Đức Thánh Cha Biển Đức XVI thông báo thoái vị Giáo Hoàng vào cuối Tháng 2/2013
(Nguyên văn lời của ngài, của vị Trưởng Hồng Y Đoàn và của Giám Đốc VP Báo Chí TT) Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ VIS (Vatican Information Service) của Tòa Thánh ngày 11/2/2013 Lời từ nhiệm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Hôm nay, Thứ Hai, ngày 11/2/2013, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức, theo VIS thì vào lúc kết thúc đặc nghị về các án phong thánh, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chính thức thông báo về việc thoái vị giáo hoàng của ngài, nguyên văn bằng tiếng Latinh, xin được chuyển dịch như sau: "Tôi đã triệu tập quí huynh đến Đặc Nghị này chẳng những cho 3 án phong thánh mà còn để thông đạt cùng quí huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần kiểm điểm lương tâm trước nhan Thiên Chúa, tôi đã tiến đến chỗ tin tưởng rằng sức khỏe của tôi, vì tuổi già, không còn thích hợp với việc thi hành đầy đủ thừa tác vụ Thánh Phêrô nữa. Tôi biết rõ là thừa tác vụ này, theo bản chất thiêng liêng thiết yếu của nó, cần phải được thi hành chẳng những bằng lời nói và việc làm mà còn bằng không ít nguyện cầu và đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, một thế giới đang bị chi phối bởi quá nhiều thay đổi nhanh chóng và bị giao động bởi những vấn đề liên quan sâu xa đến đời sống đức tin, để lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô cũng như để loan truyền Phúc Âm, đều cần đến cả sức khỏe về tâm trí lẫn thể xác, những gì mà trong ít tháng gần đây đối với tôi đã suy yếu nơi tôi. Vì lý do này và với ý thức rõ ràng về tính cách hệ trọng của tác động đây, tôi hoàn toàn tự do để tuyên bố rằng t ôi xin từ nhiệm thừa tác vụ Giám Mục Rôma, từ nhiệm sứ vụ Thừa Kế Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi bởi các vị Hồng Y vào ngày 19/4/2005, như thế, kể từ ngày 28/2/2013, vào lúc 8 giờ tối, Tòa Thánh Rôma, Tòa Thánh Phêrô, sẽ trở thành trống ngôi, và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để các vị có thẩm quyền tuyển chọn vị tân Giáo Hoàng. "Quí Huynh thân mến, tôi rất chân thành cám ơn tất cả lòng yêu thương và hoạt động mà quí huynh đã trợ giúp tôi thi hành thừa tác vụ của tôi và xin tha thứ cho tất cả những khiếm khuyết thiếu sót của tôi. Giờ đây chúng ta hãy ký thác Hội Thánh cho sự chăm sóc của Vị Mục Tử Tối Cao của chúng ta là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cùng nài xin cùng Người Mẹ thánh của Người, để Mẹ hỗ trợ các vị Nghị Phụ Hồng Y bằng mối quan tâm từ mẫu của Mẹ, trong việc chọn một vị tân Giáo Hoàng. Riêng về bản thân của mình, tôi cũng muốn thiết tha phục vụ Hội Thánh Chúa trong tương lai bằng một đời sống chuyên tâm nguyện cầu". Lời Cảm Nhận của Đức Hồng Y Sodano Trưởng Hồng Y Đoàn "Chúng con đã nghe Đức Thánh Cha nói mà cảm thấy mất mát làm sao ấy, hầu như không thể nào tin nổi. Trong lời nói của Đức Thánh Cha chúng con thấy được lòng cảm mến sâu đậm nơi Đức Thánh Cha đối với Hội Thánh Chúa, vì Đức Thánh Cha đã yêu mến Giáo Hội này rất nhiều. Giờ đây, thay mặt cho Hồng Y Đoàn, đại diện cho thành phần hợp tác yêu dấu của Đức Thánh Cha, con xin đươc thân thưa rằng chúng con gắn bó với Đức Thánh Cha hơn bao giờ hết, như chúng con đã từng như thế trong gần 8 năm rạng ngời của giáo triều Đức Thánh Cha. Vào ngày 19/4/2005, nếu con nhớ chính xác, ở vào lúc kết thúc mật nghị hồng y, con đã hỏi rằng: 'Ngài có chấp nhận việc tuyển chọn làm Giáo Hoàng theo giáo luật hay chăng?' Và ngài đã không ngần ngại, mặc dù tỏ ra xúc động, đáp lại rằng ngài chấp nhận, khi tin tưởng vào ân sủng của Chúa và việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội. Như Mẹ Maria vào ngày Mẹ thưa 'fiat', giáo triều rạng ngời của ngài đã bắt đầu, thực hiện việc tiếp tục, một liên tục Với 265 vị tiền nhiệm ở Tòa Thánh Phêrô, trên 2000 năm lịch sử từ Tông Đồ Phêrô, người đánh cá thấp hèn người Galilêa, đến các vị đại giáo hoàng của thế kỷ vừa qua, từ Thánh Giáo Hoàng Piô X cho đến Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”. “Tâu Đức Thánh Cha, trước ngày 28/2, ngày mà, như Đức Thánh Cha nói, Đức Thánh Cha muốn sử dụng chữ ‘kết thúc’ cho việc phục vụ giáo triều của mình, một giáo triều phục vụ được thực hiện bằng quá nhiều yêu thương và rất khiêm tốn, trước ngày 28/2, chúng con sẽ có thể bày tỏ hơn nữa những nỗi niềm của chúng con. Cũng thế đối với rất nhiều vị mục tử và tín hữu khắp thế giới, cũng thế đối với tất cả những ai thiện tâm cùng với các vị thẩm quyền của nhiều quốc gia xứ sở. Cũng trong tháng này, chúng con vẫn còn niềm vui được lắng nghe tiếng của Đức Thánh Cha là vị mục tử: vào Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Năm với hàng giáo sĩ Rôma, ở buổi Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật, và các buổi triều kiến chung Thứ Tư, chúng con sẽ có nhiều cơ hội để nghe tiếng nói thân phụ của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên sứ vụ của Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục. Đức Thánh Cha đã nói rằng Đức Thánh Cha bao giờ cũng sẽ gần gũi chúng con bằng chứng từ của Đức Thánh Cha và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha. Dĩ nhiên là các vì tinh tú bao giờ cũng tiếp tục chiếu sáng và vì sao giáo triều của Đức Thánh Cha luôn luôn sẽ chiếu tỏa nơi chúng con như vậy. Tâu Đức Thánh Cha, chúng con gắn bó với Đức Thánh Cha và chúng con xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho chúng con”. Lời Nhận Định của Cha Lombardi Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh Cha Federico Lombardi, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh đã bày tỏ nhận định của mình ở tại văn phòng này cũng như trên đài Phát Thanh Vatican về sự vụ từ nhiệm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nguyên văn như sau: “Trong số những lý do từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng, như ngài đã lưu ý trong lời của ngài, đó là những hoàn cảnh của thế giới ngày nay, liên hệ đến quá khứ, đặc biệt là những gì khó khăn, vì cả tốc độ cũng như con số những biến cố cùng các vấn đề đang xẩy ra mà bởi thế nên cần đến một sự cường tráng có lẽ mạnh hơn quá khứ. Chính sự cường tráng này mà Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài đã cảm thấy suy yếu nơi ngài trong nhữngt tháng ngày gần đây. “Câu: ‘nhận thức rõ ràng về tính cách hệ trọng của tác động này, bằng việc hoàn toàn tự do, tôi xin tuyên bố từ nhiệm thừa tác vụ làm Giám Mục Rôma, làm Thừa Kế Thánh Phêrô’ rất quan trọng. Đây là một lời công bố chính thức, một lời công bố quan trọng theo quan điểm về pháp lý. Ở đoạn 2 của khoản Giáo Luật 332 chúng ta đọc thấy rằng: ‘Nếu xẩy ra trường hợp từ nhiệm của một vị Giáo Hoàng, thì để có hiệu lực việc từ nhiệm cần phải được thực hiện một cách tự do và bày tỏ một cách thích đáng, thế nhưng nó không cần phải được ai công nhận cả’. Thế nên, hai điểm chính yếu ở đây đó là tự do và bày tỏ thích đáng. Vấn đề tự do cũng như việc công khai bày tỏ, mà đặc nghị được Đức Giáo Hoàng sử dụng để bày tỏ ý định của ngài là công khai. “Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ tiếp tục thi hành trọn vẹn trách vụ của ngài và việc phục vụ của ngài cho đến 8 giờ tối ngày 28/2. Từ lúc ấy trở đi tình trạng trống ngôi – Sede Vacante sẽ bắt đầu xẩy ra, được ấn định, theo quan điểm pháp lý và giáo luật, bởi các văn bản liên quan đến tình trạng trống ngôi - Sede Vacante theo Giáo Luật, cũng như theo Tông Hiến ‘Universi domicici gregis’ của Đức Gioan Phaolô II, liên quan tới tình trạng trống ngôi – Sede Vacante của Tòa Thánh. “Việc thông báo của Đức Giáo Hoàng phù hợp với những gì ngài đã tuyên bố trongt tác phẩm ‘Ánh Sáng Thế Gian’ của Ông Peter Seewald, căn cứ vào những cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Ông Seewald đã đặt ra hai câu hỏi rõ ràngt về giả thuyết của việc từ nhiệm. Ở câu hỏi thứ nhất, ông đã hỏi Đức Thánh Cha rằng, trong những trường hợp khó khăn càng ngày càng đè nặng trên một giáo triều thì vị Giáo Hoàng có được cứu xét đến chuyện từ nhiệm hay chăng. Câu trả lời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đó là: ‘Khi có gì nguy hiểm cả thể không thể nào tránh được. Vì lý do ấy thì cchắc chắn không phải là lúc từ nhiệm’ (ngài bấy giờ nói đến vấn đề lạm dụng tình dục v.v.). Những lúc như thế là những lúc người ta cần phải mạnh mẽ và đương đầu với tình trạng khó khăn ấy. Đó là những gì tôi nghĩ. Người ta có thể từ nhiệm lúc an bình, hay khi người ta chỉ cần không còn sức khỏe, nhưng người ta không thể nào tránh né ở vào thời điểm nguy hiểm cho rằng ‘đã có người khác lo’. Tóm lại Đức Giáo Hoàng nói rằng, đối với ngài, những khó khăn không phải là động lực để từ nhiệm; trái lại, chúng là lý do không từ nhiệm. Câu hỏi thứ hai của Ông Seewald đó là: ‘Thế thì Đức Thánh Cha có thể nghĩ đến một trường hợp mà một vị Giáo Hoàng có thể từ nhiệm được hay chăng?’ Đức Thánh Cha đã đáp lại rằng: ‘Khi một vị Giáo Hoàng nhận thức một cách rõ ràng rằng mình không còn khả năng về thể lý, tâm thần và thiêng liêng trong việc thi hành vai trò của mình, bấy giờ theo lý có thể, và còn bắt buộc phải từ nhiệm nữa’”. Vị Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh còn cho biết thêm rằng Đức Thánh Cha “sẽ chuyển đến Castel Gandolfo vào ngày 28/2, và một khi ngài hoàn tất các công việc ngài đã làm dở dang thì ngài sẽ đến ở trong một đan viện kín trước đây ở Vatican . Tiến trình cho việc tuyển bầu một vị tân Giáo Hoàng sẽ được bắt đầu vào ngày 1/3. Chúng tôi chưa biết chính xác ngày mật nghị hồng y, thế nhưng hiển nhiên là không cần phải đợi 8 ngày chính thức thương khóc sau cái chết của một vị Giáo Hoàng… Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ không đóng một vai trò gì trong mật nghị hồng y Tháng 3 tới đây, cũng không quản trị Giáo Hội trong thời gian giữa các vị giáo hoàng, thời gian trống ngôi – Sede Vacante. Tông Hiến ‘Universi domicici gregis’ không trao vai trò cho vị giáo hoàng đang cai quản trong trường hợp chuyển tiếp”. Vị linh mục Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh kết luật như sau: “Cá nhân tôi, tôi đã nhận được thông báo về việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng bằng tấm lòng khâm phục sâu xa, về sự dũng cảm cả thể của việc từ nhiệm này, đối với sự tự do trong tinh thần của Đức Thánh Cha cũng như đối với mối quan tâm lớn lao về trách nhiệm thừa tác vụ của ngài. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cống hiến cho chúng ta một chứng từ cao cả về sự tự do thiêng liêng, về đức khôn ngoan cao cả liên quan đến việc quản trị của Giáo Hội trong thế giới ngày nay”. Mới ngày nào lên ngôi Vào ngày 19/4/2013 là đúng 8 năm ngày Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trưởng Hồng Y Đoàn, được tuyển bầu là Giáo Hoàng, vị thừa kế thứ 264 của Thánh Phêrô, và đã chọn danh xưng là Biển Đức XVI. Cuộc mật nghị hồng y tuyển bầu Đức Thánh Cha Biển Đức XVI được bắt đầu vào Thứ Hai 18/4/2005, trong Nguyện Đường Sistine của Tông Dinh Vatican , với sự tham dự của 115 vị hồng y cử tri. Khói đen đầu tiên bốc lên xẩy ra vào lúc 8 giờ 4 phút chiều cùng ngày. Khói đen lần thứ hai vào lúc 11 giờ 52 phút sáng Thứ Ba ngày 19/4 hôm sau, nhưng cùng ngày Thứ Ba này, vào lúc 5 giờ 50 phút chiều khói trắng đã bốc lên. Vào lúc 6 giờ 43 phút hôm đó, Đức Hồng Y niên trưởng Jorge Arturo Medina Estevez đã long trọng thông báo cùng dân cúng rằng: “Tôi rất hân hoan loan báo cùng anh chị em; chúng ta đã có giáo hoàng; Đức Hồng Y Joseph Ratzinger của Giáo Hội Công Giáo Rôma đã lấy tên là Biển Đức XVI”. Sau đó, tức vào lúc 6 giờ 48 phút, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI theo sau Thập Giá đã xuất hiện để chào dân cúng và ban Phép Lành cho thành phố và cho thế giới (Urbi et Orbi), nhưng trước khi ban phép lành, vị tân Giáo Hoàng đã ngở lời cùng tín hữu những lời lẽ sau đây: “Anh Chị Em thân mến, “Sau vị đại Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Các Đức Hồng Y đã tuyển bầu tôi, một người thợ tầm thường và thấp hèn trong vườn nho của Chúa. Tôi cảm thấy an tâm ở chỗ Chúa biết tác động như thế nào ngay cả với những dụng cụ bất xứng, và nhất là tôi xin tin tưởng ký thác bản thân tôi cho lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm hân hoan của Chúa Phục Sinh, tin tưởng vào sự trợ giúp mãi mãi của Ngài, khi chúng ta tiến bước thì Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, và Mẹ của Người, Mẹ Maria Rất Thánh, sẽ ở bên chúng ta. Xin cám ơn anh chị em”. Mật Nghị Hồng Y để tuyển bầu vị tân giáo hoàng Mật nghị hồng y để tuyển bầu tân giáo hoàng thay thế cho Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm vào tối ngày 28/3/2013 sẽ được thực hiện theo “Ordo Rituum Conclavis” do Đức Gioan Phaolô qui định trong tông hiến "Universi Dominici Gregis", para. 27. Vị có nhiệm vụ chính yếu trong thời gian trống ngôi – Sede Vacante đó là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, vị được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bổ nhiệm vào ngày 4/4/20107. Các vị hồng y cử tri, tính theo các châu lục, gồm có 61 vị Âu Châu, 19 vị Châu Mỹ Latinh, 14 vị Bắc Mỹ, 11 vị Phi Châu, 11 vi Á Châu và 1 vị Đại Dương Châu. Ý quốc có nhiều hồng ý nhất, 21 vị. Trong tổng số các vị hồng y có 67 vị được tấn phong bởi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và 50 vị bởi Đức Gioan Phaolô II. Những qui định mới của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II liên quan đến giai đoạn mật nghị hồng y đó là các vị Hồng Y cử tri (sẽ 117 vị vào ngày 28/2 cho lần tuyển bầu sắp tới đây) sẽ ở Vatican tại Casa Santa Marta – Nhà Thánh Matta. Hoàn toàn biệt loập với nơi các vị tuyển bầu là Nguyện Đường Sistine. Các vị hồng y tuyển bầu cần phải ở tại Vatican trong thời gian mật nghị hồng y, và không ai được gần gũi các vị khi các vị di chuyển từ Nguyện Đường Sistine về chỗ cư trú hay ngược lại. Tất cả mọi hình thức truyền đạt với thế giới bên ngoài đều bị cấm hết. Như trong quá khứ, cái lò sưởi của Nguyện Đường Sistine sẽ được sử dụng để đốt các lá phiếu sau mỗi lần tuyển bầu.
|