Đức Giêsu, Vua vũ trụ, cũng là vua
mọi tâm hồn, Ngài thống trị bằng tình yêu
Suy niệm của JKN.
Câu hỏi
gợi ý:
1. Tại sao Giáo Hội lại tuyên
xưng rằng Đức Giêsu là Vua của vũ trụ? Ngài có quyền hành gì trên vũ trụ vạn
vật?
2. Ngài là vua, nhưng có gì khác biệt
với những vị vua bình thường? Ngài cai trị bằng gì?
3. Ngài là vua của vũ trụ,
nhưng điều ấy ích lợi gì cho tôi, nếu Ngài
không phải là vua tâm hồn tôi? Vậy tôi
phải làm gì để Ngài trở nên vua của tâm hồn
tôi?
Suy tư
gợi ý:
1. Chú giải đoạn Tin
Mừng
Philatô hỏi Đức Giêsu: «Ông có
phải là vua dân Do Thái không?». Nếu
người Do Thái hỏi Ngài câu ấy, thì câu ấy
nghĩa là: ông có phải là Đấng Mêsia không? Nhưng khi
Philatô hỏi, thì câu ấy có nghĩa là: ông có phải là
kẻ cầm đầu xui giục dân Do Thái phản
loạn không? Theo não trạng của dân Do Thái,
thì đấng Mêsia tức vị Cứu Tinh của dân
tộc ắt phải là một thủ lãnh của đoàn
quân nổi loạn chống lại Rôma để giải
phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế
quốc. Nếu Ngài là người nổi loạn
chống lại Rôma, thì dân Do Thái sẽ theo
Ngài. Nhưng họ thấy Ngài không phải là
người nổi loạn như ý muốn của họ,
mà lại có những ý tưởng lạ đời đi
ngược lại tư tưởng truyền thống
của chính tôn giáo của họ, nên họ muốn tiêu
diệt Ngài. Nhưng họ không dám ra tay
giết Ngài, mà muốn dùng bàn tay của người Rôma
để giết Ngài. Để làm
điều ấy, họ chụp mũ Ngài là người
phản loạn, chống lại Rôma.
Nhưng Philatô nhận ra ngay là: nếu
Đức Giêsu là kẻ đứng về phía người
Do Thái để chống lại Rôma, thì họ đã
chẳng nộp Ngài cho ông. Vì thế, câu ông
hỏi Chúa Giêsu chỉ hỏi cho có lệ, chứ ông ta
đã biết Ngài vô tội, và chỉ vì ghen ghét mà dân chúng
nộp Ngài cho ông. Nhưng cũng chính nhờ ông ta
hỏi điều ấy mà chúng ta được mạc
khải một chân lý quan trọng: Đức Giêsu chính là
vua. Nhưng Ngài không phải là vua của
một nước trần gian. Chính Ngài xác nhận:
«Tôi được sinh ra để làm vua». Thật vậy,
có những dấu hiệu báo trước điều
ấy: chẳng hạn, khi Đức Giêsu vừa sinh ra,
đã có ngôi sao lạ ở phương Đông báo tin cho các
vị đạo sĩ đến chiêm bái Ngài như
một vị vua mới sinh (x. Mt 2,2).
Ngài đã được tung hô như một vị vua khi
vào thành Giêrusalem (x. Mt 21,4.9).
2. Đức Giêsu là vua
Nếu Đức Giêsu
không phải là vua của một nước trần gian,
thì nước của Ngài ở đâu? Ngài
là vua của ai?
Làm vua có thể có nhiều cách, không
nhất thiết cứ phải có đất đai,
lãnh thổ, có quân đội, triều đình… mới là
vua. Người ta vẫn nói: «vua dầu lửa», «vua xe
hơi», «vua bóng đá», v. v… mặc dù những ông vua này không
có quân đội, không cai trị ai.
Đức Giêsu không những làm vua hiểu theo
nghĩa bóng, mà đích thực Ngài là vua hiểu theo nghĩa
đen, nghĩa chính thức của từ «vua».
Trước hết, Ngài là vua, vua
của cả vũ trụ, của cả trần gian,
của cả nhân loại, vì Ngài chính là Ngôi Lời, một
trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn
vật trong vũ trụ. Thánh Kinh viết: «Nhờ Ngài,
vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì
chẳng có gì được tạo thành» (Ga 1,3;
xem 1,10). Ngài là vua của thế giới, nên đến ngày
chung cuộc, chính Ngài sẽ là người đến phán
xét trần gian với tư cách một vị vua (Mt 25,34).
Thế gian này có nhiều
nước, mỗi nước có một ông vua. Nhưng Ngài là vua cả thế gian, cả vũ
trụ, nên Ngài là Vua trên hết các vua, là Vua của muôn vua.
3. Ngài thống trị bằng
tình yêu
Đức Kitô là vua.
Nhưng Ngài khác với các vua khác ở chỗ: để cai trị, các vua khác dùng quyền lực, còn
Ngài dùng tình thương. Thật vậy, Ngài yêu
thương mọi người, mọi con dân của Ngài
như người mục tử tốt lành yêu
thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng
con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì
lợi ích của chiên (xem Ga 10,11-16). Ngài
hành xử như thế vì Ngài là Thiên Chúa, mà «Thiên Chúa là tình
yêu» (1 Ga 4,8). Trong thực tế, Ngài
đã hy sinh chết trên thập giá một cách khổ
nhục để cứu nhân loại, là con dân
được Thiên Chúa trao cho Ngài quyền cai
trị.
4. Đức Giêsu là vua các tâm
hồn
Đức Giêsu không
chỉ là vua vũ trụ, vua của cả trần gian, mà
Ngài còn là vua của tâm hồn mỗi người. Vì
yêu thương, vị vua ấy ngự ngay trong thâm cung tâm
hồn của mỗi người để sẵn sàng thi
ân giáng phúc, ban sức mạnh, thánh hóa, làm cho họ ngày càng
tốt đẹp, mạnh mẽ và hạnh phúc hơn. Tuy
nhiên, Ngài có làm được điều đó hay không còn
tùy thuộc vào sự tự do chấp nhận và sự
tự nguyện cộng tác của chúng ta. Ngài
sẽ không làm được gì cho chúng ta nếu chúng ta
không muốn Ngài làm, hoặc nếu chúng ta hoàn toàn thụ
động không cộng tác gì vào công việc mà Ngài muốn
làm cho ta.
Để Ngài có thể hành động
biến đổi con ta nên tốt đẹp, mạnh
mẽ, thánh thiện hơn, ta cần tôn Ngài làm vua tâm
hồn mình, bằng cách:
– Trước tiên, phải thường
xuyên ý thức về sự hiện diện của Ngài
ở trong ta.
– Kế đến là ý thức rằng
Ngài là tình thương, Ngài yêu thương ta hơn tất
cả mọi người, và sẵn sàng làm tất cả
những gì ta cần cho sự phát triển và hạnh phúc
của ta.
– Đồng thời ý
thức Ngài là sức mạnh toàn năng, có thể thực
hiện tất cả những gì Ngài muốn nơi ta.
– Vì thế, ta nhường quyền làm
chủ bản thân ta cho Ngài, để Ngài hoàn toàn làm
chủ bản thân ta. Ta không còn hành động theo ý riêng ta nữa, mà hoàn toàn hành xử theo ý
của Ngài.
– Vì Ngài yêu thương ta, sáng suốt và
khôn ngoan hơn ta rất nhiều, lại có khả năng
làm tất cả những gì Ngài muốn, nên ta hãy hoàn toàn phó
thác vận mệnh của ta cho Ngài.
– Và cuối cùng là luôn luôn sống trong
bình an, hạnh phúc của một người
được Đức Kitô yêu thương và phù trợ.
Hãy hưởng niềm hạnh phúc của
một người được Vua của cả
trần gian này yêu thương và quan tâm săn sóc. Hãy
tin tưởng và luôn luôn an tâm rằng nhờ quyền
năng của Ngài, tất cả những gì xảy
đến cho ta đều hết sức có lợi,
đều trở nên vô cùng tốt đẹp cho ta, cho dù
hiện nay ta chưa hiểu rõ: «Thiên Chúa làm cho mọi
sự phối hợp lại thành ích lợi cho những ai
yêu mến Người» (Rm 8,28).
Nắm vững điều đó, ta
sẽ thấy có Đức Kitô ngự trong tâm hồn mình
là như có được một «cây đèn thần» trong tay, một «bùa hộ mạng» an toàn, một
«vị thần bảo trợ» hữu hiệu, một
«người tình chung thủy» luôn luôn ở với ta
suốt cuộc đời. Lúc đó ta sẽ sung
sướng cảm nghiệm được như thánh
Phaolô: «Tôi làm được tất cả mọi sự
nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4,13).
CẦU
NGUYỆN
Lạy Đức Kitô, Chúa
là Vua của vũ trụ, của nhân loại, và nhất là
của tâm hồn con. Con xin phó thác tất cả
mọi sự của con trong tay Chúa:
mạng sống, tình yêu, hạnh phúc, ý muốn, khát
vọng, những người thân yêu của con, hiện
tại cũng như tương lai của con, v. v… Con xin
phó thác cho Chúa tất cả, và hoàn toàn để Chúa
quyết định mọi sự theo ý
muốn của Chúa. Xin hãy giúp con ngày càng tin vững vào tình
yêu và quyền năng của Chúa hơn. Amen.
|