Sống
chứng nhân.
Truyền
thống Giáo Hội bao giờ cũng quý trọng cái
chết tử đạo của con cái mình, coi cái chết
đó như vừa nói lên lòng can đảm của
người tử đạo, vừa nói lên chiến
thắng của Tin Mừng. Vì thế, khi nâng 117 vị
tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh, Giáo
Hội muốn đưa ra những mẫu gương cho
chúng ta bắt chước. Qua cái chết
khổ nhục, các ngài đã làm chứng cho Đức Kitô
trong những hoàn cảnh giới hạn của mình. Noi gương cái ngài, chúng ta cũng hãy sống làm
chứng cho Đức Kitô trong hoàn cảnh riêng của chúng
ta. Vậy chúng ta phải sống làm chứng
đức tin như thế nào? Tôi nghĩ rằng chúng ta
sẽ làm cho gương mặt cha ông tử đạo
của chúng ta thêm sáng chói, nếu chúng ta biết tích cực
sống tử đạo giữa lòng dân tộc. Đây
không phải chỉ là một công thức đẹp,
một câu nói đưa duyên, nhưng là một lựa
chọn của Giáo Hội, như thư
chung HĐGMVN năm 1980 đã đề ra. Chính
vì thế đối với chúng ta thì đó cũng là
một mệnh lệnh. Chúng ta phải
biến mệnh lệnh trên thành việc làm.
Hiện thời chúng ta đang sống
trên đất nước Việt Nam, cùng với những
người Việt Nam khác, xây dựng một xã
hội Việt Nam tốt đẹp hơn. Đó là thánh ý nhiệm
mầu, làm sao chúng ta dám cưỡng lại, làm sao chúng ta
dám chối từ. Các thánh tử
đạo Việt Nam cũng đã không chạy
trốn hoàn cảnh các ngài phải sống. Xã hội trong đó chúng
ta đang sống. Môi trường trong đó chúng ta
đang làm việc, những con người hằng ngày
chúng ta gặp gỡ trên mọi nẻo đường, có
những điều hay, những cái đẹp, thế
nhưng cũng không thể tránh đi cho hết những
cái chưa hay, những điều còn xấu. Chính vì
thế, vai trò đức tin của chúng ta xuất hiện
như một nhu cầu cần thiết và sứ mệnh
làm chứng của chúng ta trở thành cấp bách. Chính chúng ta phải tự vạch ra cung cách
sống đạo cho chúng ta trong từng thời
điểm, trong từng hoàn cảnh.
Chẳng
hạn nếu môi trường chúng ta sống chưa hoàn
toàn tôn trọng sự thật, thì chúng ta phải sống
sao cho đời thấy rằng chỉ có sự thật
mới giải thoát chúng ta như Tin Mừng đã dạy. Nếu tại những cơ quan chúng ta phục
vụ chưa được chí công vô tư, đầy dãy
chuyện móc ngoặc, tham nhũng hối lộ, thì chúng ta
phải cố sống sao cho siêu thoát, chấp nhận sự
đạm bạc, không màng chi đến việc làm giàu
trên mồ hôi nước mắt của người khác.
Nếu những kẻ có quyền có thế lạm
dụng chỗ đứng mà ức hiếp người
dân, thì chúng ta phải biết tôn trọng và giúp đỡ
những người chung quanh, nhất là những kẻ
bất hạnh và nghèo đói. Nếu chung quanh chúng ta
đời sống lứa đôi bị coi thường,
tình yêu vợ chồng bị hạ xuống hàng trò chơi
tạm bợ, sự sống của con cái, như là
kết quả của tình yêu, bị chối bỏ dễ
dàng, thì đời sống gia đình của chúng ta phải
thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, vợ chồng
thương yêu nhường nhịn lẫn nhau, con cái
được đón nhận như là hồng ân Chúa ban,
sự sống được tôn trọng và yêu
thương. Các khó khăn được
giải quyết bằng niềm tin, bằng cầu
nguyện chứ không phải bằng đấm đá,
bằng đổ vỡ dễ dàng.
Hẳn nhiên không có cuộc sống làm
chứng nào mà không phải thiệt thòi vào thân. Đó là điều làm cho chúng ta lo
ngại nhất, nhưng đó cũng chính là thước
đo mức độ lòng tin của chúng ta vào Giáo Hội.
Để làm chứng cho chân lý, cho tình yêu,
Đức Kitô đã phải trả giá bằng cái chết
trên thập tự. Cho nên gặp phải
khó khăn trong đời sống chứng nhân là chuyện
bình thường, là quy luật của muôn đời.
Bởi vì sống làm chứng là sống tận căn cái
nghịch lý mất mạng để được
mạng, là sống triệt để cái biện chứng
hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi
để làm nẩy sinh nhiều bông hát. Đó
là điều các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm và hơn nữa,
đó là điều chính chúng ta cũng phải làm, nếu
muốn trở nên chứng nhân cho Đức Kitô.
|