. Lần đầu tiên tham gia tôi cứ hình dung trong đầu, họ là những người “đầu bù tóc rối” quần áo rách rưới lôi thôi “bụi đời” hay cụ thể hơn như hình ảnh nhà thơ Bùi Giáng mà thỉnh thoảng tôi gặp đây đó trên đường phố Saigon lúc còn ở Việt Nam. Nhưng khi đến nơi, lúc bắt đầu phát thức ăn, nhìn dòng người xếp hàng trật tự, tôi ngạc nhiên thấy chen lẫn với những người  có vẽ “lôi thôi”, có nhiều người trông chững chạc đẹp trai dáng vẻ trí thức, một tay xách cặp, tay cầm hộp đựng thức ăn. Có cặp vợ chồng trẻ mặc quần áo gọn gàng vai đeo balo, có bà tóc búi cao, mặt son phấn đầy đủ. Có những ông cụ trông quắc thước với tóc bạc, râu trắng trông thật đẹp lảo, thậm chí có chàng nghệ sĩ đeo sau lưng cây đàn Guitar…Tính cách của họ cũng khác nhau, có người tham lam muốn lấy thật nhiều đến độ hai tay cầm không xuể mà vẫn muốn lấy thêm, có những người chỉ lấy vừa đủ ăn và luôn miệng: “Thank you” “God bless you”.Có người chỉ lấy ít cơm, không lấy thức ăn và không lấy gì thêm, có lẽ họ ăn chay ?. Tất cả cho thấy họ xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau trong xả hội, trình độ văn hóa và nhân cách cũng khác nhau. Điều đó cho thấy không phải hể cứ “homeless” là thuộc tầng lớp đáy của xả hội như nhiều người thường nghĩ! Có khi cách xử sự của chúng ta chưa chắc đã bằng họ! Tuy không đi sâu vào hoàn cảnh từng người, nhưng tôi biết trong số họ, có những người từng có công ăn việc làm đàng hoàng, có nhà cao cửa rộng, có một mái ấm gia đình…nhưng rồi vì một lý do nào đó đã dẫn dắt họ đến hoàn cảnh này như lời một câu hát nổi tiếng : “Que sera sera?” (Biết ra sao, ngày sau?)

Có thể đan cử bộ phim “Home by Christmas” từng được trình chiếu trên truyền hình “Life- Time” như là một ví dụ tiêu biểu: Câu chuyện nói về hoàn cảnh của Julie, một phụ nữ có gia đình khá giả, tưởng rằng được bình yên trong mái ấm; nào ngờ một ngày kia bị chồng phản bội, ông ta ngoại tình và đòi chia tay. Cuộc hôn nhân đổ vỡ, Julie có một cô con gái duy nhất cũng theo về ở với bố và mẹ kế

“Họa vô đơn chí!”

Liền sau đó Julie lại bị cướp hành hung chấn thương và giật mất xách tay, trong đó có giấy tờ và tổng số tiền bồi thường khá lớn sau khi ly dị vì Julie chấp nhận dọn ra để người chồng lấy căn nhà.Lúc rời khỏi bệnh viện là lúc Julie nhận ra rằng mình đã trở thành kẻ trắng tay : không nhà không người thân, không tiền bạc…

Chuyện phim kể trên cho ta thấy những khía cạnh thực tiễn trong đời sống xả hội. Có những người bỗng chốc trở thành người nghèo khổ, trắng tay, sau một biến cố nào đó trong đời sống, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Đặc biệt là tiểu bang California là nơi có tỷ lệ người nghèo cao nhất nước Mỹ (23.5 %), theo thống kê cuối năm 2012

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu thức ăn là do sự lãng phí thực phẩm trầm trọng! Mới đây tôi đọc được một bài báo với tựa đề: “Trong khi 868 triệu dân đói, 50% thức ăn đổ rác”.Có nhiều lý do thực phẩm bị đổ đi, kể cả những thực phẩm tuyệt vời từ các siêu thị, hoặc vì không phù hợp thẩm mỹ trình bày cho bắt mắt, hay chỉ vì tuân theo những luật lệ quá nghiêm ngặt (hạn sử dụng, tiêu chuẩn cân…) Một lần đi Costco, tôi tận mắt nhìn thấy nhân viên cân gà quay, vứt vào thùng rác những con gà quay nóng hổi ngon lành chỉ vì nó không cân đủ trọng lượng quy định( Ví dụ tiêu chuẩn gà quay nặng từ 4 – 4,5 lbs, con gà nào nặng dưới 4 lbs là bị loại). Do dó trong một lần ghé thăm Mỹ, Mẹ Teresa vốn rất hiền lành đã nổi giận khi thấy ở Mỹ người ta phí phạm thức ăn quá mức trong khi thế giới và đặc biệt ở Phi Châu bao nhiêu người chết đói!

Ngoài ra trong đời sống hằng ngày, dân Mỹ đi chợ thích mua hàng “sale” với giá rẻ, hay với coupon, rẻ nên ham mua nhiều, ăn không hết, hư hỏng phải đổ đi là chuyện thường xuyên trong các gia đình! Đó cũng là một cách lãng phí nặng nề ! Bên cạnh đó có nhiều người thích “trưởng giả học làm sang” nên đi ăn tiệm, dù thức ăn ngon cũng phải chừa lại trên đỉa (để đổ đi!) hoặc không “to go” các thức ăn còn dư (dù ngon lành, sạch sẻ) hoặc ở nhà thì nhất định không ăn thức ăn nấu ngày hôm trước, họ muốn chứng tỏ “đẳng cấp” và sự vệ sinh cao độ của họ. Hãy nhìn lại những dân nhà giàu ở New York, sau cơn bảo Sandy vừa rồi, khi nhà cửa bị tàn phá, điện bị hư hỏng kéo dài nhiều ngày…đói quá họ phải ra bươi thùng rác để kiếm miếng ăn Nhiều người Việt Nam đã từng đi vượt biên khổ sở trăm bề mới thấy hết giá trị của miếng ăn đáng quý thế nào? Nhưng khi thực phẩm ê hề, thì lòng quý trọng và chắt chiu với thực phẩm biến mất! Khi chúng ta lãng phí thực phẩm cũng đồng nghĩa chúng ta lãng phí sức lao động của người, của đất, của nước, và năng lượng…góp phần để tạo ra những sản phẩm dinh dưởng cho chúng ta.

Tình trạng lãng phí thức ăn ở Mỹ còn được bắt đầu ở học đường, khi còn đi dạy tôi đã từng “xót ruột” khi thấy sau mỗi bửa ăn trưa, bao nhiêu thức ăn còn ngon lành tươi tốt bị vất vào thùng rác khá nhiều! Đó là luật, các cô giáo phải thi hành sau khi bửa ăn kết thúc, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Từ đó các học sinh lúc nhỏ đã có thói quen vất thức ăn còn tốt, có khi là những quả táo còn nguyên, vào thùng rác mỗi ngày và cho đó là chuyện bình thường phải làm, nên khi lớn lên các em cũng sẽ quen tay lãng phí thức ăn tương tự, không hề biết trân trọng thực phẩm do công sức biết bao người đóng góp để tạo nên. Tôi hoàn toàn đồng cảm với “một cô giáo đã bắt một học sinh lấy phần ăn trưa còn nguyên vẹn của mình ra để ăn, sau khi em không hề động đến nó và quăng ngay vào thùng rác lúc vừa nhận xong..” Sau đó cô giáo đã bị phụ huynh của học sinh đó kiện, không biết vụ kiện này sẽ đi đến đâu?

Tôi nhớ khi còn nhỏ, mẹ tôi thường dạy : “Mỗi hạt cơm là một hạt ngọc của Trời, không được phí phạm, kẻo bị Trời phạt!”. Bây giờ đám trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường học đường lãng phí thức ăn từ lúc nhỏ như vậy, nên khi ra đời chúng lại tiếp tục lãng phí thức ăn cũng là điều dễ hiểu.

Chúng ta phải làm gì để giảm bớt tình trạng lảng phí này? Có lẽ phải bắt đầu từ việc giáo dục trong gia đình. Hãy kể cho các em nghe cảnh các em bé, người già ở Việt Nam đi xin cơm thừa, canh cặn, phở dư ở các hàng quán để bỏ vào các ca nhựa… và luôn bị chủ quán xua đuổi, quát mắng thật tội nghiệp! Hãy cho các em nhìn những hình ảnh các em bé Phi Châu đói lã, da bọc xương, chỉ còn cái đầu to và đôi mắt lộ ra, tay quơ quào từng mảnh vụn bánh mì rơi trên đất để bỏ vào mồm…Hãy giáo dục các em từ nhỏ biết thương người, biết đồng cảm với nổi khổ của tha nhân, biết chia xẻ với những người khốn cùng khi Chúa cho mình còn no đủ. ( biết đâu ngày mai mình bị thiếu thốn ) Hạnh phúc cho lớn hơn là hạnh phúc được nhận! Có lẽ cũng đồng quan điểm giáo dục này, mà trong nhóm phát thức ăn cho người vô gia cư (kết hợp của hai nhóm Việt Nam và Đại Hàn ) một vài phụ huynh Đại Hàn đã mang theo con mình để chúng cùng tham gia công tác, để chúng tận mắt chứng kiến những người khốn cùng thiếu thốn Thật là một hình ảnh đẹp khi cả gia đình cùng tham gia công tác xả hội như thế này

Cuối buổi công tác, chúng tôi nắm tay nhau thành một vòng tròn cầu nguyện tạ ơn Chúa và cùng hát bài hát ngắn kết thúc:

“God is so good, God is so good Allelulia !
God is so good, god is so good Allelulia!
God is so good to me!”

Câu hát cuối cùng luôn in đậm nét trong tôi trên đường về nhà. Quả đúng là “God is so good to me”, tạ ơn Chúa vì qua công việc này, con mới có dịp ý thức rõ hơn:Trong khi có bao nhiêu người đói khổ, thiếu ăn, phải ngủ ngoài đường, nơi vỉa hè góc phố với trời đêm mùa đông lạnh cắt da …thì Chúa cho con có mái nhà để về, có phòng riêng, có chăn ấm nệm êm để ngủ và còn bao nhiêu thứ tiện nghi khác trong đời sống…làm sao con không biết ơn Chúa cho được vì Chúa quá tốt với con, nên con phải biết noi gương Chúa để tốt với anh em chung quanh con! Từ đó  tôi  luôn nhìn cuộc sống trong chiều hướng tích cực của nó để biết tạ ơn chúa trong từng phút giây của cuộc sống thay vi hay than phiền như trước đây ( Nghe tin thiên thạch rơi ở Liên xô làm chết và bị thương hằng ngàn người; tin người cao niên  ở Đại Hàn tự tử tăng cao vì bị con cái bỏ bê không chăm sóc…may quá mình không bị rơi vào những tình cảnh “tệ hại” như vậy.Tạ ơn Chúa)

Năm Đức Tin là năm đem Lời Chúa vào trong cuộc sống hằng ngày, mùa chay là mùa ăn chay, hãm mình, bớt ăn uống, bớt tiêu xài, bớt lãng phí những gì Chúa đã ban cho ta để chúng ta có thêm nhiều cơ hội, phương tiện để chia xẻ với những người anh em. Đôi khi tôi cũng cảm thấy số người khốn khó sao nhiều quá, việc mình làm chỉ như giọt nước trong đại dương? May quá tôi đã đọc được câu trả lời từ Mẹ Teresa “Những việc từ thiện ta làm nhỏ như một giọt nước trong đại dương, nhưng nhờ vậy mà đại dương đã cạn đi được môt giọt nước”, nên hãy cứ làm những việc tốt dù nhỏ, khi ta có cơ duyên để :

“Cuộc đời thấy ngày càng dễ thương
Tình người thấy càng trìu mến hơn”

Lời hát cuối cùng của bài “Lời trái tim muốn nói “của Lê Hựu Hà như một nhắc nhở vẫn âm vang trong tôi :

“Thì em ơi nên nhớ!
Hãy sớt chia Hạnh Phúc cho đời”

Phượng Vũ

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Họp Báo Của Cha Lombardi Về Chương Trình Của Đức Thánh Cha (2/21/2013)
Lời Khuyên Khôn Ngoan (2/20/2013)
Tuần Tĩnh Tâm Mùa Chay Của Đức Thánh Cha (2/20/2013)
Đức Thánh Cha Có Thể Ban Hành Tự Sắc Minh Định Luật Bầu Giáo Hoàng (2/20/2013)
Quyết Định Từ Nhiệm Giáo Hoàng Của Đức Thánh Cha Biển Đức Xvi (2/20/2013)
Tin/Bài cùng ngày
Vui Buồn Của Tuổi Già, Những Suy Tư Của Đức Bênêđictô, Mấy Tháng Trước Khi Công Bố Từ Nhiệm. (2/19/2013)
Lịch Phụng Vụ Tháng 3/2013 Lm Anphong Trần Đức Phương (2/19/2013)
Tin/Bài khác
Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 11/2 - 14/2: Quyết Định Thoái Vị Của Đức Thánh Cha, Diễn Tiến Và Cảm Xúc Tại Giáo Triều Rôma (2/18/2013)
Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Áp Chót Của Đức Thánh Cha (2/17/2013)
Hoạt Động Của Đức Thánh Cha Áp Tuần Tĩnh Tâm (2/17/2013)
Vụ Nổ Thiên Thạch Tại Nga Tương Đương 20 Bom Nguyên Tử (2/16/2013)
Những Câu Hỏi Thú Vị (2/15/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768