CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
NHÌN
NGƯỜI
Vẻ hào nhoáng
bề ngoài
Ngày nay, người ta thích chạy theo vẻ hào nhoáng bề
ngoài. Nhiều người đua nhau phô trương sự giàu có của mình. Vì sự giàu
có thường mang lại cho người ta danh giá và lời ca tụng.
Nhưng, “không
phải mọi thứ lấp lánh đều là kim cương”. Nhiều kẻ giàu có đã sống một
cuộc đời vô nghĩa. Có câu: “Người ta ca tụng trước tài năng, nhưng
người ta cúi phục trước lòng nhân”.
Nhiều kẻ sống
chỉ biết đi tìm sự giàu có, nên những ai có thể giúp họ vững bước trên con
đường giàu có, thì họ mới cần quan hệ, ngoài ra, họ chẳng quan tâm đến ai.
Thật không sai khi Malcolm Forbes kết luận: “Bạn có thể dễ dàng đánh giá
tư cách của những người khác thông qua cách mà họ đối xử với những người
không thể làm gì vì họ và cho
họ”.
“Vì
họ” và “cho họ” là thứ “ích kỷ thời
đại”. Là cội nguồn của sự thoái hóa đạo đức con người. Nó làm cho
con người lạnh lùng trước những kẻ thiếu thốn, và ngoảnh mặt trước những kẻ
khốn cùng. Vì họ nghĩ rằng: những người “thiếu thốn và khốn cùng” kia làm
cản trở bước tiến của họ, thậm chí có thể làm cho họ bị thiệt hại và nghèo
đi, khi họ phải đưa bàn tay cứu giúp.
Và, cứ như thế,
tháng năm nối tiếp, họ lo củng cố sự hào nhoáng bề ngoài của họ, còn tâm hồn
của họ thì ngày càng trống rỗng !
LA
FONTAINE để lại câu nói đáng ta suy ngẫm: “Danh giá phần đông chỉ là
bọn hề ở hí trường. Cái bề ngoài của nó chỉ lòe được kẻ ngây ngô thôi”
(Les grands pour la plupart sont masques de théâtre. Leur apparence
impose au vulgaire idolâtre).
Điều cao quý
bên trong
Cái gì ở trong thẳm sâu tâm hồn thì khó thấy, nhưng đó lại
là điều cao quý và bền vững với thời gian. Đó là vẻ đẹp tâm
hồn, mà chỉ có những ai sở hữu một tâm hồn cao đẹp mới “nhìn thấy”
và “hiểu được”. Người ta thường dùng “ngôn ngữ riêng” để diễn tả sự cảm nhận
kỳ diệu ấy qua một thứ “giác quan thiêng liêng” mà không phải ai cũng có
được, như “đôi mắt tâm hồn”, “đôi tai tâm hồn”…
Như câu chuyện về
đại học Stanford, vị hiệu trưởng không thể thấy được “tâm hồn” của hai vợ
chồng Leland Stanford vì chiếc áo vải lanh sọc và bộ com-lê đã sờn chỉ mà họ
mặc đã làm tối mắt vị hiệu trưởng thông minh ấy.
Vấn đề không phải
là vì vị hiệu trưởng không có thời giờ để tiếp khách, mà vì khách chỉ là
những người trông nghèo nàn thiếu học, không có lợi gì khi bỏ công sức và
thời gian để trò chuyện với họ.
Ai đó có vai trò
quan trọng như ông ta thì rõ ràng là không có thời gian để tiếp họ, thế
nhưng ông ghét cay ghét đắng chiếc áo vải lanh sọc và bộ com-lê đã
sờn chỉ cứ phủ đầy bừa bãi căn phòng ở phía ngoài của ông ta.
Trong ánh mắt phàm
phu, biết bao điều còn mờ tối. Lòng kiêu căng tự phụ, chận lối biết bao
người. Nhiều khi ta không nhận ra được “viên ngọc tâm hồn” ở tha nhân, vì ta
quá vội vã, ta tự cho là mình đã thông suốt tất cả. Giống như nhiều thầy tu
tự cho mình là thánh, nên nhìn ai cũng là những kẻ tội đồ.
Chắc các bạn đã
biết câu chuyện “Ngọc bích họ Hòa”:
Nước Sở, có người
họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ
ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hòa là nói
dối, sai chặt chân trái.
Đến khi vua Vũ
Vương nói ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ
ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa là nói dối, sai chặt nốt
chân phải.
Đến khi vua Văn
Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba
ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ
Hòa thưa: “Tôi khóc không phải là thương hại cho chân tôi bị chặt, chỉ
thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn cho
người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là
“Ngọc bích họ Hòa” (Hàn Phi Tử).
Nhìn
người
Có câu: “Con cáo
nó tưởng ai cũng ăn gà như nó”. Vị hiệu trưởng trong câu chuyện không
ngờ trong những con người “nghèo nàn” thế kia lại có thể chứa một “kho tàng”
như thế ! Đúng là “ngọc trong đá” ! Đối với những con người kia, có thể việc
làm của họ chỉ là chuyện “bình thường”, nhưng với vị hiệu trưởng, đó lại là
chuyện “phi thường” vì lòng ông quá “tầm thường”. Vị hiệu trưởng ! Ngạc
nhiên chưa !? Và ngạc nhiên trong sự thẹn thùng.
Khuôn mặt của vị
hiệu trưởng thượt ra đầy bối rối và lúng túng.
Vị hiệu
trưởng đã để vuột mất một cơ hội lớn để phát triển hơn nữa cho đại học
Harvard, nhưng nỗi đau không phải là sự mất mát mà là sự tủi nhục trong tâm
hồn. Khi vị hiệu trưởng thấy mình quá lớn lại là lúc nhận ra mình quá nhỏ,
và bài học hôm nay không phải đến từ bậc quân sư, mà chỉ là từ những con
người xem ra thật bình dị.
Còn sống
ngày nào đừng đoán người qua vẻ mặt. (La
Fontaine)
Nào, ta hãy thận trọng.
Khi “nhìn người” để rồi phê phán và ứng xử, có khi chính lúc ấy lại là lúc
ta để lộ nguyên hình “tâm hồn đầy rong rêu” của ta.
Họ - những người
ta đang tiếp xúc - là những kẻ quá bé mọn hay vì lòng ta quá hẹp hòi. Họ là
những người quá vụng về hay vì lòng ta quá đòi hỏi. Họ là những người quá
thấp hay vì lòng ta quá kiêu căng. Họ là những người quá tội lỗi hay vì ta
tự phong mình là thánh nhân...
Và ta nhìn người, nhìn đời, không vừa ý ta. Không vừa ý ta vì
không có lợi gì cho ta. Không “vì ta, cho ta”. Khi ta muốn tom góp lại là
lúc ta đánh mất tất cả.
Biết bao điều tốt đẹp đến với ta, nhưng ta
đã từ chối vì ta không nhận ra được điều quý giá tiềm ẩn, những điều mà chỉ
có “đôi mắt tâm hồn” ta mới thấy được.
Nếu bạn
cảm thấy sao đời mình u ám quá, thử coi lại xem cánh cửa sổ tâm hồn mình
thật đã có lau kỹ chưa (La
Rochefoucauld)
|