CN 1703: ĐỨC MẸ MEDJUGORJE NÓI GÌ VỀ CÁC LINH HỒN LUYỆN NGỤC?
Nguồn: Crownofstars
Đức Mẹ Maria nói gì về các linh hồn ở luyện ngục?
Chúng ta ai cũng muốn tin rằng những người thân yêu và bằng hữu của mình bây giờ đang sống hạnh phúc và bình an với Thiên Chúa trên Thiên Đàng nhưng giáo hội Công giáo dạy trong giáo lý rằng:
“Những ai chết trong tình nghĩa với Chúa nhưng chưa được thanh luyện thì họ có thể được ơn cứu độ nhưng sau khi chết họ phải đến một nơi để được thanh luyện và trở nên thánh thiện cần thiết cho niềm vui của Thiên Đàng.” (GL 1030)
Như vậy nơi thanh luyện đó được gọi là luyện ngục. Có thể chúng ta sẽ xuống đó hay có khi chúng ta được đi thẳng lên Thiên Đàng.
Dù Đức Mẹ Medjugorje nói ít về luyện ngục trong suốt 31 năm mà Mẹ ban thông điệp ở Medjugorje nhưng Mẹ xác nhận sự thật về luyện ngục. Mẹ cũng nói rằng thật là quan trọng khi phải cầu nguyện cho sự thanh tẩy của các đẳng linh hồn ở luyện ngục.
Năm 1982, Đức Mẹ Maria trả lời cho một câu hỏi về luyện ngục như sau:
“Có rất nhiều linh hồn ở luyện ngục. Ở đó cũng có những người đã thánh hiến cho Chúa , tức là các linh mục, các tu sĩ nam nữ. Hãy cầu nguyện cho các ý chỉ của họ, ít nhất là 7 Kinh Lạy Cha, 7 Kinh Kính Mừng, 7 Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính. Mẹ đề nghị các con đọc kinh cho các linh hồn. Có một số đông các linh hồn ở luyện ngục lâu năm vì không ai cầu nguyện cho họ.” (Thông điệp ngày 21 tháng 7 năm 1982)
Một ít lâu sau, Đức Mẹ Maria nhấn mạnh tầm quan trọng của các phép Bí Tích để tránh khỏi luyện ngục. Để trả lời câu hỏi rằng nếu một người làm nhiều điều xấu suốt cuộc đời họ rồi họ xin ơn tha thứ, Đức Mẹ Maria bảo:
“Những ai làm nhiều điều xấu và sự ác trong suốt cuộc đời họ thì họ cũng có thể lên thẳng Thiên Đàng nếu như người ấy xưng tội, ăn năn về những gì mình đã làm, và rước Mình Thánh Chúa vào cuối cuộc đời.” (Thông điệp ngày 24 tháng 7 năm 1982)
Chỉ có một lần trong những thông điệp hàng tuần và hàng tháng mà Đức Mẹ Maria xin lời cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục.
“Các con thân mến, hôm nay Mẹ muốn kêu gọi các con hãy cầu nguyện hàng ngày cho các linh hồn ở luyện ngục. Mỗi linh hồn đều cần lời cầu nguyện và ơn lành cần thiết để có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Hỡi các con thân yêu, bằng cách cầu nguyện cho các linh hồn thì các con có thêm những người cầu bầu sẽ giúp các con trên đường đời và mọi sự ở trần gian không quan trọng cho các con mà chỉ có Thiên Đàng là quan trọng mà các con cần cố gắng vào. Do đó, hỡi các con thân mến, hãy cầu nguyện không ngừng nghỉ để các con có thể giúp đỡ chính mình và cho những người khác có niềm vui. Cám ơn các con đáp lời kêu gọi của Mẹ.” (Thông điệp ngày 6 tháng 11 năm 1986)
Vậy từ những thông điệp này chúng ta có thể gom lại những sự kiện về luyện ngục như sau:
1. Luyện ngục hiện hữu.
2. Nhiều linh hồn vào luyện ngục, ngay cả các linh mục!
3. Cảm giác về thời gian hiện hữu.
4. Các linh hồn ở luyện ngục rất cần những lời cầu nguyện của chúng ta.
5. Các lời cầu nguyện của chúng ta đem niềm vui đến cho các linh hồn ở luyện ngục.
6. Chúng ta có thể thoát khỏi luyện ngục bằng cách lãnh nhận các phép Bí Tích.
7. Bằng cách cầu nguyện cho các linh hồn ở luyện ngục mà chúng ta có thêm những người cầu bầu cho mình.
Trong nhiều thế kỷ qua có nhiều câu chuyện khủng khiếp nói về những phương pháp thanh luyện ở luyện ngục.
Nhưng chúng ta cần quan tâm đến sự dịu dàng và chữa lành của Chúa Giêsu khi nói về luyện ngục và nên nghĩ rằng luyện ngục là một nơi chúng ta dừng chân trên con đường về nhà, một nơi nghỉ ngơi, nơi mà những vết thương và sự đau đớn được chữa lành với thời gian trong quyền năng của tình yêu và lời cầu nguyện. Chúng ta cũng nên nhìn Đức Mẹ Maria như là một nữ y tá dịu dàng xoa dịu những trái tim bị thương của ta với lời cầu bầu và ơn lành của Mẹ.
Một hình ảnh về luyện ngục mà tôi cảm thấy được an ủi là câu chuyện của người Samaritan Nhân Hậu. Ông ta băng bó những vết thương và đổ dầu và rượu rửa sạch các vết thương của một người bị thương đang nằm trên đường đi, và ông ta vác người bị thương vào nơi nhà trọ để được an nghỉ và chữa lành. Ông ta nhờ chủ quán trọ chăm sóc người bịnh cho đến khi ông ta trở lại. Chúa Giêsu là người Samaritan Nhân Hậu, luôn chăm lo cho người bịnh và các linh hồn bị thương cho đến khi họ lành lặn và sẵn sàng trở về nhà.
Kim Hà 10/11/12
|