CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B
(10/28/2012)
I.
DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nếu “con mắt là cửa sổ linh hồn” thì mù lòa là một tai
họa lớn đối với con người vì nó cướp mất khả năng “nhìn thấy” sự vật và khiến
con người phải sống trong tăm tối.
Trong các câu chuyện chữa lành được kể lại trong Phúc
Âm Mác-cô, tường thuật Chúa Giê-su chữa lành người mù ở Giê-ri-khô (Mc
10,46-52) rất đáng được chúng ta suy gẫm, vì không chỉ đơn thuần là truyện chữa
lành thể lý, mà còn là truyện chữa lành tâm linh, gắn liền với ơn gọi đi theo
(làm môn đệ) Chúa Giê-su Ki-tô.
Chúng ta hãy tha thiết nài xin Chúa Giê-su Ki-tô: “Xin
cho con nhìn thấy được” khi đọc lại ba bài Sách Thánh nói chung và bài Tin Mừng
nói riêng của Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm B này.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Bài đọc 1 Gr 31, 7-9
Kẻ đui người què, Ta sẽ an ủi và dẫn
đưa về.
Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia
7 Đức Chúa
phán thế này: “Reo vui lên mừng Gia-cóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân! Nào
loan tin, ca ngợi và công bố: “Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của
Ít-ra-en!” 8 Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại
từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở
cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo. 9 Chúng trở
về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua
con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã. Vì đối với Ít-ra-en, Ta
là một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng.”
Đó là Lời Chúa
Bài đọc 2 Dt 5,1-6
Muôn thuở Con là Thượng Tế theo phẩm trật
Men-ki-xê-đê.
Bài trích thư gửi tín
hữu Do thái
1 Thưa anh
em, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên
làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng
lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. 2 Vị ấy có khả năng cảm thông với
những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; 3
mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải
dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. 4 Không ai tự gán cho mình
vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi. 5
Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã
nói với Người: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con,” 6
như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm
trật Men-ki-xê-đê.”
Đó là Lời Chúa
Bài Tin Mừng Mc 10,46-52
Thưa Thầy xin cho tôi được nhìn thấy.
Tin mừng Chúa Giêsu
Kitô theo thánh Marcô
46 Đức
Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ
và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang
ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47
Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông
Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 48 Nhiều người quát
nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin
dủ lòng thương tôi!” 49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại
đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” 50
Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51
Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi
nhìn thấy được.” 52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu
anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Đó là Lời Chúa
III. CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA
Chân Dung của Thiên Chúa
Bài đọc 1 (Gr 31,7-9) là sấm ngôn của Giê-rê-mi-a
về những kỳ công mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho dân riêng Ít-ra-en, để minh
chứng Chúa là Cha của dân và dân là con của Chúa. Các việc Thiên Chúa làm cho
Ít-ra-en là cho họ hồi hương, là qui tụ họ thành một dân, ủi an khi họ sầu khổ
và hướng dẫn họ từng li từng tí trong cuộc hành trình trần gian của họ.
Qua đoạn Sách Thánh này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa
là Đấng yêu thương, chăm sóc dân riêng của Người như thế nào. Dân riêng của
Thiên Chúa không chỉ là dân Ít-ra-en xưa mà là tất cả những ai đã chịu Phép Rửa
để làm thành Ít-ra-en mới là Hội Thánh Công Giáo.
Bài đọc 2 (Dt 5,4-6) là những lời của Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu
Do Thái, nói về vai trò trung gian, cảm thông, chia sẻ của các thượng tế
trong đời sống tôn giáo của Ít-ra-en. Ðứng đầu và vượt trội trên tất cả các
thượng tế là Chúa Giê-su Ki-tô, Vị Thượng Tế siêu phàm được Thiên Chúa đặt làm
thượng tế từ muôn đời muôn thưở.
Qua đoạn Sách Thánh này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa
là Đấng vì yêu thương, dân riêng của Người nên đã ban Con Một Yêu Dấu của Người
cho nhân loại để Chúa Giê-su trở thành Đấng Trung Gian, Vị Thượng Tế tế lễ thay
cho toàn dân và cảm thông với sự yếu đuối của dân.
Bài Tin Mừng (Mc 10, 46-52) là tường thuật của Thánh Mác-cô về câu truyện Chúa
Giê-su chữa lành người mù ở Giê-ri-khô. Nhiều tình tiết “đối kháng” lý thú chứa
đựng một ý nghĩa sâu sắc. Trước hết anh chàng mù Ba-ti-mê chuyển * từ tư thế
của người ở bên ngoài và bị gạt ra ngoài lề xã hội (ngồi ăn xin bên vệ đường)
đến tư thế của kẻ ở bên trong và của những người đi theo Chúa Giêsu (tức khắc,
anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi).
* và từ tư thế của người mù (thể lý) đến tư thế của kẻ sáng (cả thể lý cả tâm
linh), khi được chữa lành và nhận ra Chúa Giê-su và đi theo Người. Có thể nói
anh chàng mù Ba-ti-mê còn sáng hơn cả hai tông đồ
Gia-cô-bê và Gio-an và mưòi tông đồ kia, vì trước câu hỏi của Chúa Giê-su: “Anh
(các anh) muốn tôi làm gì cho anh (các anh)?” thì hai hai ông Gia-cô-bê
và Gio-an đã không ngần ngại xin: “Xin cho hai anh em chúng con, một
người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh
quang” trong khi anh chàng mù lại chỉ xin: “Thưa Thầy, xin cho
tôi nhìn thấy được.”
Kế đến anh chàng mù Ba-ti-mê không chỉ được gọi đến
gần Chúa Giê-su mà anh còn được (mời) gọi đi theo Người trên con đường cứu thế
của Người: Những từ “GỌI” ["Gọi anh ta lại
đây!" - “Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm,
đứng dậy, Người gọi anh đấy!"] theo các nhà chú giải
Thánh Kinh, không chỉ là “gọi đến” mà còn là và nhất là “gọi di theo”.
Câu truyện chữa lành trở thành câu truyện ƠN GỌI (CALL) làm
môn đệ Chúa Giê-su, tức đi theo Chúa Giê-su trên con đường tiến về
Giê-ru-sa-lem, là con đường Thập Giá Cứu Ðộ (đi trên con đường Người đi).
Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp mà ba bài Sách Thánh dành cho chúng ta hôm nay
là: Thiên Chúa, Chúa Giê-su không chỉ chữa lành khả năng thể lý mà còn
chữa lành và tâm linh, để chúng ta nhận ra Chúa và tiếng GỌI của Người mà đáp
lại tiếng GỌI ấy mà đi theo Người trên con đường cứu nhân độ
thế.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA
NGƯỜI
Sống với Thiên Chúa là Thiên Chúa quan tâm, săn sóc, chữa lành, cảm thông
và mời gọi những ai muôn được Người khai sáng về mặt tâm linh, – như anh chàng
mù Bác-ti-mê trong Phúc âm Mác-cô- để trở thành môn đệ của Con Chúa là Chúa
Ki-tô. Bằng tâm tình cảm tạ, biết ơn, tin cậy, phó thác. Bằng cách đáp lại lời
mời gọi của Chúa.
Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Ðể thực hiện sứ điệp của Lời Chúa hôm nay, chúng ta
hãy kiểm điểm xem tình trạng tâm linh của chúng ta hiện ra sao?
- Nếu chúng ta không còn khả năng nghe tiếng Chúa gọi
và bước theo chân Người thì chúng ta phải chạy đến với Chúa để xin Chúa chữa
lành tâm hồn chúng ta.
- Nếu chúng ta còn khả năng nghe tiếng Chúa gọi thì
hãy nhạy bén trước tiếng gọi của Chúa và mau mắn đáp lại tiếng gọi ấy mà gia
nhập hàng ngũ những kẻ đi theo Chúa Giê-su, dù có phải theo chân Người đi vào
con đường Thập Giá.
(Trích Sống Lời Chúa hôm nay)
|