CHÚA NHẬT 33
THƯỜNG NIÊN NĂM B
Theo
truyền thống, thời gian cuối năm phụng vụ, Hội Thánh vừa nhắc
nhở con cái mình về thời cuối cùng của đời người, vừa nhắc nhở
về ngày cánh chung của thế giới.
Đặc
biệt, cánh chung của thế giới, cũng là ngày cùng tận và chấm dứt
lịch sử vũ trụ. Tiếng nói cuối cùng của lịch sử là chính Thiên
Chúa.Người là chủ của lịch sử.Người đưa lịch sử vào triều nguyên
vĩnh cửu.Người làm cho mọi loài, mọi vật quy phục Người. Người
thu về một mối, do chính Người làm chủ tể. Thiên Chúa cho thấy
sự toàn thắng của ơn cứu độ trong ngày mọi sự, mọi loài được thu
phục trong Nước đời đời của Người.
Trong
Tin Mừng Chúa nhật XXXIII thường niên năm B, Chúa Giêsu nói về
ngày ấy, ngày cánh chung, ngày cùng tận của thế giới, ngày mà
mọi sự quy phục Thiên Chúa. Chúa không dùng cung giọng giận dữ
hay đe dọa để gây hoang mang, sợ hãi, nhưng với lời lẽ chân
thành, Chúa dẫn người nghe đến thái độ phải biết chuẩn bị sẵn
sàng để đón nhận ngày cùng tận ấy. Chúa báo trước, con người
phải đối diện với những thử thách và là những thử thách lớn chưa
từng thấy: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời
sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời
rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển”.
Trước
mọi thử thách lớn lao ấy, con người cần có đức tin kiên cường để
vượt qua. Chính đức tin sẽ giúp con người vững một niềm hy vọng
và cậy trông vào ơn cứu độ của Chúa. Chính sự vững vàng trong
đức tin và trọn một niềm cậy trông, sẽ là bảo chứng cho thấy họ
thực là môn đệ của Chúa Kitô, xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ của
Thiên Chúa.Chính trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi họ là “những
kẻ được tuyển chọn”. Họ sẽ được vinh thăng và sẽ hạnh phúc vì
được quy tụ về cùng Thiên Chúa: “Bấy giờ Người sẽ sai các
thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ
khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất”.
Như vậy,
trong ngày cùng tận của thế giới, Chúa Giêsu là tác nhân chính
điều khiển mọi sự.Vì thế, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tha thứ
và đã giải thoát nhân loại khỏi ách tội lỗi khốn cùng.Người sẽ
dẫn tất cả chúng ta tiến về vĩnh cửu với Người. Bởi chính trong
đoạn Tin Mừng (Mc 13, 24-32), Chúa Giêsu không hề nói đến bất cứ
một nhân vật nào khác, nhưng Người chỉ khẳng định về chính mình:“Thiên
hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và
vinh quang”, hay “Các con hãy biết là Người đã tới gần
ngoài cửa rồi”.
Nhưng ngày
cùng tận của thế giới còn được gọi là “ngày của Chúa”.Vậy “ngày
của Chúa” không là ngày của Thiên Chúa mà chỉ là ngày của Chúa
Giêsu thôi sao? Thật ra, khi nói “Con Người ngự đến trên đám
mây với đầy quyền năng và vinh quang”, thánh Marcô không có
ý tưởng “mây” như là xa giá đưa Con Người đến. Nhưng cùng với
những lời: “quyền năng và vinh quang”, hình ảnh “mây” có ý nhấn
mạnh đến tính cách “hiển linh” của việc Người đến: Con Người sẽ
đến với Thần Tính, đến trong uy quyền của Thần Tính. Người làm
cho ngày thế tận trở thành “ngày của Thiên Chúa đến trong Con
Người và nhờ Con Người”.
Mọi tín hữu
đều tin vững vàng sẽ có một ngày cánh chung để đưa mọi loài, mọi
sự về quy phục một mối trong Thiên Chúa. Niềm tin này chắc chắn,
và sẽ không bao giờ lay chuyển trong chúng ta. Nhưng ngày đó là
ngày nào?Chúng ta không thể biết. Chính Chúa Giêsu khẳng định:
“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù
các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có
mình Cha biết thôi”.
Thực ra, tận
thế lúc nào không quan trọng.Quan trọng trên hết mọi thứ quan
trọng là đời sống của ta. Ta chuẩn bị gì cho ngày kết thúc đời
mình? Ta sẽ trình diện với Chúa trong ngày Người gọi. Nhưng ta
sẽ mang theo gì để trình diện? Hãy nhớ, sống là chuẩn bị cho
ngày ra đi.Chúng ta đang sống.Nhưng chúng ta sẽ ra đi. Ai khôn
ngoan, người đó sẽ luôn tâm niệm: Tôi sống, cũng đồng nghĩa với
việc tôi đang chuẩn bị cho ngày tôi ra đi.
Ta không
hoang mang, không lo lắng về ngày tận thế. Ta cũng không thất
vọng, không u sầu về giờ chết. Thay gì hoang mang hay lo sợ,
thất vọng hay u sầu, ta luyện tập nhân đức để sống như Chúa
muốn. Qua từng ngày sống, ta đào tạo lương tâm thật ngay chính
để sống có nhân, có nghĩa với anh chị em. Ta nỗ lực lo mọi bổn
phận đạo đức, thu tích lối sống công bình, chính trực. Ta luôn
phấn đấu để học tập và sống rập khuôn giáo huấn và Lời của Chúa,
giáo lý chân chính của Hội Thánh. Ngày ngày sống giữa anh chị
em, ta thực hành đức bác ái, chu toàn bổn phận mến Chúa yêu
người cách hết sức tốt đẹp.
Để kết thúc,
ta nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta như một bằng chứng giúp ta sống
thật tốt đời Kitô hữu của mình. Qua đó, ta rút kinh nghiệm cho
việc sống và thực hành đức tin, để chuẩn bị cho ngày cùng tận
của đời mình, khi Chúa gọi ta đến trình diện với Chúa:
Người ta kể,
một lần, một phóng viên thấy Mẹ Têrêsa làm những việc ghê tởm:
cúi mình trước người hấp hối, người phong cùi, người bị lở lói,
hay người bị nhiều căn bệnh khác, ông nói với Mẹ: “Dù có ai cho
tôi một triệu Mỹ kim, tôi cũng không can đảm làm những việc ghê
tởm như vậy”. Mẹ Têrêsa trả lời: “Tôi không làm vì tiền bạc. Tôi
làm vì tôi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa đau khổ nơi anh chị em
tôi”.
Ngày 5 tháng
9 năm 1997, cách đây 5 năm (2012), Mẹ Têrêsa Calcutta, sáng lập
dòng Nữ Thừa sai Bác ái, qua đời trong cảnh khó nghèo giữa các
người nghèo nhất của Calcutta, thành phố đã được liên kết với
tên Mẹ và với sứ mệnh tông đồ của Mẹ.
Gia tài Mẹ để
lại làm một ảnh Thánh giá và một tràng hạt đã bị mòn đi nhiều;
đây là tràng hạt mà Mẹ luôn luôn cầm trong tay, để cầu nguyện,
bất cứ ở nơi nào, bất cứ lúc nào, cả lúc Mẹ gặp các vị lãnh đạo
các quốc gia hay cộng đồng quốc tế, cả lúc Mẹ lãnh giải thưởng
Nobel Hòa Bình năm 1979 tại Stockolm, thủ đô Thụy điển.
Trước khi qua
đời, Mẹ còn xin tháo bỏ đôi dép (sandales) đơn sơ cũ kỹ, để Mẹ
có thể đến trước mặt Chúa không giày, không dép, trong sự khiêm
tốn của một trong các người nghèo khó nhất trên thế giới này.
Mẹ qua đi
trong khó nghèo, nhưng để lại một gia tài thiêng liêng vô giá.
Các người thừa kế gia tài này không phải chỉ là những ai sống
bên cạnh Mẹ và thi hành cũng một sứ mệnh của Mẹ. Các người thừa
kế gia tài của Mẹ có thể nói được là tất cả mọi người, không
phân biệt có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, bởi tất cả chúng
ta, không trừ ai, đều được mời gọi nhìn nhận khuôn mặt Chúa Kitô
nơi dung mạo của tất cả những ai bị đau khổ. Nhân loại đau khổ
kêu cứu và chất vấn lương tâm từng người trong chúng ta…
Nếu sống là
để chuẩn bị cho ngày ra đi, thì ngay từ hôm nay, chúng ta phải
biết chuẩn bị như các thánh đã chuẩn bị bằng cả cuộc đời của họ!
Lm. JB
NGUYỄN MINH HÙNG
|