Ngày 15/09 năm 2012. Đức Giám Mục Giáo Phận Kontum sẽ cử hành lễ kính Đức Mẹ Măng Đen, một địa danh giữa núi rừng trùng điệp cao nguyên. Bức tượng Mẹ Măng Đen hoang sơ như chính cuộc sống của con cái Mẹ giữa những buôn làng ẩn hiện trong rừng sâu. Câu chuyện về pho tượng và lòng sùng kính Đức Mẹ đã thu hút rất nhiều khách hành hương đến với địa danh xa lạ này (http://giaophankontum.com/Lich-Su-Duc-Me-Mang-Den ), càng ngày sự thánh thiêng huyền bí càng đưa người ta đến với sư ủi an của Mẹ nhiều hơn. Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen đã được hình thành, trở nên một trong những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ của cả nước.
Trước khi hình thành trung tâm Đức Mẹ Măng Đen, trong lịch sử Giáo Hôi Việt Nam đã có những địa danh kính Đức Mẹ nổi tiếng, thu hút hàng ngàn tín hữu liên tục kính viếng, đặc biệt vào các ngày lễ về Đức Mẹ trong năm. Kể từ miền Trung trở vào nam chúng ta có :
- Đức Mẹ La Vang ( Tổng Giáo Phận Huế - Tỉnh Quảng Trị),
- Đức Mẹ Trà Kiệu ( Giáo Phận Đà Nẵng -Tỉnh Quảng Nam),
- Đức Mẹ Gềnh Ráng ( Giáo phận Qui Nhơn - Tỉnh Bình Định),
- Đức Mẹ Tà Pao ( Giáo Phận Phan Thiết - Tỉnh Bình Thuận ),
- Đức Mẹ Phù Hộ Lữ khách (Giáo Phận Đà Lạt - Tỉnh Lâm Đồng, đèo Bảo Lộc)
- Đức Mẹ Bãi Dâu ( Giáo Phận Bà Rịa Vũng Tàu - Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu),
- Đức Mẹ Phatima Bình Triệu ( Tổng Giáo Phận Saigon),
- Đức Mẹ Phatima Vĩnh Long ( Giáo Phận Vĩnh Long - Tỉnh Vĩnh Long),
- Đức Mẹ La Mã Bến Tre ( Giáo Phận Vĩnh Long - Tỉnh Bến Tre),
- Đức Mẹ Hòn Chông ( Giáo Phận Long Xuyên - Tỉnh An Giang)
Nhìn vào bản liệt kê tạm trên đây (hy vọng qua bài này có nhiều người sẽ chỉ cho thấy còn những địa danh khác nữa ). Chúng ta nhận thấy mấy điều:
- Tất cả các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ đều xuất phát từ những biến cố lịch sử, người dân đau khổ hoạn nạn kêu cầu Đức Mẹ, Đức Mẹ phù trợ ban ơn và cứu giúp. Kinh nghiệm về sự thánh thiêng lôi kéo người ta đến với địa danh, dần trở nên trung tâm hành hương của mọi người, cho mọi người. Giáo quyền can thiệp vào để hợp thức hóa và thúc đẩy tiến trình xây dựng nhanh hơn, hình như không có trung tâm nào do giáo quyền dựng lên, rồi tuyên bố cho giáo dân đến tham dự.
- Chỉ có các Giáo Phận thuộc miền nam Việt Nam trước đây mới có các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ, các Giáo Phận miền bắc gần như không “xây dựng” được một trung tâm hành hương nào. Chắc chắn không phải vì giáo dân miền bắc không sùng kính Đức Mẹ, có khi ngược lại là đàng khác, cũng không phải là xã hội miền bắc không đau thương nên Đức Mẹ không xuất hiện để cứu vớt, ngược lại là đàng khác, nhưng không một trung tâm nào được hình thành.
Giáo Phận Bùi Chu, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng Giáo Phận, toàn Giáo Phận kéo về đền thánh Phú Nhai như trẩy hội, số lượng lên đến cả trăm ngàn người nhưng vẫn không có đến một trung tâm hành hương kính Đức Mẹ.
Ngôi Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Thái Hà đã được thiết lập trên 80 năm nay, khi chế độ cộng sản chưa có mặt trên đất nước này, truyền thống đi đền của giáo dân miền bắc kiên vững qua bao năm bão táp, người giữ đền (cha già Giuse Vũ Ngọc Bích, CSsR.) vẫn một lòng sắt son. Ngôi đền ấy vẫn vững bền cùng lòng trung trinh với Mẹ.
Xét về thời điểm.
- Địa danh La Vang với biến cố lịch sử năm 1798 đã đi trước Lộ Đức 60 năm . (La Vang : 1798 Lộ Đức : 1858).
- Biến cố ở Trà Kiệu năm 1885 đi trước Fatima ở Bồ Đào Nha 32 năm (Trà Kiệu : 1885, Fatima : 1917)
- Địa danh La Mã Bến Tre với biến cố lịch sử 1950 đã đi trước Mễ Du 31 năm (La Mã Bến Tre : 1950, Mễ Du : 1981).
Về độ chính xác mang tính lịch sử thì chúng ta có hai biến cố, biến cố cuộc bố ráp của Văn Thân ở Trà Kiệu năm 1885 được Đức Mẹ cứu nguy và biến cố lộ hình ở Bền Tre năm 1950 và cũng là sự cứu nguy của Đức Mẹ trong cuộc chiến đạn bom.
Năm nay, 15 tháng 09 năm 2012, Măng Đen xuất hiện trong danh mục các linh địa có dấu ấn tình thương của Mẹ như xác định rằng Đức Maria mẹ từ ái không bỏ rơi dân tộc này, không ngoảnh mặt với những ai biết chạy đến với Mẹ.
Saigon, ngày 08 tháng 09 năm 2012
Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ.
Lm. Vĩnh Sang, dcct.
* Nguồn trích từ tất cả các trang web của các Giáo Phận và các Trung tâm hành hương có liên quan.
Thông báo: Việc chuẩn bị Lễ Mừng Mẹ Sầu Bi Măng Đen
Nguồn: http://giaophankontum.com/Thong-Bao-48_Thong-bao-Viec-chuan-bi-Le-Mung-Me-Sau-Bi-Mang-Den.aspx
Văn phòng Tòa Giám Mục xin thông báo chương trình chuẩn bị Lễ Mừng Mẹ Sầu Bi Măng Đen
THÔNG BÁO
v/v Chuẩn bị Lễ Mừng Mẹ Sầu Bi Măng Đen
Văn Phòng Tòa Giám Mục Kontum xin chuyển tới Quý Cha, Quý tu sĩ cùng toàn thể Gia đình Giáo Phận
thông báo sau đây.
I. Thời gian :
Từ 08g00 sáng thứ bảy, ngày 15.09.2012 đến 16g00 chiều cùng ngày.
II. Địa điểm :
Tại Tượng Đài Đức Mẹ Măng Đen, Xã Dak Long, huyện Kon Plông.
III. Ban tổ chức lễ :
* Trưởng ban : Lm P.Nguyễn Vân Đông, Tổng Đại Diện.
* Phó ban 1 : Lm G. Đỗ Hiệu, Quản hạt Hạt Kontum.
* Phó ban 2 : Lm B. Nguyễn Đức Thịnh, Quản nhiệm Trung Tâm.
* Thành viên : Lm P. Nguyễn Đức Hữu, Lm T.Nguyễn Văn Thượng, Lm P. Nguyễn Đức Hoà. Lm L. Nguyễn Hùng Vị, Ô. P. NguyễnThanh Lâm, Ô. Nguyễn Văn Hiền và Ông P. Trương Văn Chương.
IV. Những điều cần lưu ý :
Để ngày lễ ngày 15.09.2012 đuợc tiến triển tốt đẹp về mọi mặt: Đức Giám Mục xin nhắc lại một vài điều với toàn thể anh chị em tham dự, cách riêng Ban Tổ Chức.
4.1. Truớc ngày hành hương:
1. Chuẩn bị tâm linh : Ưu tiên.
Anh chị em hãy hành hường kính Đức Mẹ ngay từ nhà. Bằng kinh nguyện, hy sinh hãm mình, nhất là xét mình kiểm điểm tu sửa đời sống đạo đời và lãnh nhận bí tích hòa giải. Đến với Mẹ với tâm hồn trong trắng và bình an. Món quà quý giá nhất. Có sẵn linh mục trực đón tiếp các hối nhân trong ngày lễ
2. Chuẩn bị mặt bằng lễ đài:
Cần dọn dẹp vệ sinh môi trường và chuẩn bị mặt bằng cho buổi lễ, mong các xứ họ tự nguyện tham gia công việc chuẩn bị này. Mỗi xứ dành cho ít ngày công. Di chuyển, ăn uống hoàn toàn tự túc.
4.2. Ngày hành hương :
1. Ưu tiên hàng đầu :
Tuân thủ luật giao thông và hướng dẫn của Ban Trật Tự (có đeo phù hiệu riêng). Tránh chen lấn làm cản trở giao thông.
2. Vấn đề vệ sinh môi trường :
Không vứt rác, nhưng nhặt rác bỏ vào các thùng/giỏ treo ở các gốc cây. Chú ý đặc biệt vấn đề này.
3. Vấn đề anh chị em ăn xin :
Vấn đề anh chị em ăn mày nằm rải rắc khu hành huơng: rất tế nhị. Tôn trọng nhân phẩm của chính anh chị em, chúng ta không thể “bố thí như bấy lâu nay”. Ban trật tự mời tất cả các anh chị em đó ngối ngay duới chân Mẹ, tham dự thánh lễ. Giúp anh chị em hiểu rằng: tất cả chúng ta đều đến xin Chúa qua bàn tay Mẹ. Các anh chị em đến với Mẹ chắc chắn “đầy tay hơn” là xin khách hành huơng. Vì thế, xin khách hành huơng không bỏ tiền cho bất cứ ai nằm ăn xin như bấy lâu nay. Sau lễ, Ban Tổ Chức sẽ lo phần ăn cho các anh chị em kèm phòng bì quà của Đức Mẹ.
4. 3 Khi tham dự thánh lễ :
1. Những anh chị em ở phần trên gần lễ đài, luôn ngồi để người sau dễ dàng tham dự. Chỉ đứng khi tuyên xưng đức tin, khi dâng Mình Thánh và khi rước lễ.
2. Tham dự phụng vụ :
Chủ yếu hát cộng đồng. Bộ lễ theo dòng nhạc Chú A Ngip. Mỗi dân tộc hát theo ngôn ngữ riêng của mình Bahnar, Jrai và Sêđăng.
3. Rước lễ : Tất cả đứng tại chỗ. Linh mục đưa Mình Thánh đến tận nơi. Muốn rước lễ, xin đứng lên, rồi ngồi xuống ngay để biết còn ai chưa rứơc lễ.
4. Khi lên chào Đức Mẹ sau lễ. Xin theo thứ tự từng người một. Có Ban Trật Tự hướng dẫn cẩn thận.
5. Có 3 loại thùng : * Thùng xin dâng lễ
* Thùng xin khấn
* Thùng xin dâng cúng.
Có các nữ tu đứng cạnh mỗi thùng giúp anh chị em ghi chép phong bì.
Văn Phòng Tòa Giám Mục thông báo.