HÀNH LUẬT
(CN 22 QN. B)
(Nhl
4, 1-2. 6-8; Giac 1, 17-18. 21b-22.27; Mc 7, 1-8a. 14-15.
21-23).
Luật
lệ ghi dấu khả năng phát triển của xã hội loài người. Luật tự nhiên là tiếng
nói trong lương tâm mà Tạo Hóa đã đặt để trong tâm hồn của mỗi người. Từ rất
sớm, khi xã hội loài người hình thành và phát triển, các quốc gia và các tôn
giáo đã có những bộ luật riêng để hướng dẫn mọi người. Con người sống chung
với nhau đã từ từ phát sinh ra nhiều thứ luật lệ để bảo vệ quyền lợi cho nhau
và cho xã hội. Trong đạo Do-thái xưa có bộ luật Torah trong Ngũ Thư
(Pentateuch). Năm cuốn sách đầu trong Kinh Thánh Cựu Ước (Sách Sáng Thế Ký,
Sách Xuất Hành, Sách Lêvi, Sách Dân Số và Sách Đệ Nhị Luật) bao gồm những luật
lệ căn bản của dân Do-thái, hiên nay một số đông các cộng đoàn Do-thái vẫn áp
dụng.
Chúng
ta biết pháp luật là một hệ thống của các qui luật để hướng dẫn con người sống
chung trong xã hội. Luật pháp giúp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa và
xã hội qua nhiều cách khác nhau như một trung gian liên hệ giữa con người. Dân
Luật là hệ thống hợp pháp được qui định bởi tòa án của các quốc gia. Luật này
được sự đồng thuận của các nhà Lập Pháp riêng mỗi quốc gia. Ngoài những luật
riêng của các quốc gia, cộng đồng nhân loại có luật chung quốc tế. Về tôn
giáo, có Giáo luật là những luật lệ đặt ra để hướng dẫn các tín đồ trong đạo
giáo. Các Điều luật về tôn giáo đặt nền tảng trên những khái niệm về niềm tin
trong tôn giáo như Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo….
Sách
Đệ Nhị Luật là cuốn sách thứ năm trong Bộ Ngũ Thư. Người Do-thái và các Kitô
hữu tin rằng sách này bao gồm những luật lệ, bài giảng và hướng dẫn dân
Do-thái bởi ông Môisen trước khi bước vào miền Đất Hứa. Sách Đệ Nhị Luật gồm
ba phần chính: Phần thứ nhất nói về 40 năm ròng rã lữ hành trong sa mạc của
dân Do-thái đã chấm dứt, kêu gọi mọi người tiếp tục tuân giữ các giới răn Chúa
đã truyền dạy: Anh
em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn
ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: "Chỉ
có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!(Đnl 4, 6)
.
Phần thứ hai nhắc nhở người Do-thái đặc biệt tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất
và giữ các lệnh truyền để được sở hữu miền đất mà Chúa sẽ đã hứa ban. Phần ba,
nếu dân bất trung thì sẽ bị tước đoạt phần đất hứa, nhưng khi dân biết ăn năn
sám hối và hoán cải thì mọi sự sẽ được hoàn trả lại. Đây là nguồn an ủi và hy
vọng.
Ngoài
những luật lệ thành văn, xã hội còn nhiều những điều luật riêng tư như tục lệ,
truyền thống, phép tắc, tập tục, thói quen, lệ làng và cả hủ tục… Xã hội càng
văn minh càng có thêm nhiều luật lệ. Luật như những hàng rào để bảo vệ môi
trường an toàn chung quanh và quyền lợi lẫn cho nhau. Luật làm ra để bảo vệ sự
sống và quyền sống của con người. Nếu có những luật lệ đi ngược với những
quyền thiêng liêng, giới hạn hay hủy hoại sự sống của con người, không buộc
lương tâm con người phải chấp hành. Chúng ta còn có một luật có giá trị hơn,
đó là luật lương tâm. Không ai có thể tước đoạt quyền tiếng nói của lương tâm.
Cho dù bị tù đầy, khổ ải, đánh đập và giết chóc cũng không thể áp đặt. Đây là
giá trị tự do cao quí nhất của con người. Mẫu gương của các đấng tử đạo vì
niềm tin, thà chết chứ không chối Chúa, không bỏ đạo và không dẵm đạp lên
thánh giá.
Khi
Chúa Giêsu ra rao giảng, Ngài đã đối diện với xã hội con người với cách sống
và tập tục của tiền nhân qua bao đời để lại. Có những tập tục đã trở thành
thói quen được lặp đi lặp lại mà không mang ý nghĩa nội tâm:
Thật
vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của
tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ
về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như
rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng (Mc 7, 3-4). Các
Luật sĩ ghi chú và áp dụng thật tỉ mỉ những khoản luật này. Họ đặt lên vai dân
chúng những gánh nặng của lề luật. Dựa vào những luật lệ do các luật
gia đặt ra để tìm phạt vạ và bắt bẻ những người phạm lỗi. Các Biệt Phái và
Luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của
tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? (Mc 7, 5). Để trả lời cho họ, Chúa
Giêsu đã đưa họ trở về nguồn là các giới răn của Thiên
Chúa.
Chúa
Giêsu dẫn chúng ta đi vào chính trong tâm hồn, nơi phát sinh điều lành và dữ.
Tâm hồn như tâm địa là nơi được gieo trồng điều thiện cũng như điều ác. Việc
thiện phát xuất từ tâm tốt. Trong cõi tâm có thiện tâm, đạo tâm và chánh tâm.
Cõi tâm có mặt trái là tà tâm, ác tâm, nhẫn tâm và đưa đến khổ tâm. Thiện tâm
sẽ hun đúc điều lành và việc tốt. Chúa Giêsu nhìn thấu tâm hồn con người và
Ngài đã vạch ra những tà tâm từ tận sâu đáy lòng: Vì từ bên trong, từ lòng
người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình,
tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông
cuồng (Mc 7, 21-22). Đúng thế, đôi khi chúng ta đánh giá con người theo sự
xuất hiện hình thức bên ngoài. Chúng ta đâu thấu hiểu được nội tâm sâu kín.
Người ta thường nói: Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho
cùng. Rất nhiều khi chúng ta sống như đóng kịch, đối xử gian dối và sống
giả hình. Bên ngoài thì chăm chăm chú chú nguyện cầu, nhưng trong lòng đầy
những uẩn khúc giận hờn, ghen ghét và thù nghịch.
Chúa
Giêsu phơi bầy sự thật của lòng người, Ngài nói: Tất cả những điều xấu xa
đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế (Mc 7, 23).
Những điều xấu xa là từ bên trong tâm là tham thân si, ý nghĩ, ước muốn,
lời nói và hành động xấu phát xuất ra. Các con ma quái dị rình rập bên cạnh để
kéo lôi chúng ta như tài, sắc, danh, thực và thùy (ngủ). Ngũ dục này giống như
con đẻ nằm sẵn trong tâm, chỉ chờ cơ hội là xuất đầu lộ diện. Chúa Giêsu nhấn
mạnh đến sự thật trong sáng của tâm hồn. Chúng ta phải tu tâm, tu thân và
dưỡng tánh thường xuyên. Như Chúa căn dặn các môn đệ là hãy cầu nguyện luôn để
khỏi sa chước cám dỗ. Phấn đấu với sự yếu đuối của bản thân là một trận chiến
đấu không ngừng.
Thánh
Giacôbê tông đồ khuyên dạy chúng ta: Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói,
và khoan giận vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính
của Thiên Chúa (Giac 1, 19-20). Mau nghe, chậm nói và khoan giận là sự
khôn ngoan. Giacôbê đã chia sẻ những kinh nghiệm sống thật mà chúng ta gặp gỡ
hằng ngày. Sự hài hòa và nhẫn nại luôn là những hoa trái tốt lành cần được đón
nhận và trân quí. Mỗi người chúng ta đều mong cầu có được một cuộc sống hạnh
phúc và an lạc. Chúng ta phải tự cố gắng xây đắp cho chính cuộc đời của mình.
Không gieo thì sẽ không có gặt. Khi chúng ta làm việc lành phúc đức, phúc đức
sẽ báo đáp. Giáo Hội đã giới thiệu cho chúng ta những huấn lệnh, giới răn và
những mối phúc như Mười Điều Răn, thương người có Mười Bốn Mối và Tám Mỗi Phúc
Thật…
Lạy
Chúa, mọi giới luật đều qui tóm về hai giới răn trọng, đó là mến Chúa và yêu
người. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em không phải bằng môi miệng nhưng
bằng chính trái tim cảm mến. Chúng ta có thể làm được mọi việc mà nếu không có
lòng mến, tất cả trở thành vô ích. Chúng ta hãy xin cho hạt giống yêu thương
nẩy nở và sinh hoa kết qủa trong tâm hồn. Thánh Giâcôbê mời gọi: Hãy khiêm
tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn
anh em (Giac 1, 21).
Lm
Giuse Trần Việt Hùng
Bronx,
New York.
|