Chúng ta vừa
khởi sự Năm Đức Tin. Năm Đức Tin được chuẩn bị khá chu đáo,
riêng đối với Hội Thánh Việt Nam chúng ta còn được hưởng sự chu
đáo đó nhiều hơn nữa, từ các tài liệu hướng dẫn đến các thực
hiện việc cử hành, các chủ đề học tập, suy niệm và sống hàng
tháng, tất cả được biên soạn công phu, ấn hành và phổ biến. Hệ
thống phổ biến thì không đâu bằng, từ Giáo Phận về đến Giáo Hạt,
Giáo Xứ, Giáo Họ hay các Xóm Giáo, rồi đến tận tay từng người
tín hữu. Một hệ thống phân phối mạch lạc, chắc chắn, hiệu quả và
nhanh nhất.
Về mặt lễ nghi hẳn khó có tổ chức nào “qua mặt”
được Giáo Hội Công Giáo, các nghi lễ khai mạc được long trọng tổ
chức từ cấp lớn đến cấp nhỏ, thứ tự lớp lang đáng nể phục, các
lời dạy bảo xuyến suốt, những chỉ dẫn được thi hành cẩn thận,
các biểu ngữ cũng như logo được thực hiện nghiêm chỉnh. Năm Đức
Tin đã khởi sự !
Chúng ta hài
lòng và tự hào về tổ chức, nhưng điều chúng ta băn khoăn là sống
Năm Đức Tin ra sao. Chúng ta rất nhiệt tình hưởng ứng mọi sự
kiện do Giáo Hội đưa ra, nhưng hình như chúng ta thiếu đào sâu,
tìm tòi và sống điều Giáo Hội muốn.
Xin có một
thí dụ. Năm xưa chúng ta hưởng ứng Tông Huấn “Giáo Hội tại Á
Châu” ( Ecclesia in Asia ) của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
( ban hành tại New Delhi, Ấn Độ ngày 6.11.1999 ). Tông Huấn này
là kết quả của Hội Nghị đặc biệt Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Á
họp tại Vatican từ ngày 18.4 đến 14.5, chuẩn bị cho Giáo Hội
Châu Á bước vào thiên niên kỷ mới. Sau khi Tông Huấn được ban
hành, chúng ta tổ chức học tập khắp nơi, nơi nào cũng rộn ràng
đề tài này. Thế rồi thời gian trôi qua, hầu hết không còn ai
nhắc lại những gì Tông Huấn đề cập, những chỉ đạo mang tính
chiến lược cho Châu Á vào thiên niên kỷ thứ ba hình như đi vào…
quên lãng !
Có những nỗ
lực của nhiều người, của nhiều nhóm, không chỉ học nhưng cố gắng
ứng dụng và tìm kiếm thể hiện, nhưng nói chung, đẩy lên để thực
hiện một cuộc biến đổi thì… không thấy, chỉ thấy lẻ loi những
ngôi sao mờ nhạt cô đơn trên bầu trời. Các Dòng Tu sau khi tổ
chức học hỏi hăng hái, Tông Huấn được xếp vào góc tủ thư viện,
có lẽ đã đóng bụi từ lâu.
Những đề tài
nóng bỏng trong Tông Huấn như: người nghèo, môi trường, nợ nước
ngoài, phẩm giá con người, giáo dục, chia sẻ những hy vọng và
đau khổ v.v… đối với phần đông chúng ta lạ lùng như những lãnh
vực chưa bao giờ được nghe nói đến, hoặc có nói đến thì nho nhỏ
thôi vì… nhạy cảm. Có những lãnh vưc vì hoàn cảnh đất nước chúng
ta vừa tiếp cận như: Tin Mừng Sự Sống, Học Thuyết Xã Hội của
Giáo Hội, Truyền Thông Xã Hội v.v… mới chỉ là tiếp cận vấn đề,
cho dù thực tại xã hội đã rất băn khoăn trăn trở từ lâu…
Tuy nhiên,
sau Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, phải công nhận rằng Giáo Hội
Hàn Quốc lại đã thay đổi một cách lạ lùng, từ con số 5% dân số
là tín đồ Công Giáo, năm 2011 đã là 11,5%, và họ đã dám đặt chỉ
tiêu 20 – 20, nghĩa là đến năm 2020 số tín đồ Công Giáo sẽ là
20% ! Điều gì làm nên sự kỳ diệu này ? Điều gì làm nên sự tự tin
này ?
Làm sao có
thể chuyển đổi để thực hiện một cuộc vươn mình như Giáo Hội anh
em Hàn Quốc ? Hiện tượng Hàn Quốc đang ảnh hưởng mạnh mẽ vào
sinh hoạt của giới trẻ, vậy cuộc lớn lên của Giáo Hội Hàn Quốc
có ảnh hưởng gì đến Giáo Hội Việt Nam chúng ta hay không ? Cần
phải có những cuộc nghiên cứu nghiêm túc về sự phát triển của
Giáo Hội anh em, một Giáo Hội “hàng xóm”, đồng cảnh ngộ với
chúng ta ở phía Đông của lục địa rộng lớn và bí hiểm này.
Những cái chúng ta có: lễ nghi rầm rộ, phát động
học tập cùng khắp, cờ xí rợp trời, trống chiêng inh ỏi, biểu
ngữ, biểu tượng v.v… là những ưu điểm cần phải tiếp tục duy trì
và phát triển, nhưng quá khứ đã chứng minh hiệu quả chỉ có thế,
và chỉ đến thế mà thôi. Vậy phải cùng với cái đang có, ta cần
phải có một cái gì khác để làm mới chính chúng ta, để tạo sự
vươn mình như anh em chúng ta đã vươn mình.
Mong lắm
thay, Năm Đức Tin là cơ hội để chúng ta chuyển động và nhập cuộc
!
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 11.11.2012 (Ephata 535)
|