Đổi mới.
Cách
đây 50 ngày, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giêsu Phục
sinh và Chúa nhật trước, lễ Chúa Giêsu lên trời. Hôm nay
chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống và
cũng là lễ kết thúc mùa Phục sinh.
Chính hôm
nay Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Hôm nay Chúa Giêsu Phục
sinh thực hiện lời hứa và ban Thánh Thần cho
chúng ta. Việc Thánh Thần đến vào ngày lễ Ngũ tuần là dấu chỉ Đức
Kitô được tôn vinh, Ngài được ngồi bên hữu
Chúa Cha, được đặt làm “Chúa”. Chúa Thánh Thần
đã được hứa ban, Người tới,
Người hiện diện đó và Người hoạt
động để thực hiện một cuộc đổi
mới, tạo dựng một nhân loại mới. Trong
thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng khám phá lại hoạt động
của Chúa Thánh Thần nơi các tông đồ, về sự
hiện diện và hoạt động của Ngài nơi mỗi
người chúng ta để rồi chúng ta biết sống
theo sự hướng dẫn của
Ngài.
Thời Cựu ước
ngôn sứ Edêkien đã tiên báo là Thần khí sẽ đến
và ban cho con người một tâm hồn mới, một
trái tim mới. Thật vậy, trong bữa
tiệc ly Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại lời hứa
đó và báo trước là Chúa Thánh Thần sẽ đến
trong lòng các tín hữu để soi sáng họ, nhắc nhở
họ những lời của Thiên Chúa, và thanh tẩy họ
bằng cách tha thứ các tội lỗi.
Bài trích
sách Công vụ Tông đồ thuật lại. Vào ngày lễ Ngũ tuần đang khi các tông đồ họp
nhau cầu nguyện thì Thánh Thần đến như một
cơn gió, bất ngờ và không thể cưỡng lại.
Thánh Thần phủ trên cả nhóm tông đồ đang tụ
họp nhưng cũng được ban phát cho từng
người dưới hình lưỡi lửa.
Thánh Thần đã thực
hiện một cuộc biến đổi ngoạn mục
nơi các tông đồ: từ những người nhút nhát, sợ
sệt, chậm hiểu họ đã được biến
đổi thành những người can đảm, xác tín
và dấn thân vào công cuộc rao giảng Tin Mừng của
Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay
thuật lại: Vào chiều ngày Phục sinh Đức
Giêsu đã hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và
nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Hình ảnh “thổi
hơi” gợi lại tác động của Giavê Thiên Chúa,
lúc tạo dựng đã thổi hơi trên Ađam để
ban sự sống. Nhận lấy Thánh Thần
là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa. Vì Thánh Thần là Thần khí, là hơi thở của
Thiên Chúa.
Sự sống mới
mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các tông đồ cũng
là sự sống bởi Thánh Thần. Nhưng đây là Thánh
Thần của Đấng Phục sinh, Thánh Thần của
Đấng đã chiến thắng tử thần, và vì thế,
sự sống đó chính là sự sống đời đời.
Chính Thánh Thần của Đức Giêsu Phục sinh đang
thực hiện một cuộc tạo dựng mới, tạo
dựng một nhân loại mới.Sau khi đã được
giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự
chết, nhân loại mới này đã đón nhận
được sự sống mới, s ự sống đời
đời.
Sự sống mới
này, ngày nay cũng được tiếp tục trao ban cho
các Kitô hữu là những người tin vào Chúa Kitô.
Chúa
Thánh Thần là hơi thở của Chúa Giêsu Phục sinh,
hơi thở ấy Chúa Giêsu Phục sinh chuyển thông cho
Giáo hội để Giáo hội sống chính đời sống
của Người, đời sống làm con cái Thiên Chúa. Qua Bí
tích Rửa tội các Kitô hữu nhận lãnh Chúa Thánh Thần,
được tái sinh trong đời sống mới.
Chúa Thánh Thần tẩy
rửa mỗi tâm hồn khỏi tội lỗi và làm cho trở nên
chi thể của Chúa Kitô và là con cái của Chúa Cha, thánh Gioan
nhấn mạnh tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong mỗi
tâm hồn. Sau khi ban Thánh Thần rồi Chúa Giêsu nói với
các môn đệ: “Các con tha tội cho ai, tội người
ấy được tha”. Ơn tha tội phát xuất từ
sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà Giáo hội
thông ban qua Bí tích Rửa tội và Hòa giải. Chính
qua hai bí tích ấy mà mỗi người được
giao hòa với Thiên Chúa được trở thành một tạo
vật mới để sống một đời sống
mới.
Chúng ta
còn có thể thấy rõ tác động của Chúa Thánh Thần
nơi các Kitô hữu là sự hiệp nhất. Ngày
xưa, tại tháp Babel tội
lỗi chia rẽ loài người làm cho mỗi người
nói một thứ tiếng. Nay Chúa Thánh Thần thiết lập lại
sự hiệp nhất, Thánh Thần mà các Kitô hữu lãnh nhận
qua Bí tích Rửa tội là Thánh Thần đem lại bình an:
bình an của ơn tha thứ và hòa giải. Thật vậy,
hiệu quả đầu tiên của Chúa Thánh Thần chính
là làm cho mọi người tuy khác biệt về màu da chủng
tộc, ngôn ngữ mà vẫn có thể hiểu nhau và hiệp
nhất thành một cộng đoàn.
Lễ Hiện xuống
mà chúng ta cử hành hàng năm không phải là một kỷ
niệm trống rỗng: đây là một ngày lễ đổi
mới chúng ta trong quyền năng và hoạt động của
Thánh Thần, nếu chúng ta đón nhận Ngài. Những gì
Chúa Thánh Thần đã làm nơi các tông đồ xưa kia, bây giờ Ngài cũng thực hiện
nơi chúng ta. Hôm nay khi tưởng niệm lại việc
Đức Kitô Phục sinh đã ban Thánh Thần cho các tông
đồ, chúng ta hãy ý thức là chúng ta cũng đã
được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần nhờ Bí
tích Thanh tẩy và Thêm sức. Nhờ ơn
Thánh Thần, chúng ta chẳng những có sự sống tự
nhiên, mà nhất là sự sống siêu nhiên tức là địa
vị làm con cái Thiên Chúa như Đức Kitô vậy.
Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban Chúa Thánh Thần
cho chúng ta. Cũng như lý trí soi dẫn cuộc đời
bình thường của con người thế nào, thì chúng
ta cũng xin Chúa Thánh Thần, là khôn ngoan, là sức mạnh
và là tình yêu của Thiên Chúa soi sáng, sưởi ấm và củng
cố tâm hồn chúng ta.
Rồi trong cuộc
sống hàng ngày, chúng ta cố gắng sống cho đẹp
lòng Chúa Thánh Thần. Và vì Chúa Thánh Thần là Thần chân lý,
là Thần tình yêu, nên sự cố chấp, sự gian dối,
sự chia rẽ là những điều trực tiếp phản
nghịch với Chúa Thánh Thần. Trái lại, nếu chúng
ta cố gắng sống khiêm nhường, chân thành và bác ái
thì Chúa Thánh Thần sẽ không ngừng ở với ta.
Người sẽ soi sáng chúng ta, dẫn dắt chúng ta dần
dần tiến sâu vào vương quốc của Thiên Chúa,
là vương quốc của tình thương và bình an, bởi
vì hoa trái của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an.
Nói cách khác, Nước Thiên Chúa là đời sống trong
Chúa Thánh Thần với những hậu quả cụ thể
là sự công chính, bình an và hoan lạc trong mỗi tâm hồn
tín hữu cũng như trong các tương quan với nhau.
Một trong những
dấu hiệu cụ thể và rõ ràng nhất về sự
hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần là
tinh thần bác ái và phục vụ cộng đoàn. Trong bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã ví Giáo
hội như là thân mình của Đức Kitô trong đó các
chi thể yêu mến nhau và phục vụ lẫn nhau.
Nếu chúng ta cố gắng thể hiện ra trong đời
sống tinh thần yêu thương, tinh thần phục vụ,
thì chúng ta có thể tin chắc là chúng ta đang để
cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Đó là dấu
hiệu chúng ta là con cái của Thiên Chúa.