Đánh giá theo lý lịch.
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng
Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài như một
ngôi sao sáng chói đã lịm tắt, vì ngài xuất thân
từ một gia đình quý tộc, hấp thụ một
nền văn học uyên thâm và đã để lại bao
nhiêu công trình lớn lao cho hậu thế, cho Giáo Hội.
Cơ Mật Viện đã bầu
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lên kế vị. Giáo Hoàng này
xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với hình
dáng mập mạp, quê mùa, chất phát. Người ta
bảo, đây chỉ là vị Giáo Hoàng chuyển tiếp
cho một vị Giáo Hoàng khác có tầm cỡ như vị
tiền nhiệm của ngài. Nhưng có ngờ đâu con
người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui
tươi ấy đã thu hút mọi người. Và
nhất là với Cộng đồng Vatican II mà ngài đã
triệu tập, Giáo Hoàng Gioan XXII đã trở thành một
“siêu sao”của thời đại, trổi vượt
hơn các vị tiền nhiệm của mình.
Đừng
đánh giá con người theo lý lịch, tương tự
như dân làng Nagiraret đã đánh giá Đức Giêsu
Nagiarét: “Nagiarét mà có cái chi hay!”. Thế mà con người làng
Nagiarét ấy là Đấng Cứu Thế môn dân trông
đợi. Tin Mừng hôm nay kể lại: Chúa Giêsu trở
về Nagiarét, quê hương của Ngài, trong tư thế
một vị Ngôn Sứ, một bậc thầy, có các môn
đệ tháp tùng. Ngày Sabbat, Ngài vào Hội đường
đọc Sách Thánh và công bố giáo lý của Ngài. Dân làng
Nagiarét lấy làm ngạc nhiên sững sốt. Họ
hỏi nhau: “Bởi đâu ông ta được như
thế? Ông ta được khôn ngoan như vây nghĩa là
làm sao? Ông ta làm được nhiều phép lạ như
thế nghĩa là gì?”. “Ông ta là ai?”. “Ông ta không phải là chú
thợ mộc trong làng, con của bà Maria, không phải là anh
em họ hàng với các ông Giacôbê, Giôxê, Giuđa và Simon sao? Chị
em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta
sao?”. Họ biết quá rõ lý lịch của Ngài, biết rõ
họ hàng nhà Ngài, nên họ không thể nào để cho khôn
ngoan và quyền năng của Ngài lay chuyển họ. Họ
chẳng nhìn nhận Ngài là ai khác hơn là “chú thợ
mộc trong làng”.
Đấng
Thiên Sai Cứu Thế thì phải xuất thân từ dòng dõi
“trâm anh thế phiệt”, phải là một “trang anh hùng xuất
chúng” đầy uy thế và quyền lực chứ! Còn ông
Giêsu này thì quá nghèo nàn, tầm thường. từ
xuất xứ, lý lịch gia đình đến nghề
nghiệp và địa vị xã hội. Tất cả
đều trở thành “chướng ngại cho họ tin
vào Ngài”. Nói cách khác đi, chưỡng ngại làm cho
những người đồng hương vấp ngã
chính là dáng vẻ đối nghịch giữa con
người bên ngoài của Đức Giêsu và sứ
mạng thần linh bên trong của Chúa. Vì thế, họ
quay lưng lại với Ngài, với cả Thiên Chúa,
Đấng đã sai Ngài, Cái tội lớn nhất của
con người không phải là ngu dốt, không biết,
nhưng thái độ kiêu ngạo, phản loạn,
chống đối Thiên Chúa. Cuộc chống đối
này lên đến tột độ khi con người
đóng đinh Con Thiên Chúa trên thập giá dựng trên Núi
Sọ. Ở đây, Thánh Marcô cho thấy thái độ
của dân làng Nagiarét đối với Chúa Giêsu như thái
độ chung của loài người. Ngài là nạn nhân
của “chủ nghĩa lý lịch”. “Không tiên tri nào không
bị khinh chê nơi quê hương mình, giữa họ hàng
và trong nhà mình”. “Không Ngôn Sứ nào được quí
trọng tại địa phương mình”. Biến
cố này nói lên cái bi đát trong đời Chúa Giêsu: “Ngài
đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng
chịu đón nhận Ngài” (Ga 1,11). Những người
ruột thịt, đồng hương, không muốn
trở thành bà con họ hàng thật của Chúa Giêsu nhờ
lòng tin, không muốn nhìn nhận Ngài là Đấng Thiên Chúa
sai đến. Câu chuyện này còn tiếp nối trong
lịch sử Giáo Hội: dân ngoại đón nhận Tin
Mừng, còn những con cái trong nhà thì lại không chịu
tin vào Ngài. Đó là một kinh nghiệm sống động
của Giáo Hội sơ khai và làm cho mọi người
ngạc nhiên như chính Chúa Giêsu đã phải ngạc nhiên.
Người
đồng hương Nagiarét của Chúa Giêsu hôm nay là ai? Chính
chúng ta là những người đồng hương
mới của Chúa Giêsu. Chúng ta đã trở thành anh em
của Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta. Nhưng
hình như chúng ta lại biết Ngài quá rõ đến độ
chẳng thấy ở nơi Ngài cái gì khác hơn là một
Chúa Giêsu quen thuộc của các lời kinh, các bải
giảng. Người ta nói: “quen quá hoá nhàm”. Chúng ta chẳng
còn nhận ra sự khôn ngoan của Chúa trong Tin Mừng,
quyền năng cứu độ của Chúa trong Giáo
Hội. Chúng ta đi tìm sự khôn ngoan, tìm ơn cứu
độ ở những người khác, ở những
nơi khác. Chúng ta làm như thế Chúa Giêsu cũng chỉ
là “một chú thợ mộc làng Nagiarét”, một
người Do Thái của thế kỷ thứ nhất,
không hơn không kém, chẳng có gì để đem lại
cho chúng ta. Đọc Tin Mừng của Ngài có khi chúng ta
cũng thấy hay, lý thú… nhưng chẳng thấy gì
hơn. “Bụt nhà không thiêng” vẫn là số phận
của Chúa Giêsu phải chịu hôm nay nơi các Kitô hữu.
Tin
Mừng hôm nay mời gọi chúng ta phải xác định
lập trường, thái độ của mình đối
với Đức Kitô. Chúng ta muốn đứng về
phía dân làng Nagiarét hay muốn đứng về phía Chúa Giêsu?
Đừng đánh giá con người theo lý lịch, theo
thành kiến. Thiên Chúa đã đến chia sẻ thân
phận nghèo hèn của con người nơi Đức
Giêsu Kitô, người Nagiarét. Thiên Chúa đã mạc khải
tình thương của Ngài không ở tiền tài và giàu sang
hay chức quyền mà ở trong con người nghèo hèn. Điều
này đã nên cớ vấp phạm cho người Do Thái, cho
người đồng hương với Chúa Giêsu,
nhưng lại mời gọi lòng tin của chúng ta có dám tin
như thế không.
Ở
đây, niềm tin mời gọi người phải
vượt qua dáng vẻ tầm thường bên ngoài
để đạt tới mầu nhiệm thâm sâu bên trong
của Chúa Giêsu. Ngài là Ngôn Sứ tuyệt vời, là Lời
Vĩnh cửu của Thiên Chúa. Ngài đã nói thay Thiên Chúa
để đem đến cho nhân loại Tin Mừng
cứu độ. Với cuộc tử nạn và phục
sinh, Chúa Giêsu đã nói lên tiếng nói cuối cùng của tình
yêu Thiên Chúa đối với con người phản
bội, chống đối Thiên Chúa. Cái chết thập giá
của Con Thiên Chúa không phải là một thất bại,
nhưng là một chiến thắng của tình yêu, là
quyền năng của Thiên Chúa được tỏ
hiện trong sự yếu hèn của con người.
Cảm
tạ Chúa đã cho chúng ta được biết Tin
Mừng cứu độ qua Ngôn Sứ, qua chính Con Một
Thiên Chúa, qua các Tông Đồ, qua Giáo Hội. Nhờ Tin
Mừng này chúng ta được đến với Chúa,
sống với Chúa và hoạt động cho Chúa.