Đức Giêsu Kitô Vua: phục vụ là cai trị.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Truyện
cổ Nga thuật lại rằng: Vào thời Trung cổ,
Hoàng tử Alexis cũng như bao vua chúa khác sống trong
cung điện nguy nga tráng lệ, trong khi dân chúng chung quanh
phải sống trong những khu xóm nghèo nàn tồi tệ.
Thế nhưng Alexis rất hiểu
nổi cơ cực của thần dân và cảm
thương họ. Ông bỏ ra mỗi ngày
một tí thời giờ để thăm họ.
Nhưng dù cố gắng đến đâu, Alexis vẫn
không thu phục được lòng yêu
mến của thần dân. Vì thế, sau mỗi lần
thăm họ trở về, ông thấy lòng mình buồn
rười rượi.
Ngày kia, có
một người lạ mặt đi vào khu xóm, ăn
mặc đơn sơ, anh tự xưng là bác sĩ, anh
săn sóc những người già cả, bệnh tật.
Đặc biệt, bác sĩ không lấy tiền thù lao, và còn phát thuốc miễn phí cho bệnh
nhân.
Bác sĩ
ấy trở thành người của xóm nghèo,
được mọi người yêu mến kính phục.
Ngày ngày, anh dàn xếp những cuộc cãi vã, tranh giành, hòa
giải những thù oán, và giúp đỡ họ sống
đúng với phẩm giá con người.
Bác sĩ
trẻ ấy chính là Hoàng tử Alexis, người đã
bỏ cung điện giàu sang đến sống với
thần dân nghèo khổ và trở nên bạn bè của
họ, để yêu thương săn sóc và phục
vụ họ.
Anh chị em thân mến, Đức
Kitô thực sự là một vị Vua đầy uy
quyền. Nhưng Ngài đã trở
nên giống như chúng ta, để có thể yêu
thương và phục vụ chúng ta. Ngài đã tuyên
bố: “Con Người đến không phải để
được người ta phục vụ, nhưng
để phục vụ và hiến sống làm giá chuộc
muôn người” (Mt 20,28). Trong Tin
Mừng hôm nay, khi bị Philatô tra hỏi: “Ông là Vua ư?”
Chúa Giêsu không phủ nhận, Ngài chỉ nói: “Chính quan nói
rằng tôi là vua”. Vua vẫn chỉ là một
từ ngữ gây hiểu lầm mà Đức Giêsu muốn
tránh. Mặc dù nhiều lần Chúa Giêsu
đã nói đến Nước của Ngài. Ngài
“sẽ đến trong vinh quang của Cha Ngài... trong
Nước của Ngài” (Mt 16,27-28). Ngài
đã khẳng định trước mặt Philatô:
“Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Khi người trộm lành xin Ngài
nhớ đến anh “khi Ngài đến trong Nước
của Ngài”, Chúa Giêsu đã không từ chối: “Hôm nay anh
sẽ ở trêm Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,41-43).
Vào ngày tận thế, Ngài sẽ đến phân xử
người lành kẻ dữ trong tư cách một vị
Vua (Mt 25,34-40).
Chúa Giêsu là Vua vũ
trụ. Ngài đã được Chúa Cha ban cho
mọi quyền năng trên trời dưới đất
(Mt 28,18). Nhưng Ngài đã
sống như một người tôi tớ phục
vụ. Trong cuộc sống trần
thế, Ngài vẫn luôn ý thức về vai trò quan trọng
của mình trong việc cứu độ nhân loại.
Ngài biết mình là Con Thiên Chúa. Thế nhưng cả cuộc đời Ngài là
một sự phục vụ không ngừng. “Vua của
các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và
những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân... Bởi lẽ, giữa người
ngồi ăn với kẻ hầu bàn,
ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây,
Thầy sống giữa anh em như một người
hầu bàn” (Lc 22,25-27). Chúa
Giêsu tự nhận mình là người phục vụ như
một kẻ hầu bàn, chỉ mong cho thực khách
được ngon miệng. Kiểu làm
vua của Chúa Giêsu là phục vụ, chứ không phải là
được người ta phục vụ. Ngài làm
vua bằng cách cúi xuống để làm cử chỉ
hầu hạ của người nô lệ: “Nếu
Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em
cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).
Với Chúa Giêsu, cử chỉ đó là một việc làm
bình thường gắn liền với quyền bính
đích thực. Qua cung cách của Ngài, Chúa
Giêsu đưa ra định nghĩa đúng đắn
về quyền bính. Quyền bính đích
thực đồng nghĩa với phục vụ và
phục vụ cho đến hy sinh mạng sống.
Cử chỉ phục
vụ cao cả nhất và khiêm hạ nhất của Chúa
Giêsu là cái chết của Ngài trên thập giá. Cần chiêm ngưỡng vị vua bị đóng
đinh thật lâu để hiểu được cách làm
vua của Ngài. Trên đầu Ngài có gắn tấm
bảng ghi dòng chữ: “Giêsu Nagiaret Vua dân Do Thái”,
được viết bằng ba thứ tiếng: Do Thái,
La Tinh, Hy Lạp, để ai cũng đọc
được. Một vị vua lạ lùng! Không
ngai vàng, chỉ có thập giá. Không
vương miện, chỉ có vòng gai. Không
cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc.
Không quan quân đứng hầu, chỉ có người qua
kẻ lại nhiếc móc, chế nhiễu, lăng
mạ. Một vị vua không có chút quyền
lực, cũng chẳng áp bức ai. Một
vị vua của vâng phục và yêu thương tha thứ
tất cả. Thập Giá vừa
đưa Chúa Giêsu xuống vực thẳm, vừa nâng
Người lên cao. Chúa Giêsu trở thành vua vũ
trụ nhờ đi vào con đường thập giá, con
đường tử bỏ mình để khiêm tốn
phục vụ, con đường hẹp nhưng không
phải là con đường cùng, mà là con đường
dẫn đến vinh quang. “Khi nào Ta được
đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi
người lên với Ta” (Ga 12,3). Vua
Giêsu hôm nay vẫn tiếp tục thu hút
cả vũ trụ nhân loại với Ngài. Nước
của Ngài đã được khai mạc và nước
ấy vẫn lan rộng không ngừng nhờ có những
người dám “đứng về phía sự thật” và
“nghe được tiếng Ngài mời gọi” (Ga 18,37).
Nước của Vua Giêsu
không có trên bản đồ, bởi lẽ Nước
ấy “ở trong thế gian này” nhưng “không thuộc
về thế gian này”. “Ở trong thế
gian”, nghĩa là không xa cách, nhưng hòa quyện với
thế gian như men trong bột, như muối ướp
thức ăn. Nhưng “không thuộc về thế
gian này”, nghĩa là không chạy theo
những thần tượng của thế gian: quyền
lực, tiền của, khoái lạc... Thế gian sa đọa là thế gian chống lại
Nước Chúa và cũng chống lại quyền lực
của con người. Thế nên, xây dựng
Nước Chúa cũng là xây dựng một xã hội công
bằng, bác ái, tôn trọng con người. Chúng ta
cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến”,
được mọi người nhận biết. Nhưng Nước Cha chỉ thành tựu khi Chúa
Giêsu Kitô được mọi người tuyên xưng là
Chúa, là Đấng Cứu Độ là Vua cả hoàn vũ.
Nước Cha và Nước Chúa Kitô là
một. “Vào lúc tận thế, Chúa Kitô sẽ trao
lại Nước cho Chúa Cha, sau khi Ngài đã hủy
diệt và khuất phục quyền lực sự dữ,
để cuối cùng, Thiên Chúa làm mọi sự cho mọi
người” (x.1Cr 15,24-28).
Anh chị em thân mến,
Chúa Kitô, một vị vua dùng thập giá
ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh
sườn của Ngài bị đâm thủng, để
nguồn suối tình yêu luôn tuôn tràn cho nhân loại đang
khao khát tình yêu. Yêu là trao ban và trao ban đến cùng. Tình yêu, đó là món quà quí nhất của Thiên Chúa
đã trao tặng con người. Từ nay,
để sống đích thực là người, con
người cần phải dốc cạn con tim mình để yêu thương và trao ban cho
đồng loại. Chúa Giêsu đã lấy tình yêu
thương và phục vụ làm quyền bính cai
trị. Ngài đã trở nên gương
mẫu đích thực cho các nhà lãnh đạo, cho các
người cầm quyền. Ai biết
yêu thương và phục vụ như Ngài thì mới
được tham dự vào vương quyền của
Ngài trong Nước của Ngài, vì “Phục vụ là cai
trị”
vậy.
|