Chúa và nguồn sinh khí.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Các
nước và các dân tộc trên thế giới đang
hướng về năm 2000, khởi đầu cho ngàn
năm thứ ba. Các chương trình quốc tế
hay quốc gia đều được hoạch định
nhằm năm 2000 như là tiêu điểm.
Bước vào ngàn
năm thứ ba, điều đó mang ý nghĩa hai ngàn
năm đã qua từ lúc “thời gian đã mãn”, là lúc Ngôi Lời
Thiên Chúa nhập thể làm người, là năm sinh của
Chúa Giêsu Kitô. Lịch sử nhân loại được chia
làm hai giai đoạn: Trước Chúa Giêsu Kitô giáng sinh và
sau Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Nếu có nói về một
công nguyên, thì sự tính toán vẫn quy về lúc Chúa Giêsu Kitô
giáng sinh.
Để chuẩn bị
cho Năm Toàn Xá, Năm Thánh vào năm 2000, Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông thư “Tiến đến
Ngàn Năm Thứ Ba” vào ngày 10.11.1994. Đức Giáo Hoàng
đệ nghị ba năm cuối của thế kỷ
này được hiến dâng cho từng Ngôi trong Ba Ngôi
Thiên Chúa: Năm 1997 hiến dâng cho Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời
Thiên Chúa làm người; năm 1998 cho Chúa Thánh Thần, và
năm 1999 cho Thiên Chúa Cha. Đức Thánh Cha
còn muốn cho các tín hữu học hỏi thông điệp
về Chúa Thánh Thần trong sinh hoạt của Giáo Hội
và thế giới. Thông điệp mang tựa đề:
“Chúa và Nguồn Sinh Khí” trong những năm chuẩn bị
mừng Năm Thánh 2000. Bởi vì, Đức Thánh Cha đã
nói: “Giáo Hội không thể chuẩn bị Ngàn Năm mới
bằng cách nào khác hơn là ở trong Chúa Thánh Thần”.
Thưa anh chị em,
Là “Chúa và là Nguồn
Sinh khí”, Chúa Thánh Thần đã hiện diện và đã
đóng một vai trò tích cực ngay từ khởi thuỷ
lịch sử sáng tạo và cứu độ. Ngay đối
với Chúa Giêsu trong cuộc sống ẩn dật và công
khai, Chúa Thánh Thần luôn tác động trên Ngài, nhất là
trong những biến cố quan trọng, như khi lãnh Phép
Rửa ở sông Giođan, như khi vào sa mạc chịu ma
quỉ cám dỗ , như khi cất
bước rao giảng Tin Mừng khắp các làng mạc ở
Palestin. Nhưng chỉ sau khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng
bằng cái chết và sống lại từ cõi chết, Ngài
mới có thể ban Thánh Thần. Tin Mừng hôm nay cho thấy
vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện
đến, thổi hơi trên các môn đệ và bảo:
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ thổi
hơi trên các môn đệ gợi lại hành động
Thiên Chúa lúc bắt đầu tạo dựng con người.
Thiên Chúa đã thổi vào Ađam hơi thở của sự
sống và con người nên sống động (St 2,7). Cũng có thể, khi Chúa
Giêsu thổi Thánh Thần trên các môn đệ, các ông nhận
được sự sống mới. Thánh
Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống” như
chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Sách Công vụ Tông
đồ còn cho thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống
trên các tông đồ như gió thổi, như lưỡi lửa,
vào chính ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái,
được mừng 50 ngày sau lễ Vượt Qua,
để tưởng nhớ Giao Ước giữa Thiên
Chúa và dân Israel tại núi Sinai. Dịp lễ
này đã quy tụ đông đảo người Do Thái từ
các nước khác nhau trở về Giêrusalem. Chính trong bối cảnh của ngày lễ trọng
đại này mà hoạt động đầu tiên của
Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội được biểu lộ.
Hoạt động đã được biểu
lộ qua các Tông đồ “nói tiếng khác nhau” và “mọi
người thuộc các ngôn ngữ khác nhau đều hiểu
được lời rao giảng của các Tông đồ”.
Ở đây, ân sủng của Chúa Thánh
Thần đã tái lập sự thống nhất ngôn ngữ
đã bị chia rẽ, phân tán tại Tháp Babel khi xưa và
đồng thời nói lên tính cách phổ quát đại
đồng của ơn cứu độ do Chúa Giêsu
đem đến và do Chúa Thánh Thần thực hiện.
Trong thư gửi
tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến
vai trò hiệp nhất của Chúa Thánh Thần: “Trong một
Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy
để làm nên một thân thể, cho dù là Do Thái hay dân ngoại,
nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta đã được
đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”. Nếu chỉ
có Thánh Thần mới làm cho những kẻ tin nói được:
“Đức Giêsu là Chúa”, thì cũng chỉ có Thánh Thần mới
làm cho những con người khác nhau hợp nhất với
nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Vì vậy,
Thánh Phaolô đã kêu gọi chúng ta “hãy nhất trí với nhau
trong lời ăn tiếng nói, và đừng
để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống
hòa thuận, một lòng một ý với nhau”. Bởi vì, giữa
những người cùng thờ một Chúa, cùng tuyên
xưng một niềm tin, cùng lãnh nhận một bí tích,
cùng hy vọng một tương lai Nước Trời, mà
lại chia rẽ nhau, là điều không thể hiểu nổi,
là gương xấu không thể tha thứ được.
Chính vì thế mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt
năm 2000 là tiêu điểm để hoạt động
cho các Kitô hữu của các Giáo Hội anh em được
hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Anh chị em thân mến,
Đời sống
Kitô hữu là một đời sống theo Thánh Thần,
như thánh Phaolô đã nói: “Ai sống theo xác thịt thì
hướng về những điều thuộc về xác
thịt, còn ai sống theo Thánh Thần thì hướng về
những điều thuộc Thánh Thần. Nhưng hướng
theo xác thịt là chết, còn hướng theo Thánh Thần
là sống và bình an” (Rm 8,5-6). Muốn sống
theo Thánh Thần, chúng ta phải nhìn ngắm Chúa Giêsu trong Tin
Mừng, ước muốn nên giống Ngài, để có thể
đi vào trong tình hiếu thảo của Chúa Giêsu, trong cầu
nguyện, trong nghèo khó, tuân phục, trong khiêm tốn, phục
vụ, trong tình huynh đệ, xả kỷ của Chúa
Giêsu đối với mọi người. Hãy sống theo Thánh Thần, như vậy anh em sẽ
không theo những khuynh hướng ích kỷ của xác thịt.
Và đây là hiệu quả của Thánh Thần,
đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ,
lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ.
Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì
hãy để Thánh Thần hướng dẫn đời
ta”. (Gl 5,16.22-25).
Tất cả những
gì giúp thăng tiến đời sống con người, tạo
điều kiện cho mối tương quan huynh đệ
giữa người với người, những gì tạo
nên sự hiệp thông vô biên giới phải là những tiêu
chuẩn cho hành động của chúng ta. Bởi
vì những gì giới hạn hoặc chia rẽ, đều
nghịch với Thánh Thần của Đức Kitô. Thánh Thần luôn chăm lo hiệp nhất Thân Thể
Đức Kitô, duy trì sự hiệp thông và quy tụ mọi
người hiệp nhất với Ngài.